Văn bản pháp luật: Thông tư 08/2008/TT-BXD

Nguyễn Hồng Quân
Toàn quốc
Thông tư 08/2008/TT-BXD
Thông tư
...
10/04/2008

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch cấp tỉnh, thành phố

Bộ trưởng
2.008
Bộ Xây dựng

Toàn văn

bé x©y dùng

 THÔNG TƯ

Hướng dẫn tổ chức và hoạt động  của  Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch  cấp tỉnh, thành phố  

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/ 2/ 2007 của Chính phủ về Quản lý Kiến trúc Đô thị;

Sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch cấp tỉnh, thành phố như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG KIẾN TRÚC QUY HOẠCH

1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Hội đồng KTQH cấp tỉnh) và Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch các thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là Hội đồng KTQH thành phố).

2. Chức năng

Hội đồng KTQH cấp tỉnh, thành phố (gọi tắt là Hội đồng KTQH) là một tổ chức tư vấn, phản biện chuyên ngành cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là UBND cấp tỉnh, thành phố) trước khi đưa ra quyết định cuối cùng đối với các vấn đề quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật; phát triển đô thị, nông thôn trên phạm vi địa giới tỉnh, thành phố.

3. Nhiệm vụ

a) Tham gia góp ý định hướng, chương trình, dự án về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn.

b) Tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành Xây dựng và của địa phương về: Quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn.

c) Tư vấn, góp ý phương án, chọn giải pháp tối ưu cho các công trình kiến trúc (kể cả công trình kiến trúc phải qua thi tuyển) khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố yêu cầu:

- Công trình mang ý nghĩa đặc biệt, quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường;

- Công trình mang tính đặc thù về chiều cao, quy mô, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật;

- Công trình đặt tại vị trí nhạy cảm, ảnh hưởng lớn tới kiến trúc cảnh quan khu vực;

- Các công trình đặc biệt chưa có trong quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng chưa được điều chỉnh.

d) Cử thành viên tham gia Hội đồng thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn có ý nghĩa quan trọng, liên quan lớn tới cộng đồng dân cư.

e) Cử thành viên tham gia Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc các công trình thuộc diện phải được thi tuyển theo quy định.

g) Tư vấn, phản biện các vấn đề quan trọng khác về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố yêu cầu.

4. Quyền hạn

Kết luận của Hội đồng KTQH là cơ sở để UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định các vấn đề quan trọng. Trong trường hợp Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố khác với kết luận của Hội đồng KTQH thì Hội đồng phải có văn bản bảo lưu ý kiến, đồng thời Chủ tịch Hội đồng có thông báo, giải thích kịp thời tới các thành viên.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG KTQH

1. Cơ cấu tổ chức 

a) Hội đồng KTQH được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, căn cứ vào đề nghị của giám đốc Sở Xây dựng, đối với TP Hà nội và TP Hồ Chí Minh là giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc.  

b) Hội đồng KTQH là tổ chức mang tính chuyên môn cao bao gồm các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến kiến trúc, quy hoạch xây dựng (kiến trúc sư, kỹ sư đô thị, kỹ sư tài nguyên, môi trường, kỹ sư giao thông, thuỷ lợi; các chuyên gia về văn hoá, kinh tế, lịch sử …)  chiếm tỷ lệ từ 80% đến 90%, trong đó kiến trúc sư chiếm tỷ lệ từ 50% trở lên.

c)  Thành phần Hội đồng KTQH

- Thành phần Hội đồng KTQH cấp tỉnh: Số lượng thành viên từ  9 đến 25 người, tuỳ theo tình hình năng lực, yêu cầu của từng địa phương, trong đó gồm:

+ Chủ tịch Hội đồng: Là giám đốc Sở Xây dựng, đối với TP Hà nội và TP Hồ Chí Minh là giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc.

+ Phó Chủ tịch Hội đồng: là lãnh đạo Sở Xây dựng; đối với TP Hà nội và TP Hồ Chí Minh là lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc; lãnh đạo của Hội Kiến trúc sư hoặc Hội Quy hoạch phát triển đô thị. Số lượng tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của địa phương.

+ Các thành viên chính thức: Là các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch ở trong hoặc ngoài tỉnh; các cán bộ quản lý đương nhiệm tại địa phương từ cấp phó phòng của các Sở trở lên; đại diện Bộ Xây dựng có chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch (đối với thành phố Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh có đô thị từ loại 2 trở lên thấy cần thiết);

+ Các thành viên không chính thức: Là các chuyên gia, phản biện có năng lực, kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch ở trong hoặc ngoài tỉnh kể cả Kiến trúc sư là người nước ngoài; là 2 đến 3 đại diện có chuyên môn hoặc là lãnh đạo của địa phương nơi có dự án công trình và nội dung liên quan đến cuộc họp. Các thành viên không chính thức có quyền và trách nhiệm như thành viên chính thức tại phiên họp được mời.

- Thành phần Hội đồng KTQH thành phố trực thuộc tỉnh bao gồm:

+ Chủ tịch Hội đồng: Là Chủ tịch Hội đồng KTQH cấp tỉnh.

+ Phó Chủ tịch Hội đồng: Là 01 phó Chủ tịch Hội đồng KTQH cấp tỉnh.

+ Các thành viên chính thức: Gồm 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng KTQH cấp tỉnh (trong đó có Chủ tịch và phó Chủ tịch) và 3 đến 5 cán bộ (không kể thành viên có trong danh sách Hội đồng KTQH cấp tỉnh) có chuyên môn liên quan đến kiến trúc, quy hoạch hoặc là lãnh đạo của thành phố do Chủ tịch UBND thành phố đề nghị.

+ Các thành viên không chính thức: Là các chuyên gia, phản biện có năng lực, kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch ở trong hoặc ngoài thành phố, kể cả Kiến trúc sư là người nước ngoài.

d) Thường trực Hội đồng KTQH: Thường trực Hội đồng được thành lập tuỳ theo yêu cầu của mỗi địa phương.

Thành viên Thường trực Hội đồng gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng và một số uỷ viên. Số thành viên Thường trực không quá 30% tổng số thành viên Hội đồng.

e) Thư ký Hội đồng: là 2 đến 3 cán bộ đương nhiệm có chuyên môn liên quan đến kiến trúc, quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật. Thư ký Hội đồng cấp tỉnh đồng thời là thư ký Hội đồng thành phố trực thuộc tỉnh.

f) Các thành viên trong Hội đồng và thư ký Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Hội đồng KTQH sử dụng con dấu cơ quan nơi làm việc của Chủ tịch Hội đồng. 

2. Trách nhiệm 

a) Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm: 

-  Điều hành, chủ trì các phiên họp Hội đồng;

- Quyết định hình thức phiên họp, số lượng và thành phần tham gia Hội đồng;

- Quyết định việc mời các thành viên không chính thức dự họp.

b) Phó Chủ tịch Hội đồng:

- Giúp Chủ tịch Hội đồng trong hoạt động của Hội đồng, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về những phần công tác được phân công phụ trách;

- Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều hành và giải quyết công việc của Hội đồng khi Chủ tịch vắng mặt.

c) Thường trực Hội đồng:

- Đề xuất nội dung các kỳ họp, chương trình hoạt động hàng năm của Hội đồng;

- Thảo luận và giải đáp các vấn đề liên quan theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố.

d) Các thành viên khác.

- Tham gia thảo luận các vấn đề được xem xét tại Hội đồng, đồng thời phải chịu trách nhiệm về nội dung, ý kiến của mình, đảm bảo tính khách quan, trung thực và được bảo lưu ý kiến tại các cuộc họp;

- Được yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của Hội đồng song không được sử dụng hồ sơ, tài liệu, tiết lộ các thông tin hoạt động của Hội đồng vào mục đích cá nhân;

- Có trách nhiệm gửi "Phiếu góp ý" tới Hội đồng khi vắng mặt.

e) Thư ký Hội đồng

- Chuẩn bị nội dung, tổ chức các phiên họp; lập biên bản, tập hợp các ý kiến đóng góp bằng "Phiếu góp ý"; tổng hợp tình hình hoạt động của Hội đồng và lưu trữ hồ sơ tài liệu;

- Là đầu mối liên hệ với các thành viên Hội đồng; có trách nhiệm gửi tài liệu, "Phiếu góp ý" cuộc họp tới các thành viên, chuyên gia, phản biện trước khi Hội đồng họp;

- Theo dõi việc tiếp thu các ý kiến, kết luận của Hội đồng và thông tin tới các thành viên Hội đồng.

III. HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KTQH

1.  Cơ chế hoạt động

a) Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số. Kết luận của Hội đồng phải được trên 50% tổng số thành viên dự họp đồng ý.

b) Phiên họp Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng được triệu tập có mặt.

c) Kết quả việc lựa chọn phương án kiến trúc công trình được áp dụng theo hình thức bỏ phiếu. Đối với nội dung về quy hoạch xây dựng và các vấn đề liên quan khác, kết luận phải căn cứ vào "Phiếu góp ý" hoặc ý kiến của đa số thành viên Hội đồng.

d) Các phiên họp của Hội đồng đều được lập biên bản theo quy định. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản các ý kiến của đa số thành viên Hội đồng, đồng thời phản ánh đầy đủ, trung thực các ý kiến của thiểu số thành viên tham dự và được lưu trong hồ sơ lưu trữ cùng hồ sơ tài liệu có chữ ký của Chủ tịch, thư ký Hội đồng.

2. Hình thức họp

a) Tuỳ theo yêu cầu nội dung cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng quyết định họp theo các hình thức: 

- Họp toàn thể Hội đồng

- Họp theo nội dung chuyên ngành

- Họp Thường trực Hội đồng

b) Chủ trì phiên họp Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng uỷ quyền.

c) Các thành viên Hội đồng được triệu tập tham gia tuỳ theo tính chất, yêu cầu, nội dung của cuộc họp.

- Trong cuộc họp về nội dung quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn, yêu cầu thành phần tham dự là Kiến trúc sư và Kỹ sư chuyên ngành liên quan khác phải chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

- Trong cuộc họp về nội dung kiến trúc- cảnh quan đô thị, yêu cầu thành phần tham dự là Kiến trúc sư phải chiếm tỷ lệ từ 70% trở lên.

d) Tại phiên họp Hội đồng, tất cả các thành viên Hội đồng, đại biểu tham dự đều được quyền phát biểu ý kiến, bỏ phiếu hoặc được ghi vào "Phiếu góp ý".

3. Kinh phí hoạt động

a) Kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng KTQH được chi trong ngân sách của địa phương theo Luật ngân sách. Mức chi cho các hoạt động của Hội đồng được thực hiện theo chế độ hiện hành:

- Chi cho  hội họp, hành chính, văn phòng;

- Chi cho việc tư vấn, phản biện theo quy định trong các dự án;

- Chi cho các nhiệm vụ khác thì được phép sử dụng nguồn thu hợp pháp theo quy định của luật pháp để thực hiện.

b) Việc quy định, quản lý kinh phí hoạt động của Hội đồng sẽ do Sở Xây dựng, đối với thành phố Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh là Sở Quy hoạch Kiến trúc đảm nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh về quản lý và sử dụng ngân sách.

4. Nhiệm kỳ của Hội đồng KTQH

a) Nhiệm kỳ của Hội đồng KTQH là 5 năm, một tháng trước khi Hội đồng đương nhiệm kết thúc, Hội đồng KTQH nhiệm kỳ kế tiếp phải được thành lập.

b) Việc bổ sung, thay đổi thành viên Hội đồng KTQH do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng KTQH.

5. Chế độ thông tin, báo cáo của Hội đồng KTQH

a) Kết luận của Hội đồng KTQH được báo cáo cho lãnh đạo UBND cấp tỉnh ngay sau khi có kết quả cuộc họp.

b) Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Hội đồng KTQH quyết định việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về kết quả các cuộc họp tuyển chọn, góp ý, phản biện phương án kiến trúc, quy hoạch xây dựng mang ý nghĩa đặc biệt, quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường.      

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thông tư hướng dẫn này, ban hành quyết định thành lập, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Giám đốc Sở Xây dựng, đối với TP Hà nội và TP Hồ Chí Minh là giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm trình UBND cấp tỉnh về quy chế tổ chức và hoạt động, ngân sách dự chi hàng năm của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

V. HIỆU LỰC THI  HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các địa phương, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cần phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=24390&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận