Văn bản pháp luật: Thông tư 10/2005/TT-BNN

Cao Đức Phát
Toàn quốc
Công báo số 18 - 03/2005;
Thông tư 10/2005/TT-BNN
Thông tư
05/04/2005
04/03/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh

Bộ trưởng
2.005
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, đổi mới

và phát triển nông, lâm trường quốc doanh


Căn cứ Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh;

Căn cứ Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh;

Sau khi có ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mục đích, yêu cầu xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh

a) Mục đích

Xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh nhằm mục đích:

- Đánh giá đúng thực trạng nông, lâm trường quốc doanh để phân loại, sắp xếp nông, lâm trường hiện có theo các loại hình quy định tại Điều 4 Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Điều 4 Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.

- Trên cơ sở phân loại, sắp xếp để xây dựng và áp dụng cơ chế chính sách phù hợp với từng loại nông, lâm trường nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông, lâm trường; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động; góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

b) Yêu cầu

- Đề án phải cụ thể, sát với thực tế và đảm bảo tính khả thi, nhằm đạt được mục tiêu, nguyên tắc của việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

- Nội dung đề án phải thể hiện rõ được chức năng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường sau khi chuyển đổi, sắp xếp lại. Xác định, phân biệt rõ nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

- Đề án và các giải pháp giải quyết về đất đai và lao động phải được cân nhắc kỹ khi xây dựng và tổ chức thực hiện đề án.

2. Căn cứ xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh

- Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 của Chính phủ về "Sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh" và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành thực hiện Nghị định này.

- Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về "Sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh" và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành thực hiện Nghị định này.

- Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng; quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp của địa phương.

- Diện tích các loại đất của nông, lâm trường đang quản lý và sử dụng.

- Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông, lâm trường quốc doanh trong các năm 2002, 2003, 2004.

- Phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh của nông, lâm trường cho các năm tới.

3. Đối tượng sắp xếp

Đối tượng sắp xếp quy định tại Thông tư này bao gồm nông trường, lâm trường quốc doanh; các công ty, xí nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước hiện có, được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

Đối với các nông, lâm trường thành viên là đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty nông, lâm nghiệp đều phải tiến hành sắp xếp lại, nhưng khi thực hiện phải tiến hành trong khuôn khổ sắp xếp, đổi mới và phát triển chung của cả công ty; các nông, lâm trường này, nếu vẫn giữ là đơn vị sản xuất, kinh doanh hạch toán phụ thuộc thì có thể giữ nguyên tên cũ, không nhất thiết phải đổi tên.

II. CHUYỂN ĐỔI, TỔ CHỨC LẠI NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH HIỆN CÓ

1. Nông trường

1.1. Nông trường được tiếp tục củng cố để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gồm:

a) Nông trường làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chuyên canh cây lâu năm, có kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, kinh doanh có lãi hoặc bù đắp được chi phí.

Loại nông trường này, cần phải tập trung đầu tư thâm canh diện tích vườn cây đã trồng gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới theo hướng huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nông trường tham gia cổ phần; chỉ mở rộng diện tích trồng mới khi có dự án thực sự có hiệu quả. Diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Nông trường làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cây hàng năm và chăn nuôi đã giao khoán ổn định, lâu dài cho người lao động; tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu cho chế biến và nông sản hàng hoá cho xuất khẩu; kinh doanh có lãi hoặc bù đắp được chi phí.

Loại nông trường này cần phải tổ chức lại sản xuất, làm đầu mối cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi những diện tích không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để giao, cho thuê cho đối tượng khác.

1.2. Nông trường chuyển đổi nhiệm vụ sang sản xuất, kinh doanh giống, xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong vùng gồm các nông trường sản xuất cây hàng năm và chăn nuôi không có cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thực hiện khoán trắng đất đai cho công nhân.

Các nông trường này chỉ giữ lại một phần diện tích đất đủ để hoạt động sản xuất, kinh doanh như trên, diện tích còn lại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.

1.3. Nông trường giải thể gồm các nông trường yếu kém, làm ăn thua lỗ liên tục 3 năm tính từ năm 2002, thu nhập hiện tại của nông trường chủ yếu dựa vào nguồn thu cho thuê đất, không có phương án khắc phục có hiệu quả.

1.4. Nông trường tiếp tục giữ lại gồm các nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và có yêu cầu phục vụ định canh, định cư, an ninh - quốc phòng.

Nông trường chỉ quản lý một phần diện tích đất phù hợp để sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng cơ sở chế biến phục vụ đồng bào trong vùng; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh, quốc phòng.

2. Lâm trường

2.1. Lâm trường được tổ chức lại thành công ty lâm nghiệp gồm:

a) Lâm trường đang quản lý chủ yếu là rừng trồng và đất chưa có rừng quy hoạch để trồng rừng sản xuất có quy mô diện tích tập trung, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

b) Lâm trường đang quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng tự nhiên và một số diện tích rừng trồng, đất chưa có rừng quy hoạch để trồng rừng sản xuất có quy mô diện tích tập trung, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Công ty lâm nghiệp có nhiệm vụ: Quản lý, bảo vệ, gây trồng, nuôi dưỡng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ lâm sản; cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, các công ty có thể được giao tham gia nhiệm vụ công ích do Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi những diện tích đất và rừng không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để giao, cho thuê cho đối tượng khác.

2.2. Lâm trường chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ gồm lâm trường có diện tích rừng và đất chưa có rừng quy hoạch để phát triển rừng phòng hộ từ 5.000 ha trở lên (trường hợp đặc biệt, diện tích có thể nhỏ hơn do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định) và chiếm từ 70% trở lên so với diện tích đất của lâm trường được giao.

2.3. Lâm trường chuyển thành Ban quản lý rừng đặc dụng gồm lâm trường có diện tích rừng và đất chưa có rừng được quy hoạch để phát triển rừng đặc dụng từ 1.000 ha trở lên (trường hợp đặc biệt diện tích có thể nhỏ hơn do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định) và chiếm từ 70% trở lên so với diện tích đất của lâm trường được giao.

Chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng thực hiện theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Cơ chế quản lý tài chính thực hiện theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

2.4. Lâm trường chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu (Trung tâm, Trạm, Trại) làm dịch vụ sản xuất cây giống, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong vùng gồm các lâm trường đang quản lý diện tích đất dưới 1.000 ha, phân bố manh mún, xen kẽ với đất nông nghiệp, gần khu dân cư.

Cơ chế quản lý tài chính của loại hình này thực hiện theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

2.5. Lâm trường quốc doanh phải giải thể gồm:

a) Lâm trường sản xuất, kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm tính từ năm 2002, không có phương án khắc phục có hiệu quả.

b) Lâm trường có diện tích đất tự nhiên dưới 1.000 ha, phân bố manh mún, xen kẽ với đất nông nghiệp và gần khu dân cư, không có nhu cầu và điều kiện để chuyển sang các đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định tại tiết 2.4, Khoản 2 Mục II của Thông tư này.

c) Lâm trường đang quản lý chủ yếu là đất quy hoạch xây dựng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nhưng không đủ quy mô để chuyển sang Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng theo quy định tại tiết 2.2, 2.3, Khoản 2 Mục II của Thông tư này.

d) Lâm trường không có vai trò và tác dụng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

2.6. Đối với các lâm trường có diện tích rừng và đất chưa có rừng được quy hoạch để phát triển rừng phòng hộ có diện tích từ 5.000 ha trở lên, diện tích quy hoạch xây dựng rừng đặc dụng từ 1.000 ha trở lên, nhưng chiếm dưới 70% diện tích đất lâm trường được giao thì giải quyết như sau:

a) Tách diện tích đất quy hoạch để xây dựng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thành lập khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng có Ban quản lý riêng hoặc sáp nhập vào Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng liền kề (nếu có).

b) Lâm trường chỉ quản lý phần diện tích quy hoạch xây dựng rừng sản xuất còn lại.

III. TRÌNH TỰ SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

Ban chỉ đạo sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh được thành lập theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Công văn số 387/VPCP-NN ngày 21/01/2005 của Văn phòng Chính phủ, cụ thể là:

- Ở Trung ương: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban, lãnh đạo cấp vụ các Bộ, ngành có liên quan tham gia Ban chỉ đạo.

- Ở các địa phương: Ban đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của các Tổng công ty Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thuộc Tổng công ty.

Ban đổi mới, sắp xếp và phát triển nông, lâm trường quốc doanh có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đề án.

2. Xây dựng đề án:

2.1. Đối với các Bộ, ban, ngành: Chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh của Bộ, ban, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2.2. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Ban đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh và các cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường, lâm trường quốc doanh của tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2.3. Đối với các Tổng công ty: Chỉ đạo các phòng ban, các doanh nghiệp trực thuộc xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường, lâm trường quốc doanh của Tổng công ty trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đối với Tổng công ty 91), trình Bộ, ban, ngành chủ quản, để tổng hợp thành đề án chung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đối với Tổng công ty 90)

Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh của các Tổng công ty phải có ý kiến thoả thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nông, lâm trường quốc doanh.

3. Thẩm định và phê duyệt đề án

Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường, lâm trường quốc doanh của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; của các Bộ, ban, ngành và của các Tổng công ty (91), gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổ chức thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Triển khai thực hiện đề án

Sau khi đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành thực hiện các nội dung cụ thể sau:

4.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các Bộ, ban, ngành và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty có nông, lâm trường quốc doanh ra quyết định sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh thuộc phạm vi quản lý theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng công ty chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các nông, lâm trường triển khai đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo quyết định phê duyệt.

4.2. Các nông, lâm trường xây dựng đề án chuyển đổi theo quyết định sắp xếp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt với các nội dụng sau:

- Phương án quản lý và sử dụng đất đai;

- Phương án sử dụng lao động;

- Phương án tài chính và xử lý công nợ;

- Phương án điều chế rừng (đối với các lâm trường);

- Phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh sau khi chuyển đổi.

4.3. Các lâm trường thuộc diện chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, các đơn vị sự nghiệp có thu xây dựng đề án chuyển đổi.

4.4. Các nông, lâm trường thuộc diện giải thể xây dựng phương án giải thể.

4.5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ban, ngành, Tổng công ty phê duyệt phương án chuyển đổi của các nông, lâm trường thuộc phạm vi quản lý.

4.6. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất theo quyết định đối với các nông, lâm trường thực hiện phương án chuyển đổi; có kế hoạch quản lý, sử dụng đất đất của các nông, lâm trường thuộc diện giải thể.

IV. NỘI DUNG ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH (Theo mẫu đề cương đính kèm)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, ban, ngành, và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty (91) có nông, lâm trường chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh của địa phương, đơn vị mình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30 tháng 06 năm 2005.

2. Việc tổ chức thực hiện đề án được duyệt hoàn thành trước ngày 30 tháng 06 năm 2006.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15403&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận