Văn bản pháp luật: Thông tư 06/2011/TT-BTTTT

Nguyễn Minh Hồng
Toàn quốc
Thông tư 06/2011/TT-BTTTT
Thông tư
15/04/2011
28/02/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ trưởng
2.011
Bộ Thông tin và Truyền thông

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

_______________________

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;                   

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính,

QUY ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về việc lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (sau đây gọi tắt là lập và quản lý chi phí), bao gồm: tổng mức đầu tư, tổng dự toán các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định về lập và quản lý chi phí khác với quy định của Thông tư này thì thực hiện theo các quy định tại điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 102/2009/NĐ-CP).

Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn khác áp dụng các quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nguyên tắc lập và quản lý chi phí

1. Đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả dự án ứng dụng công nghệ thông tin và phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

2. Tổng mức đầu tư, tổng dự toán phải được dự tính theo đúng phương pháp, đủ các khoản mục chi phí theo quy định.

3. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý chi phí thông qua việc ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí.

4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc quản lý chi phí từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc đầu tư đưa sản phẩm của dự án vào khai thác, sử dụng.

Chương II

LẬP CHI PHÍ ĐẦU TƯ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Mục 1

LẬP TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

Điều 4. Nội dung tổng mức đầu tư

1. Tổng mức đầu tư là chi phí dự tính để thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thông tin được tính toán và xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư phù hợp với nội dung dự án và thiết kế sơ bộ.

2. Tổng mức đầu tư là một trong những cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh tế và lựa chọn phương án đầu tư; là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

3. Nội dung các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.

Điều 5. Phương pháp lập tổng mức đầu tư

1. Các phương pháp lập tổng mức đầu tư quy định tại Điều 29 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục số 1 của Thông tư này. Chủ đầu tư, tổ chức tư vấn lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin có trách nhiệm lựa chọn phương pháp lập tổng mức đầu tư phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của dự án.

2. Trong trường hợp chưa xác định được tổng mức đầu tư, chủ đầu tư lập dự toán cho các công việc triển khai chuẩn bị đầu tư. Các chi phí này thuộc chi phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư được phê duyệt.

3. Một số khoản mục chi phí thuộc nội dung chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác của dự án nếu chưa có quy định hoặc chưa tính được ngay thì được bổ sung và dự tính để đưa vào tổng mức đầu tư.

Mục 2

LẬP TỔNG DỰ TOÁN

Điều 6. Nội dung tổng dự toán

1. Tổng dự toán được tính toán và xác định trên cơ sở khối lượng các công việc, thiết kế thi công, nhiệm vụ công việc phải thực hiện của dự án và hệ thống định mức.

2. Tổng dự toán là cơ sở để xác định giá gói thầu, là căn cứ để đàm phán, ký kết hợp đồng, thanh toán với nhà thầu trong trường hợp chỉ định thầu.

3. Nội dung các khoản mục chi phí dự toán bao gồm: chi phí xây lắp, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác và chi phí dự phòng.

Điều 7. Phương pháp lập tổng dự toán

1. Xác định chi phí xây lắp:

a) Chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công trong chi phí trực tiếp xác định theo khối lượng hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công và bảng giá tương ứng. Tổng khối lượng hao phí các loại vật liệu, nhân công, máy thi công được xác định trên cơ sở hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công cho từng khối lượng công tác xây lắp của dự án;

b) Chi phí chung được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí trực tiếp như hướng dẫn tại Bảng 3.2 Phụ lục số 3 của Thông tư này;

c) Thu nhập chịu thuế tính trước được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí trực tiếp và chi phí chung như hướng dẫn tại Bảng 3.2 Phụ lục số 3 của Thông tư này;

d) Thuế giá trị gia tăng cho công tác xây lắp áp dụng theo quy định hiện hành.

2. Xác định chi phí thiết bị:

a) Chi phí mua sắm thiết bị được xác định theo một trong các cách dưới đây:

- Đối với những thiết bị đã xác định được giá có thể tính theo số lượng, chủng loại từng loại thiết bị;

- Đối với những thiết bị chưa xác định được giá (bao gồm cả phần mềm thương mại) có thể dự tính theo báo giá của nhà cung cấp, nhà sản xuất hoặc giá những thiết bị tương tự trên thị trường tại thời điểm tính toán hoặc giá thiết bị tương tự đã và đang thực hiện;

- Đối với các phần mềm nội bộ, việc xác định giá trị được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.

b) Chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ được xác định bằng cách lập dự toán;

c) Chi phí lắp đặt thiết bị và cài đặt phần mềm, kiểm tra, hiệu chỉnh được xác định bằng cách lập dự toán.

Trường hợp thiết bị đã được lựa chọn thông qua đấu thầu thì chi phí thiết bị bao gồm giá trúng thầu và các khoản chi phí theo các nội dung nêu trên được ghi trong hợp đồng.

3. Xác định chi phí quản lý dự án

Chi phí quản lý dự án được xác định trên cơ sở tham khảo định mức chi phí tỷ lệ do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hoặc bằng cách lập dự toán.

4. Xác định chi phí tư vấn đầu tư

Chi phí tư vấn được xác định trên cơ sở tham khảo định mức chi phí tỷ lệ do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hoặc bằng cách lập dự toán.

Trường hợp dự án phải thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số công việc thì chi phí tư vấn được lập dự toán theo quy định hiện hành phù hợp với yêu cầu sử dụng tư vấn cho dự án.

5. Xác định chi phí khác:

a) Chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc bằng định mức chi phí tỷ lệ theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành.

b) Đối với một số dự án có các yếu tố chi phí đặc thù, sử dụng vốn ODA, nếu còn các chi phí khác có liên quan thì được bổ sung các chi phí này. Chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

c) Một số lệ phí thẩm định như: thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế sơ bộ, thẩm định thiết kế thi công, dự toán và các lệ phí khác có liên quan tính bằng tỷ lệ theo quy định của Bộ Tài chính.

d) Một số chi phí khác nếu chưa tính được ngay thì được dự tính đưa vào tổng dự toán.

6. Xác định chi phí dự phòng

a) Chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây lắp, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư và chi phí khác;

b) Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính theo thời gian triển khai dự án (tính bằng tháng, quý, năm). 

Phương pháp lập dự toán ứng dụng công nghệ thông tin được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục số 2 của Thông tư này.

Mục 3

LẬP ĐỊNH MỨC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Điều 8. Hệ thống định mức

1. Định mức xây lắp bao gồm: định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí tỷ lệ.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây lắp.

3. Định mức chi phí tỷ lệ dùng để xác định chi phí của một số loại công việc trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm: định mức chi phí quản lý dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và một số định mức chi phí tỷ lệ khác.

Điều 9. Phương pháp lập định mức ứng dụng công nghệ thông tin

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật được lập theo trình tự sau:

a) Lập danh mục công việc, thể hiện các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện và xác định đơn vị tính phù hợp;

b) Xác định thành phần công việc từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện, biện pháp thi công và phạm vi thực hiện công việc;

c) Xác định hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công;  

d) Lập các tiết định mức trên cơ sở tổng hợp các hao phí về vật liệu, nhân công, máy thi công. 

2. Định mức chi phí tỷ lệ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 10. Phương pháp lập đơn giá xây lắp

1. Đơn giá xây lắp là cơ sở để xác định chi phí xây lắp.

2. Phương pháp lập đơn giá xây lắp được lập trên cơ sở lựa chọn từ hệ thống định mức xây lắp kinh tế - kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và các yếu tố chi phí có liên quan và được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục số 3 Thông tư này.

Chương III

QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Mục 1

QUẢN LÝ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

Điều 11. Thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư

1. Khi lập Dự án khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc lập Báo cáo đầu tư, chủ đầu tư phải xác định tổng mức đầu tư để tính toán hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Tổng mức đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư do người quyết định đầu tư phê duyệt là chi phí dự tính mà chủ đầu tư được phép sử dụng để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và là cơ sở lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Nội dung thẩm định tổng mức đầu tư quy định tại Điều 30 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP. Người quyết định đầu tư giao cho đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư trước khi phê duyệt.

3. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thẩm tra tổng mức đầu tư thì nội dung thẩm tra như nội dung thẩm định; chi phí thẩm tra được xác định trên cơ sở định mức chi phí tỷ lệ hoặc bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 12. Điều chỉnh tổng mức đầu tư

1. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Khi xuất hiện những yếu tố mới đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;

b) Khi xuất hiện các yếu tố bất khả kháng: động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh hoặc các sự kiện bất khả kháng khác và có tác động trực tiếp đến dự án;

c) Khi kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được cấp thẩm quyền điều chỉnh có ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô, mục tiêu triển khai của dự án.

2. Trường hợp thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, kể cả sử dụng chi phí dự phòng để điều chỉnh mà không làm thay đổi thiết kế sơ bộ về giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quy mô, mục tiêu đầu tư ban đầu và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, thì chủ đầu tư được quyền quyết định việc điều chỉnh. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định trước khi quyết định

3. Tổng mức đầu tư điều chỉnh được xác định bằng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần tổng mức đầu tư bổ sung. Giá trị phần tổng mức đầu tư bổ sung được xác định thành một khoản chi phí riêng và phải được tổ chức thẩm định hoặc thẩm tra trước khi quyết định phê duyệt.

Mục 2

QUẢN LÝ DỰ TOÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Điều 13. Thẩm định, phê duyệt tổng dự toán

1. Nội dung thẩm định, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng dự toán quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 2 Điều 37 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.

2. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định tổng dự toán. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thẩm tra tổng dự toán thì nội dung thẩm tra như nội dung thẩm định của chủ đầu tư; chi phí thẩm tra được xác định trên cơ sở định mức chi phí tỷ lệ hoặc bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 14. Điều chỉnh tổng dự toán

1. Dự toán ứng dụng công nghệ thông tin được điều chỉnh đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này;

b) Các trường hợp được phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế sơ bộ hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng.

2. Dự toán ứng dụng công nghệ thông tin điều chỉnh được xác định bằng dự toán ứng dụng công nghệ thông tin đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần dự toán bổ sung.

3. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán ứng dụng công nghệ thông tin điều chỉnh.

4. Dự toán ứng dụng công nghệ thông tin điều chỉnh là cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu.

5. Phương pháp xác định dự toán chi phí bổ sung được hướng dẫn tại Phụ lục số 4 của Thông tư này.

Mục 3

QUẢN LÝ ĐỊNH MỨC

Điều 15. Quản lý định mức ứng dụng công nghệ thông tin

1. Bộ Thông tin và Truyền thông công bố định mức ứng dụng công nghệ thông tin để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện lập, điều chỉnh, thẩm tra các định mức và tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm về tính hợp lý, chính xác của các định mức đã thực hiện.

Chủ đầu tư quyết định việc áp dụng, vận dụng định mức ứng dụng công nghệ thông tin được công bố hoặc điều chỉnh, xây dựng mới để lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

3. Đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA đấu thầu quốc tế, trường hợp sử dụng, vận dụng định mức của nước ngoài cho một số công tác đặc thù riêng biệt để lập đơn giá và dự toán ứng dụng công nghệ thông tin thì các định mức này phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công, điều kiện thi công của dự án và được chấp nhận trước của chủ đầu tư.

Mục 4

THANH QUYẾT TOÁN

Điều 16. Thanh toán vốn đầu tư

Việc thanh toán vốn đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 17. Quyết toán vốn đầu tư

Việc quyết toán vốn đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm và hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2011.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26150&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận