Các loại nghiệp vụ bảo hiểm được quy định trong "Bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng cho các loại nghiệp vụ bảo hiểm" ban hành kèm theo Thông tư số 76-TC/TCNH ngày 25-10-1995 được hiểu như sau:
1.1. Bảo hiểm y tế tự nguyện là bảo hiểm tai nạn con người bao gồm các loại hợp đồng bảo hiểm được ký kết trên cơ sở tính mạng con người bảo hiểm các chi phí y tế như bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm tai nạn học sinh, bảo hiểm tai nạn hành khách, bảo hiểm điều trị phẫu thuật, bảo hiểm khách du lịch...
1.2. Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại gồm các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản chống lại các rủi ro hư hỏng, mất mát của người được bảo hiểm (trừ những nghiệp vụ bảo hiểm sẽ nói ở các điểm dưới đây) như bảo hiểm xây dựng và lắp đặt, bảo hiểm trộm cắp...
1.3. Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường lộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm hàng hoá, tài sản chống lại các rủi ro hư hỏng và mất mát trong quá trình vận chuyển, như bảo hiểm hàng hoá xuất, nhập khẩu, bảo hiểm hàng hoá vận chuyển nội địa...
1.4. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu:
a. Bảo hiểm thân tàu biển, tàu sông, tàu cá bao gồm các loại hợp đồng bảo hiểm được ký kết để bảo hiểm thân tàu biển, tàu sông, tàu cá, máy móc và trang thiết bị của tàu đó...
b. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu bao gồm các loại hợp đồng bảo hiểm được ký kết để bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của người chuyên chở đối với mọi thiệt hại phát sinh do việc sử dụng, khai thác tàu gây ra, bao gồm cả trách nhiệm đối với người thứ ba.
1.5. Bảo hiểm trách nhiệm chung bao gồm các loại hợp đồng bảo hiểm được ký kết để bảo hiểm cho người chủ và người điều hành khai thác kinh doanh hoạt động nghề nghiệp, đối với các trách nhiệm phát sinh trong quá trình sử dụng, khai thác, điều hành nhà xưởng, văn phòng; các trách nhiệm đối với sản phẩm, dịch vụ được cung cấp và trách nhiệm theo hợp đồng...
1.6. Bảo hiểm hàng không:
a. Bảo hiểm máy bay bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm thân máy bay, động cơ và trang thiết bị của máy bay...
b. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm trách nhiệm của người vận chuyển đối với các thiệt hại phát sinh trong quá trình sử dụng, khai thác máy bay, bao gồm cả trách nhiệm đối với người thứ ba...
1.7. Bảo hiểm xe cơ giới:
a. Bảo hiểm thân xe bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm cho thân xe cơ giới, các loại máy móc và trang thiết bị của xe cơ giới...
b. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe: bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mọi thiệt hại xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng xe cơ giới như bảo hiểm trách nhiệm dận sự chủ phương diện đối với hành khách...
1.8. Bảo hiểm cháy bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm cho tài sản chống lại các rủi ro mất mát, hư hỏng do cháy, nổ hay các rủi ro tương tự gây ra...
1.9. Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm các tổn thất của người cho vay phát sinh do người vay nợ không đủ khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn và các tổn thất phát sinh do các rủi ro tài chính như phát sinh chi phí quá cao, thiệt hại do tỷ giá hối đoái...
1.10. Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh bao gồm các loại hợp đồng được ký kết để bảo hiểm các tổn thất của Người được bảo hiểm do gián đoạn kinh doanh hay do việc suy giảm phạm vi quy mô kinh doanh gây ra. 1.11. Bảo hiểm nông nghiệp bao gồm các loại hợp đồng bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, mùa màng bị tổn thất do các thiên tai, tai nạn bất ngờ xảy ra...
1.12. Bảo hiểm bắt buộc: bất kỳ nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc nào theo quy định của pháp luật hiện hành như bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới đối với người thứ ba theo Nghị định số 30-HĐBT ngày 10-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và Quyết định số 504-TC/BH ngày 20-11-1991 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy tắc và biểu phí bảo hiểm xe cơ giới...
1. Bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm đã quy định là mức tối đa để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các loại nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh. Trong quá trình thực hiện doanh nghiệp bảo hiểm cụ thể hoá cho đại lý bảo hiểm, tổ chức cộng tác viên bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm theo nguyên tắc không vượt quá mức tối đa đã quy định. Đối với bảo hiểm trọn gói, tổng mức chi hoa hồng bảo hiểm sẽ là tổng các mức chi hoa hồng của từng loại nghiệp vụ bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói đó.
2. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự chủ tàu để phù hợp thực tiễn khai thác bảo hiểm căn cứ tỷ lệ chung tối đa đã quy định tại Thông tư số 76-TC/TCNH ngày 25-10-1995, nay cụ thể hoá như sau:
- Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tàu biển và tàu pha sông biển tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng là 0, 16%.
- Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tàu sông và tàu cá: tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng là 10%.
3. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm thu hút được dịch vụ, thực hiện tốt việc bảo hiểm cho các công trình xây dựng theo Nghị định số 177-CP ngày 20-10-1994 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng. Thông tư số 105-TC/ĐT ngày 8-12-1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn bảo hiểm các công trình xây dựng và Quyết định số 663-TC/QĐ-TCNH ngày 24-6-1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro về xây dựng; Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro về lắp đặt; Biểu phí bảo hiểm xây dựng và lắp đặt, nay quy định tỷ lệ hoa hồng tối đa áp dụng riêng cho nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng và lắp đặt là 5%.
4. Trường hợp tổ chức môi giới bảo hiểm tiến hành môi giới dịch vụ bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam, các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm áp dụng trên cơ sở thoả thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới phù hợp bảo hiểm phù hợp với luật pháp Việt Nam và tập quán quốc tế.