THÔNG TƯ
Quy định việc xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực và Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUY ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc xây dựng các Báo cáo hiện trạng môi trường: Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Báo cáo hiện trạng môi trường là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và tác động tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường và hiệu quả của các chính sách đó.
Báo cáo hiện trạng môi trường là thuật ngữ sử dụng chung cho ba loại báo cáo: Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực.
2. Báo cáo môi trường quốc gia là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường trên phạm vi toàn quốc, nguyên nhân gây ô nhiễm và tác động của chúng tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường quốc gia và đánh giá hiệu quả của các chính sách đó trong công tác bảo vệ môi trường quốc gia.
3. Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường của địa phương, nguyên nhân gây ô nhiễm và tác động của chúng tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên của địa phương, từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường và đánh giá hiệu quả của các chính sách đó trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường của địa phương.
4. Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường đặc trưng của ngành, lĩnh vực; nguyên nhân và tác động của chúng tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên; từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường và đánh giá hiệu quả của các chính sách đó trong hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường của ngành, lĩnh vực.
5. Báo cáo tổng thể về môi trường là báo cáo đề cập đến tất cả các vấn đề môi trường của quốc gia, của địa phương để có được sự đánh giá tổng quát và đầy đủ về hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương với những hậu quả, nguyên nhân và diễn biến của nó.
6. Báo cáo chuyên đề về môi trường là báo cáo hiện trạng môi trường tập trung và đi sâu vào một chủ đề môi trường hay một thành phần môi trường đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội và của cơ quan quản lý môi trường.
7. Mô hình DPSIR là mô hình mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa Động lực - D (phát triển kinh tế - xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường) - Áp lực - P (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường) - Hiện trạng - S (hiện trạng chất lượng môi trường) - Tác động - I (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái) - Đáp ứng - R (các đáp ứng của nhà nước và xã hội để bảo vệ môi trường).
8. Chỉ thị môi trường: là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.
9. Chỉ thị mô tả là chỉ thị mô tả hiện trạng các vấn đề môi trường nổi cộm, đặc trưng cho khu vực; các chỉ thị phản ánh đúng tình trạng môi trường.
10. Chỉ thị đánh giá là chỉ thị so sánh các vấn đề trong thực tế của Việt Nam với những điều kiện chuẩn. Chỉ thị đánh giá thực hiện việc so sánh giữa tình hình môi trường hiện tại và những mục tiêu đặt ra (đánh giá tính khả thi để đạt được các mục tiêu đã đặt ra).
11. Chỉ thị hiệu quả là chỉ thị phản ánh mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa các thành phần trong mô hình DPSIR. Chỉ thị hiệu quả phù hợp nhất cho quá trình hoạch định chính sách là các chỉ thị liên quan giữa áp lực môi trường (P) và các hoạt động của con người (D). Những chỉ thị này phản ánh rõ tính hiệu quả môi trường của quy trình sản xuất và của chính các sản phẩm.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường
Việc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
1. Xây dựng theo mô hình DPSIR.
2. Trung thực, chính xác, cập nhật.
3. Khoa học, hiện đại.
4. Rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhận biết.
Chương II
HỆ THỐNG BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM LẬP BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG
Điều 4. Hệ thống báo cáo hiện trạng môi trường
Hệ thống báo cáo hiện trạng môi trường bao gồm:
1. Báo cáo môi trường quốc gia.
Báo cáo môi trường quốc gia bao gồm: Báo cáo tổng thể về môi trường và Báo cáo chuyên đề về môi trường.
2. Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực.
3. Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh.
Điều 5. Trách nhiệm và thời điểm hoàn thành Báo cáo hiện trạng môi trường
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập Báo cáo môi trường quốc gia theo khoản 2, Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường. Báo cáo được hoàn thành trước kỳ họp Quốc hội cuối cùng của mỗi năm.
Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm trước Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xây dựng và hoàn thành Báo cáo môi trường quốc gia theo quy định.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm lập Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực do mình quản lý theo khoản 2, Điều 100 Luật Bảo vệ môi trường. Báo cáo được hoàn thành trước Báo cáo môi trường Quốc gia 6 tháng để đảm bảo cung cấp thông tin cho Báo cáo tổng thể về môi trường.
Tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm trước các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc lập Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực do mình quản lý.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh theo khoản 2, Điều 99 Luật Bảo vệ môi trường. Báo cáo được hoàn thành trước Báo cáo tổng thể về môi trường 6 tháng để đảm bảo cung cấp thông tin cho Báo cáo tổng thể về môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc lập Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh.
Căn cứ vào tình hình môi trường và yêu cầu quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc xây dựng Báo cáo chuyên đề về môi trường trình Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp số liệu về môi trường làm cơ sở xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và gửi báo cáo tổng hợp số liệu môi trường của địa phương cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia.
Chương III
NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG
Điều 6. Nội dung của Báo cáo hiện trạng môi trường
1. Nội dung của Báo cáo hiện trạng môi trường được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường theo khoản 1 Điều 99 đối với Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh; khoản 1 Điều 100 đối với Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực; khoản 1 Điều 101 đối với Báo cáo môi trường Quốc gia.
2. Báo cáo hiện trạng môi trường cần tập trung phân tích đánh giá vào các nội dung:
a) Các hậu quả của ô nhiễm môi trường, bao gồm: thiệt hại đối với sức khỏe cộng đồng, thiệt hại về kinh tế, thiệt hại đối với các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái nông nghiệp;
b) Những vấn đề môi trường bức bách, các điểm nóng về môi trường và các giải pháp ưu tiên để giải quyết các vấn đề này;
c) Các nội dung về hoạt động của cộng đồng, các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Điều 7. Thông tin, dữ liệu trong Báo cáo hiện trạng môi trường
1. Báo cáo hiện trạng môi trường cung cấp đầy đủ những thông tin định tính và định lượng.
2. Thông tin trong mỗi chương, mục của Báo cáo phải có liên hệ chặt chẽ với thông điệp chính.
3. Sử dụng các Bộ chỉ thị môi trường để thu thập thông tin, dữ liệu. Các chỉ thị môi trường (chỉ thị mô tả, chỉ thị đánh giá, chỉ thị hiệu quả) được sử dụng trong báo cáo để truyền đạt các thông điệp của Báo cáo.
4. Tất cả các thông tin, dữ liệu trong báo cáo phải dựa trên các nguồn thống kê chính thức, được thừa nhận về mặt pháp lý.
5. Khi có sự hạn chế, thiếu hụt về dữ liệu có thể thay thế bằng việc ước tính dựa trên những dữ liệu sẵn có đã được công nhận. Khi thực hiện những ước tính cần nêu rõ các giả định và nguồn dữ liệu.
6. Các thông tin, dữ liệu trình bày trong báo cáo cần gắn với cùng một giai đoạn thời gian. Chuỗi thời gian của các chỉ số trong báo cáo hiện trạng môi trường cần có cùng số năm tham chiếu.
7. Đối với phần nội dung về xu thế, diễn biến và dự báo trong tương lai, để đảm bảo sự thống nhất trong toàn bộ nội dung của báo cáo, cần phải đưa ra một số kịch bản kinh tế - xã hội để làm cơ sở cho việc đánh giá diễn biến các vấn đề môi trường khác nhau trong tương lai.
8. Sử dụng các phương pháp so sánh, đối chiếu khi đánh giá, phân tích các vấn đề.
Điều 8. Nguồn thông tin và dữ liệu phục vụ xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường
1. Thông tin và số liệu từ các Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, của các Bộ ngành và của các Cục thống kê cấp tỉnh.
2. Thông tin và số liệu từ các kết quả quan trắc môi trường của hệ thống quan trắc môi trường quốc gia và hệ thống quan trắc môi trường của các địa phương.
3. Thông tin và số liệu từ các bộ, ngành, các sở, ban ngành liên quan.
4. Thông tin và số liệu từ các nguồn khác:
a) Kết quả quan trắc của các trạm quan trắc hoặc trung tâm quan trắc môi trường nằm ngoài hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia và địa phương;
b) Kết quả nghiên cứu, khảo sát phục vụ cho báo cáo hiện trạng môi trường;
c) Kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học hay đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước đã được nghiệm thu và công bố, công khai chính thức.
5. Các chương trình nghiên cứu, khảo sát bổ sung về những vấn đề môi trường chuyên đề (do chính cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo thực hiện) nhằm mục đích hỗ trợ dữ liệu cho công tác xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường.
Điều 9. Các so sánh, đối chiếu trong Báo cáo hiện trạng môi trường
Các so sánh, đối chiếu trong Báo cáo hiện trạng môi trường bao gồm:
1. So sánh sự khác biệt về quy mô, chất lượng
Trong khuôn khổ Báo cáo môi trường quốc gia, các so sánh, đối chiếu được sử dụng là so sánh giữa mức độ hoàn thành mục tiêu môi trường của quốc gia với các cam kết quốc tế, so sánh giữa các tỉnh/thành phố với nhau trong việc triển khai các mục tiêu môi trường quốc gia và so sánh, đối chiếu với các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Trong khuôn khổ Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực, các so sánh, đối chiếu được sử dụng là so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành hoặc giữa các quận/huyện thuộc tỉnh trong việc đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
2. So sánh diễn biến của các vấn đề khác nhau nhưng có liên quan với nhau (ví dụ: so sánh mức tăng GDP và lượng phát thải khí nhà kính).
3. So sánh bằng cách sử dụng các dạng dữ liệu đã được quy định chuẩn hóa (ví dụ: diễn biến lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP).
Sau khi so sánh, đối chiếu cần xếp hạng các vấn đề, xác định những vấn đề ưu tiên và phân tích khả năng triển khai trong thực tế.
Chương IV
TRÌNH TỰ XÂY DỰNG BÁO CÁO HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG
Điều 10. Các hoạt động trong quá trình xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường
1. Trong quá trình xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường cần tiến hành những hoạt động sau:
a) Thành lập Tổ biên tập;
b) Xây dựng khung cấu trúc (phụ lục 2, 3 và 4) và đề cương chi tiết của Báo cáo (phụ lục 1);
c) Thu thập thông tin, số liệu, chỉ thị cần thiết;
d) Tổ chức biên soạn Báo cáo theo khung cấu trúc;
e) Tổ chức tham vấn các bên liên quan cho các dự thảo Báo cáo;
f) Trình và phê duyệt Báo cáo;
g) Gửi và công khai báo cáo.
2. Xác định và phê duyệt chủ đề đối với Báo cáo chuyên đề về môi trường.
Căn cứ vào vấn đề môi trường đang nổi cộm, được cộng đồng quan tâm, Tổng cục Môi trường đề xuất chủ đề của Báo cáo chuyên đề về môi trường trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Điều 11. Thành lập Tổ biên tập Báo cáo
1. Theo nhu cầu thực tế, Lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường thành lập Tổ biên tập để thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Nhiệm vụ của Tổ biên tập Báo cáo hiện trạng môi trường.
a) Thu thập, phân tích, xử lý số liệu; thiết kế xây dựng các đồ thị, bảng biểu, hình ảnh minh họa cho Báo cáo;
b) Xây dựng các báo cáo thành phần theo đề cương chi tiết đã được xây dựng;
c) Tổng hợp xây dựng các dự thảo Báo cáo; tiếp thu ý kiến tham vấn, chỉnh sửa và hoàn thiện Báo cáo.
Điều 12. Tổ chức tham vấn các bên liên quan cho các dự thảo Báo cáo
1. Báo cáo môi trường quốc gia và Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực: được gửi xin ý kiến chính thức bằng văn bản của các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.
2. Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh: được gửi xin ý kiến chính thức bằng văn bản của các Sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan tại địa phương.
Điều 13. Trình và phê duyệt Báo cáo
Đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng Báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo, cụ thể:
1. Báo cáo môi trường quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
2. Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh: do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
3. Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực: do Bộ trưởng, Thủ trưởng Bộ, ngành phê duyệt.
Điều 14. Gửi và công khai Báo cáo
1. Sau khi Báo cáo được phê duyệt, cơ quan xây dựng báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo tới cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Công khai Báo cáo hiện trạng môi trường trên trang thông tin điện tử:
a) Báo cáo môi trường quốc gia: được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh: được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành lĩnh vực: được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Kinh phí cho xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường
Căn cứ quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật và chế độ chi tiêu hiện hành có liên quan, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường.
Điều 16. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 5 năm 2010.
2. Tổng cục Môi trường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn chi tiết việc xây dựng các Báo cáo hiện trạng môi trường.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.