Văn bản pháp luật: Thông tư 05/2008/TT-BTTTT

Lê Doãn Hợp
Toàn quốc
Công báo số 615 + 616, năm 2008
Thông tư 05/2008/TT-BTTTT
Thông tư
11/12/2008
12/11/2008

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với dịch vụ Internet

Bộ trưởng
2.008
Bộ Thông tin và Truyền thông

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với dịch vụ Internet

________________________________

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet;

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet (sau đây gọi là Nghị định) đối với dịch vụ Internet như sau:

1. Dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông quy định tại điểm c khoản 9 Điều 3 Nghị định bao gồm các dịch vụ sau:

1.1. Các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 160/2004/NĐ-CP ngày 3/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;

1.2. Dịch vụ điện thoại Internet loại hình PC-to-PC trong nước và quốc tế, PC-to-Phone chiều đi quốc tế;

1.3. Dịch vụ gửi tin nhắn từ Internet vào mạng viễn thông di động và mạng viễn thông cố định.

2. Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ điện thoại Internet thực hiện như sau:

2.1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khi cung cấp dịch vụ điện thoại Internet có trách nhiệm sau:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định;

b) Chỉ được cung cấp các loại hình dịch vụ điện thoại Internet quy định tại khoản 1 điểm 1.2 Thông tư này;

c) Có hệ thống tính cước, quản lý dữ liệu khách hàng, quản lý dịch vụ đặt tại Việt Nam do doanh nghiệp vận hành, khai thác để trực tiếp cung cấp dịch vụ cho công cộng;

d) Cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến việc thanh toán cước sử dụng dịch vụ; xác minh được và trả lời chính xác các khiếu nại của khách hàng về giá cước, thẻ, chất lượng dịch vụ.

2.2. Các tổ chức, cá nhân không được in, phát hành, bán thẻ và bán lại dịch vụ điện thoại Internet của doanh nghiệp không có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ điện thoại Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp dưới bất kỳ hình thức nào.

3. Khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng không dây sử dụng công nghệ WLAN (dịch vụ truy nhập Internet Wifi), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm sau:

3.1. Tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định;

3.2. Thiết lập thiết bị thu phát tín hiệu vô tuyến điện sử dụng công nghệ WLAN để cung cấp vùng phủ sóng cho điểm nóng (hotspot). Tần số và công suất phát của các thiết bị đó phải tuân theo quy định về quản lý tần số vô tuyến điện;

3.3. Thuê đường truyền dẫn viễn thông (hữu tuyến hoặc vô tuyến) của doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng để thiết lập đường truyền dẫn giữa mạng lưới thiết bị Internet của doanh nghiệp với điểm nóng.

4. Việc triển khai các trang thiết bị và phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn thông tin theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định thực hiện như sau:

4.1. Có phương án dự phòng cho kênh truyền dẫn, hệ thống máy chủ, thiết bị mạng, sao lưu dữ liệu, nguồn điện đảm bảo các dịch vụ được cung cấp một cách liên tục và thông suốt;

4.2. Có hệ thống trang thiết bị theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của mạng lưới thiết bị Internet đảm bảo mạng lưới thiết bị Internet đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mạng và chất lượng dịch vụ;

4.3. Có giải pháp và quy định quản lý đảm bảo an toàn thông tin theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin và hướng dẫn của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), tối thiểu bao gồm các hệ thống sau: hệ thống theo dõi và chống xâm nhập mạng; hệ thống tường lửa có khả năng kiểm soát truy nhập đến mức ứng dụng; hệ thống quản lý dữ liệu nhật ký kỹ thuật (log file) và hệ thống chống thư rác;

4.4. Tham gia các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính bao gồm:

a) Báo cáo các sự cố hoặc các nguy cơ xảy ra sự cố liên quan đến an toàn mạng Internet về VNCERT trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông tin về sự cố bằng văn bản (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Bộ Thông tin và Trưyền thông, 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc thư điện tử (ir@vncert.vn); trang thông tin điện tử (www.vncert.gov.vn/ir.html); điện thoại (theo số điện thoại được cung cấp trên trang thông tin điện tử www.vncert.gov.vn). Mẫu biểu báo cáo được cung cấp tại trang thông tin điện tử www.vncert.gov.vn;

b) Cung cấp đầu mối liên lạc trong các hoạt động ứng cứu sự cố mạng máy tính cho VNCERT và đảm bảo đầu mối này có khả năng liên lạc 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần;

c) Tuân thủ sự điều phối đảm bảo an toàn thông tin mạng Internet của VNCERT;

4.5. Có hệ thống phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ.

5. Việc thông báo thời điểm bắt đầu chính thức cung cấp dịch vụ theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 7 Nghị định thực hiện như sau:

5.1. Hình thức thông báo: Bằng văn bản và thư điện tử;

5.2. Địa chỉ gửi thông báo:

a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Viễn thông) - 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; thư điện tử: vuvienthong@mic.gov.vn.

b) Bộ Công an: Cục Bảo vệ An ninh Kinh tế - Tổng cục An ninh - Bộ Công an - 15 Trần Bình Trọng, Hà Nội; thư điện tử: cucbaoveankt@vnn.vn và Phongantt@vnn.vn;

5.3. Nội dung thông báo thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

6. Chế độ báo cáo quy định tại điểm n khoản 2 Điều 7 Nghị định thực hiện như sau:

6.1. Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông

6.1.1. Báo cáo tháng

a) Thời gian: Trước ngày 10 hàng tháng, doanh nghiệp báo cáo những thông tin của tháng trước đó.

b) Nội dung:

- Phát triển thuê bao Internet;

- Dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông;

- Kết nối mạng Internet;

Các nội dung cụ thể, doanh nghiệp thực hiện báo cáo theo Phụ lục 2 của Thông tư này: Mẫu biểu báo cáo tháng về thống kê Internet gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

c) Hình thức và địa chỉ gửi báo cáo: Thực hiện qua trang thông tin điện tử Http://thongkeinternet.mic.gov.vn. Riêng tháng 12, ngoài việc báo cáo qua trang thông tin điện tử, doanh nghiệp đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản theo địa chỉ: Vụ Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; thư điện tử: vuvienthong@mic.gov.vn;

6.1.2. Báo cáo năm

a) Thời gian: Trước ngày 15 tháng Một hàng năm, doanh nghiệp báo cáo những thông tin của năm trước;

b) Nội dung:

- Tổng doanh thu của các dịch vụ Internet;

- Mức độ tăng trưởng hàng năm;

- Kiến nghị (nếu có);

Các nội dung cụ thể, doanh nghiệp thực hiện báo cáo theo Phụ lục 3 của Thông tư này: Mẫu biểu báo cáo năm về tình hình cung cấp dịch vụ Internet;

c) Hình thức và địa chỉ gửi báo cáo: Báo cáo bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Viễn thông): 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội;

6.2. Báo cáo các Sở Thông tin và Truyền thông

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm báo cáo trực tiếp hoặc hướng dẫn các chi nhánh, các đơn vị thành viên hoạt động trên địa bàn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trưng ương báo cáo tình hình phát triển thuê bao và dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông cho các Sở Thông tin và Truyền thông như sau:

a) Thời gian: Trước ngày 10 hàng tháng, doanh nghiệp báo cáo những thông tin của tháng trước đó;

b) Nội dung:

- Phát triển thuê bao Internet;

- Dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông;

Các nội dung cụ thể, doanh nghiệp thực hiện báo cáo theo Phụ lục 4 của Thông tư này: Mẫu biểu báo cáo tháng về thống kê Internet gửi Sở Thông tin và Truyền thông;

c) Hình thức và địa chỉ gửi báo cáo cho các Sở Thông tin và Truyền thông được thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (www.mic.gov.vn) và trang thông tin điện tử của các Sở Thông tin và Truyền thông;

6.3. Báo cáo chất lượng dịch vụ Internet: Các doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo chất lượng dịch vụ Internet theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông.

7. Chế độ báo cáo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định thực hiện như sau:

7.1. Chủ mạng Internet dùng riêng quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định có trách nhiệm gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông theo các quy định sau:

a) Thời gian:

- Trong vòng mười (10) ngày sau khi bắt đầu hoạt động;

- Trước ngày 15 tháng Một hàng năm.

b) Nội dung:

- Tên, địa chỉ trụ sở của đơn vị;

- Địa chỉ đặt hệ thống thiết bị Internet;

- Phạm vi, đối tượng và danh sách cụ thể các thành viên của mạng;

- Cấu hình mạng lưới, thuê kênh, kết nối, trang thiết bị sử dụng để cung cấp dịch vụ Internet;

- Các dịch vụ Internet đang cung cấp cho các thành viên của mạng.

c) Hình thức và địa chỉ gửi báo cáo: Báo cáo bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Viễn thông): 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

7.2. Chủ mạng Internet dùng riêng quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu đột xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin và Truyền thông.

8. Thời gian mở, đóng cửa của đại lý Internet quy định tại điểm e khoản 3 Điều 9 Nghị định thực hiện như sau:

Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể thời gian mở, đóng cửa của đại lý Internet tại địa phương mình quản lý trên cơ sở phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

9. Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định được hiểu như sau:

Người sử dụng dịch vụ Internet được sử dụng dịch vụ truy nhập Internet và các dịch vụ ứng dụng chuyên ngành trên Internet thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở đảm bảo không vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định, các quy định của pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.

Các dịch vụ bị cấm là các dịch vụ mà pháp luật không cho phép cung cấp và sử dụng (không phân biệt là trên mạng hay trong thực tế) được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

10. Việc thiết lập và hoạt động của Trạm trung chuyển Internet quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định phải tuân thủ các quy định sau:

10.1. Các doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ kết nối Internet được thiết lập các trạm trung chuyển Internet để trung chuyển lưu lượng Internet trong nước giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet với nhau và với mạng Internet dùng riêng.

10.2. Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) và trạm trung chuyển Internet của các doanh nghiệp không được trung chuyển lưu lượng giữa các mạng Internet dùng riêng với nhau.

11. Hoạt động của VNIX quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định thực hiện như sau:

11.1. Nguyên tắc kết nối vào VNIX:

a) Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Intemet và các mạng Intemet dùng riêng có giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Nghị định được kết nối vào VNIX;

b) Mạng lưới thiết bị Internet kết nối vào VNIX phải sử dụng số liệu mạng và địa chỉ IP độc lập do Trung tâm Internet Việt Nam cấp phát và quản lý;

c) Tuyến truyền dẫn, thiết bị sử dụng để kết nối đến VNIX phải tương thích về mặt kỹ thuật với cổng kết nối VNIX theo hướng dẫn của Trung tâm Internet Việt Nam;

d) Việc thiết lập mạng lưới thiết bị Internet và thuê kênh để kết nối vào VNIX thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông.

11.2. Trung tâm Internet Việt Nam có trách nhiệm:

a) Thiết lập và quản lý VNIX;

b) Thực hiện các quy định tại Khoản 4 Thông tư này;

c) Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và mạng Internet dùng riêng kết nối vào VNIX theo quy định;

d) Thu và sử dụng kinh phí đóng góp vào việc phát triển và duy trì VNIX trên cơ sở giá thành đảm bảo cho VNIX hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận;

đ) Thực hiện hạch toán riêng phần hoạt động của VNIX.

11.3. Doanh nghiệp kết nối vào VNIX có trách nhiệm:

a) Tuân thủ các hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tâm Internet Việt Nam;

b) Phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam trong việc đảm bảo cho VNIX hoạt động an toàn và có hiệu quả;

c) Thực hiện kết nối ngang hàng, bình đẳng, không phân biệt đối xử; không được ngăn chặn các thông tin trong nước đi vào, ra mạng lưới thiết bị Internet của mình qua VNIX nhằm đảm bảo cho người sử dụng Internet có thể sử dụng các dịch vụ Intemet theo quy định của pháp luật;

d) Đóng góp kinh phí hoạt động theo quy định.

12. Đổi giấy phép

12.1. Tất cả các doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Intemet phải tiến hành làm thủ tục đổi giấy phép trong thời hạn 06 tháng kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực.

12.2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép mới phù hợp với các quy đinh tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Intemet và thông tin điện tử trên Internet thay thế cho tất cả các giấy phép mà doanh nghiệp đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet;

12.3. Thời hạn của giấy phép mới được xem xét trên cơ sở thời hạn còn hiệu lực lâu nhất của một trong các giấy phép mà doanh nghiệp đã được cấp;

12.4. Loại hình dịch vụ ghi trong giấy phép mới bao gồm danh sách các dịch vụ doanh nghiệp đang cung cấp và các dịch vụ doanh nghiệp cam kết sẽ triển khai cung cấp trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày (các) giấy phép cấp theo Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 được ban hành;

12.5. Trong thời gian làm thủ tục đổi giấy phép theo quy định tại Khoản này, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động bình thường;

12.6. Hồ sơ xin đổi giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị đổi giấy phép;

b) Bản sao các giấy phép đang có hiệu lực;

c) Báo cáo hiện trạng triển khai (các) giấy phép đã được cấp bao gồm: thời gian bắt đầu triển khai; sơ đồ mạng lưới hiện tại; các dịch vụ đang cung cấp và phạm vi cung cấp từng dịch vụ; các dịch vụ ghi trong (các) giấy phép mà doanh nghiệp chưa cung cấp nhưng cam kết sẽ triển khai cung cấp trong thời gian 2 năm kể từ ngày (các) giấy phép cấp theo Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 được ban hành;

12.7. Đối với các dịch vụ đã được cấp phép nhưng chưa có văn bản cho phép chính thức cung cấp cho công cộng theo quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/08/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 5 Thông tư này.

13. Hiệu lực thi hành:

13.1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

13.2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=23890&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận