THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 142/2004/NĐ-CP
ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn thực hiện như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện (sau đây được gọi tắt là "Nghị định") về các hành vi vi phạm hành chính và việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.
2. Đối tượng áp dụng:
Mọi cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện tại Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định và được hướng dẫn tại Thông tư này, trừ các trường hợp được nêu tại điểm 3 mục I Thông tư này.
3. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính :
3.1- Cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ xử phạt hành chính theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
3.2- Người vi phạm hành chính chưa đủ 14 tuổi;
3.3- Trường hợp được quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định;
3.4- Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị định;
3.5- Hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm.
4. Nguyên tắc xử phạt:
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây được gọi tắt là "Pháp lệnh"), Điều 3 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh và Điều 3 Nghị định.
II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BƯU CHÍNH,
VIỄN THÔNG VÀ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
1. Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 8; khoản 1, 2 và 3 Điều 9; khoản 1 Điều 10; khoản 1 Điều 11; khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 17; khoản 1 Điều 18; khoản 1 Điều 26; khoản 1 Điều 27 Nghị định được áp dụng như sau:
1.1- Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi thực hiện;
Hình thức phạt cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
1.2- Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính khác ngoài trường hợp hướng dẫn tại điểm 1.1 trên đây.
2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định được áp dụng đối với:
Cá nhân, tổ chức làm thay đổi, dịch chuyển vị trí các thùng thư, trang thiết bị, cơ sở vật chất của mạng bưu chính công cộng khi chưa được phép của người có thẩm quyền quản lý.
3. Hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 6 Nghị định được áp dụng trong trường hợp:
Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư sử dụng cụm từ "Bưu chính Việt Nam" nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa được phép của doanh nghiệp Bưu chính Việt Nam.
4. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định được áp dụng đối với:
4.1- Nhân viên của doanh nghiệp bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư giữ thư, bưu phẩm, bưu kiện mà không phát hoặc phát chậm đến người sử dụng dịch vụ;
4.2- Cá nhân có giao kết hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ chuyển phát thư, bưu phẩm, bưu kiện mà không phát hoặc phát chậm đến người sử dụng dịch vụ.
5. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định được hướng dẫn như sau:
5.1- Người không có thẩm quyền mà có hành vi vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của khoản 2 Điều 7 Nghị định.
5.2- Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ mà có hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật do vi phạm chế độ công vụ theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
6. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định được áp dụng đối với:
Cá nhân, tổ chức có hành vi trì hoãn, khước từ, trốn tránh việc thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trưng dụng phương tiện, thiết bị để vận chuyển, lưu thoát công văn, tài liệu, túi gói thư, bưu phẩm, bưu kiện đang trên đường vận chuyển trong các trường hợp khẩn cấp như: bão, lũ lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc các thảm họa khác.
7. Các biện pháp đảm bảo an ninh thông tin quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định được hướng dẫn như sau:
Các biện pháp đảm bảo an ninh thông tin mà doanh nghiệp Bưu chính Việt Nam có trách nhiệm áp dụng khi vận chuyển, khai thác túi, gói của mạng bưu chính chuyên dùng bao gồm: ưu tiên khai thác, vận chuyển túi, gói thư, bưu phẩm, bưu kiện; áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn bưu chính và bí mật thông tin trong tất cả các khâu của quá trình khai thác và vận chuyển.
8. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định được áp dụng đối với:
Nhân viên của doanh nghiệp bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư bóc mở trái pháp luật hoặc có hành vi tráo đổi nội dung thư, bưu phẩm, bưu kiện của người sử dụng dịch vụ trong quá trình khai thác và vận chuyển túi, gói thư, bưu phẩm, bưu kiện.
9. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định được áp dụng trong các trường hợp:
9.1- Người gửi tự ý đưa thêm, tráo đổi vật phẩm, hàng hóa sau khi nhân viên của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã làm xong thủ tục kiểm tra nội dung bưu phẩm, bưu kiện;
9.2- Nhân viên của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông đồng với người gửi để đưa thêm, tráo đổi vật phẩm, hàng hóa trong bưu phẩm, bưu kiện. Trường hợp này, việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện đối với cả nhân viên của doanh nghiệp và người gửi.
10. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định được áp dụng trong các trường hợp:
10.1- Cá nhân, tổ chức có hành vi ngăn cản, cản trở, gây khó khăn đối với người sử dụng dịch vụ khi họ sử dụng hợp pháp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư;
10.2- Cá nhân, tổ chức có hành vi ngăn cản, cản trở, gây khó khăn đối với doanh nghiệp bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư khi các doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư cho người sử dụng dịch vụ đúng quy định của pháp luật.
11. Hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều 9 Nghị định được hướng dẫn xử lý như sau:
Khi phát hiện tiền, ngoại hối trong thư, bưu phẩm, bưu kiện gửi từ nước ngoài vào Việt Nam, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp sau một năm mà quyết định xử phạt này không thể giao đến người bị xử phạt do người đó không đến nhận và không xác định được địa chỉ của họ hoặc vì lý do khách quan khác thì người đã ra quyết định xử phạt ra quyết định đình chỉ thi hành hình thức xử phạt chính, trừ hình thức tịch thu tang vật vi phạm (tiền, ngoại hối) theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ và làm thủ tục chuyển số tiền, ngoại hối đó vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước theo tiết e điểm 1.1 mục III của Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính.
12. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định được hướng dẫn như sau:
12.1- Cá nhân, tổ chức làm mất thư, bưu phẩm, bưu kiện của người sử dụng dịch vụ gửi qua mạng bưu chính công cộng, mạng chuyển phát thư mà không xử lý giải quyết theo quy định của pháp luật thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định tại điểm này, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật;
12.2- Cá nhân, tổ chức làm mất thư, bưu phẩm, bưu kiện của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân gửi qua mạng bưu chính chuyên dùng thì không áp dụng xử phạt phạt vi phạm hành chính theo điểm này mà chuyển cho cơ quan Công an để tiến hành điều tra, xử lý.
13. Hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 và khoản 7 Điều 9 Nghị định được hướng dẫn như sau:
13.1- Hành vi gửi hoặc nhận gửi trong thư, bưu phẩm, bưu kiện những vật, chất gây cháy, gây nổ, gây nguy hiểm, vật, chất làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường chỉ áp dụng đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện được nhân viên của doanh nghiệp bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư chấp nhận gửi;
13.2- Trường hợp thư, bưu phẩm, bưu kiện gửi từ nước ngoài vào Việt Nam có chứa những vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu, vật chất gây nổ, gây cháy, gây nguy hiểm, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ngay tại nơi phát hiện và tiến hành tịch thu hoặc để tiêu hủy tang vật vi phạm theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh.
14. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định được áp dụng trong trường hợp:
Bưu chính Việt Nam, đại lý dịch vụ bưu chính bán tem bưu chính trong thời hạn phát hành không đúng giá in trên mặt tem, trừ tem bưu chính đã có dấu huỷ;
Không áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định đối với cá nhân, tổ chức bán các loại tem bưu chính cho mục đích sưu tập.
15. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định được áp dụng đối với:
Cá nhân, tổ chức lưu hành tem bưu chính đã có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp thu hồi tem bưu chính hết thời hạn phát hành.
16. Hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định được áp dụng đối với:
Cá nhân, tổ chức sưu tập các loại tem bưu chính đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam nhằm mục đích tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bôi xấu chế độ, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, kích động, gây hằn thù giữa các dân tộc.
17. Các số máy dịch vụ khẩn cấp, trợ giúp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định, gồm có:
Số máy gọi Công an (113); gọi cứu hỏa (114); gọi cấp cứu y tế (115); gọi giải đáp số điện thoại nội hạt (116) và số máy của các cơ quan khác theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
18. Hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều 12 Nghị định được áp dụng:
Trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông ngừng, tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông để thay đổi cấu hình mạng, thiết bị, hệ thống thiết bị, đánh lại số điện thoại, nâng dung lượng tổng đài mà không thông báo cho người sử dụng dịch vụ biết trước theo quy định của pháp luật.
Không xử phạt đối với trường hợp ngừng, tạm ngừng cung cấp dịch vụ do lỗi kỹ thuật hoặc lý do bất khả kháng.
19. Hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định được hiểu như sau:
Hành vi phát tán virus, thư rác (spam email), các chương trình nguy hiểm đối với mạng viễn thông có nguy cơ gây tắc nghẽn mạng hoặc làm mạng ngừng hoạt động.
20. Hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 17 Nghị định được hiểu như sau:
Hành vi của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện mạo danh tên đài, hô hiệu, số nhận dạng của đài vô tuyến điện khác đã được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
21. Hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 2 Điều 17 Nghị định được áp dụng:
Xử phạt vi phạm hành chính trên một tần số đối với hành vi mỗi lần phát sai tần số đã được quy định trong Giấy phép tần số vô tuyến điện.
22. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định được áp dụng đối với:
Cá nhân, tổ chức sử dụng người không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc công nhận theo quy định để sử dụng những thiết bị phát sóng vô tuyến điện bắt buộc phải có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ.
23. Hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 17 Nghị định được hướng dẫn như sau:
Thiết bị không bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là những thiết bị không dán tem phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ (đối với thiết bị yêu cầu phải dán tem), thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông hoặc các quy định của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc các quy định của Quốc tế đã được Việt Nam công nhận.
24. Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định được hiểu như sau:
Mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng hoặc kênh tần số phát sóng, phát thanh truyền hình hoặc thu, phát sóng vô tuyến điện khác có quy mô trong cả nước là các mạng, đài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép tần số vô tuyến điện hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
25. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định được áp dụng đối với:
Cá nhân, tổ chức nhập khẩu thiết bị viễn thông hoặc sản xuất thiết bị viễn thông trong nước đưa vào lưu thông trên thị trường Việt Nam hoặc kết nối vào các mạng viễn thông những thiết bị viễn thông không có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ hoặc các Giấy chứng nhận này đã hết thời hạn sử dụng trên ba mươi ngày.
Điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định không áp dụng đối với các hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng hoặc người sử dụng.
III. THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1- Thủ tục áp dụng hình thức xử phạt chính (Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền) được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định.
2- Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, nếu hình thức và mức xử phạt áp dụng đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền xử phạt của một cấp thì cấp đó ra quyết định xử phạt. Nếu có ít nhất một hành vi vi phạm mà hình thức, mức xử phạt áp dụng thuộc thẩm quyền của cấp trên thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ đến cấp có thẩm quyền để xử phạt; nếu có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan khác thì lập hồ sơ riêng về hành vi vi phạm này và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền đó để xử phạt.
3- Trường hợp nhiều người liên kết với nhau để cùng thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hành chính thì chỉ cần tiến hành lập một biên bản chung và ra một quyết định xử phạt chung; trong đó, ghi rõ hình thức và mức phạt đối với từng người. Tất cả những người này đều có tình tiết tăng nặng là vi phạm có tổ chức.
4- Trường hợp vi phạm hành chính chưa xác định được cá nhân thực hiện hành vi vi phạm đó thì tiến hành xử phạt hành chính đối với tổ chức. Sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý của cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
5- Thủ tục tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Điều 61 Pháp lệnh.
Việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính được thực hiện theo Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính.
6- Chánh Thanh tra của cơ quan Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 75/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 28 Nghị định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ảnh kịp thời về Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét, bổ sung, sửa đổi.