Văn bản pháp luật: Thông tư 01/2014/TT-BYT

Nguyễn Thị Kim Tiến
Toàn quốc
Công báo số 157+158, năm 2014
Thông tư 01/2014/TT-BYT
Thông tư
15/03/2014
10/01/2014

Tóm tắt nội dung

Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Khoa Y, dược cổ truyền trong bệnh viện nhà nước

Y tế
Bộ trưởng
2.014
Bộ Y tế

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động

 của Khoa Y, dược cổ truyền trong bệnh viện nhà nước

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Khoa Y, dược cổ truyền trong bệnh viện nhà nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động, nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị của Khoa Y, dược cổ truyền trong bệnh viện nhà nước.

Điều 2. Vị trí, chức năng

1. Vị trí: Khoa Y, dược cổ truyền là tổ chức chuyên môn kỹ thuật về y, dược cổ truyền trực thuộc bệnh viện và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện.

2. Chức năng:

a) Tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về công tác phát triển y, dược cổ truyền tại bệnh viện;

b) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh);

c) Triển khai công tác dược cổ truyền của bệnh viện;

d) Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến.

Điều 3. Nhiệm vụ

1. Khám bệnh, chữa bệnh:

a) Khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú;

b) Tham mưu cho Giám đốc bệnh viện xây dựng quy chế phối hợp với khoa, phòng chức năng để triển khai kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh;

c) Đầu mối triển khai kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại;

d) Triển khai thực hiện quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật về y học cổ truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

đ) Sử dụng các phương pháp kỹ thuật cận lâm sàng và trang thiết bị y tế của y học hiện đại để khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

2. Công tác dược:

a) Xây dựng kế hoạch, lập dự trù hằng năm về dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu nhằm cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của Khoa Y, dược cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại khoa và khoa khác trong bệnh viện trình Giám đốc bệnh viện;

b) Tham gia Hội đồng thuốc và điều trị của Bệnh viện; Hội đồng kiểm nhập dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu;

c) Thực hiện các quy định về công tác dược bệnh viện;

d) Tổ chức sơ chế, bào chế dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, sắc thuốc;

đ) Tổ chức bào chế thuốc đông y, thuốc từ dược liệu khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về dược;

e) Bảo đảm đủ số lượng và chất lượng thuốc điều trị.

3. Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học:

a) Tham gia giảng dạy về y, dược cổ truyền;

b) Là cơ sở thực hành về y, dược cổ truyền;

c) Đầu mối của bệnh viện về nghiên cứu kế thừa, ứng dụng y, dược cổ truyền;

d) Phối hợp với cơ quan, tổ chức thực hiện nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại;

đ) Tham gia hội nghị, hội thảo khoa học về y học và y, dược cổ truyền.

4. Công tác chỉ đạo tuyến:

a) Khoa Y dược cổ truyền của bệnh viện tuyến trên phối hợp với bệnh viện y, dược cổ truyền cùng cấp và cơ quan, tổ chức liên quan chuyển giao kỹ thuật cho cơ sở y tế tuyến dưới về y, dược cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại;

b) Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề đang làm việc theo quy định của pháp luật.

5. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe:

a) Chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về y, dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trong bệnh viện và cộng đồng;

b) Phối hợp với đơn vị có liên quan giúp cơ sở y tế và đơn vị khác xây dựng vườn thuốc nam mẫu theo danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành.

6. Công tác hợp tác quốc tế:

a) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn y học cổ truyền cho người nước ngoài; tham gia học tập và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về y học và y, dược cổ truyền tại nước ngoài;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện chương trình dự án về y dược cổ truyền và chương trình dự án có liên quan.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Quy mô giường bệnh

a) Bệnh viện quy mô từ 120 giường bệnh nội trú trở lên phải thành lập Khoa Y, dược cổ truyền, tối thiểu có 10 giường bệnh nội trú;

b) Bệnh viện quy mô dưới 120 giường bệnh nội trú, phải thành lập Khoa Y, dược cổ truyền hoặc liên khoa có bộ phận y dược cổ truyền, tối thiểu có 5 giường bệnh nội trú;

c) Giám đốc bệnh viện bố trí số giường bệnh nội trú của Khoa bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh về Y, dược cổ truyền và thực hiện chỉ tiêu khám bệnh, chữa bệnh tại Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.

2. Cơ cấu tổ chức

Khoa Y, dược cổ truyền có trưởng khoa và các phó trưởng khoa, việc bổ nhiệm trưởng khoa, phó trưởng khoa do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.

a) Bộ phận khám bệnh, điều trị ngoại trú:

- Khu vực khám bệnh;

- Khu vực điều trị ngoại trú có giường bệnh;

b) Bộ phận điều trị nội trú:

- Khu vực điều trị nội trú;

- Khu vực điều trị bằng y học cổ truyền và phục hồi chức năng;

c) Bộ phận dược cổ truyền:

- Kho dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền và cấp phát;

- Khu vực chế biến, bào chế;

- Khu vực sắc thuốc;

- Quầy cấp, phát thuốc.

Điều 5. Số lượng người làm việc của Khoa.

Giám đốc bệnh viện chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Khoa Y, dược cổ truyền xây dựng đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc, cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp, viên chức làm việc của Khoa thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp.

Điều 6. Hoạt động của Khoa

1. Hoạt động của bộ phận khám bệnh, điều trị ngoại trú

a) Tổ chức tiếp đón người bệnh theo quy trình;

b) Tùy theo tình trạng của người bệnh, người hành nghề thực hiện khám bệnh, kê đơn, ghi sổ y bạ; điều trị ngoại trú theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; chuyển người bệnh vào bộ phận điều trị nội trú của khoa;

c) Đối với người bệnh điều trị ngoại trú, người hành nghề thực hiện các phương pháp điều trị dùng thuốc, không dùng thuốc của y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại và các kỹ thuật cận lâm sàng phù hợp với tình trạng bệnh;

d) Thực hiện việc kê đơn, nhận thuốc, cấp phát thuốc, ghi chép hồ sơ, tổng hợp, báo cáo theo quy định của pháp luật.

2. Hoạt động của bộ phận điều trị nội trú

a) Tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và kết hợp phương pháp khám chữa bệnh y học cổ truyền với y học hiện đại, trong quá trình điều trị nội trú theo dõi diễn biến của bệnh để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp;

b) Thực hiện hoạt động theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này;

c) Tổ chức nhận thuốc từ bộ phận dược, cấp phát thuốc cho người bệnh nội trú;

d) Theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc.

3. Hoạt động bộ phận dược cổ truyền

a) Xây dựng kế hoạch, lập dự trù hằng năm về dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu sử dụng tại khoa trình Giám đốc bệnh viện phê duyệt;

b) Thực hiện việc bảo quản và bảo đảm chất lượng thuốc;

c) Theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc theo định kỳ;

d) Tổ chức quầy thuốc y học cổ truyền cấp phát thuốc cho người bệnh ngoại trú và làm dịch vụ sắc thuốc ngoại trú;

đ) Thực hiện sắc thuốc, cấp phát thuốc cho người bệnh nội trú theo đúng quy trình;

e) Hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc an toàn, hợp lý;

g) Tổng hợp số lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc thành phẩm đã sử dụng tại khoa theo từng tháng; theo dõi và báo cáo đầy đủ tác dụng không mong muốn của thuốc;

h) Tổ chức sơ chế, bào chế dược liệu; bảo quản theo đúng nguyên lý của y học cổ truyền;

i) Thực hiện công tác hành chính, quản lý hồ sơ bệnh án, báo cáo chuyên môn và các báo cáo theo quy định.

Chương III

CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TRANG THIẾT BỊ

Điều 7. Địa điểm và cơ sở vật chất

1. Khoa Y, dược cổ truyền được bố trí ở địa điểm phù hợp, bộ phận của khoa phải được bố trí thuận tiện cho việc triển khai hoạt động của khoa, có đủ phương tiện và trang thiết bị hành chính cho nhân viên làm việc.

2. Phòng khám bệnh, phòng điều trị nội trú, ngoại trú bảo đảm an toàn, sạch sẽ; bố trí phòng liên hoàn hợp lý cho việc khám bệnh, chữa bệnh.

3. Hệ thống kho dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền phải để nơi sạch sẽ, đạt các tiêu chuẩn về ánh sáng; nhiệt độ; độ ẩm; độ thông thoáng; phòng tránh côn trùng, mối mọt; phòng chống cháy, nổ; đủ trang thiết bị bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn.

4. Khu vực sơ chế dược liệu, bào chế vị thuốc y học cổ truyền, nơi sắc thuốc, cấp phát thuốc phải bố trí ở vị trí phù hợp cho việc vận chuyển và cấp phát thuốc; có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác sơ chế dược liệu, bào chế vị thuốc y học cổ truyền.

5. Khu vực sắc thuốc phải được đầu tư trang thiết bị sắc thuốc, đóng gói và các dụng cụ liên quan để thực hiện sắc thuốc và cấp thuốc cho người bệnh nội trú và người bệnh ngoại trú.

6. Xây dựng, chăm sóc và phát huy vườn thuốc nam mẫu theo danh mục thuốc thiết yếu được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; bộ tranh cây thuốc mẫu tại Khoa Y, dược cổ truyền để phục vụ công tác giảng dạy.

Điều 8. Trang thiết bị y tế

Trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh của Khoa Y, dược cổ truyền được thực hiện theo Quyết định số 1509/QĐ-BYT ngày 07 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục trang thiết bị y tế thiết yếu của Bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh phù hợp với quy mô và hoạt động của Khoa.

Chương IV

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 9. Mối quan hệ với Khoa, Phòng khác trong bệnh viện

1. Phối hợp với khoa Dược lập kế hoạch, dự trù, triển khai cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền và thuốc thành phẩm.

2. Phối hợp với các khoa lâm sàng:

a) Tổ chức hướng dẫn, tập huấn kiến thức về y học cổ truyền;

b) Khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị và nghiên cứu khoa học.

3. Phối hợp với các khoa cận lâm sàng thực hiện các phương pháp, kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu khoa học.

4. Phối hợp với các phòng chức năng thực hiện các nhiệm vụ được Giám đốc bệnh viện giao.

Điều 10. Mối quan hệ với bệnh viện Y học cổ truyền (bệnh viện Y, dược cổ truyền)

1. Khoa Y, dược cổ truyền chịu sự chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật y dược cổ truyền của Bệnh viện Y, dược cổ truyền cùng cấp:

a) Khoa Y, dược cổ truyền các bệnh viện tuyến trung ương chịu sự chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện y học cổ truyền tuyến Trung ương;

b) Khoa Y, dược cổ truyền tuyến tỉnh chịu sự chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh;

Đối với tỉnh chưa có Bệnh viện Y, dược cổ truyền tỉnh thì Khoa Y, dược cổ truyền của bệnh viện đa khoa tỉnh là đầu mối triển khai công tác phát triển y, dược cổ truyền của tỉnh.

Khoa Y dược cổ truyền của bệnh viện trung ương đóng tại địa bàn tỉnh, tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn chi tiết về mối quan hệ chuyên môn nghiệp vụ.

2. Phối hợp với Bệnh viện y dược cổ truyền cùng cấp xây dựng kế hoạch phát triển y, dược cổ truyền tại địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuyển giao quy trình kỹ thuật y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại cho tuyến dưới.

3. Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại từ bệnh viện y dược cổ truyền tuyến trên và bệnh viện y, dược cổ truyền cùng cấp.

Điều 11. Mối quan hệ với các đơn vị khác trên địa bàn

Phối hợp với Hội Đông y, Hội Châm cứu, Hội dược liệu, Hội Y học, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị khác có liên quan để thực hiện công tác phát triển y, dược cổ truyền.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Điều khoản tham chiếu

1. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ

sung đó.

2. Bệnh viện tư nhân có khoa Y, dược cổ truyền có thể thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 03 năm 2014.

2. Thông tư số 02/BYT-TT ngày 28 tháng 2 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế “Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Khoa Y dược cổ truyền trong Viện, Bệnh viện y học hiện đại” và Quy chế công tác Khoa Y học cổ truyền tại Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 09 năm 1997 của Bộ Y tế về việc Ban hành Quy chế bệnh viện hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Chánh Thanh tra Bộ; Tổng Cục trưởng; Cục trưởng các Cục; Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế; Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng đơn vị y tế các Bộ, Ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để được hướng dẫn, xem xét và giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=33583&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận