Văn bản pháp luật: Thông tư 10/2008/TT-BTP

Hoàng Thế Liên
Toàn quốc
Công báo số 35+36, năm 2009
Thông tư 10/2008/TT-BTP
Thông tư
15/02/2009
31/12/2008

Tóm tắt nội dung

Huớng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/07/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật

Tư pháp
Thứ trưởng
2.008
Bộ Tư pháp

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP

ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật

____________________________

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật;

Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 78/2008/NĐ-CP) như sau:

I. HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HỢP TÁC

1.Thành phần Hội đồng thẩm định

Thành phần Hội đồng thẩm định trong các trường hợp được quy định tại Điều 13 của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP bao gồm:

- Chủ tịch và Thư ký Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp;

- Các thành viên Hội đồng gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan, tổ chức có liên quan và không bao gồm đại diện đơn vị đề nghị thẩm định;

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định danh sách cụ thể các thành viên của Hội đồng thẩm định theo đề nghị của các Bộ, ngành liên quan. Căn cứ vào tính chất, nội dung của chương trình, dự án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc mời các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia Hội đồng thẩm định để tham gia ý kiến tư vấn phục vụ cho hoạt động của Hội đồng thẩm định;

- Số lượng thành viên Hội đồng thẩm định ít nhất là 07 người, trong đó đại diện Bộ Tư pháp chiếm không quá 1/2 (một phần hai).

2.Cuộc họp của Hội đồng thẩm định

a) Cuộc họp thẩm định do Chủ tịch Hội đồng thẩm định triệu tập và chủ tọa

trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ thẩm định đến

các thành viên Hội đồng.

Cuộc họp của Hội đồng thẩm định chỉ được tiến hành trong trường hợp có mặt ít nhất là hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp không thể tham dự cuộc họp, thành viên Hội đồng gửi Chủ tịch Hội đồng ý kiến thẩm định của mình bằng văn bản.

b) Cuộc họp của Hội đồng thẩm định được tiến hành theo trình tự sau:

- Chủ tịch Hội đồng thẩm định tuyên bố lý do buổi họp;

- Đại diện đơn vị đề nghị thẩm định trình bày nội dung cơ bản của chương trình, dự án và các thông tin cần thiết khác;

- Thư ký Hội đồng thẩm định đọc ý kiến của những thành viên Hội đồng thẩm định vắng mặt (nếu có);

- Thành viên Hội đồng thảo luận, tập trung vào những nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2008/NĐ-CP;

- Chủ tịch Hội đồng kết luận về từng vấn đề.

c) Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tổ chức ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng thẩm định. Biên bản phải ghi đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Những vấn đề chưa được Hội đồng nhất trí cũng phải được ghi rõ trong biên bản. Biên bản phải được Chủ tịch Hội đồng thẩm định và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

3.Chuẩn bị văn bản thẩm định của Hội đồng thẩm định

- Trên cơ sở biên bản cuộc họp của Hội đồng thẩm định, trong thời hạn ít nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp của Hội đồng thẩm định, Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo văn bản thẩm định để trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét, ký văn bản thẩm định. Văn bản thẩm định được đóng dấu của Bộ Tư pháp.

- Trong thời hạn chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, sau ngày kết thúc cuộc họp của Hội đồng thẩm định, biên bản cuộc họp và văn bản thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ quản để nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo văn kiện chương trình, dự án hợp tác trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; đồng thời được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp.

4. Tiếp thu ý kiến thẩm định

Cơ quan chủ quản có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định. Trong trường hợp không nhất trí với ý kiến của Hội đồng thẩm định, thì cơ quan chủ quản phải có ý kiến giải trình bằng văn bản gửi Bộ Tư pháp. Nếu không nhất trí với ý kiến giải trình của cơ quan chủ quản, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với cơ quan chủ quản để thống nhất ý kiến. Trong trường hợp cơ quan chủ quản vẫn bảo lưu quan điểm của mình, thì Bộ Tư pháp có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

II. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

1. Thời hạn gửi báo cáo

a) Chậm nhất là ngày 30 tháng 5 và ngày 30 tháng 11 hàng năm, các cơ quan chủ quản gửi Bộ Tư pháp báo cáo tình hình thực hiện hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong trường hợp Quốc hội hoặc Chính phủ yêu cầu báo cáo đột xuất về tình hình hợp tác với nước ngoài về pháp luật, các cơ quan chủ quản có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo tiến độ và chất lượng của báo cáo.

2. Nội dung của Báo cáo

Báo cáo của các cơ quan chủ quản gửi Bộ Tư pháp có các nội dung chính sau đây:

a) Thống kê các dự án, chương trình, hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, bao gồm các cấu phần liên quan đến hợp tác pháp luật trong các dự án, chương trình khác;

b) Đánh giá chung về tình hình hợp tác với nước ngoài về pháp luật;

c) Đánh giá đóng góp của các dự án, chương trình, hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật;

d) Những hạn chế, vướng mắc trong quá trình hợp tác với nước ngoài về pháp luật; nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc.

e) Kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tư pháp các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác với nước ngoài về pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu sau đây:

- Mẫu số 1: Đề cương đề xuất nhu cầu hợp tác với nước ngoài về pháp luật.

- Mẫu số 2: Báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những việc mới, thì các cơ quan chủ quản có văn bản phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn kịp thời./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11638&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận