thông tưTHÔNG TƯ CỦA BỘ NỘI VỤ
Về việc tổ chức xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù
cho phạm nhân trong các trại giam
Việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân là thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, có tác dụng khuyến khích các phạm nhân ra sức cải tạo tốt. Để thi hành đúng các Điều 49, 51 Bộ luật Hình sự, Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên ngành số 04/ 89 ngày 15 tháng 8 năm 1989, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc tổ chức xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạn nhân như sau:
1. Phải quán triệt nội dung Thông tư liên ngành số 04/ 89 ngày 15 tháng 8 năm 1989.
Phải nghiên cứu kỹ toàn bộ Thông tư liên ngành nói trên, đặc biệt phải nắm vững các quy định cụ thể trong Thông tư liên ngành về điều kiện; mức giảm; giảm thời hạn hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt; giảm hình phạt tù đối với người mới phạm tội lần đầu; giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người chưa thành niên...
2. Tổ chức Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.
a) Các trại giam (trực thuộc Bộ và các trại thuộc địa phương) thành lập Hội đồng xét duyệt gồm có:
Đồng chí Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng.
Đồng chí Phó giám thị phụ trách công tác giáo dục, Uỷ viên.
Đồng chí Tổ trưởng giáo dục, Uỷ viên thư ký.
Đồng chí Tổ trưởng quản chế, trinh sát, Uỷ viên.
Đồng chí Cán bộ hồ sơ cải tạo, Uỷ viên.
Để việc xét giảm được thuận lợi, không bỏ sót những người đủ tiêu chuẩn, các trại phải theo dõi chặt chẽ, phân loại kết quả cải tạo, tính chất, mức độ phạm tội của từng phạm nhân và cứ 3 tháng 1 lần đưa ra Hội đồng của trại xem xét, đề nghị giảm án cho những người có đủ điều kiện (quy định tại điểm 1, mục III Thông tư 04). Khi Hội đồng họp, cán bộ quản giáo phải trực tiếp trình bày cụ thể trên cơ sở nắm vững từng phạm nhân do maình phụ trách, đánh giá đúng thực chất kết quả cải tạo, tình hình sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình và đề xuất mức giảm cho từng trường hợp, sau đó Hội đồng xem xét quyết định, làm hồ sơ giảm hạn tù cho phạm nhân (Trại thuộc Bộ gửi hồ sơ về V26, trại địa phương gửi hồ sơ về Công an tỉnh, thành phố).
b) Công an các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng xét duyệt gồm có:
Đồng chí Giám đốc hoặc Phó giám đốc được uỷ quyền làm Chủ tịch Hội đồng.
Đồng chí Phó ban chỉ huy Cảnh sát phụ trách công tác trại giam làm Uỷ viên thường trực.
Các đồng chí Trưởng phòng PC.16, PA. 24 làm Uỷ viên.
Đồng chí cán bộ chuyên theo dõi công tác cải tạo phạm nhân của PC. 12 làm Uỷ viên thư ký.
Hội đồng căn cứ vào hồ sơ tài liệu của trại đề nghị, đối chiếu với tiêu chuẩn quy định trong Thông tư 04 để xét duyệt từng phạm nhân, phát hiện và loại bỏ những trường hợp không đủ điều kiện, không đúng tiêu chuẩn, cân nhắc và duyệt đề nghị mức giảm cho từng trường hợp, làm thủ tục chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp xét, quyết định.
c) Bộ Nội vụ uỷ quyền cho đồng chí Cục trưởng Cục quản lý và cải tạo phạm nhân (V26) xét và đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân ở các trại giam trực thuộc Bộ. Trừ trường hợp dưới đây, khi xét giảm án phải xin ý kiến lãnh đạo Bộ Nội vụ.
Những tên cầm đầu các tổ chức phản cách mạng.
Những tên cầm đầu các băng, ổ cướp, và những tên lưu manh chuyên nghiệp đã có 3 án tù trở lên.
Những tên chủ mưu trong các vụ án kinh tế, tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hội đồng xét duyệt ở Cục V26 gồm có:
Đồng chí Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng được uỷ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng.
Đồng chí Trưởng phòng giáo dục làm Uỷ viên thường trực.
Các đồng chí đại diện cho Cục A24. C16 làm Uỷ viên.
Đồng chí cán bộ chuyên theo dõi công tác xét giảm án tù làm Uỷ viên thư ký.
Hội đồng căn cứ vào hồ sơ tài liệu đề nghị của các trại trực thuộc Bộ, phân loại và đề xuất những trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến lãnh đạo Bộ, đối chiếu các tiêu chuẩn quy định để loại bỏ những trường hợp làm không đúng, cân nhắc và duyệt mức giảm cho từng trưòng hợp, sau đó thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết và chuyển hồ sơ đề nghị xét giảm cho Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tỉnh, thành phố nơi trại đóng để xét, quyết định.
3. Thủ tục đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.
a) Trại giam xét duyệt xong phải làm ngay hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho những phạm nhân được duyệt gồm:
Biên bản.
Danh sách phạm nhân.
Hồ sơ đề nghị giảm của từng phạm nhân.
Các loại văn bản trên phải làm theo mẫu thống nhất của Bộ Nội vụ và mỗi loại làm thành 4 bản: 1 bản lưu ở trại, 3 bản gửi về Cục V26 (nếu là trại trực thuộc Bộ), gửi về công an tỉnh, thành phố (nếu là trại địa phương) để xét duyệt.
b) Công an các tỉnh, thành phố, đặc khu khi xét duyệt xong phải làm 2 loại văn bản theo mẫu của Bộ Nội vụ là biên bản và danh sách phạm nhân. Mỗi loại làm thành 2 bản: lưu 1 bản và 1 bản gửi kèm theo hồ sơ phạm nhân cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
c) Bộ Nội vụ (V26) khi xét duyệt xong phải làm 2 loại văn bản gồm biên bản và danh sách phạm nhân. Mỗi loại làm thành 3 bản: lưu 1 bản, 1 bản thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết và 1 bản gửi kèm theo hồ sơ phạm nhân cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố nơi trại đóng.
4. Về hồ sơ đề giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Để bảo đảm việc xét duyệt giảm thời hạn tù được chính xác, đúng pháp luật, các trại giam, công an tỉnh, thành phố và V26 phải làm hồ sơ thật chặt chẽ, đúng và đầy đủ các yêu cầu theo mẫu hướng dẫn của Bộ, đặc biệt coi trọng những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình thương binh liệt sĩ đều phải có giấy tờ chứng nhận hợp pháp.
Những trại có điều kiện thì có thể mời Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tỉnh, thành phố đến xét và quyết định ngay ở trại. Khi đã có quyết định của Toà án, các trại phải tổ chức công bố cho phạm nhân biết, trích sao quyết định lưu hồ sơ cải tạo của từng phạm nhân và phải báo cáo tổng hợp số liệu đã được xét theo từng Quý, kèm theo danh sách phạm nhân đã được giảm về Bộ Nội vụ (qua V26).
Yêu cầu các địa phương, các trại nghiên cứu kỹ Thông tư này để thực hiện nghiêm túc, tránh sơ hở để các phần tử xấu lợi dụng hoặc có các hành vi tiêu cực khác.
Cục V26 có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức xét giảm thời hạn chấp hành phạt tù cho phạm nhân ở các trại giam thuộc Công an quản lý và tổng hợp kết quả báo cáo lên lãnh đạo Bộ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có gì vướng mắc cần kịp thời báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ (qua V26)./.