Văn bản pháp luật: Quyết định 92/2003/QĐ-UB

Nguyễn Quốc Triệu
Hà Nội
STP TP Hà Nội;
Quyết định 92/2003/QĐ-UB
Quyết định
23/08/2003
05/08/2003

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của tổ dân phố

Phó Chủ tịch
2.003
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của tổ dân phố

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 85/2002/QĐ-TTg ngày 28/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn";

Căn cứ Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ Nội vụ về việc Ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Tổ chức và hoạt động của tổ dân phố gồm 5 chương 13 điều.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 25/1998/QĐ-UB ngày 08/8/1998 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố có liên quan; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, thị trấn, xã; Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố thi hành quyết định này./.

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 92/2003/QĐ-UB

ngày 05 tháng 12 năm 2003 của UBND Thành phố Hà Nội)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Tổ dân phố là tổ chức của những hộ gia đình sống liền kề nhau, nơi nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp, nhằm: Phát huy các hình thức hoạt động tự quản trong cộng đồng dân cư và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, quyết định của chính quyền cấp trên; nhiệm vụ của UBND phường, thị trấn giao.

Điều 2. Tổ dân phố được thành lập ở các phường, thị trấn và một số khu đô thị, khu nhà ở tập thể của các cơ quan trên địa bàn xã khi đủ điều kiện;

Tổ dân phố chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND phường, thị trấn (đối với Tổ dân phố ở khu chung cư, khu tập thể trên địa bàn xã thì chịu sự quản lý, chỉ đạo của UBND xã).

Điều 3. Tổ chức tổ dân phố:

1- Việc thành lập tổ dân phố (Bao gồm cả việc chia, tách, sáp nhập, giải thể) do UBND phường, thị trấn lập phương án trình Hội đồng nhân dân cùng cấp. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định thành lập;

2. Tổ dân phố có từ 50 hộ đến 100 hộ, có Tổ trưởng, Tổ phó; tổ dân phố có trên 100 hộ gia đình thì có thêm một Tổ phó. Trường hợp đặc biệt do địa dư khó khăn, có thể thành lập tổ dân phố dưới 50 hộ gia đình (nhưng phải có sự đồng ý của UBND quận, huyện);

3. Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố do toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ trong tổ bầu và được UBND phường, thị trấn ra quyết định công nhận; Nhiệm kỳ là 2 năm.  

Điều 4. Tiêu chuẩn Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố:

1. Phải là người cư trú thực sự ở địa bàn tổ dân phố từ đủ 12 tháng trở lên;

2. Trung thực, bản thân và gia đình gương mẫu về đạo đức, lối sống, được nhân dân trong tổ dân phố tín nhiệm;

3. Có năng lực và phương pháp vận động mọi người thực hiện tốt các công việc của tổ và cấp trên giao;

4. Có trình độ văn hóa tốt nghiệp Trung học cơ sở (cấp II) trở lên;

5. Có đủ sức khỏe và nhiệt tình công tác;

6. Từ 21 tuổi trở lên.

Chương II

NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ, QUYỀN LỢI

CỦA TỔ TRƯỞNG, TỔ PHÓ DÂN PHỐ

Điều 5. Nhiệm vụ của Tổ trưởng dân phố:

1. Tổ chức, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của các cơ quan Nhà nước Trung ương và địa phương;

2. Triệu tập và chủ trì hội nghị tổ dân phố để bàn và tổ chức thực hiện các công việc của tổ dân phố và các nhiệm vụ do UBND phường, thị trấn giao cho;

3. Tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các hộ gia đình và có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực ý kiến, nguyện vọng và những vấn đề có liên quan đến các hộ gia đình trong tổ với UBND phường, thị trấn;

4. Tổ chức nhân dân xây dựng và thực hiện tốt các quy chế, quy ước dân chủ trong tổ;

5. Phối hợp với công an khu vực nắm tình hình nhân khẩu, hộ khẩu và di biến động nhân khẩu, hộ khẩu trong tổ (tạm trú, tạm vắng…); nhắc nhở mọi người thường xuyên nâng cao cảnh giác, ý thức và tinh thần trách nhiệm bảo vệ tài sản công dân, tài sản công cộng trên địa bàn tổ. Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phản ánh kịp thời với công an, UBND phường, thị trấn để có biện pháp xử lý;

6. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân phát triển kinh tế để giảm hộ nghèo trong tổ; kịp thời hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ tổ và các hộ dân trong tổ;

7. Tham gia với UBND phường, thị trấn giáo dục và nhận xét sự tiến bộ đối với các đối tượng trong diện phải quản lý giáo dục tại địa phương, người phạm tội hết hạn tù được tha về nhưng chưa được xóa án, người đang trong thời gian bị quản chế, người đang bị án treo, án cảnh cáo;

8. Phối hợp với các Tổ trưởng tổ dân phố liền kề giải quyết các cong việc có liên quan;

9. Quản lý các loại văn bản, hồ sơ, tài liệu, sổ sách được giao và bàn giao đầy đủ các loại văn bản, hồ sơ, tài liệu, sổ sách cho Tổ trưởng mới khi thôi không làm Tổ trưởng. Biên bản bàn giao phải được Cấp ủy chi bộ chứng kiến và xác nhận;

10. Thực hiện chế độ báo cáo và dự họp giao ban theo quy định của UBND phường, thị trấn.

Điều 6. Mối quan hệ:

1. Tổ trưởng tổ dân phố chịu sự lãnh đạo của Cấp ủy về việc thực hiện những nội dung công tác do Đảng ủy, UBND phường, thị trấn giao; có trách nhiệm phối hợp với Ban công tác Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chi hội đoàn thể, tổ đại biểu HĐND, công an khu vực để thực hiện nhiệm vụ;

2. Tổ phó giúp việc Tổ trưởng và có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Tổ trưởng phân công, Tổ phó thay mặt Tổ trưởng điều hành giải quyết công việc khi Tổ trưởng ủy quyền.

Điều 7. Quyền lợi của Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố:

1. Được cử đi học các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho tổ dân phố; được mời dự kỳ họp HĐND, UBND phường, thị trấn khi bàn về những vấn đề cần thiết có liên quan đến tổ;

2. Được nghe UBND phường, thị trấn thông báo tình hình chung của phường, thị trấn; Được nhận các loại văn bản, tài liệu của các cơ quan Đảng và Nhà nước có liên quan đến hoạt động của tổ dân phố;

3. Được UBND phường, thị trấn tham khảo ý kiến, thông báo kết luận khi giải quyết những vụ việc phát sinh trong tổ dân phố;

4. Được cấp giấy, bút làm việc và hàng tháng được hưởng tiền phụ cấp theo quy định của UBND Thành phố;

5. Được miễn lao động công ích trong thời gian làm nhiệm vụ Tổ trưởng, Tổ phó dân phố (đối với những người trong diện phải tham gia lao động công ích).

Điều 8. Khen thưởng và kỷ luật:

1. Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích, được UBND phường, thị trấn khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng;

2. Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị phê bình, cảnh cáo, miễn nhiệm, bãi nhiện hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chương III

HỘI NGHỊ TỔ DÂN PHỐ

Điều 9. Hội nghị Tổ dân phố được tổ chức ít nhất 6 tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường; thành phần hội nghị là toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ; hội nghị được tiến hành khi có quá nửa cử tri đại diện hộ tham dự để bàn các nội dung sau:

1. Nghe báo cáo của Tổ trưởng tổ dân phố về tình hình hoạt động, tình hình thực hiện nhiệm vụ của tổ trong thời gian qua và phổ biến những nội dung nhiệm vụ trong thời gian tới;

2. Thảo luận góp ý kiến vào báo cáo kết quả công tác, bàn biện pháp thực hiện các quyết định, kế hoạch, thông báo… của UBND phường, thị trấn;

3. Thảo luận và quyết định các công việc liên quan đến hoạt động chung của cộng đồng dân cư trong tổ; xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước của tổ nhằm thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội…

4. Giới thiệu thành viên tham gia Tổ hòa giải, Tiểu ban Bảo vệ dân phố, Tổ giám sát xây dựng công trình sử dụng vốn do nhân dân đóng góp, vốn từ quỹ lao dộng cong ích… để UBND phường, thị trấn quyết định thành lập hoặc công nhận;

5. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố;

6. Nghị quyết của Hội nghị tổ dân phố có giá trị khi có quá nửa số cử tri đại diện hộ trong tổ tán thành và không trái pháp luật.

Chương IV

BẦU, MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM TỔ TRƯỞNG, TỔ PHÓ TỔ DÂN PHỐ

Điều 10. Bầu Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố: 

1. Tổ trưởng tổ dân phố đương nhiệm chủ trì hội nghị tổ dân phố sau khi có thông báo của UBND phường, thị trấn về việc bầu Tổ trưởng, Tổ phó dân phố nhiệm kỳ mới; trường hợp thành lập tổ dân phố mới hoặc bầu lại do miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổ trưởng hoặc Tổ trưởng xin thôi làm nhiệm vụ thì UBND phường, thị trấn triệu tập và chủ trì hội nghị;

2. Căn cứ điều kiện thực tế của tổ, Tổ trưởng tổ dân phố quyết định ngày, giờ, địa điểm tổ chức hội nghị tổ dân phố và báo cáo UBND phường, thị trấn. Chi ủy, Ban công tác MTTQ và thông báo cho các hộ dân trong tổ biết trước ít nhất 10 ngày;

3. Việc bầu Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố được thực hiện theo một trong hai hình thức: biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín; việc chọn hình thức nào do hội nghị tổ dân phố quyết định;

4. Nếu chọn hình thức bỏ phiếu kín thì theo quy trình sau:

Căn cứ tiêu chuẩn Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố, hội nghị đề cử người ứng cử hoặc cử tri trong tổ tự ứng cử chức danh Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố. Sau hội nghị, Tổ trưởng dân phố báo cáo danh sách những người ứng cử chức danh Tổ trưởng, Tổ phó đến UBND phường, thị trấn;

UBND phường, thị trấn chịu trách nhiệm phát hành phiếu bầu cử và mẫu biên bản kiểm phiếu, cử cán bộ tham dự hội nghị bầu cử;

Hội nghị bầu ra Tổ kiểm phiếu có ít nhất 03 thành viên, gồm Tổ trưởng, Thư ký và tổ viên. Tổ kiểm phiếu có nhiệm vụ:

Nhận phiếu bầu và mẫu biên bản kiểm phiếu từ UBND phường, thị trấn;

Phát phiếu bầu, hướng dẫn cách bầu và bỏ phiếu;

Thu và kiểm phiếu bầu;

Viết biên bản kiểm phiếu;

Công bố kết quả kiểm phiếu;

Bàn giao biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu đã niêm phong cho người chủ trì hội nghị.

6. Người trúng cử Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố là người được quá nửa số người tham dự hội nghị biểu quyết tán thành hoặc quá nửa số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu trúng cử cao nhất.

7. Sau hội nghị bầu Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố, người chủ trì hội nghị có trách nhiệm gửi Biên bản hội nghị, Biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu (nếu bỏ phiếu kín) về UBND phường, thị trấn, thời hạn chậm nhất là 3 ngày;

8. Trong vòng 07 ngày nếu không có khiếu nại thì UBND phường, thị trấn ra quyết định công nhận Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố.

Điều 11. Trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm:

UBND phường, thị trấn chủ trì hội nghị cử tri xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố;

Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì hội nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổ phó tổ dân phố. Sau khi hội kết thúc, Tổ trưởng dân phố báo cáo kết quả hội nghị và biên bản về UBND phường, thị trấn;

Trong vòng 07 ngày kể từ khi hội nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm kết thúc, UBND phường, thị trấn có thông báo về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổ trưởng, Tổ phó trên.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. UBND các phường, thị trấn; các xã (có tổ chức tổ dân phố ở khu đô thị, khu tập thể cơ quan); Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 13. Hàng năm, UBND quận ,huyện chỉ đạo UBND các phường, thị trấn tổng kết đánh giá hoạt động của tổ dân phố và gửi báo cáo tổng hợp của các phường, thị trấn thuộc quận, huyện gửi về ban tổ chức chính quyền thành phố để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố./. 


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20234&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận