Văn bản pháp luật: Thông tư 03/2011/TT-BLĐTBXH

Phạm Minh Huân
Toàn quốc
Công báo số 117+118
Thông tư 03/2011/TT-BLĐTBXH
Thông tư
20/03/2011
29/01/2011

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và Đồng Nai 5

Thứ trưởng
2.011
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với
 công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và Đồng Nai 5

 __________________________________

Căn cứ Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP này 25 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9410/VPCP-KTTH ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ, sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và công trình thủy điện Đồng Nai 5 như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương, hệ số không ổn định sản xuất và chế độ ăn giữa ca đối với công nhân, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và công trình thủy điện Đồng Nai 5.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công nhân, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng công trình.

2. Công nhân, viên chức thuộc Ban quản lý dự án trực tiếp làm việc tại công trình.

3. Công nhân, viên chức khảo sát, tư vấn, thiết kế trực tiếp làm việc tại công trình.

Điều 3. Chế độ tiền lương và phụ cấp lương

1. Mức lương tối thiểu được áp dụng theo mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định tương ứng với từng thời kỳ.

2. Lương cấp bậc công việc được tính theo hệ số lương quy định tại thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước tương ứng với cấp bậc công việc của từng công việc cụ thể theo định mức xây dựng công trình của Bộ Xây dựng.

3. Chế độ phụ cấp lương

a) Phụ cấp khu vực: công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng nằm trên địa bàn (huyện, xã) nào thì được tính mức phụ cấp khu vực quy định cho địa bàn đó theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính – Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực.

b) Phụ cấp thu hút: áp dụng mức 50% tính trên lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công trình thủy điện Lai Châu và mức 30% tính trên lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công trình thủy điện Đồng Nai 5. Cách tính phụ cấp thu hút được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thu hút.

c) Phụ cấp lưu động: áp dụng mức 0,4 tính trên mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định tương ứng với từng thời kỳ và được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động.

Điều 4. Hệ số không ổn định sản xuất

Hệ số không ổn định sản xuất được áp dụng mức 15% tính trên lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 5. Chế độ ăn giữa ca

Chế độ ăn giữa ca được áp dụng với mức 15.000 đồng/người/ngày và thực hiện theo quy định tại khoản 1, mục IV Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong các công ty nhà nước. Chi phí ăn giữa ca được lập dự toán riêng trong dự toán xây dựng công trình.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này được quy định như sau:

a) Đối với công nhân, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng công trình được tính vào chi phí xây dựng công trình.

b) Đối với công nhân, viên chức thuộc Ban quản lý dự án công trình được tính vào chi phí quản lý dự án.

c) Đối với công nhân, viên chức trực tiếp tư vấn, khảo sát, thống kê công trình được tính vào chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình.

2. Kinh phí tăng thêm để thực hiện các chế độ quy định tại Thông tư này được sử dụng từ chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình; trường hợp vượt tổng mức đầu tư xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm

a) Xác định chi phí trong dự toán công trình theo quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình hiện hành.

b) Tạm ứng và thanh toán cho nhà thầu thi công xây dựng công trình theo quy định.

2. Các nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm

Tổ chức chi trả đúng, đủ cho người lao động theo quy chế của đơn vị gắn với năng suất lao động, khối lượng, chất lượng công việc và tiến độ thi công xây dựng công trình.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 03 năm 2011.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng cho toàn bộ khối lượng công trình.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26199&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận