Văn bản pháp luật: Thông tư 06/2005/TT-BQP

Nguyễn Văn Rinh
Toàn quốc
Công báo số 25 & 26 - 01/2005;
Thông tư 06/2005/TT-BQP
Thông tư
08/02/2005
05/01/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với quân nhân; công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước

Thứ trưởng
2.005
Bộ Quốc phòng

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với quân nhân;

công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí

từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước


Thi hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Sau khi có thỏa thuận của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng có quyết định của Bộ Tổng Tham mưu đang công tác, đi học, thực tập, điều trị, điều dưỡng ở trong nước và ở nước ngoài, chờ giải quyết chính sách trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

II. CÁCH CHUYỂN XẾP LƯƠNG CŨ SANG LƯƠNG MỚI

1. Đối với sĩ quan.

Sĩ quan hiện đang hưởng hệ số lương của cấp bậc quân hàm nào thì chuyển sang hưởng hệ số lương mới của cấp bậc quân hàm đó.

Trường hợp sĩ quan đã được nâng lương cấp hàm lần 1, lần 2 hoặc 1 lần, thì nay được chuyển xếp sang hệ số lương cấp hàm nâng lần 1 hoặc lần 2 mới.

Ví dụ: Đồng chí Nguyễn Văn A, cấp bậc Thiếu tá nâng lương lần 2 (hoặc 1 lần) có hệ số lương cũ là 5,30 nay chuyển xếp sang hệ số lương mới là 6,80.

2. Đối với quân nhân chuyên nghiệp.

2.1. Về số bậc lương của quân nhân chuyên nghiệp:

a) Quân nhân chuyên nghiệp loại cao cấp có 2 nhóm và mỗi nhóm có 12 bậc lương;

b) Quân nhân chuyên nghiệp loại trung cấp và sơ cấp, mỗi loại có 2 nhóm và mỗi nhóm có 10 bậc lương.

c) Quân nhân chuyên nghiệp đã xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm, sau 3 năm (đủ 36 tháng) thì được xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong nhóm; từ năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

2.2. Nguyên tắc chuyển xếp lương cũ sang lương mới.

a) Quân nhân chuyên nghiệp được chuyển xếp lương theo trình độ đào tạo và làm công việc thuộc nhóm nào thì được chuyển xếp lương theo trình độ đó, nhóm đó.

Quân nhân chuyên nghiệp làm việc không đúng theo ngành nghề được đào tạo thì xếp lương theo đúng nghề, công việc thực tế đang làm.

b) Khi chuyển xếp lương mới không được kết hợp thực hiện nâng bậc lương.

2.3. Cách chuyển xếp lương cũ sang lương mới.

Căn cứ vào kết quả phân loại, xếp nhóm và hệ số lương cũ của từng người đang hưởng để chuyển xếp sang hệ số lương mới như sau:

a) Quân nhân chuyên nghiệp cao cấp.

Căn cứ vào kết quả phân loại, xếp nhóm và bậc, hệ số lương hiện hưởng của từng người, để chuyển xếp sang bậc, hệ số lương mới như bảng chuyển xếp quy định tại Thông tư này.

Ví dụ: Một quân nhân chuyên nghiệp cao cấp là trợ lý nghiên cứu đang xếp lương bậc 7 nhóm 1, hệ số lương là: 4,68, nay chuyển sang lương mới xếp vào bậc 7 nhóm 1, hệ số lương là: 5,95.

b) Quân nhân chuyên nghiệp trung cấp, sơ cấp khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải căn cứ vào việc phân nhóm quân nhân chuyên nghiệp (theo nhóm mới) và áp dụng cách chuyển xếp lương cũ sang lương mới như bảng chuyển xếp quy định tại Thông tư này.

Ví dụ: Một đồng chí quân nhân chuyên nghiệp là kế toán trung cấp đang xếp bậc 5 nhóm 3, hệ số lương 3,20, nay chuyển sang lương mới xếp vào bậc 5 nhóm 2, hệ số mức lương là: 4,40.

c) Trường hợp quân nhân chuyên nghiệp đã vận dụng xếp lương bậc cuối cùng của nhóm trên liền kề, thì nay chuyển lại bậc lương cuối cùng của nhóm lương cũ, sau đó căn cứ vào thời gian giữ bậc lương trong nhóm lương cũ và tiêu chuẩn quy định để tính mức phụ cấp thâm niên vượt khung.

Ví dụ: Một đồng chí quân nhân chuyên nghiệp là nhân viên văn thư, tháng 9/2000 giữ bậc lương quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp bậc 10/10 nhóm 3, hệ số lương là 3,9; đến tháng 9/2003 được vận dụng xếp hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp bậc 10/10 nhóm 2, hệ số mức lương 4,0.

Nay được chuyển xếp như sau:

Tháng 9/2000: Hệ số lương 3,9 từ 01/10/2004 được chuyển xếp hưởng hệ số lương là 5,2; đến tháng 10/2004 được xếp hưởng hệ số lương là: 5,51 (= 5,2 x 106%).

(Xem Bảng chuyển xếp hệ số lương cũ sang hệ số lương mới đối với quân nhân chuyên nghiệp).

3. Đối với công nhân viên chức quốc phòng.

3.1. Công chức, viên chức quốc phòng thuộc biên chế trong các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước thực hiện việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới như công chức, viên chức nhà nước có cùng ngành nghề quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức.

3.2. Công nhân trong các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước thực hiện việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới như công nhân trong các công ty nhà nước quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ Quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước; Thông tư số 01/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và công nhân, viên chức, nhân viên trong các công ty nhà nước theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

4. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.

Hạ sĩ quan, binh sĩ đang hưởng hệ số phụ cấp của cấp bậc quân hàm nào thì chuyển sang hưởng hệ số phụ cấp mới của cấp bậc quân hàm hiện giữ.

Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm hai năm đầu của mỗi cấp; từ tháng thứ 37 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 50% phụ cấp quân hàm hai năm đầu của mỗi cấp thực hiện như quy định hiện hành.

Ví dụ: Một đồng chí Hạ sĩ hưởng phụ cấp quân hàm hàng tháng là 145.000 đồng.

- Từ tháng thứ 25 trở đi mỗi tháng được tăng thêm 290.000 đồng, phụ cấp được hưởng là 435.000 đồng/tháng;

- Từ tháng thứ 37 trở đi mỗi tháng được tăng thêm 72.500 đồng, phụ cấp được hưởng là 507.500 đồng/tháng.

5. Đối với những người hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Căn cứ nhóm chức vụ, thực hiện chuyển hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng sang hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới, cụ thể theo bảng sau:

Nhóm

Chức vụ lãnh đạo

Hệ số phụ cấp chức vụ theo NĐ 25/CP

Hệ số phụ cấp chức vụ từ 01/10/2004

1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

1,15

1,50

2

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị

1,10

1,40

3

Chủ nhiệm Tổng cục; Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

1,00

1,20

4

Tư lệnh Quân đoàn, Tư lệnh Binh chủng

0,90

1,10

5

Phó Tư lệnh Quân đoàn, Phó Tư lệnh Binh chủng

0,80

1,00

6

Sư đoàn trưởng

0,70

0,90

7

Lữ đoàn trưởng

0,60

0,80

8

Trung đoàn trưởng

0,50

0,70

9

Phó Trung đoàn trưởng

0,40

0,60

10

Tiểu đoàn trưởng

0,35

0,50

11

Phó Tiểu đoàn trưởng

0,30

0,40

12

Đại đội trưởng

0,25

0,30

13

Phó Đại đội trưởng

0,20

0,25

14

Trung đội trưởng

0,15

0,20

Ví dụ: Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Văn B, Cục trưởng hiện hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,9 (nhóm 4), nay được chuyển xếp hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,10 so với mức lương tối thiểu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Để thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo quy định và bảo đảm sự thống nhất trong toàn quân, các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị các văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Lập báo cáo tổng hợp theo từng đối tượng kèm theo danh sách của các đơn vị trực thuộc (theo mẫu số 01, 02 kèm theo) và phản ánh những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chế độ tiền lương mới về Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng).

2. Hội đồng tiền lương các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn, chỉ đạo việc lập danh sách theo từng đối tượng được chuyển xếp lương của đơn vị và tổng hợp báo cáo quỹ tiền lương, phụ cấp tăng thêm;

- Xem xét, kiểm tra, xử lý việc chuyển xếp lương của đơn vị cơ sở.

3. Khi chi trả tiền lương mới cho các đối tượng được hưởng, phải tính thu và truy thu tiền BHXH và BHYT theo quy định.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quá trình thực hiện chính sách lương mới nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng) để giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15734&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận