THÔNG TUTHÔNG TƯ
Hướng dẫn việc quản lý thuốc chữa bệnh cho người
theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch
Căn cứ Luật phòng, chống ma tuý số 23/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 05 năm 2003 quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần;
Căn cứ Quyết định số 71/2002/QĐ-TTg ngày 07 tháng 06 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý thuốc chữa bệnh cho người theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch;
Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý thuốc chữa bệnh cho người theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này điều chỉnh các hoạt động có liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu thuốc dùng cho người (sau đây gọi tắt là thuốc) theo đường phi mậu dịch.
2. Nguồn thuốc chữa bệnh cho người do người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam đi lao động, công tác, học tập, du lịch nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam mang theo khi vào Việt Nam hoặc gửi về Việt Nam với mục đích sử dụng cho bản thân và gia đình gọi là thuốc nhập khẩu phi mậu dịch và thuốc từ Việt Nam gửi ra nước ngoài hoặc mang ra nước ngoài theo người với mục đích sử dụng cho bản thân và gia đình gọi là thuốc xuất khẩu phi mậu dịch.
3. Thuốc xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch chỉ để điều trị bệnh cho bản thân và gia đình, không được bán ra thị trường hay sử dụng cho bất kỳ mục đích bất hợp pháp nào khác.
4. Thuốc xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch phải có nhãn ghi rõ tên thuốc, tên hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, hạn sử dụng.
5. Đơn thuốc của thầy thuốc Việt Nam phải theo mẫu quy định tại Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn (Phụ lục I).
6. Đơn của thầy thuốc nước ngoài tối thiểu phải có các nội dung sau:
a) Tên, tuổi bệnh nhân;
b) Tên thuốc, hàm lượng hoặc nồng độ và dung tích;
c) Số lượng thuốc (hoặc số ngày dùng thuốc);
d) Liều dùng;
e) Họ tên, chữ ký của thầy thuốc;
f) Địa chỉ của thầy thuốc (địa chỉ nơi thầy thuốc hành nghề: bệnh viện, phòng khám...).
7. Đối với các thuốc xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch yêu cầu phải kèm theo đơn thuốc của thầy thuốc chuyên khoa theo quy định tại điểm a, b khoản 1 mục III Thông tư này, cá nhân khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch các loại thuốc này phải có trách nhiệm kê khai đầy đủ và xuất trình đơn thuốc với Hải quan.
II. THUỐC CẤM XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU PHI MẬU DỊCH
1. Các loại nguyên liệu, phụ liệu làm thuốc.
2. Các loại thuốc có chứa hoạt chất trong Danh mục hoạt chất cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo đường phi mậu dịch kèm theo Thông tư này (Phụ lục II ).
III. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ DANH MỤC, SỐ LƯỢNG THUỐC ĐƯỢC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO ĐƯỜNG PHI MẬU DỊCH
1. Danh mục thuốc được phép xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch
a) Các thuốc thành phẩm gây nghiện theo quy định tại Danh mục thuốc gây nghiện ban hành kèm theo Quy chế quản lý thuốc gây nghiện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành chỉ được phép mang theo người khi nhập cảnh, xuất cảnh có kèm theo đơn của thầy thuốc chuyên khoa theo quy định tại khoản 5 hoặc 6 mục I Thông tư này.
b) Các thuốc thành phẩm hướng tâm thần, thuốc có chứa tiền chất dùng làm thuốc theo quy định tại Danh mục thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc ban hành kèm theo Quy chế quản lý thuốc hướng tâm thần do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được phép xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch kèm theo đơn của thầy thuốc chuyên khoa theo quy định tại khoản 5 hoặc 6 mục I của Thông tư này.
c) Các thuốc thành phẩm khác không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch quy định tại mục II Thông tư này được phép xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch.
2. Số lượng thuốc được phép xuất khẩu phi mậu dịch
a) Số lượng thuốc gây nghiện mang theo người khi xuất cảnh không được quá số lượng ghi trong đơn của thầy thuốc kèm theo và không được vượt quá số lượng chỉ định dùng cho 7 ngày. Trường hợp đối với những thuốc có số lượng vượt quá định mức quy định phải có ý kiến của Bộ Y tế (Cục Quản lý dược Việt Nam). Ngoài việc thực hiện theo quy định này, người xuất cảnh còn phải thực hiện đúng quy định của nước nhập cảnh.
b) Các thuốc thành phẩm hướng tâm thần, thuốc có chứa tiền chất dùng làm thuốc và các loại thuốc thành phẩm khác được phép xuất khẩu theo đường phi mậu dịch không hạn chế định mức và số lần gửi hoặc mang theo người ra nước ngoài nhưng không được trái với các quy định của nước cho phép nhập khẩu phi mậu dịch.
3) Số lượng thuốc được phép nhập khẩu phi mậu dịch
a) Số lượng thuốc gây nghiện mang theo người khi nhập cảnh không được quá số lượng ghi trong đơn của thầy thuốc kèm theo và không được vượt quá số lượng chỉ định dùng cho 7 ngày. Trường hợp đối với những thuốc có số lượng vượt quá định mức quy định phải có ý kiến của Bộ Y tế (Cục Quản lý dược Việt Nam).
b) Số lượng các thuốc hướng tâm thần, thuốc có chứa tiền chất dùng làm thuốc nhập khẩu theo đường phi mậu dịch không được quá số lượng ghi trong đơn của thầy thuốc kèm theo và không được vượt quá số lượng chỉ định dùng cho 10 ngày.
c) Số lượng mỗi thuốc thành phẩm khác được phép nhập khẩu theo đường phi mậu dịch không quá 30USD/lần, nếu có nhiều loại thuốc thì tổng trị giá không quá 100USD/lần. Số lần nhận thuốc tối đa không quá 3 lần trong một năm cho một cá nhân.
d) Trường hợp các thuốc hướng tâm thần, thuốc có chứa tiền chất dùng làm thuốc và các thuốc thành phẩm khác nhập khẩu phi mậu dịch có trị giá hoặc số lần nhận thuốc để điều trị cần thiết lớn hơn mức quy định tại điểm b, c khoản này, căn cứ vào những quy định chuyên môn về y tế và các quy chế về dược có liên quan, Sở Y tế địa phương sẽ xem xét cho phép nhận những thuốc là thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc hiếm theo quy định như sau:
- Đối với những thuốc do cá nhân nhập cảnh hợp pháp mang vào Việt Nam, Sở Y tế địa phương nơi cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh là cơ quan xem xét cho phép nhận thuốc.
- Đối với những thuốc do cá nhân nhận thuốc từ nước ngoài gửi về, Sở Y tế nơi người bệnh đang sinh sống hoặc tạm trú hợp pháp là cơ quan xem xét cho phép nhận thuốc.
IV. XỬ LÝ VI PHẠM
1. Các loại thuốc xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch trái với quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý như thuốc xuất khẩu, nhập khẩu trái phép, bị tịch thu và huỷ bỏ.
2. Các đơn vị, cá nhân vận chuyển, kinh doanh thuốc xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch trái với quy định của Thông tư này được coi là vận chuyển, kinh doanh thuốc trái phép và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Thông tư 09/2002/TT-BYT ngày 02 tháng 07 năm 2002 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 71/2002/QĐ-TTg ngày 07 tháng 06 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý thuốc chữa bệnh cho người theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch./.