Thông tưTHÔNG TƯ
Hướng dẫn tuyển sinh chuyên tu Đại học Y - Dược năm học 1998 - 1999.
Thực hiện kế hoạch Nhà nước về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, năm học 1998 - 1999 Bộ Y tế tiếp tục chiêu sinh đào tạo hệ chuyên tu đại học Y - Dược.
Công tác chiêu sinh đào tạo hệ chuyên tu đại học Y - Dược năm nay nhằm thực hiện:
Nghị quyết số 37/CP ngày 20/6/1996 của Chính phủ về Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân từ nay đến năm 2000 và 2020.
Thực hiện Thông tư số 34/TT-ĐH ngày 25/9/1986 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đại học hệ chuyên tu tập trung.
Các quyết định và văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác tuyển sinh năm học 1998 - 1999.
Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn tuyển sinh chuyên tu đại học Y - Dược năm học 1998 - 1999.
-
I. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH:
1. Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến y tế cơ sở:
Đối tượng dự tuyển là Y sĩ cao đẳng (thời gian đào tạo 02 năm), Y sĩ trung học (thời gian đào tạo 03 năm), ưu tiên các y sĩ đang công tác trong biên chế của các trạm Y tế xã, phường hoặc cơ quan Y tế huyện, quận. Không tuyển sinh đối với các Y sĩ đang làm chức năng Y tá (điều dưỡng).
2. Lớp chuyên tu Bác sĩ Y học cổ truyền (YHCT):
Đối tượng dự tuyển là Y sĩ Cao đẳng YHCT (thời gian đào tạo 02 năm), Y sĩ Trung học YHCT hoặc Y sĩ định hướng YHCT (thời gian đào tạo 03 năm).
3. Lớp chuyên tu Dược sĩ Đại học:
Đối tượng dự tuyển là Dược sĩ trung học.
4. Lớp cử tuyển chuyên tu Bác sĩ:
Đối tượng dự tuyển là Y sĩ đang công tác ở trạm Y tế xã vùng cao (KV1-VC), vùng sâu (KV1-VS). Học viên cử tuyển được bồi dưỡng văn hoá 01 năm, nếu đạt yêu cầu sẽ được học tiếp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến Y tế cơ sở.
-
II. CÁC TRƯỜNG VÀ VÙNG TUYỂN SINH:
1. Phân hiệu Đại học Y Hải Phòng:
Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến Y tế cơ sở:
Tuyển sinh ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội.
2. Trường Đại học Y Thái Bình:
2.1. Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến Y tế cơ sở:
Tuyển sinh ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tây, Hưng Yên, Thái Bình.
2.2. Lớp chuyên tu Bác sĩ Y học cổ truyền:
Tuyển sinh các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra.
3. Trường Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh:
3.1. Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến cơ sở:
Tuyển sinh ở các tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh.
3.2. Lớp chuyên tu Bác sĩ Y học cổ truyền:
Tuyển sinh các tỉnh phía Nam từ Quảng Bình trở vào.
3.3. Lớp cử tuyển chuyên tu Bác sỹ
Tuyển sinh ở các xã vùng cao, vùng sâu, ở các tỉnh phía Nam từ Bình Thuận, Lâm Đồng trở vào.
3.4. Lớp chuyên tu Dược sĩ Đại học
Tuyển sinh ở các tỉnh phía Nam từ Quảng Bình trở vào.
4. Trường Đại học Dược Hà Nội:
Lớp chuyên tu Dược sĩ đại học: Tuyển sinh ở các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra.
5. Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên (thuộc Đại học Thái Nguyên):
5.1. Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến Y tế cơ sở:
Tuyển sinh ở các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lao Cai, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Bắc Giang.
5.2. Lớp cử tuyển chuyên tu Bác sĩ:
Tuyển sinh ở các vùng cao, vùng sâu, thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.
6. Trường Đại học Y Huế (thuộc Đại học Huế):
6.1. Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến Y tế cơ sở:
Tuyển sinh tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận.
6.2. Lớp cử tuyển chyên tu Bác sĩ:
Tuyển sinh ở các xã vùng cao, vùng sâu thuộc vùng tuyển chuyên tu Bác sĩ tuyến Y tế cơ sở (mục 6.1) và các xã vùng cao, vùng sâu của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
7. Khoa Y Tây Nguyên (thuộc Trường Đại học Tây Nguyên):
Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến Y tế cơ sở:
Tuyển sinh ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
8. Khoa Y Cần Thơ (thuộc Trường Đại học Cần Thơ):
Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến Y tế cơ sở:
Tuyển sinh ở các tỉnh: Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ.
9. Học Viện Quân Y:
Lớp chuyên tu Bác sĩ đa khoa tuyến cơ sở:
Đào tạo hợp đồng cho các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Hà Tây.
Kinh phí đào tạo do các địa phương này chi trả theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Thí sinh là cán bộ y tế của các ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn của tỉnh, thành phố nào dự thi vào các trường theo quy định vùng tuyển của tỉnh, thành phố đã nêu trên.
III. CÁC TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH:
Đối tượng tham gia tuyển chọn cần phải có các tiêu chuẩn sau:
1. Tiêu chuẩn chính trị:
Lý lịch bản thân, gia đình rõ ràng; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những người đang trong thời gian thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) không được xét tuyển.
2. Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và văn hoá:
2.1. Về chuyên môn:
Nếu là cán bộ trung học phải có bằng tốt nghiệp Y sĩ - Dược sĩ trung học. Thời gian đào tạo trung học Y - Dược không dưới 2,5 năm học tập trung (hệ chính quy) hoặc 2 năm (hệ chuyên tu tập trung). Bằng tốt nghiệp do Hiệu trưởng các trường Trung học Y - Dược cấp.
Nếu là Y sĩ cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp do Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế, Trường Trung học Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh I - Bộ Y tế cấp.
2.2. Về văn hoá:
Phải có trình độ văn hoá phổ thông trung học hay bổ túc văn hoá tương đương.
3. Tiêu chuẩn về thâm niên chuyên môn:
Phải có đủ thâm niên là 5 năm.
Riêng Y sĩ đang công tác và thuộc biên chế tại các trạm Y tế xã vùng cao, vùng sâu, thì thâm niên chuyên môn là 3 năm.
Thâm niên chuyên môn tính từ ngày nhận công tác (sau khi tốt nghiệp trung học Y - Dược ) đến ngày 30/10/1998.
4. Tiêu chuẩn sức khoẻ và tuổi:
4.1. Về sức khoẻ:
Phải có đủ sức khoẻ để học tập như quy định tại Thông tư liên Bộ Y tế - Đại học trung học chuyên nghiệp và dạy nghề số 10/TT-LB ngày 18/8/1989 và Công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20/5/1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4.2. Về tuổi:
Không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ, tính đến ngày 30/10/1998.
5. Chế độ sinh hoạt phí và học phí:
Cán bộ thuộc đối tượng ưu tiên I, cán bộ công tác ở khu vực 1 (KV1), cán bộ thuộc biên chế của các trạm Y tế xã và Dược sĩ trung học thuộc biên chế của cơ quan Y tế tuyến huyện được ưu tiên xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo có kinh phí Nhà nước cấp, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học (theo giấy thôi trả lương của cơ quan cử đi học), nhưng vẫn phải đóng góp học phí.
Cán bộ không thuộc các đối tượng nói trên và nằm ngoài chỉ tiêu ngân sách Nhà nước cấp thì phải nộp kinh phí đào tạo theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Sau khi tốt nghiệp, hoặc nếu sinh viên không tiếp tục theo học được nữa thì nhà trường sẽ trả về cơ quan cử đi học để bố trí công tác.
-
IV. CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN:
Điểm vào trường được xét tuyển ưu tiên theo khu vực và trong mỗi khu vực có các đối tượng ưu tiên về chính sách:
1. Ưu tiên về khu vực:
áp dụng theo bảng phân chia khu vực tuyển sinh, in trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 1998.
1.1. Khu vực 1 (KV1):
Miền núi và các vùng xa xôi hẻo lánh, hải đảo, trong đó có vùng cao (KV1-VC), và vùng sâu (KV1-VS).
1.2. Khu vực 2 (KV2):
Trung du và đồng bằng (kể cả các huyện ngoại thành các thành phố trực thuộc Trung ương), trong đó có địa bàn nông thôn và thị trấn (KV2-NT).
1.3. Khu vực 3 (KV3):
Nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Ưu tiên về chính sách:
2.1. Nhóm ưu tiên 1:
Anh hùng lao động và Anh hùng các lực lượng vũ trang.
Cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Thương binh đã được cấp thẻ.
Cán bộ đang công tác ở vùng cao, vùng sâu: có hộ khẩu thường trú ở đó 3 năm, tính đến ngày 30/10/1998. Nếu cán bộ công tác ở các vùng cao, vùng sâu không có hộ khẩu thường trú ở đó hoặc thường trú dưới 3 năm thì chỉ được xếp ở nhóm ưu tiên 2.
2.2. Nhóm ưu tiên 2:
Cán bộ được thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, chiến thắng, huân chương lao động; chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (thành phố) 2 năm liền.
Cán bộ thuộc biên chế các trạm y tế xã, hoặc các cơ sở y tế của Nông trường, Lâm trường, khu điều trị phong.
Điểm chênh lệch giữa 2 khu vực hoặc 2 nhóm ưu tiên kế tiếp nhau hơn kém nhau không quá 3 điểm.
-
V. HỒ SƠ XIN DỰ TUYỂN:
Tất cả các cán bộ đi học phải làm hồ sơ xin dự tuyển gồm có:
1. Một phiếu dự tuyển (có mẫu), có ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.
2. Bản sao bằng tốt nghiệp trung học Y - Dược (có công chứng Nhà nước). Khi đến học phải xuất trình bản chính để kiểm tra mới được vào học.
3. Bản sao giấy khai sinh.
4. Giấy khám sức khoẻ của bệnh viện hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền.
5. Giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên tuyển sinh và khu vực ưu tiên tuyển sinh (như quy định tại phần IV), do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ cấp (nếu có).
6. Quyết định cử cán bộ đi học của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ và nộp khi trúng tuyển nhập học. Các cán bộ do Sở Y tế của tỉnh, thành phố quản lý phải có thêm quyết định cử đi học của các Sở Y tế.
7. Hai ảnh cỡ 4x6 (một ảnh dán vào phiếu dự tuyển)
8. Hai phong bì có dán tem và ghi địa chỉ của thí sinh.
Tất cả hồ sơ phải đựng trong một phong bì cỡ 230x330mm, bên ngoài ghi rõ tên, nơi công tác, lớp xin dự tuyển và liệt kê các giấy tờ có trong hồ sơ.
Thí sinh phải nộp lệ phí do nhà trường thông báo, theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hạn nộp hồ sơ: Trước ngày 30/4/1998.
Mọi hành động man khai hồ sơ để dự thi đều phải xử lý theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ chịu trách nhiệm về việc xác nhận hồ sơ của cán bộ được cử đi học.
VI. THI TUYỂN
1. Các môn thi: Thí sinh phải thi 3 môn: Toán, Hoá, Chuyên môn
1.1. Môn Toán và môn Hoá:
Theo trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học hay bổ túc văn hoá.
1.2. Môn chuyên môn:
Theo chương trình đào tạo y sĩ (y sĩ đa khoa hoặc y sĩ YHCT) hoặc dược sĩ trung học hiện hành của Bộ Y tế.
Riêng thí sinh là y sĩ cao đẳng thì chỉ phải thi 01 môn chuyên môn theo chương trình đào tạo y sĩ cao đẳng (đa khoa hoặc YHCT).
Đối với lớp cử tuyển chuyên tu bác sĩ: Các trường chỉ tiếp nhận hồ sơ theo đúng đối tượng quy định và số lượng chỉ tiêu đã được Bọ Y tế phân bổ cho các tỉnh, không thi tuyển.
2. Ngày thi tuyển:
Ngày thi tuyển sinh sẽ được tổ chức trong tháng 7/1998. Lịch thi do các trường quy định và báo cáo Bộ Y tế (Vụ Khoa học - Đào tạo), đồng thời thông báo cho thí sinh thuộc vùng tuyển của trường biết.
Bộ Y tế khuyến khích các trường tổ chức ôn thi cho thí sinh. Thời gian ôn thi và học phí do các trường quy định. Nội dung ôn thi môn chuyên môn: theo chương trình đào tạo y sĩ - dược sĩ trung học hoặc y sĩ cao đẳng của Bộ Y tế đã ban hành.
Việc ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
3. Điều kiện trúng tuyển:
Thí sinh trúng tuyển phải có đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh và đạt mức điểm tuyển của trường, trong đó:
Về chuyên môn: Không dưới điểm 5.
Về văn hoá: Không có điểm 0.
Nhận được Thông tư này, các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xét cử cán bộ dự thi và đi học theo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn quy định trong các Thông tư. Các Trường cần xét duyệt hồ sơ tuyển sinh và tổ chức thi đúng quy chế để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng xã hội.
Bộ Y tế | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 1624/K2ĐT | Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Trích yếu: Đính chính Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 1998 Thông tư tuyển sinh số 03/98 | |
Kính gửi: - Các trường Đại học Y - Dược - Các Sở Y tế tỉnh, thành phố
Bộ Y tế đã có Thông tư số 03/1998/TT-BYT, ngày 4/3/1998 hướng dẫn tuyển sinh chuyên tu đại học Y - Dược năm học 1998 - 1999. Do sai sót trong quá trình in ấn, tại mục 3 phần III của Thông tư có ghi:
Riêng Y sĩ đang công tác và thuộc biên chế tại các trạm Y tế xã vùng cao, vùng sâu, thì thâm niên chuyên môn là 3 năm.
Nay xin đính chính lại như sau:
Riêng Y sĩ đang công tác và thuộc biên chế tại các trạm Y tế xã, vùng cao, vùng sâu, thì thâm niên chuyên môn là 3 năm./.