Văn bản pháp luật: Thông tư 03/2011/TT-BTTTT

Nguyễn Thành Hưng
Toàn quốc
Công báo số 77+78
Thông tư 03/2011/TT-BTTTT
Thông tư
01/03/2011
04/01/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Thứ trưởng
2.011
Bộ Thông tin và Truyền thông

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

 ____________________________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Tần số Vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 3 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 3 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ,

QUY ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các mục tiêu và yêu cầu cơ bản đối với việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng, ban hành hoặc đề nghị công bố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lĩnh vực thông tin và truyền thông: các lĩnh vực xuất bản, bưu chính, viễn thông (bao gồm cả internet, truyền dẫn và phát sóng phát thanh truyền hình), tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, điện tử, cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông quốc gia.

2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia): là quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng và ban hành. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bao gồm các quy định kỹ thuật bắt buộc áp dụng và các quy định về quản lý nhằm bảo đảm các mục tiêu quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với đối tượng quy chuẩn kỹ thuật.

3. Tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là tiêu chuẩn quốc gia): là tiêu chuẩn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng và đề nghị công bố. Tiêu chuẩn quốc gia xác định các yêu cầu kỹ thuật đối với đối tượng tiêu chuẩn và được áp dụng trên cơ sở tự nguyện.

4. Đối tượng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn: là sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ, quá trình trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và được xác định cụ thể trong phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn.

Chương II

MỤC TIÊU XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA, TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

Điều 4. Mục tiêu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước sau:

1. Bảo đảm an toàn cho con người và môi trường trong quá trình lắp đặt, khai thác, sử dụng sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ.

2. Bảo vệ sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống đối với các ảnh hưởng có hại.

3. Bảo đảm khả năng hoạt động liên thông giữa thiết bị người sử dụng với thiết bị mạng của nhà khai thác và giữa thiết bị mạng của các nhà khai thác khác nhau.

4. Bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn bộ mạng, hệ thống và đáp ứng các mục tiêu công ích.

5. Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ.

Điều 5. Mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng và đề nghị công bố các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để khuyến khích áp dụng nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả trong phạm vi toàn quốc; bảo đảm sự chủ động và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc phát triển mạng và cung cấp dịch vụ. Tiêu chuẩn quốc gia không được trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và có một số mục tiêu cụ thể sau:

1. Đáp ứng mục tiêu chức năng, công dụng, chất lượng: xác định các công nghệ, đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ ở mức tiên tiến và phù hợp để áp dụng tại Việt Nam.

2. Đáp ứng mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả: xác định các quy tắc thực hành tiên tiến để áp dụng trong các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.

3. Đáp ứng mục tiêu thông tin, thông hiểu: phổ biến và tăng cường hiểu biết và áp dụng về sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ, quá trình.

4. Đáp ứng mục tiêu giảm chủng loại, đổi lẫn: cho phép lựa chọn một số lượng tối ưu các kích cỡ hay chủng loại của sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, quá trình; có thể sử dụng thay thế lẫn nhau mà vẫn đáp ứng cùng yêu cầu.

Chương III

ĐỐI TƯỢNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA, TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

Điều 6. Đối tượng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

1. Đối tượng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bao gồm:

a) Sản phẩm bưu chính: tem bưu chính;

b) Thiết bị: thiết bị đầu cuối; thiết bị vô tuyến điện; thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện; thiết bị công nghệ thông tin; thiết bị điện tử;

c) Mạng, hệ thống: thiết bị mạng; thiết bị đo lường tính giá cước; kết nối mạng viễn thông; hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; đài vô tuyến điện; hệ thống công nghệ thông tin;

d) Dịch vụ: dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông (công ích, cơ bản, giá trị gia tăng có ảnh hưởng lớn đến xã hội); dịch vụ phát thanh, truyền hình;

đ) Quá trình: lắp đặt, vận hành, quản lý, đo kiểm sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ nêu tại các điểm a), b), c), d) khoản 1 Điều này.

e) Các đối tượng khác theo yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

2. Các quy định kỹ thuật cơ bản

a) Đối với sản phẩm bưu chính nêu tại điểm a) khoản 1 Điều này:

Quy định kỹ thuật về hình dạng, kích thước, chất liệu, nội dung bắt buộc, bố cục nội dung trên tem bưu chính.

b) Đối với thiết bị nêu tại điểm b) khoản 1 Điều này:

Quy định kỹ thuật về giao diện kết nối thiết bị đầu cuối với mạng; quy định kỹ thuật về phổ tần số, tương thích điện từ trường; quy định kỹ thuật về an toàn (an toàn điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện...).

c) Đối với mạng, hệ thống nêu tại điểm c) khoản 1 Điều này:

Quy định kỹ thuật về an toàn (an toàn cơ học, an toàn điện, tiếp đất, chống sét, an toàn bức xạ vô tuyến điện, an toàn thông tin...); quy định kỹ thuật về giao diện kết nối, chất lượng kết nối giữa các mạng, hệ thống của các nhà khai thác; quy định kỹ thuật bảo đảm sự phát triển bền vững của mạng, hệ thống và đáp ứng các mục tiêu công ích;

d) Đối với dịch vụ nêu tại điểm d) khoản 1 Điều này:

Quy định kỹ thuật về năng lực cung cấp và hỗ trợ sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp (chỉ tiêu chất lượng phục vụ) và quy định kỹ thuật về năng lực thông tin, truyền thông của chính dịch vụ (chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật).

đ) Đối với các quá trình nêu tại điểm đ) khoản 1 Điều này:

Các quy tắc thực hành thiết yếu nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình lắp đặt, vận hành, quản lý, đo kiểm sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ.

Điều 7. Đối tượng tiêu chuẩn quốc gia

1. Đối tượng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bao gồm:

a) Sản phẩm, thiết bị: xuất bản phẩm; thiết bị, sản phẩm bưu chính; thiết bị viễn thông; thiết bị vô tuyến điện; thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện; thiết bị điện tử; sản phẩm công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm);

b) Mạng, hệ thống: mạng viễn thông; hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; hệ thống công nghệ thông tin;

c) Dịch vụ: dịch vụ bưu chính; dịch vụ viễn thông; dịch vụ ứng dụng viễn thông (bao gồm dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình và các lĩnh vực khác); dịch vụ công nghệ thông tin;

d) Quá trình: các quá trình thiết kế, lắp đặt, vận hành, quản lý, bảo dưỡng, đo kiểm sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ.

2. Các yêu cầu kỹ thuật cơ bản

a) Đối với sản phẩm, thiết bị quy định tại điểm a) khoản 1 Điều này:

Các đặc điểm kỹ thuật, yêu cầu về tính năng của sản phẩm, thiết bị (bao gồm cả phần cứng và phần mềm); các yêu cầu về an toàn thông tin.

b) Đối với mạng, hệ thống quy định tại điểm b) khoản 1 Điều này:

Các đặc điểm kỹ thuật, yêu cầu về cấu hình, chức năng, chất lượng của mạng, hệ thống; các quy định về khuôn dạng, lưu trữ, xử lý, trình bày thông tin; các yêu cầu về trao đổi dữ liệu điện tử; các yêu cầu về an toàn thông tin.

c) Dịch vụ quy định tại điểm c) khoản 1 Điều này:

Các yêu cầu về chất lượng dịch vụ.

d) Quá trình quy định tại điểm d) khoản 1 Điều này:

Các quy tắc thực hành tiên tiến trong thiết kế, lắp đặt, vận hành, quản lý, bảo dưỡng, đo kiểm sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ.

Chương IV

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ YÊU CẦU TRONG XÂY DỰNG

 DỰ THẢO QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA, TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

Điều 8. Đăng ký kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia

1. Quý II hàng năm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ nhu cầu áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn đăng ký kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia cho năm sau về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp. Kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia bao gồm cả việc soát xét, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia phải gửi kèm theo dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc.

3. Mẫu đăng ký kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Mẫu dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Mẫu đăng ký kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Mẫu dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Thông tin về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và công bố trên trang tin điện tử quyết định về việc phê duyệt kế hoạch hàng năm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn.

Điều 10. Triển khai xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia theo trình tự và yêu cầu như sau:

1. Chỉ định chủ trì dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia. Chủ trì dự thảo có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cho tới khi dự thảo được ban hành, công bố.

2. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia đúng nội dung, tiến độ như kế hoạch và dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia đã phê duyệt.

3. Báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông khi có điều chỉnh về chủ trì dự thảo, nội dung, tiến độ của kế hoạch và báo cáo các nội dung thực hiện theo yêu cầu.

4. Bảo đảm sự tham gia góp ý của các bên liên quan và các cơ quan phối hợp (đã nêu trong dự án xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia) đối với các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia.

5. Xây dựng hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ theo quy định tại khoản 1, Điều 10 và khoản 1, Điều 5 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

6. Tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; tổ chức hoàn chỉnh các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia và hồ sơ (02 bộ) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện các thủ tục thẩm định, ban hành hoặc công bố.

7. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn chỉnh các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia trong quá trình thẩm định, ban hành hoặc công bố.

Điều 11. Yêu cầu đối với dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia

1. Nội dung của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia phải tuân thủ những yêu cầu cơ bản sau:

a) Đáp ứng đúng mục tiêu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.

b) Bảo đảm tính thống nhất, không có mâu thuẫn trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia.

c) Các quy định kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật phải có khả năng đo kiểm, đánh giá được một cách khách quan; trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải xác định rõ phương pháp đo kiểm, đánh giá.

d) Các quy định kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật phải được diễn đạt chính xác, súc tích và đơn nghĩa.

2. Quy định đối với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế:

a) Ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài (sau đây gọi chung là tiêu chuẩn quốc tế) đã được áp dụng rộng rãi.

b) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chấp nhận một tiêu chuẩn quốc tế được thể hiện trong lời nói đầu là “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có các quy định kỹ thuật và phương pháp đo thử phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”.

c) Tiêu chuẩn quốc gia chấp nhận một tiêu chuẩn quốc tế với bố cục và nội dung cơ bản của tiêu chuẩn quốc tế được giữ nguyên và chuyển nguyên vẹn sang tiêu chuẩn quốc gia được thể hiện trong lời nói đầu là “tiêu chuẩn quốc gia hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế” và được ghi ký hiệu tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.

d) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia chấp nhận từ hai tiêu chuẩn quốc tế trở lên được thể hiện trong lời nói đầu là “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”.

3. Thể thức trình bày của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia thực hiện như sau:

a) Trình bày và thể hiện nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được thực hiện theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo TCVN 1-2 và các hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 12. Yêu cầu đối với tài liệu khác trong hồ sơ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia

1. Thuyết minh dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia (sau đây viết tắt là QCVN/TCVN) được thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phiếu trưng cầu ý kiến đối với dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Phiếu đánh giá dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Biên bản họp Hội đồng thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 13. Kinh phí xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia

1. Kinh phí triển khai công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia bao gồm: kinh phí lập kế hoạch, rà soát, sửa đổi, xây dựng, thẩm định, trình duyệt, đăng ký, xuất bản, phát hành, phổ biến, kiểm tra và đánh giá.

2. Kinh phí triển khai công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động khoa học và công nghệ và các hoạt động khác của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Việc sử dụng kinh phí xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Vụ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

a) Làm đầu mối tổng hợp, đề xuất kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia hàng năm trình Bộ trưởng phê duyệt.

b) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia theo đúng nội dung, tiến độ.

c) Tổ chức thẩm định và trình duyệt ban hành, công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia.

2. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Đề xuất, chủ trì xây dựng hoặc phối hợp xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực trách nhiệm được phân công để phục vụ các mục tiêu quản lý của Bộ do đơn vị triển khai.

b) Đề xuất việc soát xét, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực, trách nhiệm được phân công một cách thường xuyên. Đề xuất sửa đổi kịp thời các điểm không phù hợp trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, nếu phát hiện trong quá trình áp dụng.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 3 năm 2011 và thay thế cho Quyết định số 27/2001/QĐ-TCBĐ ngày 9/1/2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện ban hành Quy định về việc xây dựng, ban hành và công bố tiêu chuẩn trong ngành Bưu điện.

Điều 16. Sửa đổi, bổ sung quy định

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét sửa đổi, bổ sung ./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26276&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận