Văn bản pháp luật: Thông tư 05/2005/TT-BCN

Nguyễn Xuân Thuý
Toàn quốc
Công báo số 11 & 12 - 11/2005;
Thông tư 05/2005/TT-BCN
Thông tư
25/11/2005
31/10/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón

Thứ trưởng
2.005
Bộ Công nghiệp

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003

của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón


Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón;

Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chính sách, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu thập và quản lý các thông tin tư liệu, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm, tuyên truyền, phổ biến kiến thức kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất phân bón vô cơ.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và Thông tư này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách:

Quy hoạch, kế hoạch, chính sách sản xuất phân bón vô cơ nằm trong Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Hoá chất Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 có tính đến năm 2020. Bộ Công nghiệp là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sản xuất phân bón vô cơ nhằm khai thác, chế biến các nguồn tài nguyên của đất nước và huy động các nguồn lực để xây dựng ngành công nghiệp phân bón ngày càng lớn mạnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất và môi trường sinh thái. Việc đầu tư phát triển sản xuất phân bón vô cơ của các tổ chức, cá nhân phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất phân bón được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và phát triển bền vững. Việc hỗ trợ sản xuất phân bón vô cơ bằng các chính sách về vốn, về thuế, về cơ sở hạ tầng, do Bộ Công nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho từng trường hợp cụ thể.

2. Tiêu chuẩn, chất lượng phân bón vô cơ:

Tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón phải thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký tiêu chuẩn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương nơi đăng ký kinh doanh sản xuất.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu, như sau:

- Phân đạm urê:

+ Tổng lượng nitơ ≥ 46%

+ Độ ẩm ≤ 0,5%

+ Kích thước hạt 1,4 - 2,8 mm ≥ 75%; Từ 1 - 2,5 mm ≥ 90%; 1 mm ≤ 1%

+ Hàm lượng biuret ≤ 1,5%.

- Phân supe phốt phát đơn:

+ Hàm lượng P2O5 hữu hiệu ≥ 16%;

+ Axit tự do ≤ 4%

+ Độ ẩm ≤ 13%.

- Phân lân nung chảy:

+ Hàm lượng P2O5 hữu hiệu ≥ 13,5%

+ Độ ẩm ≤ 1%.

- Phân DAP:

+ Hàm lượng N: 16% - 18% trọng lượng

+ Hàm lượng P2O5: 46% - 48% trọng lượng.

- Phân supe phốt phát giàu, có hàm lượng P2O5 từ 28% đến 32% và phân lân nung chảy có hàm lượng P2O5 hữu hiệu từ 17% trở lên sử dụng nguyên liệu ban đầu là quặng apatit loại II được khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Phân hỗn hợp NPK phải có tổng hàm lượng dinh dưỡng ≥ 18%

Nhãn mác phân bón vô cơ thực hiện theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về "Quy chế ghi nhãn hàng hoá trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu", Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hóa xuất, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Sản xuất và gia công phân bón vô cơ:

Tổ chức, cá nhân sản xuất và gia công phân bón vô cơ phải được Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng phân bón vô cơ và có đủ các điều kiện sau:

- Có máy móc, thiết bị, nhà xưởng phù hợp để sản xuất phân bón vô cơ đạt tiêu chuẩn chất lượng đã công bố;

- Có bộ phận phân tích kiểm nghiệm chất lượng phân bón vô cơ. Trong trường hợp không có bộ phận phân tích kiểm nghiệm chất lượng phân bón thì thuê đơn vị chuyên môn phân tích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

- Có các biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và các giải pháp công nghệ xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Có kho chứa phân bón đảm bảo đủ số lượng đã đăng ký;

- Cán bộ, công nhân có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công nghệ sản xuất và quản lý chất lượng phân bón;

- Sản xuất các loại phân bón có tên trong "Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam" trong từng thời kỳ. Đối với các loại phân bón vô cơ không có tên trong Danh mục phân bón nêu trên, nếu tổ chức cá nhân muốn sản xuất cần có văn bản đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về sản xuất phân bón vô cơ:

- Tổ chức cá nhân có trách nhiệm thông báo kế hoạch sản xuất phân bón vô cơ hàng năm với Bộ Công nghiệp và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong đó nêu rõ từng loại phân bón được chia theo nhóm: phân hỗn hợp, các loại phân chuyên dùng, phân đơn, số lượng, chất lượng của từng loại phân bón sẽ được sản xuất trong năm tiếp theo vào đầu tháng 11 hàng năm.

- Tổ chức cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ phải làm báo cáo 6 tháng và báo cáo năm về số lượng sản xuất, tiêu thụ, tồn kho gửi Bộ Công nghiệp theo mẫu số 1 đính kèm. Báo cáo gửi về Bộ Công nghiệp chậm nhất là ngày 15 tháng 7 (đối với báo cáo 6 tháng) và ngày 15 tháng 01 năm sau (đối với báo cáo năm)

5. Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón vô cơ:

- Huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, của các cá nhân, tổ chức trong việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất phân bón vô cơ. Sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có để nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm phân bón vô cơ phục vụ nông nghiệp. Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các vụ chức năng và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các chương trình khoa học công nghệ về phân bón và chương trình khai thác, sử dụng có hiệu quả quặng apatit phục vụ sản xuất phân bón.

- Đầu tư sản xuất phân bón vô cơ sử dụng các loại công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ.

- Tăng cường công tác quản lý định mức, chất lượng sản phẩm, giám sát môi trường, thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

6. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong sản xuất phân bón vô cơ:

Vụ Cơ khí, Luyện kim và hoá chất, Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các Vụ chức năng thuộc Bộ Công nghiệp thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành trong việc kiểm tra, thanh tra, nhằm chấn chỉnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc thực hiện Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ và các quy định tại Thông tư này. Trong khi làm nhiệm vụ, cơ quan và người tiến hành kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật có liên quan; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra.

Việc kiểm tra, thanh tra được tiến hành dưới các hình thức sau đây:

a) Kiểm tra, thanh tra thường xuyên (6 tháng, năm) theo chức năng quản lý và thẩm quyền được pháp luật quy định.

b) Kiểm tra, thanh tra đột xuất: Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra, thanh tra quyết định thành phần đoàn kiểm tra trên cơ sở mục đích, yêu cầu, phạm vi và nội dung kiểm tra, thanh tra; trong trường hợp cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thì trình lãnh đạo Bộ Công nghiệp mời các cơ quan liên quan cử người tham gia phối hợp.

Việc kiểm tra, thanh tra theo đoàn được thực hiện theo quyết định bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Quyết định kiểm tra, thanh tra phải ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; thời gian tiến hành, phạm vi và nội dung kiểm tra; thành phần đoàn.

Việc kiểm tra, thanh tra được tiến hành trên cơ sở thực tế hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón vô cơ. Cá nhân, tổ chức được kiểm tra có trách nhiệm tạo điều kiện cho đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của mình và có quyền khiếu nại, tố cáo về hoạt động kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

Kết quả kiểm tra, thanh tra được lập thành biên bản, trong đó mô tả quá trình tiến hành kiểm tra; kết luận của đoàn về những vi phạm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; những kiến nghị hoặc yêu cầu của đoàn kiểm tra và những nội dung cần thiết khác. Biên bản phải có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và của người đứng đầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón vô cơ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có các hành vi vi phạm dưới đây:

- Sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng không đạt tiêu chuẩn đăng ký.

- Sản xuất phân bón không có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.

- Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.

- Sử dụng bố trí đội ngũ cán bộ, công nhân có chuyên môn không đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất và quản lý chất lượng phân bón.

- Không thực hiện chế độ thống kê báo cáo 6 tháng, hàng năm theo quy định.

Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra sản xuất phân bón vô cơ sẽ bị xem xét, xử lý theo các quy định của pháp luật nếu có các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

7. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất phân bón vô cơ:

- Bộ Công nghiệp khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón vô cơ tổ chức các hình thức tuyên truyền như Hội nghị đầu bờ; Hội thi nông dân giỏi v.v... để hướng dẫn người tiêu dùng và kích cầu tiêu thụ sản phẩm;

- Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón vô cơ được tự do quảng cáo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất phân bón vô cơ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo các quy định hiện hành;

8. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất phân bón vô cơ:

Bộ Công nghiệp là cơ quan đầu mối thực hiện chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất phân bón vô cơ. Mọi tổ chức, cá nhân của Việt Nam được hợp tác với các cá nhân, tổ chức của nước ngoài nhằm khai thác vốn, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để phục vụ sự phát triển ngành phân bón vô cơ tại Việt Nam theo tinh thần Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây về sản xuất phân bón vô cơ trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Bộ Công nghiệp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể thông báo nội dung Thông tư này cho các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của mình biết, thực hiện, đồng thời phản ánh cho Bộ Công nghiệp những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để Bộ Công nghiệp kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=17095&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận