Văn bản pháp luật: Thông tư 02/2009/TT-BGDĐT

Bành Tiến Long
Toàn quốc
Công báo số 129 & 130/2009;
Thông tư 02/2009/TT-BGDĐT
Thông tư
19/03/2009
02/02/2009

Tóm tắt nội dung

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/02/2008 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng
2.009
Bộ Giáo dục và Đào tạo

Toàn văn

THÔNG TƯ

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/02/2008 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,

THÔNG TƯ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, như sau:

1. Khoản 3 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, tổ chức môn thi văn hoá và môn năng khiếu:

a) Các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Các môn thi năng khiếu thi theo đề thi riêng của trường. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi các môn năng khiếu”.

2. Điểm a khoản 1 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề và tương đương (sau đây gọi chung là trung học phổ thông)”.

3. Bổ sung một điểm sau điểm h khoản 2 Điều 10 như sau:

“i) Cán bộ thực hiện việc dồn túi, đánh số phách bài thi không được tham gia vào tổ thư kí chấm thi và ngược lại”.

4. Khoản 1 Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1) Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh

b) Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết;

c) Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể để các trường được vận dụng quy định này.

5. Bổ sung một điểm sau điểm b khoản 2 Điều 33 như sau:

“c) Căn cứ nguyên tắc chung và quy định nói trên, các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lí giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định”.

6. Bổ sung một khoản sau khoản 3 Điều 36 như sau:

“4. Sau khi được xét tuyển chính thức, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ra Quyết định công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển”.

7. Bổ sung một điểm sau điểm d khoản 4 Điều 41 như sau:

“e) Sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp”.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế những nội dung được văn bản này sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 05/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2008. Các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12249&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận