Văn bản pháp luật: Thông tư 18/2013/TT-BTC

Nguyễn Hữu Chí
Toàn quốc
Công báo số 159+160, năm 2013
Thông tư 18/2013/TT-BTC
Thông tư
05/04/2013
20/02/2013

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng

Thứ trưởng
2.013
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu

được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng

________________________

 

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng như sau:

Mục I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng

1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng (sau đây gọi chung là rừng trồng không thành rừng) phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản và trong giai đoạn chăm sóc, bảo vệ rừng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Rừng trồng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước trên diện tích đất được nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng để đầu tư phát triển rừng nhưng không thành rừng do các nguyên nhân bất khả kháng hoặc nguyên nhân khác mà cần phải thanh lý để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng mới hoặc chuyển đổi sang mục đích khác theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Rừng phòng hộ do nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc rừng trên diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng phòng hộ đã giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhưng không thành rừng.

3. Đối với dự án đầu tư phát triển rừng bằng nguồn vốn ODA và dự án do các tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ nhưng không thành rừng mà cần phải thanh lý thì không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Điều 2. Tiêu chí xác định rừng trồng

Tiêu chí xác định rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Xác định nguyên nhân

1. Nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến rừng không có khả năng thành rừng được xác định theo quy định tại Điều 23 Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: động đất, bão lụt, lũ quét, lốc, sóng thần, lở đất; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh; nắng nóng bất thường, hạn hán, sương muối, gió hại; cháy rừng; động vật phá hoại; dịch sâu bệnh, côn trùng phá hại; các thiệt hại khách quan khác.

2. Nguyên nhân khác (không phải là nguyên nhân bất khả kháng nêu tại khoản 1 Điều này) dẫn đến rừng trồng không thành rừng do cơ quan, đơn vị lập hồ sơ thanh lý rừng trồng xác định. Trong trường hợp này, cơ quan lập hồ sơ thanh lý rừng trồng có trách nhiệm làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng xem xét, quyết định.

Điều 4. Nguyên tắc thanh lý rừng trồng

1. Việc thanh lý rừng trồng không thành rừng (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) được thực hiện sau khi có quyết định thanh lý của cấp có thẩm quyền và có phương án sử dụng đất (có dự án đầu tư trồng rừng mới thay thế hoặc chuyển đổi sang mục đích khác phù hợp với quy hoạch sử dụng đất) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với rừng trồng không thành rừng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn giá trị sinh thái ảnh hưởng xấu đến môi trường hoặc đến diện tích rừng trồng còn lại thì sau khi có quyết định thanh lý của cấp có thẩm quyền, Chủ đầu tư tổ chức thực hiện thanh lý ngay mà không phải chờ có phương án sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Giá trị lâm sản tận thu được xác định theo giá thị trường tại thời điểm tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng.

Mục II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng không thành rừng đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý.

1. Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc địa phương quyết định đầu tư do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Trong quá trình đầu tư, chăm sóc và bảo vệ rừng, trường hợp do các yếu tố về đất đai, khí hậu, thời tiết và các nguyên nhân khác dẫn đến rừng trồng không thành rừng mà cần phải thanh lý để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng mới hoặc chuyển đổi sang mục đích khác theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư phải lập đoàn kiểm tra, xác minh hiện trường; trong đó:

a) Thành phần đoàn kiểm tra, xác minh hiện trường bao gồm: đại diện chủ đầu tư; hộ nhận khoán (nếu có); cơ quan có liên quan đến quản lý rừng tại địa phương theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Ban Phòng chống lụt bão, Ban phòng chống cháy rừng, Hạt kiểm lâm, cơ quan tài chính cùng cấp...); Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có rừng trồng và các thành phần khác có liên quan.

b) Biên bản xác minh hiện trường có xác nhận của tất cả các thành viên đoàn kiểm tra gồm các nội dung sau:

- Xác định rõ địa điểm, lô, khoảnh, tiểu khu, loại rừng không thành rừng và nguyên nhân. Trường hợp rừng trồng không thành rừng do các nguyên nhân khác (không phải là nguyên nhân bất khả kháng) thì cần phải làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm.

- Xác định số lượng thiệt hại: diện tích, loài cây trồng, năm trồng, mật độ trồng, mật độ hiện tại, tình hình sinh trưởng; xác định nguyên nhân.

- Ước tính giá trị thiệt hại: Được tính toán theo từng lô, nếu rừng chưa có trữ lượng thì tính toán kinh phí đã đầu tư (trồng, chăm sóc, bảo vệ...) theo số năm đầu tư đã thanh toán cho đối tượng trồng rừng. Đối với rừng đã có trữ lượng thì tính toán khối lượng bị thiệt hại, giá trị thiệt hại theo giá tại thời điểm xảy ra thiệt hại.

- Ước tính giá trị lâm sản tận thu.

- Đề xuất phương thức thanh lý và tận thu lâm sản.

3. Trên cơ sở Biên bản xác minh hiện trường, Chủ đầu tư lập hồ sơ xin thanh lý rừng trồng báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ xin thanh lý rừng trồng gồm:

a) Tờ trình xin thanh lý rừng trồng không thành rừng.

b) Biên bản xác minh hiện trường có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có rừng trồng không thành rừng.

c) Phương án thanh lý rừng trồng gồm có các nội dung sau:

- Vị trí, diện tích rừng trồng đề nghị thanh lý và số vốn đã đầu tư.

- Hình thức thanh lý và thu hồi lâm sản tận thu phù hợp với loại rừng và điều kiện cụ thể tại địa phương nơi có rừng đề nghị thanh lý.

- Dự toán chi phí thanh lý và xử lý lâm sản tận thu (nếu có) khi thực hiện thanh lý rừng trồng.

- Phương án quản lý, sử dụng số tiền thu được từ lâm sản tận thu.

4. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thanh lý rừng trồng của Chủ đầu tư, trong thời hạn 30 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan thẩm định, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thanh lý rừng trồng không thành rừng. Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra xác minh lại trước khi quyết định. Nội dung chủ yếu của quyết định thanh lý rừng trồng không thành rừng gồm:

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có rừng trồng không thành rừng được thanh lý;

- Diện tích rừng trồng không có khả năng thành rừng được thanh lý;

- Phương thức thanh lý rừng trồng không thành rừng và thu hồi lâm sản tận thu;

- Thời điểm tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng;

- Quản lý, sử dụng tiền thu được từ lâm sản tận thu khi thực hiện thanh lý rừng trồng không thành rừng;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

5. Sau khi hoàn thành tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng không thành rừng và tận thu lâm sản, Chủ đầu tư báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng gửi Sở Tài chính kết quả thực hiện và thực hiện ghi giảm tài sản, giá trị tài sản được đầu tư trên đất là diện tích rừng trồng không thành rừng đã thanh lý.

6. Trường hợp chủ đầu tư không đồng thời là chủ rừng (sau khi hoàn thành việc đầu tư trồng rừng, chủ đầu tư bàn giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác quản lý) thì chủ rừng có trách nhiệm theo dõi, báo cáo chủ đầu tư khi phát hiện rừng trồng không thành rừng trong quá trình quản lý, bảo vệ chăm sóc để lập hồ sơ, tổ chức thực hiện thanh lý theo trình tự, thủ tục nêu trên. Sau khi hoàn thành tổ chức thanh lý rừng trồng không thành rừng, chủ rừng thực hiện ghi giảm tài sản, giá trị tài sản là diện tích rừng trồng bằng ngân sách nhà nước được giao quản lý.

7. Trường hợp sau khi đầu tư xây dựng cơ bản, chủ đầu tư bàn giao rừng trồng cho chủ rừng tiếp tục bảo vệ, chăm sóc, quản lý và chủ đâu tư tự giải thể theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì chủ rừng có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thanh lý rừng và tổ chức thực hiện thanh lý theo trình tự, thủ tục nêu trên.

8. Trường hợp thanh lý rừng trồng không thành rừng đối với rừng phòng hộ quy định tại tiết b khoản 2 Điều 1 Thông tư này, Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có rừng thuộc đối tượng được thanh lý thành lập đoàn kiểm tra xác minh hiện trường (trong đó có đại diện của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư), lập hồ sơ xin thanh lý rừng và tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng, tận thu lâm sản theo trình tự, thủ tục nêu trên.

Điều 6. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng không có khả năng thành rừng đối với rừng trồng thuộc trung ương quản lý.

1. Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc trung ương quản lý do cơ quan quyết định đầu tư trồng rừng đó quyết định.

2. Đối với rừng trồng do các Bộ, ngành trung ương quyết định đầu tư trong trường hợp có diện tích rừng trồng không thành rừng thuộc đối tượng phải thanh lý theo quy định của Thông tư này thì chủ đầu tư lập đoàn kiểm tra, xác minh hiện trường. Trong đó:

a) Thành phần đoàn kiểm tra, xác minh hiện trường bao gồm: chủ đầu tư, đại diện của cơ quan quản lý cấp trên, hộ nhận khoán (nếu có), cơ quan có liên quan trong quản lý rừng tại địa phương theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Ban Phòng chống lụt bão, Ban phòng chống cháy rừng, Hạt kiểm lâm, cơ quan tài chính cùng cấp...); Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có rừng trồng.

 b) Nội dung biên bản kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 5Thông tư này.

3. Trên cơ sở Biên bản xác minh hiện trường có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có rừng trồng, Chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị thanh lý rừng trồng báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng. Hồ sơ xin thanh lý rừng trồng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

4. Sau khi nhận được hồ sơ xin thanh lý rừng trồng của Chủ đầu tư, trong thời hạn 30 ngày làm việc, cơ quan quyết định đầu tư trồng rừng có văn bản xin ý kiến Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có rừng trồng đề nghị thanh lý. Sau khi có ý kiến thống nhất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quyết định đầu tư ra quyết định thanh lý rừng trồng. Nội dung quyết định thanh lý tương tự như đối với đối với trường hợp thanh lý rừng trồng thuộc địa phương quản lý quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ, ngành trung ương thành lập đoàn kiểm tra xác minh lại trước khi quyết định.

5. Sau khi hoàn thành tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng và tận thu lâm sản, Chủ đầu tư báo cáo cơ quan quyết định thanh lý rừng đồng gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có rừng được thanh lý kết quả thực hiện và thực hiện ghi giảm tài sản, giá trị tài sản được đầu tư trên đất là diện tích rừng trồng và số tiền đã đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này.

Điều 7. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý rừng trồng

1. Chi phí thanh lý rừng trồng không thành rừng bao gồm chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và tận thu lâm sản; trong đó:

a) Mức chi tổ chức thực hiện thanh lý rừng và tận thu lâm sản thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng không thành rừng quyết định mức chi, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.

b) Trường hợp triển khai ngay dự án trồng mới rừng thay thế do diện tích rừng đã thanh lý thì chi phí chặt bỏ, thu gom lâm sinh không được tính vào chi phí thanh lý mà được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư dự án trồng mới rừng, phần vốn xử lý thực bì trong khâu chuẩn bị đầu tư.

2. Chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu do tổ chức, cá nhân nhận thu mua lâm sản ứng trước và được khấu trừ vào giá trị lâm sản tận thu phải trả cho nhà nước.

3. Trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào đề nghị được thu mua lâm sản tận thu thì chi phí thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu do ngân sách nhà nước địa phương ứng trước để thực hiện đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý và do ngân sách nhà nước giao cho các Bộ, ngành ương có rừng thanh lý ứng trước đối với rừng trồng thuộc trung ương quản lý. Các khoản tạm ứng này được hoàn trả từ nguồn thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu.

4. Trường hợp chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu lớn hơn số tiền thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu thì đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách của địa phương; đối với rừng trồng không thành rừng thuộc các cơ quan trung ương quản lý thì các cơ quan trung ương có rừng thanh lý xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách được giao hàng năm.

5. Cơ quan quyết định thanh lý rừng trồng không thành rừng phê duyệt quyết toán chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu theo quy định.

6. Số tiền thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu sau khi quyết toán hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản đã ứng để chi phí thanh lý theo các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này được phân chia theo chính sách hưởng lợi theo quy định của pháp luật về đầu tư và phát triển rừng. Đối với phần giá trị thuộc về nhà nước thì được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, cụ thể: nộp vào ngân sách trung ương đối với rừng trồng do Bộ, ngành trung ương quản lý; nộp vào ngân sách địa phương đối với rừng trồng do địa phương quản lý.

7. Trường hợp rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không có quy định về chính sách hưởng lợi thì số tiền thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu sau khi quyết toán hoàn trả các khoản đã ứng để chi phí thanh lý theo các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này được nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Mục III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các cơ quan tài chính, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ quan khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý, chủ đầu tư dự án trồng rừng, Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có rừng trồng được thanh lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện việc thanh lý rừng trồng không thành rừng theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Quản lý, xử lý đất trồng rừng và đất sau thanh lý rừng theo quy định của pháp luật về đất đai.

c) Kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp sai phạm hoặc các trường hợp khiếu nại, tố cáo có liên quan đến thanh lý rừng.

2. Bộ, cơ quan trung ương được nhà nước giao trồng rừng có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan thuộc phạm vi quản lý, tổ chức được giao làm chủ đầu tư dự án trồng rừng phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi có rừng trồng được thanh lý thực hiện việc thanh lý rừng trồng không thành rừng theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp sai phạm hoặc các trường hợp khiếu nại, tố cáo có liên quan đến thanh lý rừng.

3. Các Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được giao tổ chức trồng rừng bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này nếu có phát sinh thanh lý rừng trồng thì báo cáo tình hình thực hiện thanh lý rừng trồng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện thanh lý rừng trồng gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 4 hàng năm.

Điều 9. Xử lý tồn tại

Đối với trường hợp rừng trồng không thành rừng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi và đối tượng áp dụng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư này nhưng đến nay chưa thực hiện thanh lý thì thực hiện thanh lý theo quy định tại Thông tư này.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5 tháng 4 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=30358&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận