Văn bản pháp luật: Thông tư 08/1998/TT-BTC

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 08/1998/TT-BTC
Thông tư
26/09/1997
15/01/1998

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn chế độ Tài chính áp dụng thí điểm cho một số khu vực cửa khẩu Tỉnh Lạng Sơn.

 
1.998
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ tài chính áp dụng thí điểm cho
một số khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn

Chấp hành Quyết định số 748/TTg ngày 11 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ tài chính áp dụng thí điểm đối với một số khu vực cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn như sau:

 

I/ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Phạm vi áp dụng:

Theo quy định tại Điều 1, Quyết định 748/TTg, phạm vi áp dụng các chính sách thí điểm về tài chính quy định tại Thông tư này bao gồm:

a) Khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (đường bộ), khu vực cửa khẩu Đồng Đăng (đường sắt) gồm thị trấn Đồng Đăng và xã Bảo Lâm thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn;

b) Khu vực cửa khẩu Tân Thanh gồm xã Tân Thanh và xã Tân Mỹ thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Các địa bàn nêu tại khoản a, khoản b ở trên, dưới đây được gọi tắt là khu vực cửa khẩu Lạng Sơn.

2/ Đối tượng được hưởng ưu đãi:

Đối tượng được hưởng các chính sác ưu đãi về tài chính quy định trong Thông tư này là các chủ đầu tư thực hiện đầu tư vào kinh doanh tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, như sau:

a) Các nhà đầu tư trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sau đây gọi chung là doanh nghiệp trong nước;

Các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào khu vực cửa khẩu Lạng Sơn nếu không hình thành các pháp nhân kinh tế thì phải hạch toán riêng rẽ các hoạt động kinh doanh trên địa bàn được hưởng ưu đãi để có căn cứ xác định chế độ ưu đãi.

Chỉ các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiến hành trên địa bàn khu vực cửa khẩu Lạng Sơn mới thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi.

b) Các nhà đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sau đây gọi chung là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

3/ Các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào khu vực cửa khẩu Lạng Sơn trước ngày có hiệu lực của Quyết định 748/TTg ngày 26 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, nếu đang trong thời hạn được hưởng các ưu đãi đầu tư theo các quy định hiện hành thì kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, được chuyển sang hưởng các ưu đãi đầu tư quy định tại Thông tư này trong thời gian còn lại.

 

II/ NHỮNG ƯU ĐÃI VỀ TIỀN THUÊ ĐẤT, MẶT NƯỚC; ƯU ĐÃI VỀ THUẾ

1/ Những ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Quyết định số 748/TTg ngày 11 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp khi thuê đất và mặt nước được giảm 50% giá thuê đất, mặt nước so với mức giá hiện hành đang áp dụng tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, cụ thể là:

a) Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, khi thuê đất, mặt nước của Nhà nước được giảm 50% giá thuê đất, mặt nước so với giá cho thuê đất, mặt nước đang áp dụng tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn phù hợp với các quy định hiện hành về xác định giá cho thuê mặt đất, mặt nước (Quyết định số 1417 TC/TCĐN ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Mức giá nêu trên là căn cứ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số tiền thuê đất, mặt nước mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải trả và ghi vào giấy phép đầu tư.

Mọi ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước khác vẫn theo quy định hiện hành (Quyết định số 1417 TC/TCĐN ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Tài chính), nhưng được tính toán trên cơ sở số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải trả đã xác định ở trên.

b) Đối với doanh nghiệp trong nước:

Các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn khi thuê đất, mặt nước của Nhà nước được giảm 50% giá thuê đất, mặt nước so với giá cho thuê đất, cho thuê mặt nước đang áp dụng tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn theo quy định hiện hành (Quyết định số 1357 TC/QĐ/TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Mọi ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước khác vẫn theo quy định hiện hành (Quyết định số 1357 TC/QĐ/TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính), nhưng được tính toán trên cơ sở số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải trả đã xác định ở trên.

2/ Những ưu đãi về thuế lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các loại thuế khác:

a) Thuế lợi tức:

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện nộp thuế lợi tức theo thuế suất quy định tại giấy phép đầu tư; các doanh nghiệp trong nước áp dụng thuế suất thuế lợi tức quy định cho từng ngành nghề theo quy định tại Luật thuế lợi tức, Luật khuyến khích đầu tư trong nước trong thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các lĩnh vực sau đây được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế lợi tức (thuế thu nhập doanh nghiệp) như sau:

Đối với doanh nghiệp trong nước:

Đầu tư vào các lĩnh vực thuộc nhóm A của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng mức thuế suất 15%;

Đầu tư vào các lĩnh vực thuộc nhóm B của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng mức thuế suất 20%;

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Đầu tư vào các lĩnh vực thuộc nhóm A của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng mức thuế suất 10%;

Đầu tư vào các lĩnh vực thuộc nhóm B của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng mức thuế suất 15%;

Doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu có doanh thu từ xuất khẩu hàng hoá, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài đạt trên 80% tổng số doanh thu kinh doanh trong năm thì áp dụng thuế suất 10%;

Doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu có doanh thu từ xuất khẩu hàng hoá, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài đạt từ 50% tới 80% tổng số doanh thu kinh doanh trong năm thì áp dụng thuế suất 15%;

Các chế độ miễn thuế, giảm thuế, thực hiện chuyển lỗ vẫn theo các quy định hiện hành đối với từng loại hình doanh nghiệp. Thời điểm bắt đầu kinh doanh có lợi nhuận để làm căn cứ xác định chế độ miễn, giảm thuế lợi tức (thuế thu nhập doanh nghiệp) theo quy định là năm đầu tiên kinh doanh có lợi tức chịu thuế (thu nhập chịu thuế) trước khi thực hiện chuyển lỗ theo quy định.

Trường hợp dự án đầu tư cùng một lúc đạt được nhiều tiêu chuẩn hưởng ưu đãi trong Thông tư này hoặc chế độ ưu đãi ở các văn bản pháp luật khác (khác với chế độ ưu đãi trong Thông tư này) thì áp dụng theo chế độ ưu đãi cao nhất do doanh nghiệp lựa chọn.

b) Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Quyết định số 748/TTg ngày 11 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập doanh nghiệp và kinh doanh tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn nếu chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (gồm cả số tiền chuyển ra và số tiền để lại ngoài Việt Nam) thì nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với thuế suất quy định tại Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, các chủ đầu tư nước ngoài đảm bảo hoạt động đúng ngành nghề ghi trong giấy phép đầu tư, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hoá đơn chứng từ, chế độ thu nộp cho ngân sách được giảm thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định dưới đây:

Các dự án đầu tư đầu tư vào lĩnh vực thuộc nhóm A của Phụ lục 1, khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được giảm 50% số thuế phải nộp;

Các dự án đầu tư đầu tư vào lĩnh vực thuộc nhóm B của Phụ lục 1, khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được giảm 25% số thuế phải nộp.

Cơ quan cấp giấy phép đầu tư căn cứ vào các quy định về thuế suất, về giảm thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trên đây để ghi vào giấy phép đầu tư.

c) Các loại thuế khác:

Mọi quy định về các loại thuế, phí và lệ phí khác vẫn theo các quy định hiện hành tại các Luật thuế, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật khác.

3/ Thời gian hưởng ưu đãi đầu tư:

Các dự án đầu tư được hưởng chế độ ưu đãi về thuế theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 trên đây trong suốt thời gian hoạt động của dự án đầu tư.

4/ Trình tự, thủ tục để xin hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Thông tư này thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục để xin hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi về thuế quy định tại các văn bản hiện hành về thuê đất, mặt nước, về chế độ thuế.

III/ NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VỐN TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI

Theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 748/TTg ngày 11 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, việc huy động vốn được thực hiện cụ thể như sau:

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn được huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp như vay ngân hàng, vay các tổ chức và cá nhân, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... theo quy định của pháp luật hiện hành để tạo nguồn vốn phát triển kinh doanh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình được phép áp dụng các hình thức huy động vốn thích hợp như phát hành trái phiếu công trình, phát hành sổ xố kiến thiết loại đặc biệt biệt để huy động vốn đầu tư cho các công trình tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn (sau khi Bộ Tài chính thoả thuận bằng văn bản), huy động lao động công ích của nhân dân... để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và phải đảm bảo các điều kiện sau:

Việc huy động vốn phải được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn thông qua về biện pháp huy động, mức vốn huy động...;

Số vốn huy động được chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn;

Vốn huy động phải được quản lý theo đúng các quy định về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản;

Thực hiện quyết toán riêng số vốn huy động để xây dựng các cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn trong tổng quyết toán chung về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

 

IV/ NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÔNG TY XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG TẠI KHU VỰC CỬA KHẨU LẠNG SƠN

1/ Công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hoạt động tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn được thuê đất trong khu vực cửa khẩu Lạng Sơn để xây dựng cơ sở hạ tầng và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuê lại theo giá thoả thuận sau khi đã có cơ sở hạ tầng (nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép).

Công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng được phép thu một lần tiền cho thuê lại đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiều năm nhưng tối đa không vượt quá mốc thời gian Công ty được phép hoạt động quy định trong giấy phép kinh doanh của Công ty.

2/ Trường hợp công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thu một lần tiền cho thuê lại đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiều năm, phải thực hiện nghĩa vụ thuế như sau:

Thuế doanh thu: Nộp thuế doanh thu cho toàn bộ số doanh thu phát sinh do cho thuê lại đất tại thời điểm phát sinh doanh thu theo quy định của Luật thuế doanh thu.

Thuế lợi tức: Hàng năm, cơ quan thuế xác định doanh thu thực tế về cho thuê lại đất, các chi phí hợp lý, hợp lệ tương ứng phát sinh trong năm (chi phí về lương, chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí giao dịch, tiền thuê đất phải trả...) theo đúng quy định của Luật thuế lợi tức để xác định thuế lợi tức phải nộp.

3/ Công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng được hưởng mọi ưu đãi về tiền thuê mặt đất, mặt nước, ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác (nếu có) theo các quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành khác.

 

V/ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO XÂY DỰNG DỰNG, PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG Ở KHU VỰC CỬA KHẨU LẠNG SƠN

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 748/TTg ngày 11 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 1997 - 2000, việc đầu tư riêng của Nhà nước cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn hàng năm thực hiện như sau:

1/ Lập kế hoạch vốn đầu tư cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn:

Căn cứ vào dự toán thu ngân sách Nhà nước từ địa bàn khu vực cửa khẩu Lạng Sơn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn duyệt và được Bộ Tài chính chấp thuận trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh Lạng Sơn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đề nghị mức vốn Nhà nước đầu tư riêng hàng năm qua ngân sách tỉnh cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn (chi tiết cho từng công trình đầu tư và được xếp theo thứ tự ưu tiên) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét.

Trên cơ sở dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn khu vực cửa khẩu Lạng Sơn và đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tài chính xác định tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư riêng mỗi năm cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn nhưng không dưới 50% tổng số thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn khu vực cửa khẩu Lạng Sơn. Số vốn đầu tư này Bộ Tài chính sẽ cấp qua Sở Tài chính - Vật giá tỉnh Lạng Sơn để đầu tư cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn.

Bộ Tài chính thoả thuận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vốn đầu tư cho từng công trình, tổng số vốn đầu tư và các vấn đề liên quan khác trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư cả giai đoạn 1997 - 2000 và kế hoạch đầu tư hàng năm bằng số vốn ngân sách cấp riêng cho tỉnh Lạng Sơn.

Căn cứ vào thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức vốn đầu tư từng năm từ ngân sách Trung ương cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư theo từng quý gửi Bộ Tài chính (chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối quý trước).

Trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư cả năm, kế hoạch sử dụng vốn từng quý do địa phương lập và khả năng của ngân sách Trung ương ở từng thời điểm, Bộ Tài chính xác định và thông báo kế hoạch cấp vốn hàng quý cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Số vốn Nhà nước đầu tư cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn qua ngân sách tỉnh được xác định trên cơ sở dự toán số thu ngân sách hàng năm trên địa bàn khu vực cửa khẩu Lạng Sơn (không kể các khoản thu không giao trong cân đối ngân sách như các khoản ghi thu về học phí, viện phí, viện trợ, đóng góp của dân...) và được xem xét lại vào năm sau trên cơ sở số thu thực tế năm trước để điều chỉnh vào kế hoạch đầu tư vốn năm sau, trường hợp số thực thu trong năm vượt hay hụt so với dự toán thu giao đầu năm thì phần chênh lệch sẽ được điều chỉnh vào mức vốn đầu tư năm sau. Số vốn đầu tư này được xác định là phần trợ cấp có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho tỉnh, không tính vào nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Riêng số vốn đầu tư năm 1997 từ ngân sách Trung ương cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn qua ngân sách tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn làm việc cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về số vốn và mục đích sử dụng cụ thể số vốn này để Bộ Tài chính quyết định.

2/ Trình tự, thủ tục, phương thức cấp phát, chế độ báo cáo và quyết toán vốn đầu tư cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn:

Theo kế hoạch sử dụng vốn đầu tư cả năm và hàng quý đượt duyệt, Bộ Tài chính (ngân sách Trung ương) cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn (ngân sách địa phương), Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chuyển vốn cho các công trình đầu tư (số vốn Nhà nước đầu tư cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn qua ngân sách tỉnh).

Mọi khoản vốn ngân sách Trung ương cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ sử dụng cho mục đích xây dựng các cơ sở hạ tầng trong danh mục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư duyệt và phải được quản lý theo đúng các quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Số vốn đầu tư cho khu vực cửa khẩu Lạng Sơn qua ngân sách tỉnh được phản ánh chung vào báo cáo ngân sách hàng tháng và quyết toán ngân sách hàng năm của địa phương nhưng ghi một phần riêng cho các công trình đầu tư ở khu vực cửa khẩu Lạng Sơn (gồm cả nguồn vốn ngân sách cấp riêng và nguồn vốn do tỉnh huy động).

Hàng quý, tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, cấp phát vốn cho từng công trình, cuối năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kết quả thực hiện cả năm.

3/ Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Lạng Sơn phải theo đúng các quy định của Luật ngân sách Nhà nước, Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ và Thông tư số 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính.

 

VI/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/9/1997, mọi quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC LĨNH VỰC ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI THUẾ LỢI TỨC

(Ban hành kèm theo Thông tư số 08/1998/TT-BTC ngày 15 tháng 1 năm 1998 của Bộ Tài chính)

1/ Nhóm A: Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, bao gồm:

Xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các nhà máy điện, phát triển mạng lưới điện, xây dựng các cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh vật.

Xây dựng mới, nâng cấp đường bộ, gồm cả cầu đường bộ; xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hoá sân bay; xây dựng mới, nâng cấp bến bãi;

Cải tạo và phát triển mạng lưới thông tin liên lạc;

Xây dựng nhà máy và hệ thống cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống, hệ thống thoát nước; bảo vệ sinh môi trường; xử lý chất thải (gồm chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí);

Xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp nhà ở cho dân thuê;

Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng trong các chợ; xây dựng và cho thuê các kiốt bán hàng.

2/ Nhóm B: Đầu tư vào sản xuất các nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác của quá trình sản xuất; sản xuất, chế biến, khai thác lâm sản, cây công nghiệp, hàng xuất khẩu:

Sản xuất xi măng, gạch ngói, đá, cát, sỏi, vôi, bê tông (khô và tươi);

Sản xuất sắt, thép;

Sản xuất các nguyên vật liệu đầu vào khác của quá trình sản xuất;

Sản xuất, chế biến thực phẩm; tái chế hàng xuất khẩu;

Khai thác, chế biến lâm sản;

Trồng và khai thác cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=7917&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận