Văn bản pháp luật: Thông tư 09/2011/TT-BTC

Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Toàn quốc
Công báo số 91+92
Thông tư 09/2011/TT-BTC
Thông tư
07/03/2011
21/01/2011

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Thứ trưởng
2.011
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp

đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

_______________

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và các văn bản hướng dẫn;

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 và các văn bản hướng dẫn;

Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và các văn bản hướng dẫn;

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9 tháng 12 năm 2000 và các văn bản hướng dẫn;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoạt động theo Luật kinh doanh bảo hiểm; tổ chức làm đại lý bảo hiểm và tổ chức bảo hiểm khác thỏa mãn các điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi chung là doanh nghiệp bảo hiểm).

Chương II

THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Điều 3. Đối tượng chịu thuế

Trừ các dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT quy định tại Điều 4 Thông tư này, các dịch vụ bảo hiểm và các hàng hóa, dịch vụ khác do các đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này cung cấp là đối tượng chịu thuế GTGT, bao gồm:

- Bảo hiểm phi nhân thọ, dịch vụ tư vấn và môi giới bảo hiểm phi nhân thọ;

- Đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;

- Hàng hóa, dịch vụ khác thuộc diện chịu thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT phát sinh trong quá trình hoạt động của các công ty có hoạt động thuộc lĩnh vực bảo hiểm.

Điều 4. Đối tượng không chịu thuế

1. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn con người trong gói bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm người học; bảo hiểm tai nạn thủy thủ, thuyền viên; bảo hiểm tai nạn con người (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn, sinh mạng, kết hợp nằm viện); bảo hiểm tai nạn hành khách; bảo hiểm khách du lịch; bảo hiểm tai nạn lái – phụ xe và người ngồi trên xe; bảo hiểm người đình sản; bảo hiểm trợ cấp nằm viện phẫu thuật; bảo hiểm sinh mạng cá nhân; bảo hiểm người sử dụng điện; bảo hiểm bồi thường người lao động, bảo hiểm sức khỏe và các bảo hiểm khác liên quan đến con người, chăm sóc sức khỏe con người;

2. Bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng và các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác;

3. Tái bảo hiểm;

4. Đào tạo đại lý bảo hiểm;

5. Bảo hiểm các công trình, thiết bị dầu khí, tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài do nhà thầu dầu khí hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thuê để hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thỏa thuận đặt dưới chế độ khai thác chung.

Điều 5. Người nộp thuế

Người nộp thuế GTGT là các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các tổ chức bảo hiểm khác tiến hành hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Điều 6. Giá tính thuế

1. Đối với dịch vụ bảo hiểm, giá tính thuế GTGT là phí bảo hiểm gốc chưa có thuế GTGT, cộng cả các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá dịch vụ mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng, trừ các khoản phụ thu và khoản trích lập bắt buộc mà doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp vào ngân sách nhà nước.

- Trường hợp phí bảo hiểm đã bao gồm thuế GTGT thì giá tính thuế GTGT được xác định như sau:

Giá tính thuế GTGT

=

Phí bảo hiểm đã bao gồm thuế GTGT

1 + Thuế suất (10%)

- Các hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm có thỏa thuận thu phí từng kỳ thì giá tính thuế GTGT là số tiền phí bảo hiểm trả từng kỳ; nếu thỏa thuận trả trước một lần thì giá tính thuế là số tiền phí bảo hiểm trả trước một lần chưa có thuế GTGT.

- Đối với hợp đồng đồng bảo hiểm: Giá tính thuế là phí bảo hiểm gốc chưa có thuế GTGT phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm cho từng doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp thống nhất một doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu phí thì giá tính thuế đối với doanh nghiệp được ủy quyền là phí bảo hiểm gốc của toàn bộ giá trị hợp đồng bảo hiểm chưa bao gồm thuế GTGT.

2. Đối với dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba bồi hoàn, đại lý xử lý hàng bồi thường 100% hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng thì giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng (chưa trừ một khoản phí tổn nào) mà doanh nghiệp bảo hiểm thu được, chưa có thuế GTGT.

3. Đối với dịch vụ môi giới bảo hiểm là số tiền phí hoa hồng môi giới bảo hiểm nhận được chưa có thuế GTGT trừ đi khoản giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm (nếu có).

4. Các hàng hóa, dịch vụ khác thuộc diện chịu thuế GTGT thực hiện theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 7. Thuế suất

1. Thuế suất 0% áp dụng đối với dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan và cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gồm dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ môi giới bảo hiểm, dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%.

Tổ chức ở nước ngoài là tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ.

Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật thuế thu nhập cá nhân.

2. Thuế suất 10% áp dụng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm không được quy định tại Điều 4; khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

3. Đối với các hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động kinh doanh bảo hiểm nêu trên, thuế suất thuế GTGT được áp dụng theo quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể tại Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn.

Điều 8. Phương pháp tính thuế

1. Các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế theo quy định hiện hành, cụ thể:

Số thuế GTGT phải nộp

=

Thuế GTGT đầu ra

-

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

a) Thuế GTGT đầu ra bằng (=) Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bán ra trong kỳ tính thuế nhân với (x) thuế suất tương ứng.

Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền hoặc thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm xuất hóa đơn bán hàng.

b) Các khoản thu về dịch vụ, hàng hóa bán ra đã tính thuế GTGT ở khâu bảo hiểm gốc thì không phải tính thuế GTGT theo quy định tại Thông tư này bao gồm:

- Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu về bồi thường khác (nếu có).

- Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác về nhượng tái bảo hiểm.

- Thu đòi người thứ ba.

c) Doanh nghiệp bảo hiểm được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm chịu thuế GTGT thể hiện trên hóa đơn GTGT mua vào theo hướng dẫn Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn. Một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:

- Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hóa đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định. Thuế GTGT đầu vào liên quan đến khoản chi bồi thường, chi phí khác phát sinh chung do doanh nghiệp được ủy quyền thanh toán (bao gồm cả thuế GTGT) mà không tách riêng được các hóa đơn cho từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp được ủy quyền thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các khoản chi này.

- Đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào đồng thời dùng cho kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT. Trường hợp không hạch toán riêng được thuế đầu vào được khấu trừ thì thuế đầu vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số thực hiện trong kỳ; trong đó:

+ Doanh số chịu thuế GTGT: Là doanh thu của các khoản thu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT bao gồm các khoản thu đã tính thuế GTGT ở khâu bảo hiểm gốc như hoa hồng đại lý, hoa hồng môi giới, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác không phải khai, nộp thuế GTGT.

+ Tổng doanh số thực hiện trong kỳ là toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp phát sinh trong kỳ không bao gồm các khoản thu giảm chi như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu hòi người thứ ba.

- Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ, trừ trường hợp tài sản cố định là nhà làm trụ sở văn phòng và các thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ.

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản nhưng hóa đơn mang tên người tham gia bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn này với điều kiện:

+ Phải có giấy ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm, trong đó ghi rõ: Tên người được ủy quyền, số chứng minh thư hoặc số đăng ký kinh doanh, địa chỉ của người được ủy quyền, số hợp đồng bảo hiểm kèm hóa đơn của cơ sở sửa chữa thay thế.

+ Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng với phần trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm và không lớn hơn số thuế GTGT ghi trên hóa đơn.

+ Người tham gia bảo hiểm không được kê khai, khấu trừ đối với hóa đơn mà doanh nghiệp bảo hiểm đã kê khai, khấu trừ.

2. Điều chỉnh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ: Doanh nghiệp bảo hiểm phải điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ hoặc nộp lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ đối với các trường hợp tài sản cố định, vật tư, hàng hóa mua vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT đã được khấu trừ thuế đầu vào nay chuyển sang sử dụng cho mục đích khác. Số điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ hoặc nộp lại được tính trên giá trị còn lại (chưa có thuế GTGT) của tài sản cố định; đối với vật tư, hàng hóa, số thuế GTGT phải điều chỉnh hoặc hoàn lại là toàn bộ số thuế đã kê khai khấu trừ khi mua sắm.

Điều 9. Hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Một số trường hợp thực hiện như sau:

a) Các loại dịch vụ không phải tính thuế GTGT nêu tại tiết b, khoản 1, Điều 8 Thông tư này:

- Doanh nghiệp bảo hiểm không sử dụng hóa đơn GTGT cho mỗi lần giao dịch.

- Hoạt động tái bảo hiểm phải thực hiện chế độ chứng từ thanh toán nhận và nhượng tái bảo hiểm theo chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm hiện hành. Giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các chứng từ nêu trên. Chứng từ thanh toán nhận, nhượng tái bảo hiểm này là căn cứ để bên mua hạch toán chi phí.

b) Trường hợp đồng bảo hiểm:

- Khi thu phí bảo hiểm, từng doanh nghiệp đồng bảo hiểm cấp hóa đơn GTGT cho khách hàng theo phần phí bảo hiểm nhận được và kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Trường hợp ủy quyền cho một doanh nghiệp thu hộ phí bảo hiểm hoặc chỉ có một doanh nghiệp đứng tên trong hợp đồng thì thực hiện như đối với trường hợp thu hộ phí bảo hiểm hướng dẫn tại tiết d, khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

- Khi mua hàng hóa, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng đồng bảo hiểm, hóa đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định chung. Trường hợp doanh nghiệp đồng bảo hiểm ủy quyền cho doanh nghiệp đứng tên trên hợp đồng chi thì thực hiện như đối với trường hợp chi hộ hướng dẫn tại tiết d, khoản 2, Điều 9 Thông tư này.

Đối với các khoản chi bồi thường, chi phí khác phát sinh chung mà không tách riêng được cho từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp được ủy quyền thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của các khoản chi này. Khi phân bổ chi phí cho từng doanh nghiệp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp đứng tên cấp hóa đơn GTGT; trên hóa đơn ghi rõ chi bồi thường và các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng đồng bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng) do doanh nghiệp đứng tên thực hiện, dòng thuế GTGT không ghi và gạch bỏ. Hóa đơn này là căn cứ để các doanh nghiệp đồng bảo hiểm hạch toán chi phí và doanh nghiệp đứng tên hạch toán giảm khoản phải thu (không hạch toán vào doanh thu).

c) Đối với trường hợp thu hộ, chi hộ cho doanh nghiệp bảo hiểm khác:

- Khi thu hộ tiền phí bảo hiểm, doanh nghiệp hoặc đại lý là tổ chức thu hộ có trách nhiệm lập hóa đơn GTGT giao cho khách hàng, trên hóa đơn ghi rõ thu hộ Công ty bảo hiểm (tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty) theo Hợp đồng bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng). Doanh nghiệp hoặc đại lý thu hộ không hạch toán doanh thu mà hạch toán khoản thu hộ và kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản thu này. Đối với doanh nghiệp nhờ thu hộ, khi nhận tiền từ doanh nghiệp thu hộ thì lập hóa đơn GTGT giao cho Công ty bảo hiểm thu hộ, trên hóa đơn ghi rõ nhận tiền phí bảo hiểm do Công ty bảo hiểm hoặc đại lý (tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty) thu hộ theo hợp đồng bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng); số thuế GTGT được ghi trên hóa đơn bằng đúng số thuế GTGT mà doanh nghiệp thu hộ đã thu của khách hàng. Hóa đơn này làm căn cứ để doanh nghiệp thu hộ khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi tính thuế GTGT phải nộp, đồng thời là căn cứ để doanh nghiệp nhờ thu hộ hạch toán doanh thu, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

- Khi chi hộ tiền mua hàng hóa, dịch vụ để bồi thường cho khách hàng, doanh nghiệp hoặc đại lý chi hộ yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuất hóa đơn bán hàng theo tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp nhờ chi hộ; hóa đơn này được chuyển cho doanh nghiệp nhờ chi hộ để doanh nghiệp này thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào (nếu có) và hạch toán chi phí theo quy định.

d) Đối với trường hợp thu hộ, chi hộ giữa các doanh nghiệp trực thuộc hoặc giữa doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc với trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm;

- Khi thu hộ tiền phí bảo hiểm, doanh nghiệp thu hộ thực hiện cấp hóa đơn GTGT cho khách hàng và kê khai, nộp thuế GTGT đối với phần doanh nghiệp thu hộ, đồng thời thông báo thu hộ cho doanh nghiệp nhờ thu hộ. Căn cứ vào thông báo thu hộ, doanh nghiệp nhờ thu hộ hạch toán doanh thu (không có thuế GTGT), không phải phát hành hóa đơn và không kê khai, nộp thuế đối với phần doanh thu nhờ thu hộ.

Trường hợp doanh nghiệp nhờ thu hộ không yêu cầu doanh nghiệp thu hộ cấp hóa đơn GTGT cho khách hàng thì khi thu hộ, doanh nghiệp thu hộ chi hạch toán thu hộ và không kê khai, nộp thuế GTGT đối với phần doanh thu thu hộ. Căn cứ vào thông báo thu hộ, doanh nghiệp nhờ thu hộ cấp hóa đơn GTGT cho khách hàng, thực hiện kê khai, nộp thuế đối với phần doanh thu nhờ thu hộ.

- Khi chi hộ, hóa đơn GTGT mang tên, mã số thuế của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó thực hiện kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Doanh nghiệp bảo hiểm chi hộ thông báo chi hộ cho doanh nghiệp nhờ chi hộ để doanh nghiệp này hạch toán chi phí.

đ) Đối với trường hợp hoàn trả phí bảo hiểm và giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm:

Trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm là tổ chức kinh doanh, khi hoàn trả phí bảo hiểm (một phần hoặc toàn bộ), doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi rõ số tiền phí bảo hiểm do công ty bảo hiểm hoàn trả, tiền thuế GTGT, lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Hóa đơn này là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm điều chỉnh doanh số bán, số thuế GTGT đầu ra, tổ chức tham gia bảo hiểm điều chỉnh chi phí mua bảo hiểm, số thuế GTGT đã kê khai hoặc đã khấu trừ.

Trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm là đối tượng không có hóa đơn GTGT, khi hoàn trả tiền phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm phải lập biên bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được hoàn trả (không bao gồm thuế GTGT), số tiền thuế GTGT theo hóa đơn thu phí bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thu (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Biên bản này được lưu giữ cùng với hóa đơn thu phí bảo hiểm để làm căn cứ điều chỉnh kê khai doanh thu, thuế GTGT của doanh nghiệp bảo hiểm. Trường hợp khách hàng không cung cấp được hóa đơn thu phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào hóa đơn lưu tại doanh nghiệp và biên bản hoặc văn bản thỏa thuận để thực hiện hoàn trả số tiền phí bảo hiểm chưa bao gồm thuế GTGT.

Trường hợp giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật liên quan.

e) Đối với trường hợp giảm phí bảo hiểm:

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã thu phí bảo hiểm và lập hóa đơn cho khách hàng nhưng vì lý do khách quan phải giảm phí cho khách hàng hoặc theo thỏa thuận đến hết thời hạn bảo hiểm nếu không xảy ra tổn thất hoặc tổn thất thấp hơn tỷ lệ quy định trong đơn bảo hiểm, bên mua bảo hiểm sẽ được giảm một phần phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện điều chỉnh giảm phí bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được giảm theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), doanh nghiệp bảo hiểm xuất hóa đơn GTGT cho phần giảm phí này. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh giảm phí (không được ghi số âm (-)), thuế GTGT cho dịch vụ bảo hiểm tại hóa đơn số, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, hai bên kê khai điều chỉnh doanh thu, chi phí và thuế đầu ra, đầu vào.

g) Đối với hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của hoạt động bảo hiểm nhân thọ thì phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi tên và số lượng hàng hóa, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng không thu tiền; dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo. Trường hợp đại lý bảo hiểm hoặc khách hàng không yêu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện lập chung một hóa đơn đối với hàng khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng phát sinh trong ngày.

h) Đối với hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ thì phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi tên và số lượng hàng hóa, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo không thu tiền; dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo. Trường hợp đại lý bảo hiểm hoặc khách hàng không yêu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện lập chung một hóa đơn đối với hàng khuyến mại, quảng cáo phát sinh trong ngày.

i) Đối với doanh nghiệp môi giới dịch vụ bảo hiểm mà các dịch vụ bảo hiểm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đại lý bảo hiểm là tổ chức khi nhận hoa hồng đại lý bảo hiểm thì phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi rõ số tiền môi giới, số tiền hoa hồng nhận được, dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo.

k) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nhận tiền hỗ trợ của các cơ sở kinh doanh khác thì doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm lập chứng từ thu và xác định là khoản thu nhập khác để kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chi hỗ trợ đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về hoạt động bảo hiểm.

Khi chi tiền hỗ trợ, căn cứ mục đích hỗ trợ đã được ghi trong hợp đồng hỗ trợ để lập chứng từ chi tiền. Số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào bằng tiền nhận hỗ trợ thì không được kê khai, khấu trừ.

Điều 10. Đăng ký, kê khai, nộp thuế

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Một số trường hợp cụ thể thực hiện như sau:

1. Đại lý bảo hiểm hưởng hoa hồng không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản hoa hồng đại lý được hưởng.

2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản hoa hồng môi giới tái bảo hiểm và hoa hồng môi giới bảo hiểm mà các dịch vụ bảo hiểm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản thu từ thanh lý tài sản chuyên dùng phục vụ cho bảo hiểm nhân thọ.

Chương III

THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Thuế TNDN được áp dụng theo Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó doanh thu, thời điểm xác định doanh thu và một số khoản chi được trừ như sau:

Điều 11. Doanh thu

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ số tiền thu được do cung ứng dịch vụ bảo hiểm và hàng hóa, dịch vụ khác, kể cả phụ thu và phí thu thêm mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng chưa có thuế GTGT, bao gồm:

1. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm:

Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm là số tiền phải thu về thu phí bảo hiểm gốc; thu phí nhận tái bảo hiểm; thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; thu phí quản lý đơn bảo hiểm; thu phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100% (không kể giám định hộ giữa các doanh nghiệp thành viên hạch toán nội bộ trong cùng một doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán độc lập) sau khi đã trừ đi các khoản phải chi để giảm thu như: hoàn phí bảo hiểm; giảm phí bảo hiểm; hoàn phí nhận tái bảo hiểm; giảm phí nhận tái bảo hiểm; hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.

Trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế của từng bên là tiền thu phí bảo hiểm gốc được phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm cho mỗi bên không bao gồm thuế GTGT.

Đối với hợp đồng bảo hiểm thỏa thuận trả tiền theo từng kỳ thì doanh nghiệp để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải thu phát sinh trong từng kỳ.

Trường hợp có thực hiện các nghiệp vụ thu hộ giữa các doanh nghiệp trực thuộc hoặc giữa doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc với trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế không bao gồm phần doanh thu thu hộ.

2. Doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm: Các khoản thu hoa hồng môi giới bảo hiểm sau khi trừ các khoản hoa hồng môi giới bảo hiểm, giảm và hoàn hoa hồng môi giới bảo hiểm.

Điều 12. Thời điểm xác định doanh thu

- Thời điểm xác định doanh thu đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm là thời điểm phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Thời điểm xác định doanh thu đối với hoạt động môi giới bảo hiểm là thời điểm hợp đồng bảo hiểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Thời điểm xác định doanh thu đối với hoạt động tái bảo hiểm, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động nhượng tái bảo hiểm là thời điểm bản thanh toán về tái bảo hiểm được xác nhận. Thời điểm xác định doanh thu đối với hoạt động tái bảo hiểm cũng là thời điểm xác định chi phí của doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm.

Điều 13. Một số khoản chi được trừ

Một số khoản chi được trừ đối với doanh nghiệp bảo hiểm được xác định cụ thể như sau:

- Chi bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm gốc (chi bồi thường bảo hiểm gốc đối với bảo hiểm phi nhân thọ, trả tiền bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ), hợp đồng tái bảo hiểm sau khi đã trừ đi các khoản phải thu để giảm chi như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý, bồi thường 100%;

Nguyên tắc chi bồi thường bảo hiểm gốc đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: Theo đúng phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm quy định tại hợp đồng bảo hiểm đã được thỏa thuận giữa các bên và có bằng chứng chứng minh thiệt hại xảy ra.

- Phí nhượng tái bảo hiểm;

- Trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

- Chi hoa hồng bảo hiểm, hoa hồng môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

- Chi giám định tổn thất theo quy định của pháp luật;

- Chi phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;

- Chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%;

- Chi quản lý đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về hoạt động bảo hiểm;

- Chi đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định;

Chi đề phòng hạn chế tổn thất phải đúng mục đích theo quy định của pháp luật, đảm bảo có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng chứng minh.

- Chi đánh giá rủi ro của đối tượng bảo hiểm bao gồm các khoản chi cho công tác thu thập thông tin, điều tra, thẩm định về đối tượng bảo hiểm;

- Khoản trích lập bắt buộc theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

- Các khoản tiền thưởng theo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho người lao động ngoài tiền lương nhưng có ghi rõ chỉ tiêu thưởng trong hợp đồng lao động, hoặc thỏa ước lao động tập thể, hoặc quyết định của Hội đồng quản trị, hoặc Ban Giám đốc;

- Các khoản chi, trích khác theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ Thông tư số 111/2005/TT-BTC ngày 13/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và các hướng dẫn trước đây về thuế GTGT và thuế TNDN đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm của Bộ Tài chính trái với hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, xử lý./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26112&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận