thông tưTHÔNG TƯ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
hướng dẫn việc mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi
nhánh, Văn phòng đại diện ở trong nước thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần
Tiếp thông tư số 09/NH-TT ngày 17-01-1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước "Hướng dẫn thực hiện quy chế cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức tín dụng Việt Nam", Ngân hàng Nhà nước Trung ương hướng dẫn thêm việc mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Việc mở chi nhánh
Ngân hàng thương mại cổ phần (gọi tắt là Ngân hàng cổ phần) đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, có đủ các điều kiện dưới đây, có thể mở chi nhánh ở trong nước, ngoài trụ sở chính để mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động kinh doanh:
1.1. Điều kiện về thời gian
a. Đối với Ngân hàng cổ phần thành lập mới, sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày khai trương hoạt động
b. Đối với Ngân hàng cổ phần điều chỉnh từ 01 hoặc nhiều tổ chức tín dụng cũ (trong trường hợp cần duy trì hoạt động chi nhánh tại địa bàn những tổ chức tín dụng cũ hợp nhất), kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1.2. Điều kiện về mức vốn điều lệ
a. Đối với Ngân hàng cổ phần thành lập mới tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phải có mức vốn điều lệ không dưới 20 tỷ VND.
b. Đối với Ngân hàng cổ phần thành lập mới tại tỉnh, thành phố khác, phải có mức vốn điều lệ không dưới 10 tỷ VND.
c. Đối với Ngân hàng cổ phần điều chỉnh từ việc sáp nhập nhiều tổ chức tín dụng cũ, phải có mức vốn điều lệ lớn hơn 05 tỷ VND.
2. Việc mở văn phòng đại diện;
Ngân hàng cổ phần đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, có đủ điều kiện về thời gian nói tại điểm 1.1. trên đây, có thể mở văn phòng đại diện trong nước.
3. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị trực thuộc, đại diện pháp nhân của Ngân hàng cổ phần, có con dấu riêng và chịu sự giám sát của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi đặt trụ sở.
4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền việc chấp thuận cho mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện như sau:
4.1. Giám đốc chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố chấp thuận việc mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng cổ phần đặt trụ sở chính.
4.2. Vụ trưởng Vụ có chức năng giám sát tổ chức tín dụng, chấp thuận việc mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác, ngoài địa phương, nơi Ngân hàng cổ phần đặt trụ sở chính.
5. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện Ngân hàng cổ phần phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại trọng tài kinh tế Nhà nước.
6. Ngân hàng cổ phần phải đăng báo địa phương và báo trung ương về việc mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Phạm vi và nội dung hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện:
1.1. Chi nhánh
a. Chi nhánh được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh cụ thể do Hội đồng quản trị quy định nhưng không được ngoài phạm vi những nghiệp vụ ghi trong giấy phép hoạt động của Ngân hàng cổ phần, được mở tài khoản và quan hệ giao dịch với chi nhánh Ngân hàng nhà nước nơi đặt trụ sở.
b. Mọi hoạt động nghiệp vụ của Chi nhánh đều phải tuân theo pháp luật và các chế độ thể lệ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành; chịu sự quản lý của Tổng giám đốc hoặc giám đốc Ngân hàng cổ phần; chịu sự giám sát của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi đặt trụ sở.
c. Chi nhánh phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo, thông tin về tổ chức và hoạt động của mình, về tình hình kinh tế, tiền tệ, thị trường theo các quy định hiện hành.
1.2. Văn phòng đại diện
- Văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng quản trị quy định, bao gồm việc thông tin, tìm kiếm thị trường và khách hàng, thông báo, giới thiệu, chỉ dẫn cho các khác hàng về hoạt động kinh doanh và sự tín nhiệm của Ngân hàng cổ phần.
- Văn phòng đại diện không được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng dưới bất cứ hình thức nào.
2. Hồ sơ và trình tự mở chi nhánh, văn phòng đại diện.
2.1. Hồ sơ xin mở chi nhánh bao gồm:
a. Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần: nêu rõ lý do, địa điểm đặt trụ sở, nhiệm vụ cụ thể của chi nhánh, tóm tắt về năng lực người điều hành.
b. Phương án hoạt động của chi nhánh (theo cách lập phương án hoạt động khi xin cấp giấy phép hoạt động quy định tại thông tư 09/NH - TT ngày 17-01-1991).
c. Bản sao giấy phép hoạt động và chứng nhận đăng ký kinh doanh của Ngân hàng cổ phần.
d. Văn bản chấp thuận của UBND nơi đặt trụ sở chi nhánh (theo quy định tại điểm 1.g mục I, thông tư 09/NH - TT ngày 17-01-1991).
d. Văn bản xác nhậnh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở chi nhánh.
e. Quyết định bổ nhiệm và sơ yếu lý lịch người điều hành chi nhánh (theo quy định tại điểm 1.d mục I, thông tư 09/NH - TT ngày 17-01-1991)
g. Các tài liệu khác nhằm làm rõ một số vấn đề có liên quan đến hồ sơ trên
2.2. Trình tự xem xét và chấp thuận cho mở chi nhánh
a. Ngân hàng cổ phần lập hồ sơ thành 03 bộ gửi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính.
b. Khi nhận được hồ sơ của Ngân hàng cổ phần, chi nhánh Ngân hàng nhà nước kiểm tra hồ sơ, nếu thấy đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày, phải giải quyết: hoặc lập tờ trình kèm 03 hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước trung ương (nếu Ngân hàng cổ phần xin mở chi nhánh tại tỉnh, thành phố khác) hoặc chấp thuận cho phép mở chi nhánh (nếu Ngân hàng cổ phần xin mở chi nhánh trong phạm vi tỉnh, thành phố có trụ sở chính).
c. Khi nhận được giấy chấp thuận cho mở chi nhánh, trong thời hạn 15 ngày, Ngân hàng cổ phần phải đăng ký kinh doanh cho chi nhánh theo quy định tại mục II thông tư số 201/TT-LN ngày 30/10/1991 của liên ngành Ngân hàng Nhà nước và Trọng tài kinh tế nhà nước.
2.3. Hồ sơ xin mở văn phòng đại diện bao gồm:
a. Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần: ghi rõ lý do, nhiệm vụ cụ thể, địa điểm đặt trụ sở tóm tắt về năng lực người điều hành văn phòng đại diện.
b. Bản sao giấy phép hoạt động và chứng nhận đăng ký kinh doanh của Ngân hàng cổ phần
c. Văn bản chấp thuận của UBND nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện (như quy định nói tại điểm 2.1 d mục II trên đây).
d. Văn bản xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở văn phòng đại diện.
đ. Quyết định bổ nhiệm và sơ yếu lý lịch người điều hành văn phòng đại diện (như quy định nói tại điểm 2.1 e mục II trên đây).
2.4. Trình tự xem xét và chấp thuận cho mở văn phòng đại diện:
a. Ngân hàng cổ phần lập hồ sơ thành 03 bộ gửi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính.
b. Khi nhận được hồ sơ của Ngân hàng cổ phần, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước kiểm tra hồ sơ, nếu thấy đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày phải giải quyết, hoặc lập tờ trình kèm 03 bộ hồ sơ gửi Ngân hàng, Nhà nước trung ương (nếu Ngân hàng cổ phần xin lập văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác) hoặc chấp thuận cho mở văn phòng đại diện (nếu Ngân hàng cổ phần xin mở văn phòng đại diện trong phạm vi tỉnh, thành phố có trụ sở chính).
c. Khi nhận được giấy chấp thuận cho mở văn phòng đại diện, trong thời hạn 15 ngày, Ngân hàng cổ phần phải đăng ký cho văn phòng đại diện theo quy định tại mục II thông tư 201/NH-TT ngày 30-10-1991 của liên ngành Ngân hàng Nhà nước và Trọng tài kinh tế Nhà nước.
3. Hồ sơ và trình tự xem xét việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh văn phòng đại diện.
3.1. Hồ sơ bao gồm:
a. Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần: nêu rõ lý do, tên và địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện xin chấm dứt hoạt động; cam kết đã giải quyết xong tình hình tài sản, công nợ.
b.
Ý kiến của giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi Ngân hàng cổ phần đặt trụ sở chính về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện.c. Bảng kê các văn bản (như: giấy cho phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, văn bản của UBND địa phương chấp thuận cho đặt trụ sở), con dấu, các loại ấn chỉ chưa dùng hết, cần thu hồi.
d. Dự thảo thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện để đăng báo địa phương và báo trung ương.
3.2. Trình tự xem xét của Ngân hàng Nhà nước:
a) Nhận được hồ sơ nói trên, trong thời hạn 30 ngày, nếu không có khiếu nại của khách hàng, thì chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi Ngân hàng cổ phần đặt trụ sở chính phải có văn bản trả lời hoặc có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước trung ương theo sự uỷ quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói tại điểm 4, mục I trên đây.
b) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đã được chấp thuận chấm dứt hoạt động, có trách nhiệm.
+ Hướng dẫn và giám sát việc thu hồi con dấu, các văn bản, các loại ấn chỉ chưa dùng hết nói tại điểm 3.1c mục II theo qui định của Ngân hàng Nhà nước và của các cơ quan khác có chức năng giám sát.
+ Yêu cầu Ngân hàng cổ phần đăng báo theo điểm 3.1đ mục II trên đây.
III. NHỮNG QUI ĐỊNH KHÁC:
1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước được UBND tỉnh, thành phố hỏi về việc đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của Ngân hàng cổ phần tại địa phương thì phải có ý kiến tham mưu, trả lời bằng văn bản.
2. Căn cứ vào qui định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát hoạt động của các Chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở trên địa bàn.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các qui định trước đây về việc này không còn hiệu lực thi hành.
4. Ngân hàng cổ phần đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện trước ngày ban hành thông tư này đều phải bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.