Văn bản pháp luật: Thông tư 07/2012/TT-NHNN

Toàn quốc
Công báo số 299+300, năm 2012
Thông tư 07/2012/TT-NHNN
Thông tư
02/05/2012
20/03/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định về trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Phó Thống đốc
2.012
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

______________________

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối,

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.

2. Trạng thái nguyên tệ của một ngoại tệ là chênh lệch giữa tổng Tài sản Có và tổng Tài sản Nợ bằng ngoại tệ này, bao gồm cả các cam kết ngoại bảng tương ứng.

3. Tỷ giá quy đổi trạng thái của ngoại tệ được áp dụng theo quy định sau:

a) Tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ: là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày báo cáo.

b) Tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ khác: là tỷ giá bán giao ngay chuyển khoản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào cuối ngày báo cáo.

4. Trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là trạng thái nguyên tệ của ngoại tệ đó được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi trạng thái.

5. Tổng trạng thái ngoại tệ dương là tổng trạng thái các ngoại tệ có trạng thái dương.

6. Tổng trạng thái ngoại tệ âm là tổng trạng thái các ngoại tệ có trạng thái âm.

Điều 3. Nguyên tắc tính trạng thái ngoại tệ

1. Trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định vào thời điểm cuối ngày làm việc.

2. Trạng thái nguyên tệ của ngoại tệ được tính trên cơ sở số dư các tài khoản có liên quan theo quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư này.

3. Quy đổi trạng thái nguyên tệ của từng ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi trạng thái.

4. Cộng các trạng thái ngoại tệ dương với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ dương. Cộng các trạng thái ngoại tệ âm với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ âm.

Điều 4. Giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ

1. Giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ được tính bằng tỷ lệ giữa tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc tổng trạng thái ngoại tệ âm chia cho vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Vốn tự có để tính giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là vốn tự có của tháng liền kề trước kỳ báo cáo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổng trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 20% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 20% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 (hai mươi lăm) triệu đô la Mỹ trở xuống được phép áp dụng mức giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ như sau:

Tổng trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 (năm) triệu đô la Mỹ.

Tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 (năm) triệu đô la Mỹ.

5. Trường hợp cần thiết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được duy trì trạng thái ngoại tệ vượt giới hạn quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.

Điều 5. Chế độ báo cáo

Chậm nhất đến 14h của ngày làm việc, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi báo cáo trạng thái ngoại tệ của ngày làm việc liền kề trước đó về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) theo mẫu biểu tại Phụ lục đính kèm Thông tư này.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/05/2012 và thay thế Quyết định số 1081/2002/QĐ-NHNN ngày 07/10/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quy định về trạng thái ngoại tệ đối với các Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, Quyết định số 1168/2003/QĐ-NHNN ngày 2/10/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi Điều 1 Quyết định 1081/2002/QĐ-NHNN ngày 07/10/2002.

2. Vụ Tài chính – Kế toán có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối cách tính trạng thái ngoại tệ trên cơ sở quy định về hệ thống các tài khoản kế toán.

3. Cục Công nghệ tin học trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối thực hiện báo cáo trạng thái ngoại tệ trong trường hợp báo cáo bằng phương thức điện tử.

4. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư này và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, Tổng Giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27495&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận