Văn bản pháp luật: Thông tư 01/TT

 
Toàn quốc
Sách-Nhà xuất bản Giáo dục;
Thông tư 01/TT
Thông tư
Hết hiệu lực toàn bộ
13/01/1977
13/01/1977

Tóm tắt nội dung

Về việc hướng dẫn về chế độ tập sự và tuyển vào biên chế cho những giáo viên được đào tạo sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng

 
1.977
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 01/TT NGÀY 13 THÁNG 01 NĂM 1977 HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ TẬP SỰ VÀ TUYỂN VÀO BIÊN CHẾ CHO NHỮNG GIÁO VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO SAU NGÀY MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong vùng giải phóng, thời gian qua, các tỉnh, thành phố phía Nam đã đào tạo một đội ngũ giáo viên cho các trường phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục quy định.

Nay Bộ Giáo dục, với sự thoả thuận của Bộ Lao động (tại công văn số 1729-LĐ/LHCSN ngày 7-12-1976), hướng dẫn chế độ tập sự, tuyển vào biên chế và xếp lương cho những giáo viên được đào tạo sau giải phóng, như sau:

 

I- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Mọi giáo viên được đào tạo và tạm tuyển sau ngày giải phóng (30-4-1975) nhất thiết phải qua một thời gian tập sự nghề nghiệp nhằm tiếp tục học tập về đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tiến tới làm tốt hơn nữa công tác giáo dục và giảng dạy.

Đối với các cơ quan quản lý giáo dục và các trường học, đây là thời gian để trực tiếp giúp đỡ và đánh giá một cách toàn diện đối với người giáo viên tập sự trước khi tuyển vào biên chế chính thức.

 

II- NỘI DUNG TẬP SỰ

Trong thời gian tập sự, người giáo viên sẽ thực hiện những nội dung công việc sau đây:

1. Người giáo viên phải luôn luôn cố gắng rèn luyện bản thân về tư cách đạo đức, tác phong công tác, hăng say lao động, khiêm tốn học hỏi anh chị em giáo viên có nhiều kinh nghiệm, tích cực tham gia công tác xây dựng nhà trường, không ngừng học tập và bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

2. Thực hiện công tác giáo dục và giảng dạy đối với học sinh một cách toàn diện: giảng dạy trên lớp, làm chủ nhiệm lớp, tổ chức và hướng dẫn học sinh tham gia lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội và sinh hoạt tập thể.

3. Tìm hiểu để nắm được chức năng, nhiệm vụ của trường học, của các tổ chức và các thành viên trong nhà trường; tìm hiểu tình hình kinh tế, chính trị và phong tục, tập quán của địa phương trường đóng.

 

III- THỜI GIAN TẬP SỰ, CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG TRONG VÀ
SAU THỜI GIAN TẬP SỰ

1. Thời gian tập sự:

a) Đối với những giáo viên được đào tạo sau ngày giải phóng theo đúng tiêu chuẩn quy định tại chỉ thị 221/CT-TW ngày 17-6-1975 của Ban Bí thư trung ương Đảng thì áp dụng chế độ tập sự như quy định tại quyết định 256/TTg ngày 15-7-1975 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể là:

- Giáo viên tốt nghiệp trung học sư phạm, tập sự 18 tháng;

- Giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, tập sự 24 tháng;

- Giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm, tập sự 24 tháng.

b) Riêng đối với những giáo viên được các trường sư phạm thuộc các tỉnh, thành phố đào tạo sau ngày giải phóng, với thời gian học ngắn hơn so với thời gian quy định tại chỉ thị 221-CT/TW, thì áp dụng thời gian tập sự thống nhất như sau:

- Giáo viên cấp 1, cấp 2 tốt nghiệp trung học sư phạm (có trình độ văn hoá tốt nghiệp lớp 12 phổ thông hay tú tài toàn phần được đào tạo trong các trường sư phạm trên dưới một năm học) tập sự 18 tháng.

- Giáo viên cấp 1 tốt nghiệp sơ học sư phạm (có trình độ văn hoá chưa tốt nghiệp lớp 12 phổ thông hay tú tài toàn phần trở xuống, được đào tạo trong các trường sư phạm trên dưới một năm học) tập sự 9 tháng (một năm học).

2- Chế độ tiền lương:

a) Trong thời gian tập sự, giáo viên được hưởng 85% lương khởi điểm của bậc lương giáo viên phổ thông hiện nay.

b) Sau khi hết thời gian tập sự, được công nhận chính thức thì giáo viên được hưởng 100% lương khởi điểm:

- 36 đồng cho giáo viên cấp 1 tốt nghiệp sơ học sư phạm, nếu trước khi vào học sư phạm có trình độ văn hoá lớp 9 phổ thông (hệ 12 năm) trở xuống, và 40 đồng nếu có trình độ văn hoá chưa tốt nghiệp lớp 12 phổ thông hay tú tài toàn phần trở xuống.

- 45 đồng cho giáo viên cấp 1, cấp 2 tốt nghiệp trung học sư phạm, nếu có thời gian đào tạo dưới 9 tháng (một năm học) và 50 đồng, nếu có thời gian đào tạo từ 9 tháng (một năm học) trở lên (kể cả học sinh tốt nghiệp hệ 9 + 3).

- 55 đồng cho giáo viên cấp 2 tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

- 60 đồng cho giáo viên cấp 3 tốt nghiệp đại học sư phạm.

c) Ngoài chế độ tiền lương, giáo viên còn được hưởng các quyền lợi khác theo quy định chung của Nhà nước.

 

IV- TỔ CHỨC TẬP SỰ, XÉT CÔNG NHẬN CHÍNH THỨC VÀ TUYỂN VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC

1. Việc tổ chức tập sự, tổ chức xét duyệt để công nhận chính thức và tuyển vào biên chế Nhà nước cho giáo viên tập sự sẽ thực hiện theo quy định tại mục IV thông tư số 33-TT/GD ngày 11-11-1976 của Bộ Giáo dục.

đây chỉ nói thêm một số điểm cụ thể như sau:

- Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, Hiệu trưởng cùng tổ chuyên môn cần tổ chức kiểm tra qua một số tiết dạy, trước khi sắp hết thời gian tập sự. Số tiết cần kiểm tra từ 6 đến 8 tiết, trong đó phải có ít nhất 2/3 số tiết dạy đạt yêu cầu từ trung bình trở lên, thì mới đạt kết quả tập sự. Việc tổ chức kiểm tra này cần được tiến hành nhẹ nhàng và phải có thời gian để giúp đỡ giáo viên chuẩn bị chu đáo.

- Đối với những trường quá nhỏ, Phòng Giáo dục (đối với giáo viên cấp 1, 2) và Sở, Ty Giáo dục (đối với giáo viên cấp 3) có thể cử thêm cán bộ chuyên môn đến tham gia Hội đồng xét duyệt.

2. Mọi giáo viên khi đã đạt yêu cầu tập sự đều phải xét để tuyển vào biên chế Nhà nước, nếu đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Lý lịch rõ ràng, được cơ quan chính quyền cấp cơ sở xác nhận.

- Đã qua trường, lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm sau ngày giải phóng; tự nguyện phục vụ theo yêu cầu của nhà nước.

- Đủ sức khoẻ để đảm bảo công tác giảng dạy không bị dị dạng, không mắc bệnh kinh niên, truyền nhiễm (được cơ quan Nhà nước xác nhận).

 

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Tất cả những giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm do Bộ Giáo dục hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập, quản lý tại các tỉnh phía Nam, tốt nghiệp ra trường từ năm 1975 trở đi đều thuộc đối tượng thi hành thông tư này.

2. Học sinh không tốt nghiệp, nói chung là không sử dụng; trường hợp có nhu cầu sử dụng thì trong thời gian công tác được hưởng 75% bậc lương khởi điểm của chức vụ được đào tạo. Thời gian tập sự được tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Thời gian giảng dạy trước khi tốt nghiệp được xem xét để có thể công nhận hết hạn tập sự sớm hơn.

3. Riêng các trường hợp sau đây sẽ giải quyết theo các quy định hiện có, cụ thể là:

- Những giáo viên cấp I, cấp II, cấp III mới giải phóng đã tham gia giảng dạy từ 2 năm trở xuống (tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1976) thì nay tiếp tục tập sự cho hết năm học 1976-77. Sau đó được xét để công nhận chính thức, tuyển vào biên chế và xếp vào các bậc lương khởi điểm của bảng lương giáo viên phổ thông hiện nay.

- Đối với những học sinh đến ngày giải phóng (30 tháng 4 năm 1975) đang còn học trong các trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp I, II (hệ 12 + 2) hoặc vừa tốt nghiệp ra trường, sau đó được chính quyền cách mạng tạm tuyển để giảng dạy thì phải qua thời gian tập sự 18 tháng. Sau khi hết thời gian tập sự, nếu đạt yêu cầu sẽ xếp vào bậc lương khởi điểm của giáo viên cấp I, cấp II tốt nghiệp trung học sư phạm (45 đồng hoặc 50 đồng).

4. Đối với những giáo viên, tính đến nay (ngày ban hành thông tư này) đã có thời gian tập sự bằng hoặc quá thời gian quy định nói trên thì các Sở, Ty Giáo dục tiến hành cho làm thủ tục để xét công nhận hết thời gian tập sự, tuyển vào biên chế và hưởng 100% tiền lương của bậc lương khởi điểm kể từ ngày ký thông tư này.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=1573&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận