Văn bản pháp luật: Thông tư 06/2009/TT-BTTTT

Nguyễn Thành Hưng
Toàn quốc
Công báo số 215 & 216/2009;
Thông tư 06/2009/TT-BTTTT
Thông tư
Hết hiệu lực toàn bộ
01/06/2009
24/03/2009

Tóm tắt nội dung

Quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông

Thứ trưởng
2.009
Bộ Thông tin và Truyền thông

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông

____________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông về tần số vô tuyến điện;

Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ;

QUY ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này điều chỉnh các hoạt động chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy (sau đây gọi tắt là chứng nhận và công bố hợp quy) đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là sản phẩm), bao gồm: các thiết bị viễn thông; các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện; các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin (trừ các thiết bị sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật).

Các sản phẩm nằm trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về thừa nhận lẫn nhau đối với việc chứng nhận và công bố hợp quy mà Việt Nam là thành viên thì chịu sự điều chỉnh của Điều ước quốc tế đó.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều này trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và/hoặc tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bắt buộc áp dụng (sau đây gọi tắt là quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn) nhằm bảo đảm tương thích của sản phẩm trong kết nối, an toàn mạng viễn thông quốc gia, an ninh thông tin, bảo đảm các yêu cầu về tương thích điện từ trường, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, phô tần số vô tuyến điện, an toàn cho con người và môi trường, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

2. Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân, công bố với cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng về sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng sau khi thực hiện quá trình đánh giá sự phù hợp.

3. Đo kiểm sản phẩm là việc xác định một hay nhiều đặc tính kỹ thuật của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.

4. Tổ chức chứng nhận hợp quy là đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật được Bộ Thông tin và Truyền thông giao trách nhiệm chứng nhận hợp quy sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

5. Đơn vị đo kiểm sản phẩm là đơn vị có năng lực thực hiện được việc đo kiểm các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.

6. Đơn vị đo kiểm được chỉ định là đơn vị đo kiểm sản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định để thực hiện đo kiểm phục vụ chứng nhận và công bố hợp quy.

7. Đơn vị đo kiểm được thừa nhận là đơn vị đo kiểm nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận trong khuôn khổ thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.

8. Đơn vị đo kiểm được công nhận là đơn vị đo kiểm sản phẩm đủ năng lực thực hiện đo kiểm phục vụ công bố hợp quy và được công nhận bởi Tổ chức công nhận có thẩm quyền.

Điều 3. Tính chất hoạt động chứng nhận và công bố hợp quy

Chứng nhận và công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc đối tượng áp dụng của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.

Điều 4. Cơ quan quản lý nhà nước về chứng nhận và công bố hợp quy

1. Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông trên phạm vi cả nước.

2. Các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Công nghệ Thông tin và Truyền thông thực thi nhiệm vụ quản lý về chứng nhận và công bố hợp quy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.

Điều 5. Đơn vị đo kiểm phục vụ chứng nhận và công bố hợp quy

1. Đơn vị đo kiểm phục vụ hoạt động chứng nhận hợp quy là đơn vị đo kiểm được chỉ định hoặc thừa nhận.

2. Đơn vị đo kiểm phục vụ hoạt động công bố hợp quy là đơn vị đo kiểm được chỉ định hoặc thừa nhận hoặc công nhận.

3. Đơn vị đo kiểm sản phẩm thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau có đủ năng lực đo kiểm được Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông đơn phương thừa nhận kết quả đo kiểm phục vụ hoạt động chứng nhận và công bố hợp quy.

4. Các đơn vị đo kiểm phải chịu trách nhiệm trước Cơ quan có thẩm quyền về tính chính xác của các kết quả đo kiểm. Kết quả đo kiểm không có giá trị thay thế cho Giấy chứng nhận hợp quy và Bản công bố hợp quy.

Điều 6. Các Danh mục sản phẩm và hình thức quản lý

1. Theo từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Danh mục sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy” và “Danh mục sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy” phù hợp với chính sách quản lý của Nhà nước.

2. Đối với “Danh mục sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy”, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh mục này, trừ các trường hợp quy định tại Điều 7 của Thông tư này, phải thực hiện chứng nhận hợp quy theo quy định tại Chương II, công bố hợp quy theo quy định tại Chương III và sử dụng dấu hợp quy theo quy định tại Chương IV của Thông tư này.

3. Đối với “Danh mục sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy”, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh mục này, trừ các trường hợp quy định tại Điều 8 của Thông tư này, phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Chương III và sử dụng dấu hợp quy theo quy định tại Chương IV của Thông tư này.

Điều 7. Các trường hợp không phải chứng nhận hợp quy

Sản phẩm thuộc Danh mục nêu tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này nhưng không phải chứng nhận hợp quy trong các trường hợp sau:

1. Sản phẩm nhập khẩu theo người hoặc qua đường hàng hóa để sử dụng cho mục đích cá nhân theo quy định của pháp luật, bao gồm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin; thiết bị đầu cuối cố định và di động mặt đất công cộng đối với các dịch vụ viễn thông và Internet đã được phép cung cấp và sử dụng tại Việt Nam.

2. Sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước để trưng bày, triển lãm theo quy định của pháp luật hoặc làm mẫu cho việc đo kiểm sản phẩm phục vụ chứng nhận hợp quy.

3. Các thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; các phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí ngắn hạn ở Việt Nam (có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Ngoại giao); khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 8. Các trường hợp không phải công bố hợp quy

Sản phẩm thuộc các Danh mục nêu tại khoản 2 và 3 Điều 6 của Thông tư này nhưng không phải công bố hợp quy trong các trường hợp sau:

1. Các trường hợp không phải chứng nhận hợp quy nêu tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Sản phẩm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để chính tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm đó sử dụng.

Điều 9. Đối với thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện

Các thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu, sản xuất trong nước (trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu) phải phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện Quốc gia và bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật về tần số, bức xạ, tương thích điện từ trường theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài việc tuân thủ Thông tư này về chứng nhận và công bố hợp quy, các thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện khi sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam còn phải có Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương II

CHỨNG NHẬN HỢP QUY

Điều 10. Phương thức chứng nhận hợp quy

1. Phương thức chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm phù hợp với quy định quản lý tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.

1. Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông hướng dẫn chi tiết việc áp dụng phương thức chứng nhận hợp quy nêu tại khoản 1 Điều này đối với từng đối tượng cụ thể nhằm đảm bảo tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.

Điều 11. Giấy chứng nhận hợp quy

1. Giấy chứng nhận hợp quy do Tổ chức chứng nhận hợp quy cấp có giá trị trên phạm vi toàn quốc.

2. Giấy chứng nhận hợp quy được cấp cho từng chủng loại sản phẩm, có thời hạn tối đa ba (03) năm. Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy, tổ thức, cá nhân được phép cung cấp sản phẩm ra thị trường không hạn chế về số lượng.

3. Giấy chứng nhận hợp quy theo mẫu tại Phục lục I của Thông tư này.

Điều 12. Quy trình, thủ tục chứng nhận hợp quy

1. Hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp quy bao gồm:

a) Đơn đề nghị chứng nhận hợp quy (theo mẫu tại Phụ lục II của Thông tư này);

b) Giấy tờ thể hiện tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

c) Kết quả đo kiểm sản phẩm của đơn vị đo kiểm có đủ thẩm quyền quy định tại khoản 1 và 3 Điều 5 của Thông tư này cấp cho tổ chức, cá nhân và được cấp trong vòng hai (02) năm tính đến ngày nộp Hồ sơ đăng ký;

d) Các tài liệu có liên quan tùy theo phương thức chứng nhận hợp quy;

2. Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục và địa điểm tiếp nhận Hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp quy.

Điều 13. Thời hạn giải quyết

1. Thời gian Tổ chức chứng nhận hợp quy đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy là không quá mười (10) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư này. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận hợp quy, Tổ chức chứng nhận hợp quy có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận và nêu rõ lý do;

2. Trong những trường hợp đặc biệt, khi việc chứng nhận hợp quy đòi hỏi thời gian dài hơn quy định tại khoản 1 Điều này, Tổ chức chứng nhận hợp quy có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận biết lý do. Thời gian đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy tối đa là không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 14. Chi phí chứng nhận hợp quy

Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ trả chi phí chứng nhận hợp quy theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương III

CÔNG BỐ HỢP QUY

Điều 15. Phương thức công bố hợp quy

1. Đối với các sản phẩm thuộc danh mục nêu tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký bản công bố hợp quy sau khi có Giấy chứng nhận hợp quy được cấp bởi Tổ chức chứng nhận hợp quy.

2. Đối với các sản phẩm thuộc danh mục nêu tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư này, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký bản công bố hợp quy sau khi có kết quả tự đánh giá sự phù hợp dựa trên cơ sở kết quả đo kiểm sản phẩm của đơn vị đo kiểm quy định tại khoản 2 và 3 Điều 5 của Thông tư này.

Điều 16. Quy trình, thủ tục công bố hợp quy

1. Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy bao gồm:

a) Đơn đăng ký công bố hợp quy (theo mẫu tại Phụ lục III của Thông tư này);

b) Giấy tờ thể hiện tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

c) Bản công bố hợp quy (theo mẫu tại Phụ lục IV của Thông tư này);

d) Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy do Tổ chức chứng nhận hợp quy cấp còn hiệu lực (Trường hợp công bố hợp quy theo phương thức nêu tại khoản 1 Điều 15 của Thông tư này);

đ) Báo cáo kết quả tự đánh giá sự phù hợp kèm theo Bản mô tả chung về sản phẩm (đặc điểm, tính năng, công dụng), Kết quả đo kiểm sản phẩm của đơn vị đo kiểm quy định tại khoản 2 và 3 Điều 5 của Thông tư này và được cấp không quá hai (02) năm tính đến ngày nộp Hồ sơ đăng ký (Trường hợp công bố hợp quy theo phương thức nêu tại khoản 2 Điều 15 của Thông tư này);

e) Mẫu dấu hợp quy sử dụng cho sản phẩm đăng ký công bố hợp quy.

2. Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục và địa điểm tiếp nhận Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy.

Điều 17. Thời hạn giải quyết

Trong thời gian bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về việc tiếp nhận bản công bố hợp quy. Văn bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy theo mẫu tại Phụ lục V của Thông tư này. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký công bố về những nội dung chưa phù hợp để hoàn thiện và thực hiện việc đăng ký lại.

Chương IV

SỬ DỤNG DẤU HỢP QUY

Điều 18. Sử dụng dấu hợp quy

1. Dấu hợp quy là dấu hiệu thể hiện sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.

2. Dấu hợp quy bao gồm:

a) Dấu hợp quy cho sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy: Dấu này do Tổ chức chứng nhận hợp quy cấp cho sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy thuộc danh mục nêu tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này;

b) Dấu hợp quy cho sản phẩm bắt buộc phải công bố hợp quy: Dấu này do tổ chức, cá nhân gắn cho sản phẩm đã công bố hợp quy thuộc danh mục nêu tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân sau khi công bố hợp quy tự thể hiện dấu hợp quy bằng cách in, gắn hoặc dán dấu hợp quy trực tiếp trên sản phẩm hoặc trên bao bì hoặc nhãn gắn trên sản phẩm ở vị trí dễ thấy, dễ đọc, đồng thời có thể được in trong tài liệu kỹ thuật kèm theo.

Điều 19. Hình dạng, kích thước dấu hợp quy

1. Dấu hợp quy cho sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy có hình dạng, kích thước theo quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.

2. Dấu hợp quy cho sản phẩm bắt buộc phải công bố hợp quy có hình dạng, kích thước theo quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

3. Dấu hợp quy có thể được phóng to hoặc thu nhỏ nhưng phải đảm bảo đúng tỷ lệ và nhận biết được bằng mắt thường.

4. Màu sắc của dấu hợp quy do tổ chức, cá nhân tự chọn, nhưng phải được thể hiện cùng một màu, bảo đảm rõ ràng, dễ thấy và bền vững. Không được in thêm bất kỳ ký tự, hình ảnh, hoa văn khác trong phạm vi dấu hợp quy. Trường hợp in dấu hợp quy lên các chất liệu khác để gắn hoặc dán thì phải lựa chọn chất liệu sao cho chỉ sử dụng được một lần, không thể bóc ra gắn lại.

Điều 20. Quản lý dấu hợp quy

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng dấu hợp quy phải tuân thủ theo Thông tư này và chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền về tính chính xác của dấu hợp quy.

2. Tổ chức, cá nhân có sản phẩm chứng nhận hợp quy có trách nhiệm:

a) Lập sổ theo dõi và báo cáo việc sử dụng dấu hợp quy định kỳ theo hướng dẫn của Tổ chức chứng nhận hợp quy và đột xuất khi có yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Báo cáo Tổ chức chứng nhận hợp quy về phương án ghi thông tin trên dấu hợp quy hoặc khi có sự thay đổi về thông tin trên dấu hợp quy trước khi sử dụng dấu. Trường hợp có sự không phù hợp về dấu hợp quy, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, Tổ chức chứng nhận hợp quy có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân hiệu chỉnh dấu hợp quy cho phù hợp.

3. Tổ chức, cá nhân có sản phẩm công bố hợp quy có trách nhiệm báo cáo cho các cơ quan quản lý khi có sự thay đổi về thông tin ghi trên dấu hợp quy.

4. Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông hướng dẫn chi tiết các đơn vị có liên quan thực hiện quản lý dấu hợp quy theo các quy định tại điều này.

Chương V

QUẢN LÝ SẢN PHẨM SAU CHỨNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ HỢP QUY

Điều 21. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc danh mục nêu tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này chỉ được phép đưa sản phẩm ra thị trường trong nước sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy, thực hiện công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc danh mục nêu tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư này chỉ được phép đưa sản phẩm ra thị trường trong nước sau khi đã thực hiện công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy.

3. Tổ chức, cá nhân không được đưa ra thị trường trong nước các sản phẩm thuộc các trường hợp không phải chứng nhận hợp quy nêu tại Điều 7 và thuộc các trường hợp không phải công bố hợp quy nêu tại Điều 8 của Thông tư này.

4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy có trách nhiệm duy trì liên tục chất lượng của sản phẩm như đã được chứng nhận hoặc công bố và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng của từng sản phẩm do mình cung cấp.

5. Trong quá trình sản xuất hoặc lưu thông sản phẩm trên thị trường, nếu tổ chức, cá nhân phát hiện ra sản phẩm do mình cung cấp không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng đã chứng nhận hoặc công bố thì phải tiến hành các biện pháp sau:

a) Kịp thời thông báo với cơ quan quản lý về sự không phù hợp;

b) Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp. Khi cần thiết, tạm ngừng việc đưa vào lưu thông trên thị trường và tiến hành thu hồi sản phẩm không phù hợp đang lưu thông trên thị trường;

c) Thông báo cho cơ quan quản lý về kết quả khắc phục sự không phù hợp trước khi tiếp tục đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường.

Điều 22. Cấp lại Giấy chứng nhận hợp quy

1. Trong những trường hợp sau đây, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy phải thực hiện lại thủ tục chứng nhận hợp quy:

a) Tên, ký hiệu, phiên bản của sản phẩm đã được cấp chứng nhận thay đổi;

b) Thiết kế kỹ thuật của sản phẩm đã được cấp chứng nhận thay đổi làm thay đổi chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm;

c) Giấy chứng nhận hợp quy đã hết thời hạn;

đ) Giấy chứng nhận hợp quy đã bị hủy bỏ hiệu lực (sau khi đã khắc phục lý do bị hủy bỏ).

2. Thủ tục chứng nhận hợp quy lại được thực hiện theo quy định tại Chương II của Thông tư này.

Điều 23. Thu hồi Giấy chứng nhận hợp quy và quyền sử dụng dấu hợp quy

1. Trong những trường hợp sau đây, Tổ chức chứng nhận hợp quy sẽ thực hiện thu hồi và hủy bỏ hiệu lực đối với Giấy chứng nhận hợp quy, quyền sử dụng dấu hợp quy đã cấp cho tổ chức, cá nhân:

a) Kết quả giám sát chất lượng sản phẩm cho thấy sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng như đã được chứng nhận;

b) Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy không thực hiện đúng các quy định về chứng nhận hợp quy và sử dụng dấu hợp quy.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại Giấy chứng nhận hợp quy (bản gốc) đã bị hủy bỏ hiệu lực cho Tổ chức chứng nhận hợp quy và chấm dứt sử dụng dấu hợp quy đã được cấp cho sản phẩm.

Điều 24. Thực hiện lại công bố hợp quy

Tổ chức, cá nhân phải thực hiện lại việc công bố hợp quy khi có bất kỳ sự thay đổi nào về nội dung bản công bố hợp quy đã công bố.

Điều 25. Lưu trữ hồ sơ và báo cáo

1. Tổ chức, cá nhân phải lưu trữ hồ sơ và xuất trình cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

2. Hồ sơ lưu trữ bao gồm:

a) Trường hợp sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy và thực hiện công bố hợp quy theo phương thức nêu tại khoản 1 Điều 15 của Thông tư này:

- Bản công bố hợp quy đã đăng ký;

- Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy;

- Giấy chứng nhận hợp quy;

- Kết quả đo kiểm sản phẩm

- Các mẫu dấu hợp quy đã sử dụng

b) Trường hợp sản phẩm đã thực hiện công bố hợp quy theo phương thức nêu tại khoản 2 Điều 15 của Thông tư này:

- Bản công bố hợp quy đã đăng ký;

- Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy;

- Báo cáo kết quả tự đánh giá sự phù hợp;

- Kết quả đo kiểm sản phẩm;

- Các mẫu dấu hợp quy đã sử dụng.

3. Tổ chức chứng nhận hợp quy phải lập sổ theo dõi và báo cáo cho Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông kết quả hoạt động chứng nhận hợp quy và cấp dấu hợp quy theo định kỳ sáu (06) tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Mẫu báo cáo được quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này.

Điều 26. Giám sát của Tổ chức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy

1. Giám sát của Tổ chức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy nhằm mục đích kiểm tra, theo dõi việc sử dụng dấu hợp quy và duy trì chất lượng sản phẩm của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy.

2. Tùy theo phương thức chứng nhận hợp quy, Tổ chức chứng nhận hợp quy sẽ xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát, báo cáo Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông và triển khai thực hiện giám sát với các sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy. Việc giám sát được thực hiện định kỳ không quá mười hai (12) tháng/một (01) lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi có khiếu nại từ người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức chứng nhận hợp quy tuân thủ thực hiện việc giám sát theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 27. Giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với sản phẩm đã được công bố hợp quy

1. Các Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện giám sát việc sử dụng dấu hợp quy và duy trì chất lượng sản phẩm của tổ chức, cá nhân tại địa bàn quản lý trên cơ sở các Bản công bố hợp quy.

2. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc giám sát chất lượng sản phẩm theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý

1. Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra các Tổ chức chứng nhận hợp quy và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện Thông tư này;

b) Chủ trì hướng dẫn phương thức, quy trình, thủ tục chứng nhận và công bố hợp quy cho các đơn vị có liên quan;

c) Ban hành và hướng dẫn quy trình giám sát đối với sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy;

d) Ban hành và thực hiện thủ tục đơn phương thừa nhận các đơn vị đo kiểm nước ngoài phục vụ chứng nhận và công bố hợp quy. Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và công bố danh sách đơn vị đo kiểm được đơn phương thừa nhận;

đ) Công khai trên trang thông tin điện tử (website) các nội dung liên quan đến chứng nhận và công bố hợp quy, bao gồm: các Tổ chức chứng nhận hợp quy; các đơn vị đo kiểm sản phẩm; phương thức, quy trình, thủ tục, địa điểm tiếp nhận chứng nhận và công bố hợp quy; việc cấp và thu hồi Giấy chứng nhận hợp quy, quyền sử dụng dấu hợp quy; thông tin về hoạt động công bố hợp quy;

e) Nghiên cứu, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông những chính sách phù hợp liên quan đến chứng nhận và công bố hợp quy;

g) Tổng hợp, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông tình hình triển khai công tác chứng nhận và công bố hợp quy sản phẩm trên phạm vi cả nước theo định kỳ sáu (06) tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

2. Các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định về chứng nhận và công bố hợp quy trên địa bàn và lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý;

b) Phát hiện và phản ánh các vấn đề về quản lý hoạt động chứng nhận và công bố hợp quy; báo cáo và đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông các biện pháp thực thi quản lý tại địa phương.

Điều 29. Hướng dẫn thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 06 năm 2009 và thay thế cho Quyết định số 44/2006/QĐ-BBCVT ngày 03 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành “Quy định chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông”.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bô, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11977&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận