QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020
_____________________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại tờ trình số 584/TTr-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2009 về việc phê duyệt Đề án Phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển:
- Xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thành một trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và trở thành động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc tổ quốc.
- Thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái – hạt nhân của khu kinh tế mở, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.
- Phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông quốc tế là động lực phát triển chính của thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
2. Mục tiêu phát triển đến năm 2020:
a) Xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh trở thành đô thị loại II biên giới, hiện đại, trung tâm kinh tế, thương mại; là đô thị xanh, thân thiện với môi trường; thực hiện tốt chức năng đảm bảo quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội;
b) Phấn đấu đến năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 60 đến 65 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đến năm 2020 khoảng 11,0 – 12,0%/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 5,0 – 6,0%/năm, khu vực công nghiệp – xây dựng 14,0 – 16,0%/năm và khu vực dịch vụ 12,0 – 14,0%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 14,0%/năm;
c) Đến năm 2020 thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt tiêu chí của đô thị loại II, quy mô dân số năm 2015 khoảng 120 nghìn người; năm 2020 dân số khoảng 175 nghìn người; hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu; các cơ sở sản xuất đều được sử dụng công nghệ sạch, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;
- Thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
3. Nhiệm vụ chủ yếu:
a) Phát triển kinh tế - xã hội:
- Xây dựng để trở thành một trong những trung tâm đầu mối trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa ASEAN – Trung Quốc, Trung Quốc – ASEAN; Trung tâm du lịch lớn của khu vực các tỉnh phía Bắc có khả năng gắn kết được với các địa phương để tạo thành tuyến du lịch động lực của toàn vùng.
- Phát triển kinh tế gắn với xây dựng và phát triển môi trường xã hội với an ninh, quốc phòng, ngăn chặn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và duy trì an ninh biên giới quốc gia.
b) Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị:
- Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông nội đô đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách;
- Xây dựng cầu Bắc Luân 2; hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy (nạo vét các luồng vào cảng Dân Tiến, Mũi Ngọc, Thọ Xuân);
- Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ liên tỉnh: nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ tuyến đường 18 từ cấp V – VI hiện nay lên cấp III miền núi, trong đó, nâng cấp lên đường cấp II đồng bằng đoạn Đông Triều – Móng Cái, đoạn từ Móng Cái – Trà Cổ đi cảng Núi Đỏ (Mũi Ngọc) và nâng lên cấp I đồng bằng đoạn từ km 285 đến km 301; đường cao tốc Mông Dương – Móng Cái dài 104 km, Mông Dương – Vân Đồn – Hải Hà; đường ven biển từ Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, cùng với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng;
- Mở rộng, nâng cấp đường 335 từ Móng Cái đến Mũi Ngọc đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng và đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng; phát triển giao thông đường bộ ra đảo Vĩnh Thực mở ra cơ hội khai thác tiềm năng đất đai sẵn có và các nguồn lợi biển khác.
- Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường dọc biên giới Móng Cái – Bắc Phong Sinh – Hoành Mô – Bắc Cương; xây dựng đường biên ra sát bờ sông biên giới và hệ thống các đường xương cá nối đường biên vào nội địa.
- Nâng cấp tuyến đường nối thành phố với xã Hải Sơn. Xây dựng các tuyến đường giao thông trên đảo Vĩnh Thực; đường liên xóm theo đường giao thông nông thôn.
- Xác định vị trí và bố trí đất đai để xây dựng nhà ga cho các tuyến đường sắt qua thành phố Móng Cái (tuyến Hạ Long – Móng Cái và tuyến từ Phòng Thành của Trung Quốc đi thành phố Hải Phòng);
- Phát triển hệ thống cảng biển và cảng sông theo quy hoạch bao gồm: Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cảng Vạn Gia thành cảng biển tổng hợp, đạt công suất 5-7 triệu tấn hàng hóa/năm; xây dựng và mở rộng các cảng sông và bến tàu thủy; nạo vét đường vào cảng Núi Đỏ (Mũi Ngọc), Dân Tiến và cụm cảng Vạn Ninh; quy hoạch lại hệ thống cảng của sông Ka Long và hệ thống kho bãi;
- Nâng cấp, cải tạo hạ tầng cấp nước khu vực Tây Ka Long đảm bảo nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Xây dựng hệ thống xử lý nước mặt lấy từ hồ Tràng Vinh và hồ Đoàn Tĩnh, đảm bảo công suất cấp nước cho Móng Cái;
- Đến năm 2020, phấn đấu mật độ đường cống thoát nước chính đạt 6,5km/km2; xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp, thu gom và xử lý chất thải rắn;
- Mở rộng nguồn và lưới truyền tải điện, xây dựng hệ thống điện ngầm trong nội thành; mở rộng lưới cấp điện cho các khu công nghiệp mới, tăng cường lưới điện nông thôn, miền núi;
- Đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 100%; đảm bảo đường nội thành rộng từ 2m trở lên và 60% cảnh quan đô thị được chiếu sáng;
- Kiến trúc thành phố phải độc đáo, mở, hiện đại, văn minh, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu phát triển thành phố du lịch đặc sắc, ngành, nghề độc đáo và hội nhập quốc tế;
- Đảm bảo diện tích cây xanh bình quân đầu người trên 10m2 trong toàn thành phố. Xây dựng công viên kết hợp với các dải cây xanh ven đô thị;
- Mở rộng Thành phố phát triển theo các hướng sau phía Tây đến cầu Thính Coóng (Km 15); phía Nam đến đảo Vạn Gia (hai xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực); xã Vạn Ninh, xã Hải Tiến; phía Bắc là các xã Hải Sơn, Bắc Sơn; phía Đông đến Trà Cổ, Bình Ngọc;
- Nghiên cứu cơ cấu sử dụng, phương án khai thác quỹ đất của đảo Vĩnh Thực phục vụ phát triển du lịch biển, đảo cao cấp, có nét độc đáo riêng, cả về cảnh quan, kiến trúc lẫn tổ chức quản lý Thành phố;
- Khu mậu dịch tự do, phi thuế quan ở khu vực đầu cầu Bắc Luân số 2: Trung tâm thương mại, dịch vụ logistic và dịch vụ kho;
- Quy hoạch đất dành riêng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, thống nhất với quy hoạch chung của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển;
4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: có phụ lục kèm theo.
Điều 2. Cơ chế, chính sách
a) Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Thành phố khi thuê đất, mặt nước, ngoài quyền được hưởng các ưu đãi theo quy định đối với việc sử dụng đất, mặt nước còn được giảm giá thuê đất và mặt nước trong 05 năm đầu kể từ khi dự án, công trình bắt đầu hoạt động;
b) Các nhà đầu tư được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà, xưởng đã thuê hoặc mua trong khu vực Thành phố cho các nhà đầu tư khác phù hợp với pháp luật hiện hành;
c) Thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái được áp dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu;
d) Cán bộ có trình độ, năng lực đến Móng Cái làm việc được ưu đãi về lương, nhà ở và các phúc lợi xã hội. Được giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập;
đ) Xây dựng trường đào tạo nghề kể cả trình độ cao đẳng ở một số lĩnh vực như kỹ thuật công nghiệp, thương mại, du lịch, quản lý;
e) Đào tạo kỹ năng kinh doanh cho nhân dân, kiến thức luật, kiến thức về du lịch, tính chuyên nghiệp cho cán bộ, công chức cấp thành phố;
g) Các doanh nghiệp trong Thành phố được thanh toán bằng đồng Việt Nam, đồng bản tệ của nước láng giềng và các ngoại tệ chuyển đổi khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 3. Quản lý hành chính nhà nước đối với thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái
1. Thành phố được thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chung xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
2. Việc cấp thị thực cho người nước ngoài qua cửa khẩu Móng Cái được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện thuận lợi, trong đó ưu tiên diện được cấp thị thực tại cửa khẩu.
3. Lãnh đạo thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái được trao đổi với lãnh đạo thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) để triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế biên giới theo hướng có quy chế chung trên một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh cho hành khách, lưu trú… trên cơ sở phù hợp với pháp luật của mỗi nước.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức thực hiện Đề án; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thành việc lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh căn cứ vào khả năng ngân sách hàng năm để bố trí, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Đề án.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ động áp dụng các biện pháp thích hợp để huy động các nguồn vốn hợp pháp cho việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Thành phố theo Quyết định này.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của Thành phố theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2009.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.