THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 01/2007/TT-BNN hưóng dẫn thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 – 2010
__________________________
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 và Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định này;
Sau khi thống nhất với Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan về việc giải quyết những vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư số 01/2007/TT - BNN ngày 15/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Phần II như sau:
2. Dự án hỗ trợ thực hiện các nội dung sau:
2.1. Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công
- Tuyên truyền các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả; in ấn, phát hành và phổ biến tới các hộ dân một số quy trình kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi, bảo quản, chế biến nông, lâm sản...;
- Bồi dưỡng, tập huấn, truyền nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng, quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;
- Tổ chức thăm quan, khảo sát học tập kinh nghiệm sản xuất trong và ngoài địa phương;
- Xây dựng mô hình trình diễn về ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
2.2. Hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất
- Mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản;
- Mô hình sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản;
- Mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
2.3. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất (áp dụng với các hộ nghèo)
- Giống vật nuôi: đại gia súc, tiểu gia súc, gia cầm và thuỷ sản; giống cây trồng: cây lương thực, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu...có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của địa phương;
- Phân hoá học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác.
2.4. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị máy móc, công cụ sản xuất và chế biến, bảo quản sản phẩm
- Máy, thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.
- Công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Các địa phương không nhất thiết phải đầu tư thực hiện tất cả các nội dung trên trong một năm, ở cùng một địa bàn; mà có thể lựa chọn trong đó những nội dung thiết thực nhất, phù hợp với định hướng chung của huyện về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và đặc thù của địa bàn, nhu cầu của đồng bào. Tỷ lệ hỗ trợ do UBND tỉnh quy định phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Riêng mức hỗ trợ giống, vật tư chủ yếu cho sản xuất thấp nhất phải bằng 90% giá trị giống, vật tư tại thời điểm thực hiện (căn cứ vào thông báo của Sở Tài chính - Vật giá).
2. Sửa đổi, bổ sung điểm 3.1, khoản 3, Phần II như sau:
3.1. Chủ đầu tư (các phần có quy định liên quan đến chủ dự án của Thông tư 01 đều được thay thế bằng chủ đầu tư): Xã là chủ đầu tư, trường hợp do năng lực cán bộ xã không đảm đương được thì UBND huyện trực tiếp làm chủ đầu tư.
3. Sửa đổi, bổ sung tiêu đề khoản 4 và nội dung điểm 4.1 của khoản 4, Phần II như sau:
4. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư
4.1. Nguồn vốn và thủ tục triển khai
Dự án được thực hiện bằng các nguồn vốn: Vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của Chương trình 135 và các nguồn vốn lồng ghép khác do chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
a. Nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ thực hiện các nội dung: Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công; Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư sản xuất và Hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất.
Thủ tục triển khai gồm: Kế hoạch và dự toán chi tiết do chủ đầu tư lập, được UBND huyện phê duyệt.
b. Nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ thực hiện nội dung mua sắm trang thiết bị máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Thủ tục triển khai gồm: Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, dự toán chi tiết, Văn bản lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị máy móc và hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được UBND huyện phê duyệt.
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật do chủ đầu tư lập hoặc lựa chọn đơn vị tư vấn (nếu chủ đầu tư không tự xây dựng được), gồm các nội dung: sự cần thiết phải đầu tư, các loại máy móc, thiết bị, công cụ cần hỗ trợ, chủ đầu tư, địa điểm, quy mô, thời gian thực hiện, hiệu quả đầu tư và dự toán chi tiết kinh phí thực hiện.
Căn cứ vào nhu cầu kế hoạch sử dụng vốn hàng năm từ cơ sở, cơ quan chủ quản hướng dẫn cơ cấu nguồn vốn thực hiện các nội dung cho phù hợp với thực tế của địa phương và định hướng chung của Nhà nước. Cơ cấu cụ thể do chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Để tránh tình trạng chia bình quân, dàn trải vốn và thúc đẩy các hộ tham gia vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng tới thị trường có hiệu quả thì các chủ đầu tư, khi xây dựng phương án sản xuất hàng năm nên định hướng hỗ trợ vào 1 số sản phẩm chủ yếu, có lợi thế phù hợp với chương trình sản xuất hàng hoá của huyện (nhưng phải trên cơ sở bàn bạc, thống nhất của các hộ dân thuộc đối tượng hưởng lợi trong thôn bản đó).
Về hoá đơn thanh toán: Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp và đối tượng hưởng thụ của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nay thống nhất quy định: Từ năm 2008, đối với vật tư, giống...nếu mua của các công ty, hoặc hộ kinh doanh thì bắt buộc phải có hoá đơn hợp lệ. Trường hợp mua bán trong dân (giữa các hộ nông dân với nhau) thì phải có giấy biên nhận mua bán của hộ, có xác nhận của trưởng thôn và chủ tịch UBND xã và nằm trong khung giá do UBND tỉnh phê duyệt là đủ điều kiện thanh toán.
Kinh phí lập, thẩm định, quản lý, chỉ đạo dự án giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào các quy định hiện hành, xây dựng định mức phù hợp (cho từng nội dung hỗ trợ), trình UBND tỉnh quyết định.
4. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.2, khoản 2, Phần III như sau:
2.2. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Xây dựng mức hỗ trợ cho các chủng loại cây trồng, vật nuôi, máy móc, công cụ phục vụ sản xuất bảo quản, chế biến nông lâm sản và tỷ lệ hỗ trợ tương ứng cho đối tượng 135 chung trên địa bàn tỉnh và riêng cho các vùng đặc thù, trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ cho các chủ đầu tư xây dựng dự toán chi tiết Hàng năm có điều chỉnh cho phù hợp với những biến động của thị trường.
- Xây dựng mức hỗ trợ chi phí thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, quản lý, chỉ đạo thực hiện dự án cho phù hợp trình UBND tỉnh quyết định làm căn cứ tính toán, phân bổ kinh phí trong kế hoạch hàng năm.
- Xây dựng quy trình triển khai thực hiện, quy định các thủ tục phải có của từng bước công việc; các mẫu, biểu (biểu kế hoạch, mẫu báo cáo kinh tế - kỹ thuật …) từ khi bắt đầu khảo sát, lập dự án, tổ chức thực hiện đến nghiệm thu, thanh quyết toán và bàn giao để tập huấn cho các chủ đầu tư thực hiện.
- Hướng dẫn các huyện, xã lập kế hoạch đầu tư, tổng hợp kế hoạch đầu tư, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn chi tiết cho các chủ đầu tư báo cáo Ban Chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh;
- Chỉ đạo, tổng kết, phổ biến và nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn.
- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng và 1 năm về cơ quan thường trực Chương trình135 của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Giao cho Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, các quy định tại Thông tư 01/2007/TT-BNN ngày 15/01/2007 trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề chưa phù hợp, đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoàn thiện./.