Văn bản pháp luật: Thông tư 02/2006/TT-BTC

Lê Thị Băng Tâm
Toàn quốc
Công báo số 01 + 02, năm 2006
Thông tư 02/2006/TT-BTC
Thông tư
16/02/2006
16/01/2006

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn một số điều của Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm bưu điện

Thứ trưởng
2.006
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều của Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm bưu điện

___________________________________________

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư theo Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ để chuyển cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các dự án đầu tư, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo chủ trương của Chính phủ.

2. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được cung ứng một số dịch vụ ngân hàng theo qui định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 07/1997/QHX ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004.

3. Tổ chức được Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam giao thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện thực hiện chế độ tài chính theo Quy chế tài chính của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính đối với hoạt động dịch vụ tiết kiệm Bưu điện.

II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Về huy động và sử dụng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện:

a) Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được phép huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư dưới các hình thức:

- Nhận tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn;

- Phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác theo qui định của pháp luật.

b) Lãi suất huy động tiết kiệm phải đảm bảo phù hợp với lãi suất thị trường và phù hợp với mặt bằng lãi suất tại từng thời điểm.

c) Nguồn vốn huy động tiết kiệm bưu điện được tập trung điều chuyển qua tài khoản tiền gửi của Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện mở tại các ngân hàng thương mại và được sử dụng như sau:

- Giữ lại một phần theo qui định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đảm bảo chi trả thường xuyên cho người gửi tiền khi đến hạn hoặc có nhu cầu rút tiền đột xuất.

- Chuyển vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo chủ trương của Chính phủ.

- Nguồn vốn còn lại nếu Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội không có nhu cầu vay thêm thì được dùng để: Mua, mua lại giấy tờ có giá do Chính phủ, Kho bạc Nhà nước phát hành, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Mua lại trái phiếu do Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành.

2. Vào quí IV hàng năm, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội thống nhất kế hoạch chuyển giao vốn năm kế hoạch báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

3. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam chuyển vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội theo mức lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn, phát hành theo phương thức đấu thầu gần nhất trong tháng. Trường hợp trong tháng không có đợt phát hành trái phiếu Chính phủ cùng loại, Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc cụ thể với Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam để xác định mức lãi suất, bảo đảm không vượt mức trần lãi suất trái phiếu Chính phủ của tháng đó do Bộ Tài chính thông báo cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Việc chuyển giao, tiếp nhận, sử dụng và hoàn trả nguồn vốn tiết kiệm bưu điện giữa Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm được thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn giữa Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội (Mẫu hợp đồng theo phụ Biểu số 1 đính kèm). Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm giao đủ và đúng cơ cấu số vốn theo tiến độ mà Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội và Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã thoả thuận trong hợp đồng vay.

Mỗi lần chuyển vốn vay được thực hiện bằng một chứng chỉ cho vay do Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện phát hành (Mẫu chứng chỉ cho vay theo phụ Biểu số 2 đính kèm).

4. Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm tiếp nhận nguồn vốn tiết kiệm bưu điện để cho vay đối với các dự án đầu tư, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo qui định của Chính phủ; cho vay đúng mục đích, thu hồi vốn cho vay và hoàn trả đầy đủ cả vốn và lãi cho Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam.

Việc trả nợ gốc và lãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội cho Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thực hiện như sau:

- Nợ gốc: Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm bố trí nguồn vốn để trả cho Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đầy đủ, kịp thời theo hợp đồng vay vốn.

- Trả lãi: Lãi vay được tính từ ngày tiền vay được chuyển vào tài khoản tiền gửi của Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi vay được tính theo phương pháp tích số, một năm 365 ngày.

5. Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện được cung cấp cho khách hàng các loại hình dịch vụ theo qui định tại Điều 4 Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

- Dịch vụ thanh toán;

- Dịch vụ chuyển tiền mặt và kiều hối;

- Đại lý nhận uỷ thác phát hành trái phiếu và các loại hình dịch vụ đại lý tài chính khác.

Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện chỉ được cung cấp các loại hình dịch vụ nêu trên khi đáp ứng đủ điều kiện và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo qui định của pháp luật hiện hành.

6. Về quản lý các khoản thu, chi của Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện:

a) Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện có trách nhiệm hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, bao gồm:

- Thu lãi tiền gửi.

- Thu lãi giấy tờ có giá.

- Thu phí cung ứng các loại hình dịch vụ: dịch vụ thanh toán; dịch vụ chuyển tiền mặt và kiều hối; đại lý, nhận uỷ thác phát hành trái phiếu và dịch vụ đại lý tài chính khác.

- Thu khác.

b) Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện được chi cho hoạt động theo các nội dung sau đây:

- Chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm cho dân cư theo nguyên tắc đúng hạn và kịp thời;

- Chi phí chuyển tiền;

- Chi bù đắp rủi ro nghiệp vụ bao gồm: Rủi ro trong thanh toán và rủi ro ngân qũy do các nguyên nhân khách quan được xử lý theo chế độ hiện hành;

- Chi quản lý hoạt động của Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện như chi lương, chi đào tạo huấn luyện nghiệp vụ, lễ tân khánh tiết, chi in ấn chỉ ... theo chế độ Nhà nước qui định;

- Chi khác.

7. Về chế độ hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện:

Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm tổ chức công tác kế toán, lập báo cáo quyết toán tài chính của hoạt động Dịch vụ tiết kiệm bưu điện theo qui định tại của Luật Kế toán, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kế toán và chế độ kế toán hoạt động dịch vụ tiết kiệm bưu điện do Bộ Tài chính ban hành. Báo cáo quyết toán tài chính được gửi cho các cơ quan liên quan theo qui định hiện hành, đồng thời gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính).

8. Về lập kế hoạch: Hàng năm, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính về hoạt động dịch vụ tiết kiệm bưu điện gửi cho các cơ quan liên quan theo qui định hiện hành, đồng thời gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính) trong Quý IV năm trước gồm:

- Kế hoạch nguồn vốn và sử dụng vốn.

- Kế hoạch thu nhập, chi phí kết quả kinh doanh và chỉ tiêu Nộp ngân sách Nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 1. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng nguồn vốn, đảm bảo chi trả cho dân cư và chịu sự kiểm tra của cơ quan tài chính Nhà nước theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Thông tư này thay thế Thông tư số 40/1999/TT-BTC ngày 15/4/1999 và Thông tư số 68/1999/TT-BTC ngày 7/6/1999 của Bộ Tài chính.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, bổ sung, sửa đổi kịp thời./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16622&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận