Văn bản pháp luật: Quyết định 89/2006/QĐ-BVHTT

Đinh Quang Ngữ
Toàn quốc
Công báo số 23 & 24 - 11/2006;
Quyết định 89/2006/QĐ-BVHTT
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
07/12/2006
07/11/2006

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Thứ trưởng
2.006
Bộ Văn hoá - Thông tin

Toàn văn

B? VAN HÓA –

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

Về việc ban hành Quy chế xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ

của Bộ Văn hóa - Thông tin

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 201/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học xã hội và nhân văn;

Căn cứ Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa - Thông tin;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa - Thông tin".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ

XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

CỦA BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BVHTT

ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định việc xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ được sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp khoa học của Bộ Văn hóa - Thông tin để công bố tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện trong năm kế hoạch.

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nội dung nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi tắt là nhiệm vụ khoa học và công nghệ) là những vấn đề khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin cần được giải quyết, được tổ chức thực hiện dưới hình thức đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi tắt là đề tài), dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi tắt là dự án), chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi tắt là chương trình).

2. Đề tài có nội dung chủ yếu nghiên cứu về một chủ đề khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa - thông tin, bao gồm các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đề tài khoa học xã hội và nhân văn. Đề tài có thể độc lập hoặc thuộc dự án, chương trình.

3. Dự án có nội dung chủ yếu tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ; áp dụng, thử nghiệm các giải pháp, phương pháp, mô hình quản lý về lĩnh vực văn hóa - thông tin. Dự án bao gồm một nhóm các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm (sau đây gọi tắt là dự án SXTN). Dự án có thể độc lập hoặc thuộc chương trình.

4. Chương trình bao gồm một nhóm các đề tài, dự án, được tập hợp theo một mục đích xác định nhằm thực hiện mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ cụ thể mang tính tổng quát hoặc ứng dụng đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn thuộc ngành văn hóa - thông tin.

Điều 3. Các nguồn hình thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin yêu cầu tổ chức nghiên cứu đề tài, dự án, chương trình theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất.

2. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin và của tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Đề xuất từ các nội dung hợp tác quốc tế.

Điều 4. Căn cứ để đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ ưu tiên, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu của Nhà nước;

2. Chiến lược phát triển văn hóa, chiến lược phát triển thông tin; kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ năm năm và hàng năm của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Điều 5. Yêu cầu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Phù hợp với các căn cứ đã nêu tại Điều 4 Quy chế này. Nội dung các đề tài thuộc dự án hoặc đề tài, dự án thuộc chương trình phải phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của dự án, chương trình;

2. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu không trùng lắp với bất cứ đề tài, dự án, chương trình nào đã và đang thực hiện; mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài hoặc dự án độc lập không thuộc phạm vi nghiên cứu của các dự án hoặc chương trình;

3. Có giá trị khoa học và công nghệ, có tính sáng tạo, tính tiên tiến và tính khả thi;

4. Kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án phải trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra từ thực tiễn hoạt động văn hóa - thông tin, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của ngành văn hóa - thông tin;

5. Đối với dự án SXTN phải được thị trường chấp nhận hoặc có thị trường tiêu thụ sản phẩm của dự án; kinh phí thực hiện dự án SXTN chủ yếu do các tổ chức chủ trì dự án SXTN đảm nhiệm, mức hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học không quá 30% tổng mức đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án SXTN (không tính trang thiết bị, nhà xưởng đã có, tính vào tổng mức kinh phí); phải có xuất xứ từ một trong ba nguồn sau:

5.1. Kết quả của các đề tài thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin đã được Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá, nghiệm thu và kiến nghị ứng dụng;

5.2. Sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin được giải thưởng khoa học công nghệ;

5.3. Kết quả khoa học công nghệ từ nước ngoài thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin đã được các tổ chức có thẩm quyền thẩm định công nhận.

Điều 6. Tiêu chí xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Tiêu chí chung:

1.1. Phù hợp với mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ từng thời kỳ của ngành văn hóa - thông tin; phù hợp với mục tiêu và định hướng ưu tiên trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ năm năm và hàng năm của Bộ Văn hóa - Thông tin;

1.2. Có tác động trực tiếp đến sự phát triển ngành văn hóa - thông tin, và các lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc ngành văn hóa - thông tin;

1.3. Kết quả nghiên cứu của đề tài thuộc dự án hoặc đề tài, dự án thuộc chương trình phải góp phần giải quyết những nội dung xác định để đạt được những mục tiêu đặt ra của dự án hoặc chương trình.

2. Tiêu chí xác định đề tài:

2.1. Các tiêu chí tại khoản 1 Điều này;

2.2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

2.2.1. Ý nghĩa khoa học: Có tính mới, sáng tạo về khoa học và công nghệ;

2.2.2. Ý nghĩa thực tiễn: Trực tiếp hoặc góp phần giải quyết vấn đề cấp bách về lý luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin; đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành văn hóa - thông tin; tạo tiền đề cho việc ra đời những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

2.3. Tính khả thi:

2.3.1. Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ hiện có của ngành, của đất nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng và thời gian thực hiện;

2.3.2. Có khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu thực hiện đề tài;

2.3.3. Có địa chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu.

3. Tiêu chí xác định dự án

3.1. Các tiêu chí tại khoản 1 Điều này;

3.2. Các tiêu chí tại khoản 2 Điều này cho các đề tài thuộc dự án;

3.3. Tiêu chí xác định dự án SXTN

3.3.1. Yêu cầu về công nghệ:

+ Thể hiện sự ổn định và tin cậy của công nghệ; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật thể hiện tính hiệu quả kinh tế; có khả năng thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài; đảm bảo chỉ tiêu về an toàn sức khỏe và môi trường;

+ Thể hiện được tính mới, tính tiên tiến so với công nghệ đang có trong ngành văn hóa - thông tin và ở Việt Nam;

+ Có tác động nâng cao trình độ công nghệ của ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm văn hóa - thông tin khi được ứng dụng rộng rãi.

3.3.2. Khả năng về thị trường:

+ Các ngành kinh tế, xã hội thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa - Thông tin có nhu cầu đối với sản phẩm dự án;

+ Sản phẩm của dự án có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả với sản phẩm cùng loại trên thị trường, thay thế sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài; sản phẩm của dự án có khả năng xuất khẩu.

3.3.3. Hiệu quả kinh tế - xã hội:

+ Sản phẩm của dự án có tác động đến sự phát triển văn hóa - thông tin, tạo ngành nghề mới, tạo thêm việc làm và thu nhập cho cộng đồng;

+ Sản phẩm của dự án không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

3.3.4. Tính khả thi:

+ Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ của các tổ chức chủ trì dự án và trong nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng, thời gian thực hiện;

+ Có khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác nhau đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm; có khả năng liên kết với cơ sở sản xuất, tổ chức khoa học và công nghệ khác để thực hiện dự án;

+ Có thị trường tiêu thụ sản phẩm (có phương án liên kết tiêu thụ, chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm của dự án).

4. Tiêu chí xác định chương trình

4.1. Các tiêu chí tại khoản 1 Điều này;

4.2. Các tiêu chí tại khoản 2, khoản 3 Điều này cho các đề tài, dự án thuộc chương trình.

Chương II

XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Vụ Kế hoạch - Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa - Thông tin có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ.

2. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm xây dựng Danh mục sơ bộ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề xuất việc thành lập và cử các chuyên viên làm thư ký hành chính cho các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Điều 8. Xây dựng Danh mục sơ bộ nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1.1. Hàng năm, trên cơ sở căn cứ nêu tại Điều 4 Quy chế này, Bộ Văn hóa - Thông tin thông báo và thu nhận các đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ dưới hình thức các đề tài, dự án, chương trình trước ngày 30 tháng 6 năm trước năm kế hoạch (các tổ chức khoa học và công nghệ, các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ không thuộc Bộ phải đề xuất thông qua cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin);

1.2. Thông tin đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ghi theo mẫu Phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (Phụ lục số 1a, Phụ lục số 1b).

2. Từ các nguồn hình thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều 3 và căn cứ theo các quy định tại Điều 5 của Quy chế này, Vụ Kế hoạch - Tài chính tập hợp và phân loại đề tài, dự án, chương trình theo nhóm lĩnh vực văn hóa - thông tin để đưa vào biểu Danh mục sơ bộ nhiệm vụ khoa học và công nghệ (Phụ lục số 2).

Điều 9. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Hội đồng) trên cơ sở đề xuất của Vụ Kế hoạch - Tài chính. Các Hội đồng được thành lập theo từng nhóm lĩnh vực văn hóa - thông tin để tư vấn trong việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Thành phần Hội đồng

Hội đồng có từ 7 đến 13 người gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác. Thành viên của Hội đồng phải là các chuyên gia có uy tín, khách quan, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được giao tư vấn. Các thành viên gồm:

- 1/2 là đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin;

- 1/2 là các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ có liên quan.

Thư ký hành chính giúp việc Hội đồng là chuyên viên của Vụ Kế hoạch - Tài chính.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng là phân tích, đánh giá, kiến nghị sơ bộ về mục tiêu, nội dung và kết quả dự kiến của chương trình, dự án, đề tài.

4. Kinh phí cho hoạt động của Hội đồng lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học.

Điều 10. Phương thức, nội dung và kết quả làm việc của Hội đồng

1. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng

1.1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ. Các thành viên Hội đồng thảo luận công khai về nhiệm vụ được giao tư vấn. Các thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình và không tiết lộ về các thông tin làm việc của Hội đồng.

1.2. Phiên họp của Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng (ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo).

1.3. Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp Hội đồng. Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp Hội đồng.

1.4. Tài liệu làm việc của Hội đồng được gửi đến các thành viên Hội đồng ít nhất 3 ngày trước phiên họp Hội đồng.

2. Nội dung và kết quả phiên họp của Hội đồng

2.1. Hội đồng xem xét, phân tích từng đề tài, dự án, chương trình trong Danh mục sơ bộ nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo các tiêu chí nêu tại Điều 6 Quy chế này.

2.2. Hội đồng thảo luận về những đề tài, dự án, chương trình có đủ tiêu chuẩn cần nghiên cứu giải quyết ở cấp Bộ để đề nghị cho phép thực hiện và đề nghị không thực hiện đối với những đề tài, dự án, chương trình không đủ tiêu chuẩn.

2.3. Thành viên Hội đồng đánh giá từng đề tài, dự án, chương trình theo mẫu phiếu quy định (Phụ lục số 3). Phiếu hợp lệ là những phiếu đánh dấu vào 1 trong 2 cột ("đề nghị thực hiện" hoặc "đề nghị không thực hiện") tương ứng ghi trên phiếu.

2.4. Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu gồm 3 thành viên trong đó có 01 Trưởng ban. Kết quả kiểm phiếu được tổng hợp theo biểu mẫu (Phụ lục số 4).

2.5. Những đề tài, dự án, chương trình được Hội đồng "đề nghị thực hiện" phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt đồng ý kiến nghị và số thành viên này bảo đảm không ít hơn 1/2 tổng số thành viên Hội đồng.

2.6. Hội đồng trao đổi, thảo luận, bổ sung hoặc sửa đổi những chi tiết liên quan đến tên, mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến cho từng đề tài, dự án, chương trình đã được Hội đồng nhất trí "đề nghị thực hiện".

2.7. Trường hợp cần thiết Hội đồng sẽ xếp thứ tự ưu tiên của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2.8. Biên bản họp Hội đồng được lập kèm theo Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được Hội đồng thông qua (Phụ lục số 5).

2.9. Hội đồng gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Biên bản làm việc của Hội đồng kèm theo Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ kiến nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt.

Điều 11. Phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Căn cứ kết quả làm việc của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ để giao trực tiếp hoặc thông báo tuyển chọn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Văn hóa - Thông tin (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14975&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận