CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 101/1998-TT-BTC NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999
Thực hiện Chỉ thị số 25/1998-CT-TTg ngày 30/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 1999; Bộ Tài chính hướng dẫn đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1998 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 1999 như sau:
A. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH VÀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1998:
I. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHỮNG THÁNG CÒN LẠI CỦA NĂM 1998:
Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 1998 bên cạnh những thuận lợi: kinh tế tăng trưởng; tỷ giá, lãi suất, giá cả được xử lý thận trọng, linh hoạt. Các Bộ, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách được Chính phủ giao ngay từ đầu năm; thu ngân sách ở một số lĩnh vực đạt kết quả khá (thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập,...), chi ngân sách cơ bản đã đáp ứng kịp thời theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đã có những tiến độ đáng kể trong quá trình triển khai thực hiện Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Nhưng 6 tháng đầu năm 1998 đã xuất hiện một số khó khăn lớn: sức cạnh tranh và hiệu quả của nhiều doanh nghiệp đã yếu, lại bị sức ép cạnh tranh do sự phá giá đồng tiền của các nước trong khu vực; một số ngành sản xuất - kinh doanh mức sản xuất giảm do thị trường tiêu thụ khó khăn, mức xuất khẩu đạt thấp; hậu quả cơn bão số 5 chưa được khắc phục xong đã xuất hiện nắng nóng, hạn hán kéo dài; đầu tư của khu vực Nhà nước, của doanh nghiệp và của dân cư có khả năng không đạt dự kiến, đầu tư trực tiếp của nước ngoài không chỉ giảm về số lượng dự án mà giảm cả về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so cùng kỳ năm trước và mức dự kiến đầu năm.
Về ngân sách nhà nước: thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt được 43% dự toán, nhưng trong đó lại có nhiều khoản thu tồn đọng của năm trước, số thu do phát sinh từ sản xuất - kinh doanh trong năm đạt thấp; thu ngân sách ở một số lĩnh vực có khả năng không đạt được dự toán, nhiều địa phương trọng điểm thu 6 tháng đạt thấp so dự toán.
Ngân sách nhà nước khó khăn, nhưng tình hình chi ngân sách 6 tháng đầu năm ở nhiều Bộ, địa phương tình trạng lãng phí, kém hiệu quả còn lớn; chi quản lý hành chính, chi tiêu hội nghị, mua sắm,... còn chưa tiết kiệm, vượt quá khả năng của ngân sách; chi đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu đạt thấp so với dự toán do công tác phân giao kế hoạch và triển khai thực hiện còn chậm; chi chương trình mục tiêu còn phân tán, hiệu quả thấp, các cấp chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ những khoản chi chương trình mục tiêu trên địa bàn.
Xuất phát từ tình hình nêu trên, yêu cầu các Bộ và các địa phương căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách đã được giao cả năm; ngoài các biện pháp đã nêu đầu năm và trong các văn bản nhà nước gần đây, cần tập trung thực hiện các biện pháp điều hành chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 1998 như sau:
Về thu:
Khẩn trương thực hiện các chính sách chế độ khuyến khích, ưu đãi phát triển sản xuất - kinh doanh đã được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính đã hướng dẫn (giảm tiền thuê đất, cấp lại thuế doanh thu đối với những doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi,...) nhằm khuyến khích sản xuất - kinh doanh đặc biệt là sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu.
Các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế xuất nhập khẩu, phụ thu các mặt hàng mà giá cả thế giới và trong nước cho phép. Chống thất thu đi đôi với chống buôn lậu.
Đối với khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh: thực hiện công bố công khai và ổn định mức khoán thu đối với các hội kinh doanh vừa và nhỏ.
Trên cơ sở số liệu quyết toán thuế 1997 thực hiện thu kịp thời các khoản thu còn tồn đọng; thực hiện chỉ đạo kiểm tra thu kịp thời những khoản đã phát sinh hoặc còn tồn đọng qua kiểm tra, thanh tra vào ngân sách nhà nước.
Về chi:
Ngân sách năm 1998 rất khó khăn do bị ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực, nên phải có nguồn lực ở cả Trung ương và địa phương để chủ động đối phó với những tình hình xấu có thể xảy ra, do vậy chủ trương điều hành ngân sách trong 6 tháng cuối năm thực hiện theo hướng:
- Không thông báo bổ sung dự toán cho các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương số đã tạm giữ lại 10% theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và chỉ được dùng nguồn giữ lại này để: xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói, bổ sung cho các nhu cầu bức bách của sản xuất và an ninh và dành một phần thích đáng để dự phòng cho ngân sách năm sau; không được dùng nguồn giữ lại này để chi quản lý hành chính, hội nghị, tiếp khách, mua sắm, sửa chữa.
- Các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương và các đơn vị cần thực hành tiết kiệm, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để đảm bảo kinh phí cho những nhu cầu chi cấp thiết mới phát sinh. Những nhu cầu nhiệm vụ đã có quyết định của các cấp có thẩm quyền, nhưng chưa được bố trí kinh phí trong dự toán đầu năm đơn vị dự toán phải sắp xếp lại nhiệm vụ chi để đảm bảo kinh phí thực hiện những nhiệm vụ quan trọng mới phát sinh trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao.
- Do thu ngân sách có khả năng không đạt dự toán và để giữ bội chi ngân sách theo mức Quốc hội cho phép, ngân sách Trung ương sẽ không có nguồn để bổ sung ngoài dự toán cho các Bộ, ngành và địa phương; vì vậy các địa phương phải căn cứ vào khả năng thu để điều hành chi, cụ thể:
+ Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách địa phương vượt dự toán, số tăng thu này cần ưu tiên bố trí bổ sung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển, tăng quỹ dự trữ tài chính; không được bố trí bổ sung chi quản lý hành chính, mua sắm sửa chữa những trang thiết bị chưa cấp thiết.
+ Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách địa phương một số khoản thu có khả năng hụt so với dự toán, cần phải khai thác phấn đấu tăng thu các nguồn có khả năng tăng để đảm bảo đạt dự toán thu đầu năm được giao; đồng thời cần chủ động sắp xếp lại các khoản chi cho phù hợp với nguồn thu của ngân sách địa phương trên cơ sở đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như nhiệm vụ chi giáo dục - đào tạo và khoa học,...
II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1998 LÀM CƠ SỞ XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999:
Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1998 thuộc Bộ, địa phương quản lý làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 1999. Đối với một số lĩnh vực cụ thể chủ yếu như sau:
1. Về thu:
Căn cứ vào tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, dự toán thu năm 1998 đã được Chính phủ giao; tiến hành đánh giá khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước cả năm trên cơ sở tình hình thực hiện sản xuất - kinh doanh như: sản lượng sản xuất và tiêu thụ, giá thành và giá bán sản phẩm chủ yếu, những thay đổi về chính sách chế độ tài chính, thuế, những biến động về kinh tế, giá cả, thị trường ảnh hưởng đến nguồn thu để từ đó có những đánh giá chính xác khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề xuất thực hiện những giải pháp chủ động, tích cực hơn nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu đã được giao. Đánh giá cụ thể đối với một số lĩnh vực như sau:
1.1. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước:
Đánh giá phân tích đối với từng doanh nghiệp về tình hình vốn - tài sản; biến động tăng giảm về nguyên giá tài sản cố định, số lượng lao động, tiền lương, doanh số, chi phí sản xuất, các định mức kinh tế kỹ thuật, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu, tình hình chấp hành chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và kết quả tài chính, tích luỹ thực hiện và các khoản nộp ngân sách, những khó khăn và thuận lợi trong năm 1998, những nguồn lực mới đưa vào sản xuất - kinh doanh, khả năng phát triển trong năm 1999 và các năm tới.
1.2. Khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh
- Đánh giá mức độ quản lý thu về số hộ so với số thực tế kinh doanh và so với kết quả điều tra thống kê; số hộ đã được cấp đăng ký kinh doanh. Mức độ quản lý về doanh số so với doanh số thực tế kinh doanh. Tình hình điều chỉnh doanh số và thuế đối với các nhóm đối tượng quản lý thu: hộ sản xuất, hộ kinh doanh thương nghiệp dịch vụ, hộ kinh doanh khách sạn, công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, ... mức độ điều chỉnh doanh số, thuế đối với từng nhóm.
- Kết quả thực hiện sổ sách kế toán tư nhân: số thực tế thực hiện sổ sách kế toán so với hộ quản lý, doanh số sau khi thực hiện sổ sách kế toán... cao hơn hoặc thấp hơn trước khi thực hiện.
- Đánh giá tình hình thực tế chuyển nhượng tài sản (ôtô, xe máy, tàu thuyền,...), chuyển nhượng nhà đất trên địa bàn và số đối tượng đã quản lý thu lệ phí trước bạ.
- Đánh giá khả năng tiền vốn, quy mô kinh doanh, số lao động của hoạt động công thương nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng,.. . của khu vực ngoài quốc doanh.
1.3. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
- Tổng hợp, đánh giá về: số lượng doanh nghiệp, số đã được cấp giấy phép, số đã hết thời hạn kinh doanh, số bị rút giấy phép, số đã đi vào sản xuất kinh doanh, số doanh nghiệp đang xây dựng, số doanh nghiệp chưa triển khai; loại hình sản xuất kinh doanh; diện tích đất, mặt nước được cấp giấy phép sử dụng; diện tích, tiền cho thuê đất; diện tích, giá trị góp vốn bằng quyền sử dụng đất; vốn; lao động; kết quả sản xuất - kinh doanh sản phẩm chủ yếu; doanh số; tích luỹ và việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước... của từng đơn vị.
- Phân tích các nguyên nhân dẫn đến các đơn vị bị rút giấy phép hoặc không hoạt động như dự kiến đầu năm.
1.4. Đối với khu vực sản xuất nông nghiệp:
- Trên cơ sở sổ bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp tổng hợp số đối tượng, diện tích đất nông nghiệp đã quản lý thu thuế so với diện tích canh tác, cơ cấu hạng đất theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp của từng đơn vị. Đối chiếu với kết quả thu nộp năm 1997, đánh giá kết quả về chỉ đạo thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn.
- Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước tách riêng các chỉ tiêu trên và có chi tiết các doanh nghiệp trọng điểm có số thu lớn.
1.5. Thuế nhà đất, tiền cho thuê đất:
- Tổ chức tổng hợp diện tích đất đã lập sổ bộ thuế để quản lý thu so với quỹ đất ở trên địa bàn quản lý.
- Số doanh nghiệp, diện tích đất và tiền thuê đất không có khả năng thu; yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân (do chưa ký hợp đồng thuê đất, do đơn vị không sử dụng hết diện tích và các nguyên nhân khác); kiến nghị và thực hiện các biện pháp để thực hiện thu đúng chế độ, đảm bảo đạt dự toán thu được giao.
1.6. Các nguồn thu phí - lệ phí trên địa bàn:
Thực hiện tổng hợp đánh giá kết quả quản lý, thu (số thu, số được phép để lại, số nộp ngân sách) của từng tổ chức thuộc Trung ương, chính quyền địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí trên địa bàn; thực hiện các biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 1998, kiến nghị các sửa đổi, bổ sung về chính sách chế độ, biện pháp quản lý thu cho năm 1999.
2. Về chi:
Căn cứ dự toán ngân sách năm 1998 được giao, điều hành chi ngân sách đảm bảo đúng chế độ và phù hợp với tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời tiếp tục rà soát đình hoãn những nhu cầu chi chưa thực sự cấp bách để dành kinh phí cho những nhiệm vụ quan trọng. Đánh giá thực hiện chi ngân sách phải dựa trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội được giao, phân tích những lĩnh vực còn lãng phí, phân tích rõ nguyên nhân và đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm, đồng thời có cơ sở để tính toán dự toán năm 1999.
2.1. Về chi xây dựng cơ bản: Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tập trung tiến hành soát xét, phân loại toàn bộ các dự án, công trình của kế hoạch đầu tư năm 1998 của các Bộ, ngành và các địa phương để xử lý vốn theo nguyên tắc:
- Những dự án, công trình đầu tư có hiệu quả, có điều kiện hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 1998 (bao gồm cả đầu tư dở dang và đầu từ mới) nhất thiết phải được bố trí đủ vốn để hoàn thành đúng thời hạn.
- Những dự án, công trình đầu tư có hiệu quả, và có tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 1999-2000 cần xem xét bố trí theo tiến độ và khả năng thi công của từng dự án, công trình.
- Các dự án, công trình đã có quyết định đầu tư, nay xét điều kiện thi công không thể làm nhanh thì bố trí phù hợp với khả năng nguồn vốn kế hoạch 1998.
- Các dự án, công trình đã có quyết định đầu tư, nay xét thấy không có hiệu quả hoặc chưa thực sự cần thiết thì kiên quyết đình hoãn và cắt giảm.
- Các dự án, công trình có khối lượng thực hiện vượt kế hoạch của các năm trước, không bố trí vốn kế hoạch 1998 để thanh toán.
Căn cứ vào các nguyên tắc trên để đánh giá, tổng hợp khối lượng thực hiện 6 tháng đầu năm và dự kiến thực hiện cả năm, số vốn đã thanh toán 6 tháng đầu năm và cấp phát, thanh toán cả năm để xác định khối lượng phải bố trí vốn thanh toán trong dự toán năm 1999 đối với từng dự án, công trình.
2.2. Đối với các khoản chi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình phúc lợi xã hội, phát triển quỹ nhà, đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn, chi tái tạo quỹ rừng của ngân sách địa phương từ các nguồn thu giao quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, thuế tài nguyên rừng; các địa phương cần đánh giá cụ thể khả năng thực hiện từng khoản thu để điều hành chi cho phù hợp; trường hợp thu không đạt dự toán thì cần điều chỉnh giảm chi tương ứng, chỉ thực hiện chi khi thực tế có thu để tránh nợ khối lượng không có nguồn thanh toán.
2.3. Đối với các chương trình, mục tiêu: Trên cơ sở dự toán kinh phí đã được giao và tiến độ thực hiện, cơ quan chủ quản chương trình quốc gia cần đánh giá khối lượng công việc thực hiện cả năm 1998, khối lượng công việc và kinh phí thực hiện được từ khi có chương trình mục tiêu đến hết năm 1998 để từ đó có kiến nghị cụ thể về cơ chế cho phù hợp và có căn cứ lập dự toán chi thực hiện chương trình năm 1999.
2.4. Đối với các khoản chi thường xuyên: Căn cứ vào dự toán được giao đầu năm, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ để đánh giá khả năng thực hiện cả năm cho sát với tình hình thực tế của Bộ, địa phương, đơn vị. Đánh giá chi cả năm cần phân tích rõ cơ cấu chi về tiền lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi bắt buộc trích theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,...), các khoản chi nghiệp vụ thường xuyên và các khoản chi đột xuất hoặc không có tính chất thường xuyên (mua sắm, sửa chữa,...) để làm căn cứ tính toán bố trí năm 1999.
B. XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999:
Năm 1999 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm 1996-2000, tình hình năm 1998 cho thấy:
- Nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung và của nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn.
- Lạm phát được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố làm tái lạm phát nếu không được xử lý có hiệu quả và kịp thời.
- Nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho các sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và các lĩnh vực quốc phòng, an ninh đòi hỏi ngày càng lớn; trong khi đó công tác triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội còn rất chậm, kết quả chưa cao, dẫn đến áp lực đối với ngân sách nhà nước còn rất lớn.
- Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài đến hạn lớn, trong khi đó diễn biến tỷ giá phức tạp càng làm khó khăn thêm cho ngân sách nhà nước.
- Năm 1999 là năm đầu thực hiện các luật thuế mới (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) nên có khả năng thu biến động lớn.
C. YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU:
Từ tình hình trên cho thấy ngân sách nhà nước năm 1999 sẽ rất khó khăn, căng thẳng: ngân sách nhà nước phải thực hiện những chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước, nên một số khoản thu có thể giảm, vay cho bù đắp bội chi phải được kiềm chế; khi đó chi ngân sách sẽ rất hạn hẹp, có những lĩnh vực chi sẽ phải bố trí thấp hơn năm 1998. Vì vậy, công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 1999 phải đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu sau:
1. Yêu cầu:
a. Dự toán ngân sách nhà nước năm 1999 phải góp phần quan trọng vào việc tiếp tục củng cố khả năng và tiềm lực tài chính của đất nước, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực; lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm trên cơ sở triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh tiết kiệm chống lãng phí; hạn chế chi có tính chất tiêu dùng, quản lý hành chính nhà nước, ưu tiên cho đầu tư phát triển, cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cho sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường; bối trí chi hợp lý để đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội; triển khai thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá nhằm phát huy các nguồn lực của toàn xã hội để phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá, xã hội; bố trí dự phòng dự trữ tài chính trong ngân sách nhà nước đủ mạnh để chủ động đối phó và khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán bất thường, những nhiệm vụ đột xuất phát sinh.
b. Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước (đã sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, thực hiện đúng các quy định về: nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức làm việc thảo luận, nội dung báo cáo dự toán ngân sách, đảm bảo các căn cứ cơ sở tính toán, đúng yêu cầu biểu mẫu và thời gian gửi báo cáo.
2. Mục tiêu:
a. Dự toán thu ngân sách nhà nước phải được xây dựng theo đúng các luật thuế và chế độ thu hiện hành; tính thu sát, đúng các quy định của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật khuyến khích đầu tư trong nước đã được Quốc hội khoá IX (kỳ họp thứ 11) và Quốc hội khoá X (kỳ họp thứ 3) thông qua; đồng thời tính đến yếu tố thực hiện những chính sách khuyến khích tích tụ vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhằm bồi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Trong phạm vi toàn quốc xây dựng dự toán phấn đấu mức thu thuế và phí đạt khoảng 19-20% GDP; đối với các tỉnh, thành phố dự toán thu 1998 phải đảm bảo tốc độ tăng tương đương tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá, và có tính đến biến động do thực hiện chế độ thu mới so với chế độ hiện hành. Dự toán thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải tính đến các yếu tố tiếp tục thực hiện tiến trình tham gia AFTA, xu thế tham gia các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Xây dựng nguồn thu trong nước ổn định vững chắc trên cơ sở tích cực khai thác mọi nguồn thu và chống thất thu.
b. Dự toán chi thường xuyên cần được xây dựng ở mức cần thiết, hợp lý, tiết kiệm; các Bộ, ngành, đơn vị căn cứ vào tình hình cụ thể để bố trí chi nhưng tối đa không quá mức dự toán chi ngân sách năm 1998 Chính phủ đã giao; tiếp tục thực hiện ưu tiên đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ môi trường theo Nghị quyết Trung ương II (khoá VIII); đặc biệt tiết kiệm chi quản lý hành chính, trên cơ sở kết quả kiểm kê ôtô, tài sản thực hiện điều chuyển giữa nơi thừa sang nơi thiếu, đình hoãn bố trí kinh phí mua ôtô con và phương tiện đắt tiền; xoá dần bao cấp của ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp, thực hiện giảm 50% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các sự nghiệp khoa học, y tế, đào tạo so với năm 1998 của các doanh nghiệp nhà nước.
Dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách nhà nước năm 1999 phải xây dựng theo hướng: ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm của Nhà nước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA theo tiến độ đã ký kết, tập trung vốn cho các công trình chuyển tiếp sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm, bố trí trả nợ vốn đã được tạm ứng những năm trước, các công trình chuyển tiếp có hiệu quả từ năm 1998 chuyển qua, số vốn còn lại mới bố trí cho các công trình mới khi có đủ điều kiện theo quy định, không bố trí vốn cho các công trình kém hiệu quả, thời gian thi công kéo dài, không đem lại hiệu quả trong một vài năm tới, không bố trí vốn dàn trải, phân tán; các công trình nhóm C bố trí phải đảm bảo dành trên 70% cho các công trình chuyển tiếp và khởi công mới hoàn thành trong năm. Bố trí dự phòng ngân sách phấn đấu để tiến tới đạt được mức theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, chi cho Quỹ dự trữ tài chính ở mức cần thiết, hợp lý.
c. Cân đối ngân sách nhà nước:
- Thu thuế và phí phải đảm bảo chi thường xuyên ở mức hợp lý, tiết kiệm và đảm bảo trả nợ các khoản đến hạn, tiếp tục dành tỷ lệ tích luỹ thích đáng cho đầu tư phát triển.
- Tốc độ tăng chi thường xuyên phải thấp hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển.
- Bố trí dự phòng ở mức hợp lý để đảm bảo xử lý những biến động bất thường có thể xảy ra trong năm kế hoạch, xử lý những biến động về nguồn thu giữa các địa phương khi thực hiện các luật thuế mới từ năm 1999.
- Bội chi ngân sách nhà nước phải tương ứng với khả năng vay chắc chắn trong nước và vay ưu đãi ngoài nước. Không vay thương mại ngoài nước, không phát hành và vay ngắn hạn trong nước với lãi suất cao để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Mức bội chi khoảng 3,5% GDP (không kể cả các khoản vay về cho vay lại).
d. Đối với ngân sách của chính quyền địa phương các cấp:
- Công tác lập và quyết định dự toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương năm 1999 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước (đã sửa đổi, bổ sung); năm ngân sách 1999 là năm ngân sách trong thời kỳ ổn định, các cấp chính quyền địa phương tổ chức lập dự toán thu, chi ngân sách của cấp mình phải trên cơ sở nguồn thu được xác định căn cứ tỷ lệ phân chia các nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được ổn định như tỷ lệ phân chia các nguồn thu Thủ tướng Chính phủ đã giao năm 1998 và số bổ sung từ ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách địa phương (nếu có) được tính tăng thêm 6% so với mức đã giao năm 1998.
- Trong phạm vi nguồn thu được xác định như trên, thực hiện lập dự toán chi phải đảm bảo: bố trí ưu tiên chi đầu tư phát triển; ưu tiên các nhiệm vụ chi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ môi trường trong cơ cấu chi thường xuyên; triệt để tiết kiệm chi quản lý hành chính, hạn chế những khoản chi mua sắm thiết bị, sửa chữa; bố trí dự phòng, bổ sung quỹ dự trữ tài chính phấn đấu để đạt mức theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Năm 1999 là năm đầu tiên thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp,... nên nguồn thu của các địa phương có thể biến động lớn so với năm 1998. Do vậy, các địa phương cần tính toán cụ thể dự kiến số thu ngân sách địa phương theo các luật thuế mới (Luật thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp,...) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét xử lý để địa phương có nguồn thực hiện được những nhiệm vụ chi ở mức không thấp hơn dự toán chi ngân sách địa phương năm 1998 được Chính phủ giao (trừ các khoản chi bằng nguồn thu được để lại theo Nghị quyết của Quốc hội) và chi thực hiện các chế độ chính sách mới trong năm 1999 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 25/1998/CT-TTg ngày 30/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
II. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CẦN CHÚ Ý KHI LẬP DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999:
1. Về thu:
Năm 1999 là năm đầu tiên thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng, chế độ thu mới có nhiều nội dung mới và tác động đến nhiều sắc thuế khác so với thuế doanh thu hiện hành. Do vậy, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính, thuế, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp, ưu tiên tập trung lực lượng, công sức để thực hiện tính toán đầy đủ, cụ thể đối với từng doanh nghiệp trên địa bàn.
Năm 1999 thực hiện Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), khi lập dự toán thu cần phân tích ảnh hưởng đến thu ngân sách, xác định cụ thể từng khoản thu đối với từng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo các quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).
1.1. Khu vực doanh nghiệp nhà nước:
a. Thuế giá trị gia tăng:
Năm 1999 sẽ áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế; việc tính toán phải căn cứ theo quy định tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính; trong đó khi xác định dự toán thu đối với khoản thu này cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
- Yêu cầu phải tính toán cụ thể đối với từng đơn vị trên địa bàn quản lý.
- Ngoài việc xác định số thu thuế giá trị gia tăng phát sinh và nộp NSNN năm 1999, cần dự kiến số thuế giá trị gia tăng phải hoàn lại theo chế độ quy định cho đơn vị (nếu có); xác định cụ thể số thuế doanh thu phát sinh năm 1998 chuyển nộp năm 1999.
- Khi tổng hợp phải xác định riêng thuế giá trị gia tăng phát sinh và nộp ngân sách 1999, thuế giá trị gia tăng khâu sản xuất - kinh doanh trong nước, thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu, số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo chế độ quy định tại mục D Thông tư 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 nói trên.
- Riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có trụ sở các Công ty hoặc Tổng công ty có các đơn vị trực thuộc, việc lập dự toán thu cho sản xuất kinh doanh của các đơn vị này cần căn cứ vào tình hình tổ chức và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức hạch toán kế toán của từng loại Công ty, Tổng công ty để tính toán lập dự toán thu, cụ thể:
+ Đối với các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập và các đơn vị hạch toán phụ thuộc xác định được thuế giá trị gia tăng đầu ra và thuế giá trị gia tăng đầu vào phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi cơ sở kinh doanh.
+ Đối với các Tổng công ty tổ chức theo hình thức hạch toán đầy đủ tại văn phòng Tổng công ty; các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc thực hiện thanh toán mua bán hàng hoá dịch vụ theo giá điều chuyển nội bộ không xác định được doanh thu, thuế giá trị gia tăng phải nộp thì Công ty, Tổng công ty phải kê khai, nộp thuế tập trung thay cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc.
b. Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thực hiện tính căn cứ Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ và Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính; lưu ý những vấn đề sau khi xây dựng dự toán 1999:
- Phải đảm bảo quản lý chặt chẽ và tính dự toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh; trên cơ sở xác định chi phí, giá thành của doanh nghiệp năm 1998, dự kiến các yếu tố tăng, giảm chi phí năm 1999 để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
+ Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế và thuế suất.
Thuế thu nhập = Thu nhập x (%) Thuế suất thuế
doanh nghiệp chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu - Chi phí hợp lý) +
+ Thu nhập chịu thuế khác
Trong đó:
+ Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung ứng dịch vụ, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở sản xuất, kinh doanh được hưởng. Nếu doanh thu theo giá thanh toán (giá có thuế giá trị gia tăng) thì phải loại trừ thuế giá trị gia tăng.
+ Tương tự như trên, chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế chỉ tính phần chi phí giá mua khi đưa vào sản xuất - kinh doanh. Nếu trong chi phí giá mua bao gồm cả thuế giá trị gia tăng thì phải tính lại trừ thuế giá trị gia tăng (trừ trường hợp mua của các đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp).
Về thuế suất tính thuế cần lưu ý:
- Đối với cơ sở kinh doanh thuộc các ngành dưới đây được áp dụng thuế suất 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 01/01/1999:
+ Ngành khai thác mỏ, khoáng sản, lâm sản và thuỷ sản;
+ Ngành luyện kim;
+ Ngành cơ khí;
+ Ngành hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu; chế biến cao
- Đối với các đơn vị kinh doanh có thu nhập cao do lợi thế khách quan mang lại thì ngoài việc tính nộp thuế thu nhập 32%; phần thu nhập còn lại tính trên vốn chủ sở hữu hiện có (không kể vốn vay) cao hơn 12% thì phần thu nhập cao hơn phải tính nộp thuế thu nhập bổ sung với thuế suất là 25%. Tạm thời không thu thuế thu nhập bổ sung đối với các cơ sở kinh doanh sau:
+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành được áp dụng thuế suất 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 01/01/1999.
+ Các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi.
+ Cơ sở sản xuất nếu xuất khẩu trên 50% sản phẩm sản xuất ra hoặc có doanh thu xuất khẩu chiếm trên 50% tổng doanh thu.
- Đối với các dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
+ Nếu thuộc các lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 25%.
+ Nếu dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi và hải đảo, vùng có khó khăn khác theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất 20%.
+ Nếu dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số ở miền núi cao theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất 15%.
c. Thuế tiêu thụ đặc biệt:
- Đối tượng chịu thuế căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/5/1998.
- Giá bán tính thuế trong dự toán: Là giá do cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán ra (giá bán đã có thuế), có tính đến yếu tố trượt giá.
- Công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi lập dự toán:
Giá thanh toán (%) Thuế suất
Thuế tiêu thụ = Sản lượng x x thuế tiêu thụ
đặc biệt tiêu thụ 1 + Thuế suất (%) đặc biệt
Lưu ý:
- Trường hợp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chịu thuế TTĐB mới như ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước bị lỗ thì tính dự toán thu thuế TTĐB theo chính sách miễn giảm nhưng phải đảm bảo ít nhất bằng thuế doanh thu năm 1998.
- Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt cần phân rõ số thu từ các sản phẩm, dịch vụ ngân sách địa phương được hưởng 100%: bài lá, vàng mã, hàng mã; dịch vụ vũ trường, karaoke; kinh doanh casino, trò chơi bằng máy jackpot, kinh doanh golf, vé đặt cược đua ngựa, đua xe.
d. Thuế tài nguyên: Tính thu theo Pháp lệnh thuế tài nguyên số 05/1998/PL-UBTVQH10.
- Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng khai thác, giá tính thuế và thuế suất. Công thức tính thuế tài nguyên đối với từng loại tài nguyên là:
Thuế tài nguyên = Số lượng tài nguyên x Giá tính thuế x Thuế suất
thực tế khai thác đơn vị tài nguyên (%)
- Giá tính thuế tài nguyên: là giá bán đơn vị sản phẩm của tài nguyên tại nơi khai thác. Trường hợp tài nguyên khai thác chưa có giá bán thì Chính phủ quy định giá tính thuế tài nguyên. Riêng giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng để sản xuất thuỷ điện là giá bán điện thương phẩm.
Lưu ý một số đối tượng chịu thuế mới bổ sung sửa đổi theo Pháp lệnh số 05/1998/PL-UBTVQH10:
- Đối với tài nguyên nước thiên nhiên: Ngoài đối tượng là nước dùng vào sản xuất thuỷ điện, phải tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng để sản xuất nước khoáng, nước tinh lọc đóng chai, đóng hộp, thuế suất 4%. Nước thiên nhiên khai thác sử dụng làm nguyên liệu chính hoặc phụ tạo thành yếu tố vật chất trong sản xuất sản phẩm 3%; sử dụng chung phục vụ sản xuất (vệ sinh công nghiệp, làm mát, tạo hơi...) 1%. Đối với sản xuất thuỷ điện nhỏ (dưới 10.000 Kw/h) thì thuế suất thuế tài nguyên nước là 0%, nhằm khuyến khích làm thuỷ điện nhỏ phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Thuế tài nguyên đối với khai thác đất để dùng vào xây dựng các công trình xây dựng cơ bản như để san lấp, làm đường... thuế suất 1%.
1.2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
1.2.1. Nắm chắc số đơn vị đã được cấp giấy phép trên địa bàn, những đơn vị đã đi vào sản xuất kinh doanh để tổ chức thu và tính toán ghi vào dự toán thu. Bao gồm:
- Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài;
- Các bên nước ngoài của hoạt động hợp tác kinh doanh;
- Các doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghiệp;
- Các ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không
theo Luật đầu tư nước ngoài (nhà thầu).
1.2.2. Thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp khấu trừ thuế đã được quy định tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính.
1.2.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 38 và Điều 43 của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Riêng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiến hành tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác tài nguyên quý hiếm khác thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
1.2.4. Đối với tiền thuế mặt đất, mặt nước, mặt biển căn cứ Quyết định số 179/1998/QĐ-BTC ngày 24/02/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành bản quy định về tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển áp dụng đối với các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thời điểm tính tiền thuê đất là thời điểm doanh nghiệp được bàn giao đất để sử dụng. Trường hợp chưa bàn giao đất mà doanh nghiệp đã sử dụng đất, thì thời điểm tính tiền thuê đất tính từ thời điểm doanh nghiệp sử dụng đất.
1.2.5. Thuế đối với nhà thầu: Rà soát lại các công trình, dự án, dịch vụ phải thuê nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài đang triển khai và các công trình, dự án dịch vụ sẽ triển khai; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức theo quy định tại Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tính thuế theo Thông tư số 11/1998/TT-BTC ngày 22/01/1998 của Bộ Tài chính. Trong đó, theo quy định tính thuế doanh thu và lợi tức trước đây thì nay chuyển thành tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
1.2.6. Thuế chuyển thu nhập của các tổ chức kinh tế, cá nhân ra nước ngoài, trong tính toán xây dựng dự toán cần chú ý một số điểm sau: thu nhập chuyển ra nước ngoài có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật, sản phẩm, hàng hoá; Thu nhập được chia của tổ chức kinh tế, cá nhân nước ngoài hoặc chuyển từ tài khoản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở tại Việt Nam đến bất kỳ một tài khoản nào khác hoặc được trích trừ từ các khoản tiền trả cho doanh nghiệp đều phải tính thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài.
Số thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài phải nộp được xác định bằng số thu nhập chuyển ra nước ngoài hoặc được coi là chuyển ra nước ngoài hoặc số thu nhập nhà đầu tư giữ lại ngoài lãnh thổ Việt Nam nhân (x) thuế suất thuế chuyển thu nhập quy định tại giấy phép do cơ quan cấp giấy phép đầu tư cấp. Trường hợp, giấy phép đầu tư được cấp không quy định thuế suất chuyển thu nhập ra nước ngoài thì thuế suất thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài thực hiện theo quy định đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1.2.7. Thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn: Tính theo Thông tư số 74 TC/TCT ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính. Thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn bao gồm thuế lợi tức và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
1.3. Thuế đối với khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh:
Rà soát lại và nắm chắc các đối tượng kinh doanh trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 657/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cần đánh giá mức độ thất thu về doanh số và đối tượng kinh doanh năm 1998 để xác định doanh số và đối tượng kinh doanh năm 1999, giảm dần tỷ lệ thất thu. Về nguyên tắc, việc tính dự toán thu năm 1999 phải đảm bảo không giảm thu so với năm 1998. Cụ thể như sau:
* Về hộ:
- Đối với các hộ kinh doanh cố định: Rà soát lại các hộ kinh doanh, đưa các hộ chưa thu thuế vào quản lý thu thuế môn bài. Trên cơ sở số hộ môn bài và các bậc thuế môn bài dự kiến đưa hết các hộ có địa điểm kinh doanh cố định vào tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Đối với các Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty tư nhân, Hợp tác xã, Tổ sản xuất: Tính chi tiết đến từng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn.
* Về thuế:
- Thuế giá trị gia tăng: Thuế giá trị gia tăng cơ sở kinh doanh phải nộp được tính theo quy định cụ thể tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính bằng một trong hai phương pháp: phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.
Phương pháp khấu trừ thuế: Việc xác định số thu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp này được áp dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân, các công ty cổ phần, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Phương pháp tính trực tiếp: Việc xác định số thu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp này được áp dụng đối với cá nhân sản xuất, kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hoá đơn, chứng từ và các cơ sở kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý.
* Thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Đối với cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ: Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những đơn vị này tính tương tự như đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Đối với cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp việc kê khai tính thuế căn cứ vào tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu và thuế suất như sau:
+ Cơ sở kinh doanh đã thực hiện bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ có hoá đơn, chứng từ, phải kê khai doanh thu và tính thuế theo công thức sau:
Doanh thu x Tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế x Thuế suất thuế
thu nhập doanh nghiệp
+ Hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ mua, bán hàng hoá, dịch vụ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng hộ ấn định mức doanh thu để tính thu nhập chịu thuế và tính theo công thức sau:
Doanh thu x Tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế x Thuế suất thuế
thu nhập doanh nghiệp
Tổng cục Thuế hướng dẫn Cục thuế xác định tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu phù hợp cho từng ngành nghề kinh doanh.
1.4. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết:
- Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện thu năm 1998, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có việc Nhà nước áp dụng biện pháp chống số đề và căn cứ vào mạng lưới phát hành, khả năng tiêu thụ, điều chỉnh cơ cấu giá vé, giảm chi phí phát hành để tính thu năm 1999.
- Thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng thì việc xác định thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xổ số kiến thiết được thực hiện theo quy định tại điểm 10 mục I phần B Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính.
1.5. Thu phí và lệ phí:
- Tính thu đối với tất cả các loại phí và lệ phí trên địa bàn quản lý, tổng hợp riêng phí - lệ phí Trung ương, tỉnh thành phố, huyện xã quản lý.
- Tính chi tiết đối với tất cả các loại phí - lệ phí do Trung ương quản lý và các loại phí lệ phí tỉnh thành phố.
- Để đảm bảo mọi nguồn thu phải được phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, yêu cầu các đơn vị trước đây được trích một tỷ lệ nhất định để phục vụ cho công tác quản lý thu phí, lệ phí cũng phải tổng hợp đầy đủ số thu trích lại và chi từ nguồn này vào dự toán thu, chi của đơn vị. Việc đơn vị được giữ lại để chi (sau đó thực hiện ghi thu, ghi chi) hoặc đơn vị phải nộp toàn bộ số thu vào ngân sách nhà nước và ngân sách nhà nước sẽ cấp phát đầy đủ cho đơn vị theo dự toán được duyệt phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đơn vị được giữ lại một phần số thu để chi cũng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán thu, chi.
- Đối với lệ phí hạn ngạch kinh doanh xuất nhập khẩu hàng dệt, may vào thị trường EC và lệ phí đặt và hoạt động của văn phòng thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam: Thực hiện theo Thông tư số 65/1998/TT-BTC ngày 15/5/1998 của Bộ Tài chính. Tỷ lệ tạm trích để lại cơ quan trực tiếp tổ chức thu là 5% tổng số tiền lệ phí thu được, còn lại 95% nộp vào ngân sách nhà nước.
- Riêng phí cầu, đường của Nhà nước quản lý: Thực hiện tính theo Thông tư số 57/1998/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 1998 của Bộ Tài chính; trong đó: xác định cụ thể phần 20% để lại đơn vị thực hiện ghi thu - ghi chi; 80% nộp trực tiếp vào ngân sách.
1.6. Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt do Hải quan thu:
Căn cứ vào các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi, bổ sung), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng,... và tình hình kinh doanh xuất nhập khẩu, cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương lập dự toán thu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và các khoản thu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
2. Về chi:
2.1. Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản:
- Bố trí chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung phải đảm bảo trình tự sau: ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm của nhà nước và của địa phương, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA và vốn đã được tạm ứng từ các năm trước, bố trí vốn cho khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản đã thực hiện trong năm 1998 chưa có nguồn thanh toán, bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 1999 và các công trình chuyển tiếp có hiệu quả từ năm 1998 chuyển qua, bố trí vốn để thực hiện hỗ trợ lãi suất về huy động vốn tiết kiệm trong dân cư theo lãi suất thị trường để cho vay tín dụng đầu tư ưu đãi đối với những công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, số vốn còn lại mới bố trí cho các công trình mới có hiệu quả và cấp bách, trong đó đối với các công trình nhóm C phải đảm bảo nguyên tắc dành trên 70% cho các công trình chuyển tiếp và khởi công mới hoàn thành trong năm. Đối với các dự án đầu tư từ nguồn vay về cho vay lại thì chủ dự án phải chủ động tự thu xếp vốn đối ứng cho phù hợp với nội dung hiệp định đã ký kết và các quy chế tài chính trong nước để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Các công trình được bố trí vốn năm 1999 phải có đủ thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản và được duyệt trước ngày 31/12/1998.
- Tiếp tục bố trí đầu tư trở lại cho ngành dầu khí từ lợi nhuận sau thuế được chia từ liên doanh dầu khí Việt - Xô theo tỷ lệ Thủ tướng Chính phủ quy định đối với năm 1999.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế bố trí vốn đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình phúc lợi xã hội, phát triển quỹ nhà ở, đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, tái tạo quỹ rừng của ngân sách địa phương từ các nguồn: thu giao quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu từ xổ số kiến thiết, thu tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, thuế tài nguyên rừng,... như năm 1998.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế bố trí chi thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội từ nguồn thu thuế tài nguyên nước thuỷ điện, chi đầu tư trở lại cho các khu vực kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, chi đầu tư trở lại cho ngành truyền hình từ nguồn thu quảng cáo,... như năm 1998.
2.2. Đối với chi hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhà nước tiếp tục bố trí hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả, làm hàng xuất khẩu, làm các nhiệm vụ công ích đang thiếu vốn. Bố trí vốn để thực hiện hỗ trợ lãi suất về huy động vốn tiết kiệm trong dân cư theo lãi suất thị trường để cho các doanh nghiệp vay đầu tư với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất - kinh doanh theo những quy định của Thủ tướng Chính phủ.
2.3. Đối với chi dự trữ nhà nước: căn cứ vào nhiệm vụ dự trữ nhà nước được giao, các ngành, các đơn vị có trách nhiệm đánh giá xác định mức dự trữ của ngành, đơn vị đến 31/12/1998. Trên cơ sở đó dự kiến mức bổ sung dự trữ từng chủng loại hàng hoá, vật tư và xây dựng dự toán chi dự trữ nhà nước của ngành, của đơn vị năm 1999.
2.4. Đối với chi trợ giá các mặt hàng chính sách:
- Các khoản chi trợ giá, trợ cước các mặt hàng chính sách đối với miền núi quy định tại Nghị định số 20/1998/NĐ-CP được tính toán theo các văn bản hướng dẫn. Đối với chi trợ giá hàng chính sách bán ở miền núi, tính toán theo quy định tại Công văn số 7464/KTTH ngày 30/12/1995 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan về đối tượng, mặt hàng, cự ly vận chuyển và mức trợ giá. Riêng chi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hoá sản xuất ở miền núi, trước mắt dự tính chi trợ giá, trợ cước để tiêu thụ một số sản phẩm chính sản xuất ở vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.
- Các khoản chi trợ giá giữ giống gốc, trợ giá báo chí, nhà xuất bản, trợ giá điện ảnh,... thực hiện theo chế độ hiện hành. Các Bộ, địa phương, đơn vị cần tính toán kỹ chi trợ giá trên cơ sở xác định rõ số lượng, giá thành, chi phí vận chuyển, mức trợ giá cụ thể cho từng mặt hàng theo đúng chế độ quy định.
2.5. Đối với chi hành chính sự nghiệp:
- Dự toán chi hành chính sự nghiệp cần căn cứ vào nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, chế độ chính sách và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có liên quan được cấp có thẩm quyền quyết định, công bố trước thời điểm ban hành Thông tư này. Trong quá trình tính toán dự toán chi ngân sách cần tính toán đến việc sắp xếp lại bộ máy, biên chế, nhiệm vụ của từng đơn vị cho phù hợp với yêu cầu chung, đẩy mạnh xã hội hoá, đồng thời quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa.
- Bố trí chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học trên cơ sở sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, các cơ sở nghiên cứu một cách hợp lý, tăng tỷ trọng chi cho các lĩnh vực này so với năm 1998 để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương II.
- Bố trí chi sự nghiệp y tế, văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao một cách hợp lý trên cơ sở rà soát chặt chẽ nhiệm vụ, chương trình để đảm bảo hoạt động hiệu quả, bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách chế độ cụ thể đã được các cấp có thẩm quyền ban hành.
- Bố trí chi hành chính đảm bảo đủ trả lương và các khoản có tính chất lương trên cơ sở biên chế được duyệt. Đối với các khoản chi nghiệp vụ thường xuyên bố trí ở mức cần thiết, hết sức tiết kiệm. Các khoản chi khác như mua sắm, sửa chữa, đoàn ra, đoàn vào,... bố trí theo khả năng cân đối ngân sách, hạn chế tối đa việc mua sắm tài sản đắt tiền chưa cấp bách, hạn chế hội họp, sơ kết, tổng kết.
- Đối với những nhiệm vụ chi sử dụng từ nguồn vốn vay, viện trợ cần phải lập dự toán chi tiết theo từng dự án và tính toán số vốn đối ứng phía Việt Nam cần bố trí theo cam kết và chế độ quy định.
- Bố trí chi hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học, y tế, đào tạo thuộc các doanh nghiệp nhà nước bằng 50% mức hỗ trợ năm 1998.
Mức chi bình quân đối với khu vực hành chính sự nghiệp để xây dựng dự toán ngân sách năm 1999 theo định mức chi hiện hành.
2.6. Đối với chi thực hiện các chương trình mục tiêu:
- Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia: Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, khối lượng công việc và kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến hết năm 1998, dự kiến khối lượng công việc cần phải thực hiện cho những năm tới và năm 1999 để dự toán kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 1999, đồng thời đề xuất những cơ chế chính sách để thực hiện và quản lý tốt các chương trình này.
- Đối với các chương trình mục tiêu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ không còn là các chương trình mục tiêu quốc gia: Căn cứ vào nhiệm vụ của chương trình mục tiêu, đánh giá hiệu quả, khối lượng công việc và kinh phí thực hiện đến hết năm 1998, dự kiến khối lượng còn lại cần phải thực hiện cho những năm tới và năm 1999 để dự toán kinh phí thực hiện trong năm 1999, đồng thời thực hiện Chỉ thị 25/1998/CT-TTg ngày 30/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ phần kinh phí này bố trí vào nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong dự toán ngân sách năm 1999.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Các Bộ, cơ quan nhà nước theo chức năng được phân công phải xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực phụ trách (Ban Tổ chức và cán bộ Chính phủ xây dựng chỉ tiêu về biên chế và quỹ lương; Uỷ ban Dân tộc và miền núi xác định danh mục các xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao, hải đảo; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chỉ tiêu về số học sinh, giáo viên của các cấp học, ngành học; Bộ Y tế xây dựng chỉ tiêu về giường bệnh;...) và thông báo kịp thời cho Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương trước thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước (đã sửa đổi, bổ sung) để làm cơ sở cho việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm 1999.
Đồng thời chủ động nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách mới hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách hiện hành (Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các định mức, chế độ có liên quan đến chi ngân sách, chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, chế độ quản lý các khoản vay nợ, viện trợ của nước ngoài, ban hành văn bản hướng dẫn các luật thuế mới; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật khuyến khích đầu tư trong nước;...) để trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trước thời điểm lập dự toán ngân sách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan tính toán phương án bố trí trong nhiệm vụ chi thường xuyên năm 1999 của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đối với phần kinh phí của các chương trình mục tiêu trước đây không còn là chương trình quốc gia.
2. Các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư này và số kiểm tra về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 1999 do Bộ Tài chính thông báo thực hiện: hướng dẫn, thông báo số kiểm tra, tổ chức thảo luận và tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước năm 1999 theo đúng nội dung quy định của Thông tư này.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Cục Đầu tư phát triển và các cơ quan có liên quan căn cứ số kiểm tra được Bộ Tài chính thông báo, tình hình và nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 1999 giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách năm 1999 cho các đơn vị dự toán cấp tỉnh và với chính quyền địa phương cấp dưới; tổ chức thảo luận với các đơn vị dự toán cấp tỉnh và với chính quyền địa phương cấp dưới (đặc biệt là giúp Uỷ ban nhân dân trong công tác hướng dẫn và thảo luận về dự toán các khoản thu theo các Luật thuế mới) để tổng hợp, lập dự toán thu, chi ngân sách năm 1999 của địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cho ý kiến chỉ đạo, xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trước ngày 15/8/1998.
- Các Bộ, cơ quan Trung ương căn cứ vào số kiểm tra được Bộ Tài chính thông báo, nhiệm vụ và những công việc cụ thể của Bộ, cơ quan trong năm 1999 hướng dẫn và thông báo số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 1999 cho các đơn vị trực thuộc, tổ chức thảo luận với các đơn vị trực thuộc để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 1999 của Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trước ngày 15/8/1998. - Đơn vị dự toán các cấp thực hiện việc lập và báo cáo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 1999 theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên và đúng các biểu mẫu quy định (phụ lục kèm theo).
3. Bộ Tài chính sẽ tổ chức làm việc đợt I với các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thảo luận về dự toán ngân sách năm 1999 trong khoảng thời gian đầu tháng 8 đến 10/9/1998.
- Sau khi Chính phủ có ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 1999 để trình Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tổ chức làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương về dự toán ngân sách năm 1999 trước khi trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 1999.
4. Tổng cục Thuế, Tổng cục Đầu tư và phát triển, Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Kho bạc nhà nước Trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn chi tiết Thông tư này để thực hiện và xây dựng, tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực được giao. 5. Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách năm 1999 nếu có những chính sách chế độ mới ban hành, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn thông báo bổ sung khi triển khai thực hiện, nếu có những vướng mắc đề nghị các Bộ, địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để xử lý kịp thời.
HỆ THỐNG BIỂU MẪU
PHỤ LỤC SỐ 1
Biểu số 1: Tổng hợp dự toán thu ngân sách nhà nước năm 199
(Dùng cho cơ quan thuế các cấp)
Biểu số 2: Tổng hợp dự toán thu cân đối NSNN theo sắc thuế năm 199
(Dùng cho cơ quan thuế các cấp)
Biểu số 3: Tổng hợp dự toán thu ngân sách nhà nước năm 199
(Dùng cho cơ quan Hải quan các cấp)
Biểu số 4: Tổng hợp các khoản thu lãi, nợ gốc, thu bán các cổ phiếu của Nhà nước
(Dùng cho các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Đầu tư phát triển, Vụ Tài chính đối ngoại, Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp)
Biểu số 5: Tổng hợp dự toán thu ngân sách nhà nước về viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng năm 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách và Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ)
Biểu số 6: Tổng hợp dự toán thu vay nợ nước ngoài năm 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách, cơ quan tài chính, kế hoạch - đầu tư)
Biểu số 7: Dự kiến số thuế giá trị gia tăng phải hoàn cho các doanh nghiệp năm 199
(Dùng cho cơ quan thuế các cấp)
PHỤ LỤC 1 - BIỂU SỐ 01
TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU NSNN NĂM 199
(Dùng cho cơ quan Thuế các cấp)
Đơn vị: triệu đồng
Nội dung
Năm 199
Dự toán năm 199
Kê hoạch
Ư
ớc TH
I. Tổng các khoản thu cân đối NSNN
1. Thuế XK, thuế NK, thuế TTĐB, thuế GTGT hàng nhập khẩu do Hải quan thu
TĐ: Thuế XK, NK, TTĐB qua biên giới đất liền
2. Thu từ xí nghiệp quốc doanh Trung ương
- Thuế giá trị gia tăng (1)
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (2)
TĐ: Thuế TNDN các đ.vị hạch toán toàn ngành
- Thuế TTĐB hàng nội địa
TĐ: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy giắc pốt (jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thu sử dụng vốn ngân sách
- Thuế tài nguyên
TĐ: Tài nguyên rừng
- Thuế môn bài
- Thu hồi vốn và thu khác
3. Thu từ các xí nghiệp quốc doanh địa phương
- Thuế giá trị gia tăng (1)
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (2)
- Thuế TTĐB
TĐ: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy giắc pốt (jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thu sử dụng vốn ngân sách
- Thuế tài nguyên
TĐ: Tài nguyên rừng
- Thuế môn bài
- Thu hồi vốn và thu khác
4. Thu từ xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Thuế giá trị gia tăng (1)
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (2)
- Thuế TTĐB
TĐ: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy giắc pốt (jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thuế tài nguyên
TĐ: Tài nguyên rừng
- Tiền thuê mặt đất, mặt nước
- Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
TĐ: Từ hoạt động dầu khí
- Thuế môn bài
- Các khoản thu khác
5. Thuế thu từ các doanh nghiệp thành lập theo Luật doanh nghiệp tư nhân,Luật Công ty, Luật Hợp tác xã (3)
- Thuế giá trị gia tăng (1)
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (2)
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
TĐ: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy giắc pốt (jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thuế tài nguyên
TĐ: Tài nguyên rừng
- Thuế môn bài
- Thuế sát sinh
- Thu khác ngoài quốc doanh
6. Thuế thu từ cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (4)
- Thuế giá trị gia tăng
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
TĐ: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy giắc pốt (jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thuế tài nguyên
TĐ: Tài nguyên rừng
- Thuế môn bài
- Thuế sát sinh
- Thu khác ngoài quốc doanh
7. Lệ phí trước bạ
8. Thuế sử dụng đất nông nghiệp
TĐ: Thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa
9. Thuế nhà đất
10. Thu tiền cho thuê mặt đất mặt nước
11. Thuế thu nhập cá nhân
12. Thu xổ số kiến thiết
13. Thu phí giao thông
14. Thu phí và lệ phí
- Phí và lệ phí Trung ương
- Phí và lệ phí tỉnh
- Phí và lệ phí huyện
- Phí và lệ phí xã
15. Thu sự nghiệp
- Thu hoạt động sự nghiệp do TW quản lý
- Thu hoạt động sự nghiệp do tỉnh quản lý
- Thu hoạt động sự nghiệp do huyện quản lý
- Thu hoạt động sự nghiệp do xã quản lý
16. Thuế chuyển quyền sử dụng đất
17. Tiền sử dụng đất
18. Thu tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
19. Thu tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước
- Đơn vị thuộc TW nộp
- Đơn vị thuộc ĐP nộp
20. Thu từ hoa lợi công sản
21 Các khoản huy động đóng góp theo quy định
22. Thu phạt an toàn giao thông theo NĐ 36/CP
23. Thu từ hoạt động chống buôn lậu
24. Thu tiền bán cây đứng
25. Thu viện trợ
26. Thu khác
27. Thu vay để đầu tư XD cơ sở hạ tầng
II. Các khoản thu được để lại chi quản lý qua NSNN
- Các khoản phí, lệ phí
Trong đó: + Viện phí
- Các khoản huy động đóng góp
- Các khoản phụ thu
- Khác
III. Tổng cộng
Ghi chú:
(1) Đối với số liệu năm 1998 - là số thu thuế doanh thu (2) Đối với số liệu năm 1998 - là số thu thuế lợi tức
(3) Bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam, Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh - dịch vụ
(4) Bao gồm: Cá nhân và nhóm cá nhân kinh doanh, hộ cá thể, cá nhân hành nghề độc lập, cá nhân cho thuê tài sản, hộ gia đình cá nhân nông dân trồng trọt, chăn nuôi có sản phẩm hàng hoá trên 90 triệu đồng, cá nhân nước ngoài kinh doanh có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
PHỤ LỤC 1 - BIỂU SỐ 02
TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU CÂN ĐỐI NSNN NĂM 199 THEO SẮC THUẾ
(Dùng cho cơ quan thuế các cấp)
Đơn vị: triệu đồng
Ước thực hiện năm 199
Dự toán năm 199
S
Tổng
Trong đó
Tổng
Trong đó
TT
Chỉ tiêu
số
DNNN
Dầu
XN
NQD
XS
Khác
số
DNNN
Dầu
XN
NQD
XS
Khác
So sánh
TW
ĐP
thô
ĐT
DN
Cá nhân
TW
ĐP
thô
ĐT
DN
Cá nhân
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20=11:2
Tổng số thu NSNN
I
Thu thường xuyên
1
Thuế thu nhập và lợi tức (1)
Trong đó:
- Thuế thu nhập
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế chuyển thu nhập
2
Thuế sử dụng tài sản nhà nước
Trong đó:
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Thuế chuyển quyền sử dụng đất
- Thu tiền sử dụng đất
- Thuế nhà đất
- Thuế tài nguyên
3
Thuế đối với hàng hoá dịch vụ
Trong đó:
- Thuế giá trị gia tăng (2)
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
TĐ: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy Giắc pốt (jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thuế môn bài
- Thuế sát sinh
4
Thuế đối với h.động ngoại thương
Trong đó:
- Thuế xuất khẩu
- Thuế nhập khẩu
- Thuế xuất khẩu qua biên giới đất liền
- Thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền
- Thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu
- Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu
5
Các khoản thu từ sở hữu TS ngoài thuế (không kể mục 026)
Trong đó:
- Thu sử dụng vốn ngân sách
- Tiền cho thuê mặt đất mặt nước
6
Thu phí và lệ phí
Trong đó:
- Phí giao thông
- Lệ phí trước bạ
7
Thu tiền phạt và tịch thu
8
Các khoản thu khác
Trong đó:
- Thu kết dư năm trước
II
Thu về chuyển nhượng và bán tài sản Nhà nước
Trong đó:
- Tiền bán nhà thuộc sở hữu NN
- Thu tiền bán cây đứng
III
Thu viện trợ
Trong đó:
- Viện trợ cho XDCB
- Viện trợ cho chi thường xuyên
IV
Thu bán cổ phần của NN
Ghi chú:
(1): Đối với số liệu năm 1998 - là số thu thuế lợi tức
(2): Đối với số liệu năm 1998 - là số thu thuế doanh thu
PHỤ LỤC 1 - BIỂU SỐ 03
TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 199
(Dùng cho cơ quan Hải quan các cấp)
Đơn vị: triệu đồng
Chỉ tiêu
Quyết toán năm 199
Ư
ớc TH năm
Dự toán năm 199
Dự toán
Ư
ớc TH
Tổng số thu nộp NSNN
1. Thuế xuất khẩu
TĐ: Thuế xuất khẩu qua biên giới đất liền
2. Thuế nhập khẩu
TĐ: Thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền
3. Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu
Trong đó: Thuế TTĐB hàng nhập khẩu qua biên giới đất liền
4. Thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu
5. Thu lệ phí, phí hải quan
6. Thu bình ổn giá
7. Thu khác hải quan
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
PHỤ LỤC 1 - BIỂU SỐ 04
TỔNG HỢP CÁC KHẢO THU LÃI, NỢ GỐC, THU BÁN CÁC CỔ PHIẾU CỦA NHÀ NƯỚC
(Dùng cho các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Đầu tư và Phát triển, Vụ TCĐN quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp)
Đơn vị: triệu đồng
S TT
Nội dung
Quyết toán
ước thực hiện
Dự toán năm 199
Dự toán
Ư
ớc TH
1
Thu nợ gốc cho vay trong nước
TĐ: Thu nợ gốc từ khoản Chính phủ vay về cho vay lại
Thu nợ gốc cho nước ngoài vay
2
Tiền thu cổ phần thuộc vốn Nhà nước tại DN
3
Thu lãi từ các khoản cho vay
- Lãi thu từ các khoản cho vay trong nước
- Lãi thu từ các khoản Chính phủ vay về cho vay lại
- Lãi thu từ các khoản khác
4
Thu cổ tức từ nguồn vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần có vốn thuộc sở hữu nhà nước.
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 1 - BIỂU SỐ 05
Thuộc chương....
TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU NSNN VỀ VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI VÀ VỐN ĐỐI ỨNG NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách và Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ)
Dự án
Tổ chức viện trợ
Trị giá cam kết
Thời gián thực hiện từ... đến...
Luỹ kế tiếp nhận đến cuối năm trước (1000 USD)
Dự toán năm 199... (1000 USD)
Mục tiêu sử dụng viện trợ
Vốn đối ứng đề nghị NS cấp (1000 USD)
Tổng số (1000 USD)
TĐ: Chuyển cho VN nhận, SD
XDCB (1000 USD)
HCSN (1000 USD)
Cân đối NS (1000 USD)
Tổng số
- Dự án A
- Dự án B
..............
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 1 - BIỂU SỐ 06
Thuộc chương....
TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU VAY NỢ NƯỚC NGOÀI NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách, các cơ quan tài chính, kế hoạch - đầu tư)
Đơn vị: triệu đồng
Số TT
Tên nước, tổ chức quốc tế
Tên cơ quan chủ quản
Tổng vốn ký kết theo hiệp định
Đánh giá thực hieenj năm 199
Luỹ tiến số tiền đã rút đến 31/12/199
Dự kiến rút vốn năm 199
Tổng số
Trong đó
Bằng tiền cân đối NS
XDCB
HCSN
Cho vay lại
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên đóng dấu)
PHỤ LỤC 1 - BIỂU SỐ 07
DỰ KIẾN SỐ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG PHẢI HOÀN CHO CÁC DOANH NGHIỆP NĂM 199
(Dùng cho cơ quan Thuế các cấp)
Đơn vị: triệu đồng
Nội dung
Năm 199
Dự kiến năm 199
Dự kiến
Ư
ớc TH
1. Hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá xuất khẩu
2. Hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định:
- Cơ sở đầu tư mới
- Cơ sở đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu
3. Hoàn thuế giá trị gia tăng khác
PHỤ LỤC SỐ 2
Biểu số 1: Tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước năm 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 2: Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 3: Tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước năm 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 4: Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán và các đơn vị sự nghiệp có thu kể cả các đơn vị thuộc khối Đảng, Đoàn thể, Hội,... được ngân sách các cấp ngân sách hỗ trợ kinh phí)
Biểu số 5: Thuyết minh dự toán chi các dự án bằng nguồn vốn vay nợ,
viện trợ năm 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 6: Dự toán chi bằng ngoại tệ năm 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc ngân sách Trung ương)
Biểu số 7: Dự toán chi đầu tư năm 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 8: Dự toán chi chương trình quốc gia
(Dùng cho các đơn vị quản lý chương trình quốc gia thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 9: Dự toán chi tiết các chương trình mục tiêu quốc gia năm 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 10: Cơ sở tính chi sự nghiệp kinh tế năm 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 11: Cơ sở tính chi nghiên cứu khoa học năm 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 12: Cơ sở tính chi sự nghiệp y tế năm 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 13: Cơ sở tính chi giáo dục - đào tạo năm 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 14: Cơ sở tính chi bổ sung dự trữ nhà nước năm 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc ngân sách Trung ương)
Biểu số 15: Cơ sở tính chi tài trợ cho các nhà xuất bản năm 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 16: Cơ sở tính chi trợ giá giữ đàn giống gốc năm 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 17: Cơ sở tính chi quản lý nhà nước năm 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Biểu số 18: Tổng hợp biên chế - tiền lương
(Dùng cho các cơ quan tổng hợp dự toán của các đơn vị trực thuộc)
Biểu số 19: Biểu dự kiến kế hoạch bổ sung vốn lưu động cho các
doanh nghiệp nhà nước
(Dùng cho các cơ quan quản lý vốn tài sản nhà nước
tại doanh nghiệp)
Biểu số 20: Dự kiến kế hoạch bổ sung hỗ trợ lãi suất ngân hàng
(Dùng cho Tổng cục quản lý vốn tài sản nhà nước tại
doanh nghiệp)
Tên đơn vị (Bộ, Sở):.....
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 01
Thuộc chương..............
TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách)
Đơn vị: triệu đồng
STT
Các khoản chi
Quyết toán 199
Ước TH năm 199
Dự toán 199
Dự toán
Ước TH
Tổng số
1
Chi đầu tư XDCB
2
Chi Vốn lưu động
3
Chi dự trữ
4
Chi trợ giá các mặt hàng chính sách
5
Chi sự nghiệp kinh tế
6
Chi SN khoa học, công nghệ, môi trường
7
Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo
8
Chi sự nghiệp y tế
9
Chi SN phát thanh truyền hình
10
Chi sự nghiệp văn hoá - thông tin
11
Chi quản lý hành chính
12
Chi khác
13
Chi chương trình quốc gia
Trong đó:
- Chương trình...
- Chương trình...
Ghi chú: Đối với từng lĩnh vực chi trên, yêu cầu phải thuyết minh cụ thể theo các biểu mẫu kèm theo các cơ sở tính toán dự toán chi.
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
Tên đơn vị..........
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 02
Thuộc chương....
DỰ TOÁN CHI NSNN NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán
của các đơn vị thuộc các cấp ngân sách)
Đơn vị: triệu đồng
STT
Tên đơn vị trực thuộc
Quyết toán năm
ước thực hiện
Dự toán năm
Bao gồm các lĩnh vực
XDCB tập trung
SN kinh tế
SN GD-ĐT
....
CTMT
Trong nước
Ngoài nước
Tổng cộng
1
Đơn vị A
2
Đơn vị B
.........
Ghi chú: Báo cáo chi tiết đối với từng đơn vị dự toán trực thuộc.
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên đóng dấu)
Tên đơn vị.....
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 03
Chương.........
TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI NSNN NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị cấp trên tổng hợp dự toán của các đơn vị và đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách thuộc các cấp ngân sách)
(Lập chi tiết theo Mục lục ngân sách)
Đơn vị: triệu đồng
Loại
Khoản
Mục
Nội dung
Quyết toán năm 199
Năm 199
Dự toán năm 199
Dự toán
Ước TH
Chi thường xuyên
Thanh toán cho cá nhân
100
Tiền lương
Chi đầu tư phát triển
Chi mua hàng hoá, VTư
138
Dự trữ HH, VTư NN
Thóc gạo
...
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
- Tên đơn vị:.........
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 04
- Chương:.............
- Loại:... Khoản:...
DỰ TOÁN THU CHI NSNN NĂM 199
(Dùng cho đơn vị dự toán và các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu kể cả các đơn vị Đảng, đoàn thể, hội được ngân sách các cấp hỗ trợ kinh phí)
Đơn vị: triệu đồng
Nội dung
Quyết toán năm 199
Ước TH năm 199
Dự toán năm 199
I. Tổng số thu
Gồm:
-
-
-
II. Tổng số chi
Gồm: (Ghi rõ nội dung chi)
-
-
-
III. Số nộp ngân sách
IV. Số được ngân sách hỗ trợ (nếu có) - (1)
(1) - Ghi chi tiết theo mục chi
Ví dụ:
100 Tiền lương
Lương ngạch bậc
...........
138 Dự trữ HH, vật tư NN
Thóc gạo
...........
...........
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 05
Chương..........
DỰ TOÁN CHI NGUỒN VAY NỢ, VIỆN TRỢ NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Đơn vị: triệu đồng
Tên dự án
Loại
Khoản
Mục
Quyết toán
Năm 199
Dự toán năm 199
Dự toán
Ước TH
I. Các dự án vay nợ
- Dự án A
...
II. Các dự án viện trợ
- Dự án A
...
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên, đóng dấu)
- Tên đơn vị:.........
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 06
- Chương:.............
- Loại:...............
- Khoản:..............
DỰ TOÁN CHI BẰNG NGOẠI TỆ NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán cấp thuộc ngân sách Trung ương)
Đơn vị: triệu đồng
S TT
Nội dung
Quyết toán năm 199
Ư
ớc thực hiện năm 199
Dự toán năm 199
Tiền VN (Tr.đồng)
Quy ngoại tệ (1000 USD)
Tiền VN (Tr.đồng)
Quy ngoại tệ (1000 USD)
Tổng số chi
1
Trả nợ
2
Kinh phí các cơ quan đại diện (1)
3
Chi đoàn ra
4
Niên liễm
5
Đào tạo lưu học sinh
6
Mua sắm đặc biệt
(1) - Gồm: Các cơ quan đại diện ngoại giao
Đại diện Thông tấn xã Việt Nam Đại diện truyền hình
Đại diện văn hoá (Trung tâm văn hoá Việt Nam tại nước ngoài)
...
- Tên đơn vị:.........
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 07
- Chương:.............
- Loại:...............
- Khoản:..............
DỰ TOÁN CHI ĐẦU TƯ NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Đơn vị: triệu đồng
Tên công trình, dự án
Thời gian KC-HT
Tổng dự toán được duyệt
Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến 31/12/1998
Đã thanh toán từ khởi công đến 31/12/1998
Dự toán năm 199
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó: Thanh toán KL các năm trước chuyển sang 1999
Chia theo cơ cấu đầu tư
Xây lắp
Thiết bị
Xây lắp
Thiết bị
Xây lắp
Thiết bị
Xây lắp
Thiết bị
XDCB khác
Tổng số:
- Vốn trong nước
- Vốn ngoài nước
A. Công trình nhóm A
I. Công trình chuyển tiếp
1. C.Trình A:
- Vốn trong nước
- Vốn ngoài nước
2
II. Công trình khởi công mới
1.
2.
B. Công trình nhóm B
Công trình quyhoạch, chuẩn bị đầu tư
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 08
Chương..........
DỰ TOÁN CHI CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA
(Dùng cho các cơ quan quản lý chương trình quốc gia)
Đơn vị: triệu đồng
Tên chương trình mục tiêu
Thời hạn thực hiện CTMT
Ư
ớc thực hiện 199
Luỹ kế từ khi thực hiện đến cuối năm 199
Dự kiến khối lượng còn lại của chương trình
Dự toán năm 199
1. Chương trình A
- Mục tiêu...
- Mục tiêu...
- ...
2. Chương trình B
- Mục tiêu...
- Mục tiêu...
- ...
Ngày... tháng. .. năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên đóng dấu)
- Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 09
- Chương..........
- Mục tiêu - chương trình
DỰ TOÁN CHI TIẾT CHI CTMT QUỐC GIA NĂM 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Đơn vị: triệu đồng
Loại
Khoản
Mục
Nội dung
Quyết toán năm 199
ước TH năm 199
Dự toán năm 199
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 10
Thuộc chương....
CƠ SỞ TÍNH TOÁN CHI SỰ NGHIỆP KINH TẾ NĂM 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Đơn vị: triệu đồng
Nội dung
Đơn vị tính
Ư
ớc thực hiện năm 199
Dự toán năm 199
1
Khối lượng công việc (1)
- Điều tra, quy hoạch, khảo sát địa chất, địa chính, khí tượng thuỷ văn, nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông
...
- Duy tu bảo dưỡng cầu đường bộ, sông, sắt, đê...
+ Số Km đê, đường...
+ Số cầu cống....
+ Số đèn tín hiệu
...
- Bảo quản dự trữ nhà nước
(Ghi rõ từng mặt hàng, đơn giá...)
- Khác
- ...
2
Bộ máy quản lý
+ Biên chế được duyệt (nếu có)
+ Các nhiệm vụ khác
Ghi chú: (1)
Báo cáo nhiệm vụ và khối lượng thực hiện từng nhiệm vụ của đơn vị, ngành cơ quan được cấp có thẩm quyền giao.
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 11
Thuộc chương....
CƠ SỞ TÍNH CHI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Nội dung
Đơn vị tính
Ư
ớc TH năm
Dự toán năm
Tổng số chi
1
- Số biên chế NSKH được duyệt
2
- Tổng quỹ lương
3
- Các CT, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ...
(Ghi rõ thời hạn thực hiện, ND, mục tiêu tổng dự toán kinh phí NS đảm bảo, số kinh phí đã cấp đến năm kế hoạch)
4
- Các dự án thử, thử nghiệm
(Ghi rõ thời gian thực hiện Tổng dự toán kinh phí, thời gian hoàn trả vốn)
5
- Nhập công nghệ
6
- Mua sắm, sửa chữa (ghi chi tiết theo công việc)
7
- Đoàn ra, đóng niên liễm...
(Lập chi tiết từng đoàn, thành phần, đi nước nào...)
8
- Chi khác
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 12
Thuộc chương....
CƠ SỞ TÍNH CHI SỰ NGHIỆP Y TẾ NĂM 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Nội dung
Đơn vị tính
Ư
ớc TH năm
Dự toán năm
I
Tổng số chi
a
Bệnh viện
- Số biên chế
- Số cơ sở
- Số giường bệnh
- Mức chi
- Tổng số chi
b
Điều dưỡng
- Số biên chế
- Số cơ sở
- Số giường bệnh
- Mức chi
- Tổng số chi
c
Phòng khám đa khoa
- Số biên chế
- Số cơ sở
- Số giường phòng khám
- Mức chi
- Tổng số chi
Trong đó: Các khoản chi đặc thù
d
Khác
- Mua sắm, sửa chữa
- Chi cho công tác phòng bệnh...
II
Các khoản thu
- Viện phí
- Bảo hiểm y tế
- Khác
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 13
Thuộc chương....
CƠ SỞ TÍNH CHI GIÁO DỤC ĐÀO TẠO NĂM 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Nội dung
Đơn vị tính
ước TH năm ...
Dự toán năm ....
I
Tổng số chi
a
Đại học
- Số trường
- Số biên chế
- Số học sinh có mặt ngày 01 tháng 01 năm kế hoạch
- Số học sinh ra trường trong năm kế hoạch
- Số học sinh tuyển mới trong năm kế hoạch
- Số học sinh bình quân để tính chi ngân sách
- Mức chi
- Tổng số chi
b
Trung học
- Số trường
- Số biên chế
- Số học sinh có mặt ngày 01 tháng 01 năm kế hoạch
- Số học sinh ra trường trong năm kế hoạch
- Số học sinh tuyển mới trong năm kế hoạch
- Số học sinh bình quân để tính chi ngân sách
- Mức chi
- Tổng số chi
c
Dậy nghề
- Số trường
- Số biên chế
- Số học sinh có mặt ngày 01 tháng 01 năm kế hoạch
- Số học sinh ra trường trong năm kế hoạch
- Số học sinh tuyển mới trong năm kế hoạch
- Số học sinh bình quân để tính chi ngân sách
- Mức chi
- Tổng số chi
d
Đào tạo và bồi dưỡng công chức
- Số chỉ tiêu
- Mức chi
- Tổng số chi
e
Đào tạo sau đại học
- Nghiên cứu sinh:
+ Số có mặt đến 1/1/199
+ Số tuyển mới
+ Số tốt nghiệp
+ Số học sinh bình quân tính ngân sách
+ Mức chi
+ Tổng số chi
- Cao học
+ Số có mặt đến 1/1/199
+ Số tuyển mới
+ Số tốt nghiệp
+ Số học sinh bình quân tính ngân sách
+ Mức chi
+ Tổng số chi
f
Các khoản chi khác
II
Tổng số thu
- Thu học phí
- Thu đóng góp xây dựng trường lớp
- Thu khác
- Tên đơn vị.....
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 14
- Chương.........
CƠ SỞ TÍNH TOÁN CHI BỔ SUNG DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc ngân sách Trung ương)
Mặt hàng dự trữ
Đơn vị tính
Mức dự trữ Chính phủ duyệt
Mức dự trữ ước đến 31/12/199
Dự toán năm 199
Lượng
Thành tiền (Tr.đ)
Lượng
Thành tiền (Tr.đ)
Ngày... tháng. .. năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
Tên đơn vị:.....
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 15
Chương:.........
CƠ SỞ TÍNH TOÁN CHI TÀI TRỢ CHO CÁC NHÀ XUẤT BẢN NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán các cấp ngân sách)
STT
Tên tác phẩm được tài trợ
Đơn vị tính
Ư
ớc thực hiện năm 199
Dự toán năm 199
Số lượng được duyệt
Giá thành bình quân đơn vị
Giá bán bình quân đơn vị
Mức tài trợ bình quân đơn vị
Số lượng được duyệt
Giá thành bình quân đơn vị
Giá bán bình quân đơn vị
Mức tài trợ bình quân đơn vị
Ngày... tháng. .. năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên, đóng dấu)
Tên đơn vị:.....
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 16
Chương:.........
CƠ SỞ TÍNH TOÁN CHI TRỢ GIÁ GIỮ ĐÀN GIỐNG GỐC NĂM 199
(Dùng cho các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
STT
Tên con giống gốc được cấp bù
Đơn vị tính
Ư
ớc thực hiện năm 199
Dự toán năm 199
Số lượng con giống gốc được cấp bù
Mức cấp bù cho một con giống gốc
Số tiền cấp bù (triệu đồng)
Số lượng con giống gốc được cấp bù
Mức cấp bù cho một con giống gốc
Số tiền cấp bù (triệu đồng)
1
Trâu
Con
2
Bò
Con
3
Gà
Con
....
Ghi chú: Mức cấp bù cho một con gia súc, gia cầm tính theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 03/TT/LB ngày 8/7/1991 và Công văn số 2409/TCDN ngày 14/9/1995.
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên, đóng dấu)
Tên đơn vị......
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 17
Thuộc chương....
CƠ SỞ TÍNH CHI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NĂM 199
(Dùng cho đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách)
Nội dung
Ư
ớc TH năm
Dự toán năm
Tổng số
1
Biên chế được duyệt
2
Số CBCNV có mặt thực tế
- Biên chế
- Hợp đồng
+ Dài hạn
+ Ngắn hạn
3
Tổng quỹ lương
Tr. đó: - Lượng CB trong biên chế
- Lương CB hợp đồng
- Tiền công
4
Mua sắm sửa chữa
(chi tiết từng nội dung công việc)
5
Nội dung công việc theo chế độ đặc thù ngành
(chi tiết từng nội dung công việc)
6
Hội nghị (chi tiết số lần hội nghị, quy mô hội nghị, số đại biểu)
7
Đoàn ra nước ngoài (chi tiết từng đoàn: số người, thời gian, địa điểm)
8
Đóng góp các tổ chức
(chi tiết từng tổ chức)
Ngày... tháng. .. năm 199...
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên, đóng dấu)
Tên đơn vị:.....
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 18
Chương:.........
TỔNG HỢP THEO BIÊN CHẾ - TIỀN LƯƠNG
(Dùng cho các cơ quan tổng hợp dự toán của các đơn vị trực thuộc)
Số TTQuyết toán năm 199
Ư
ớc thực hiện năm 199
Dự toán năm 199
Tổng số cán bộ công nhân viên
Số biên chế
Tổng quỹ lương theo biên chế được duyệt
Các khoản theo lương
Tổng số cán bộ công nhân viên
Số biên chế
Tổng quỹ lương theo biên chế được duyệt
Các khoản theo lương
Tổng số cán bộ công nhân viên
Số biên chế
Tổng quỹ lương theo biên chế được duyệt
Các khoản theo lương
Người
Người
Tr.đ
Tr.đ
Người
Người
Tr.đ
Tr.đ
Người
Người
Tr.đ
Tr.đ
1
Đơn vị A
2
3
Ghi chú: (1) Báo cáo cụ thể đối với từng đơn vị dự toán
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 19
BIỂU DỰ KIẾN KẾ HOẠCH BỔ SUNG VỐN LƯU ĐỘNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Dùng cho các cơ quan quản lý vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp)
Đơn vị: triệu đồng
Số TT
Các chỉ tiêu
Doanh thu
Lợi tức
Nộp NSNN
Vốn lưu động hiện có đến 31/12/199
Vốn lưu động thiếu
Vốn lưu động thiếu đề nghị bổ sung
Ghi chú
TH 199
KH 199
TH 199
KH 199
Tổng số
TĐ: Thuế lợi tức
Tên các DNNN
TH 199
KH 199
TH 199
KH 199
Hà Nội, ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên đóng dấu)
Tên đơn vị:.....
PHỤ LỤC 2 - BIỂU SỐ 20
Chương:.........
BIỂU DỰ KIẾN KẾ HOẠCH HỖ TRỢ CHÊNH LỆCH LÃI SUẤT
(Dùng cho đơn vị được giao nhiệm vụ huy động vốn để cho vay ưu đãi theo quyết định của Chính phủ)
Đơn vị: Triệu đồng
Số TT
Các chỉ tiêu
Tên đơn vị
Số dư cho vay đầu năm 199
Kế hoạch cho vay tăng thêm trong năm 199
Kế hoạch thu nợ trong năm 199
Số dư cho vay cuối năm 199
Sồ dư cho vay bình quân trong năm 199
Chênh lệch lãi suất được cấp bù năm 199
Số đề nghị ngân sách cấp bù năm 199
Ghi chú: Ghi rõ những quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho vay ưu đãi và NSNN phải cấp bù chênh lệch lãi suất
1
2
3
PHỤ LỤC SỐ 3
Biểu số 1: Dự toán thu Quỹ bảo hiểm xã hội năm 199
(Dùng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội)
Biểu số 2: Dự toán chi Quỹ bảo hiểm xã hội năm 199
(Dùng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội)
Biểu số 3: Dự toán chi đầu tư XDCB của hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam
(Dùng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội)
Biểu số 4: Dự toán chi từ NSNN cho các đối tượng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995
(Dùng cho các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Đầu tư phát triển, Vụ Tài chính Đối ngoại, Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp)
PHỤ LỤC 3 - BIỂU 01
DỰ TOÁN THU QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI NĂM 199
(Dùng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội)
Đơn vị: triệu đồng
S TT
Nội dung
Quyết toán năm
Ư
ớc thực hiện năm
Dự kiến năm
Tổng số thu
I
Thu đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động
1
Khối sản xuất kinh doanh
Doanh nghiệp Nhà nước
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Doanh nghiệp ĐT nước ngoài
...
2
Hành chính sự nghiệp
*
Trung ương
- Lực lượng vũ trang
- Quản lý Nhà nước
- Sự nghiệp
...
*
Địa phương
- Quản lý Nhà nước
- Sự nghiệp
...
3
Đối tượng khác
II
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ
III
Lãi hoạt động bảo tồn tăng trưởng quỹ
IV
Thu khác
- Viện trợ
- Khác
PHỤ LỤC 3 - BIỂU SỐ 02
DỰ TOÁN CHI QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI NĂM 199
(Dùng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội)
Đơn vị: triệu đồng
Nội dung chi
Quyết toán 199
Năm 199
Dự toán 199
KH
TH
Tổng số chi
I. Chi trả các đối tượng từ 1/1/95
(Chi tiết theo đối tượng)
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
...
II. Chi quản lý bộ máy của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Số biên chế được duyệt
- Mức chi
- Tổng chi theo định mức
- Các khoản chi đặc thù:
+ ...
III. Đầu tư để bảo tồn, tăng trưởng quỹ BHXH
- Mua trái phiếu, tín phiếu
- Cho NSNN vay
...
IV. Chi khác
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
PHỤ LỤC 3 - BIỂU SỐ 03
DỰ TOÁN CHI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN NĂM 199 CỦA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(Dùng cho cơ quan bảo hiểm xã hội)
Đơn vị: triệu đồng
Tên công trình, dự án
Thời gian KC-HT
Tổng dự toán được duyệt
Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến 31/12/199
đã thanh tpán từ khởi công đến 31/12/199
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó
Xây lắp
Thiết bị
Xây dựng
Thiết bị
Xây dựng
Thiết bị
Tổng số
I- Chi đầu tư XDCB từ NSNN
- Dự án A
- ...
II- Chi đầu tư XDCB từ nguồn sinh lợi do hoạt động đầu tư quỹ
- Dự án A
- ...
PHỤ LỤC 3 - BIỂU SỐ 04
DỰ TOÁN CHI TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 19.... CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG BHXH TRƯỚC 1/1/1995
(Dùng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội)
Đơn vị: triệu đồng
Nội dung chi
Quyết toán 199
Năm 199
Dự toán 199
KH
TH
Tổng số chi
1. Hưu quân đội:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
2. Hưu CNVC:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
3. Mất sức lao động:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
4. TNLĐ, BNN:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
5. Người phục vụ TNLĐ:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
6. Tuất CNVC hưởng ĐXCB
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
7. Tuất CNVC hưởng ĐXND
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
8. Mai táng phí
- Số người
- Mức trả
- Thành tiền
9. Tuất một lần
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
10. Công nhân cao su
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
11. Chi khác
- Lệ phí chi trả
- Bảo hiểm y tế
- Khác (nếu có)
Ngày... tháng... năm 199
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
PHỤ LỤC SỐ 4
Biểu số 1: Dự toán chi trợ cấp xã hội năm 199
(Dùng cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội)
Tên đơn vị:.......
PHỤ LỤC SỐ 4
Chương:...........
DỰ TOÁN CHI TRỢ CẤP XÃ HỘI NĂM 199
(Dùng cho các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội)
Đơn vị: triệu đồng
Loại
Khoản
Mục
Nội dung chi
Quyết toán 199
Năm 199
Dự toán 199
KH
TH
Tổng số chi
1. Trợ cấp thương binh:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
2. Trợ cấp bệnh binh:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
3. Người phục vụ thương, bệnh binh:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
4. Tuất liệt sĩ (định suất cơ bản):
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
5. Tuất liệt sĩ (định suất nuôi dưỡng):
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
6. Anh hùng lực lượng vũ trang:
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
7. Người có công với Cách mạng
- Số đối tượng (người)
+ Trợ cấp cơ bản
+ Trợ cấp nuôi dưỡng
- Mức trả bình quân
+ Trợ cấp cơ bản
+ Trợ cấp nuôi dưỡng
- Thành tiền
8. Cán bộ lão thành cách mạng
- Số người
+ Hưởng lương
+ Hưởng SHP
- Mức trả bình quân
+ Hưởng lương
+ Hưởng SHP
- Thành tiền
9. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế
- Số đối tượng (người)
- Thâm niên bình quân
- Thành tiền
10. Hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa
- Số đối tượng (người)
- Mức trả
- Thành tiền
11. Phụ cấp khu vực
- Số đối tượng (người)
- Mức trả bình quân
- Thành tiền
12. Trợ cấp một lần
- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc
+ Số đối tượng (người)
+ Thâm niên bình quân
+ Thành tiền
- Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân
+ Số đối tượng (người)
+ Thành tiền
- Mai táng phí
+ Số đối tượng (người)
+ Thành tiền
13. Chi khác
- Lệ phí chi trả
- Bảo hiểm y tế
- Điều trị, điều dưỡng (1)
- Dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc (2)
- Chi quy tập xây vỏ mộ
- Tu sửa nghĩa trang liệt sĩ
- Các khoản chi khác:
+ ...
Ghi chú:
(1) - Số cơ sở Ngày... tháng... năm 199
- Số giường bệnh Thủ trưởng đơn vị
- Mức chi (Ký tên và đóng dấu)
(2) - Số lượng
PHỤ LỤC SỐ 5
Biểu số 1: Tổng hợp dự toán chi đầu tư XDCB tập trung năm 199
(Dùng cho cơ quan Kế hoạch và Đầu tư các cấp)
Biểu số 2: Dự toán chi đầu tư XDCB tập trung năm 199
(Dùng cho các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan
đầu tư phát triển các cấp)
Biểu số 3: Chi XDCB từ nguồn vốn ngoài nước năm 199
(Dùng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Biểu số 4: Tổng hợp chi đầu tư XDCB năm 199 - phân bổ theo ngành
kinh tế
(Dùng cho các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư các cấp)
Biểu số 5: Tổng hợp chi XDCB các công trình quan trọng và công
trình nhóm A
(Dùng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
PHỤ LỤC 5 - BIỂU SỐ 01
TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI ĐẦU TƯ XDCB TẬP TRUNG NĂM 199
(Dùng cho các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư các cấp)
Đơn vị: tỷ đồng
STT
Nội dung chi
Ư
ớc thực hiện năm 199
Dự toán năm 199
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó
Vốn trong nước
Vốn ngoài nước
Vốn trong nước
Vốn ngoài nước
Tổng cộng
A
Các Bộ, cơ quan Trung ương
1
Bộ....
....
B
Các địa phương (1)
1
Tỉnh....
......
Ghi chú
(1): Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh lập chi tiết cho các Sở, Ban, Ngành trực thuộc UBND tỉnh.
PHỤ LỤC 5 - BIỂU SỐ 02
DỰ TOÁN CHI ĐẦU TƯ XDCB TẬP TRUNG NĂM 199
(Dùng cho các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan đầu tư phát triển các cấp)
Đơn vị: Triệu đồng
Tên công trình, dự án
Thời gian KC-HT
Tổng dự toán được duyệt
Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến 31/12/199
Đã thanh toán từ khởi công đến 31/12/199
Dự toán năm 199
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó
Tổng số
Trong đó: Thanh toán KL các năm trước chuyển sang 199
Chia theo cơ cấu đầu tư
Xây lắp
Thiết bị
Xây lắp
Thiết bị
Xây lắp
Thiết bị
Xây lắp
Thiết bị
XDCB khác
A. Dự án do TƯ quản lý
1. Bộ...
- Dự án...
-
Dự án...
2. Bộ...
- Dự án
- Dự án
- ...
B. Dự án do do ĐP quản lý
1. Sở
- Dự án...
- Dự án...
2. Sở
- Dự án
- Dự án...
...
PHỤ LỤC 5 - BIỂU SỐ 03
CHI XDCB TỪ NGUỒN VỐN NGOÀI NƯỚC NĂM 199
(Dùng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Đơn vị: 1.000 USD
S TT
Nội dung chi
Tổng số chi XDCB từ vốn ngoài nước
Vốn vay
Vốn viện trợ
Vốn đối ứng (Tr.đ)
Ngoại tệ (Quy 1.000 USD)
Tiền VN (Tr.đ)
Ngoại tệ (Quy 1.000 USD)
Tiền VN (Tr.đ)
Ngoại tệ (Quy 1.000 USD)
Tiền VN (Tr.đ)
Tổng cộng
A
Trung ương
1
Bộ Nông nghiệp và PTNT
- Dự án A
- Dự án B
...
2
Bộ Thuỷ lợi
- Dự án A
- Dự án B
....
3
Bộ....
...
B
Địa phương
1
Thành phố Hà Nội
- Dự án A
- Dự án B
...
2
Tỉnh...
- Dự án A
- Dự án B
...
PHỤ LỤC 5 - BIỂU SỐ 04
TỔNG HỢP CHI ĐẦU TƯ XDCB NĂM 199 PHÂN BỔ THEO NGÀNH KINH TẾ
(Dùng cho các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư các cấp)
Đơn vị: Tỷ đồng
STT
Ư
ớc thực hiện năm ...
Dự toán năm...
1
Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thuỷ lợi
2
Thuỷ sản
3
Công nghiệp khai thác mỏ
4
Công nghiệp chế biến
5
Sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước
6
Xây dựng
7
Thương nghiệp
8
Khách sạn, nhà hàng, du lịch
9
Giao thông vận tải, kho bãi và TT liên lạc
10
Tài chính tín dụng
11
Khoa học công nghệ
12
Quản lý NN, an ninh - quốc phòng, ĐBXH
13
Giáo dục - Đào tạo
14
Y tế và các hoạt động xã hội
15
Văn hoá - Thể thao
16
Hoạt động Đảng, đoàn thể
17
Phục vụ công cộng, kiến thiết thị chính
PHỤ LỤC 5 - BIỂU SỐ 05
TỔNG HỢP CHI XDCB CÁC CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG VÀ CÔNG TRÌNH NHÓM A NĂM 199
(Dùng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Đơn vị: Tỷ đồng
STT
Công trình nhóm A
Tổng số
Trong đó
Vốn trong nước
Vốn ngoài nước
Tổng cộng
1
Bộ A
- Công trình...
+ Xây lắp
+ Thiết bị
- Công trình...
+ Xây lắp
+ Thiết bị
...
...
Tỉnh A
- Công trình...
+ Xây lắp
+ Thiết bị
- Công trình...
+ Xây lắp
+ Thiết bị
...
Tỉnh B...
.........
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 1: Một số chỉ tiêu cơ bản của địa phương năm 199
Biểu số 2: Cân đối ngân sách địa phương năm 199
(Dùng cho Sở Tài chính - Vật giá)
Biểu số 3: Cân đối ngân sách cấp tỉnh năm 199
(Dùng cho Sở Tài chính - Vật giá)
Biểu số 4: Cân đối ngân sách huyện năm 199
(Dùng cho Sở Tài chính - Vật giá)
Biểu số 5: Biểu tổng hợp dự toán thu ngân sách nhà nước năm 199
Biểu số 6: Biểu tổng hợp dự toán thu ngân sách địa phương năm 199
Biểu số 7: Biểu tổng hợp dự toán thu theo sắc thuế năm 199
(Dùng cho Sở Tài chính - Vật giá)
Biểu số 8: Dự toán đầu tư XDCB năm 199
Biếu số 9: Cơ sở tính chi trợ giá năm 199
Biểu số 10: Dự toán chi vốn lưu động năm 199
Biểu số 11: Cơ sở tính chi sự nghiệp giáo dục năm 199
Biểu số 12: Cơ sở tính chi sự nghiệp đào tạo năm 199
Biểu số 13: Cơ sở tính chi sự nghiệp y tế năm 199
Biểu số 14: Cơ sở tính chi quản lý hành chính năm 199
Biểu số 15: Tổng hợp biên chế - tiền lương năm 199
Biểu số 16: Tổng hợp dự toán các khoản phí và lệ phí năm 199
Biểu số 17: Dự toán thu ngân sách huyện năm 199 Biểu số 18: Dự toán chi ngân sách huyện năm 199
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 1 KH/ĐP (1)
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN NĂM............ CỦA TỈNH, THÀNH PHỐ:
Tiêu thức
Đơn vị tính
Thực hiện năm....
Kế hoạch năm...
I. Các chỉ tiêu tổng hợp:
1. Diện tích tự nhiên:
Km2
Trong đó: - Diện tích đất nông nghiệp
Ha
- Diện tích đất lâm nghiệp
Ha
2. Dân số
Người
Gồm: - Thành phố
-
- Đồng bằng
-
- Trung du, duyên hải
-
- Núi thấp, vùng sâu
-
- Núi cao, hải đảo
-
3. Đơn vị hành chính
Đơn vị
- Số huyện và tương đương
-
Trong đó:
+ Huyện miền núi
-
+ Huyện núi cao
-
+ Quận
-
+ Thị xã
-
+ Thành phố thuộc tỉnh
-
- Số xã và tương đương
-
+ Xã miền núi
-
+ Xã núi cao
-
+ Thị trấn
-
+ Phường
-
4. Các chỉ tiêu tổng hợp kinh tế địa phương
- Tổng sản phẩm xã hội (GDP)
Triệu đồng
- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp
Triệu đồng
- Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp
Triệu đồng
- Giá trị tổng sản lượng thương nghiệp dịch vụ
Triệu đồng
- Sản lượng lương thực quy thóc
Tấn
II. Các chỉ tiêu liên quan đến thu chi NSNN
A. Về thu:
1. Doanh nghiệp
- Doanh nghiệp Trung ương thành lập
+ Số doanh nghiệp
Doanh nghiệp
+ Tổng số vốn cố định (số luỹ kế)
Triệu đồng
+ Tổng số vốn lưu động (số luỹ kế)
"
+ Số nộp ngân sách
"
- Doanh nghiệp địa phương thành lập
(Chỉ tiêu như doanh nghiệp Trung ương)
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
+ Số dự án được cấp giấy phép
Dự án
+ Số doanh nghiệp đã hoạt động
Doanh nghiệp
+ Tổng số vốn đã đầu tư (số luỹ kế)
Triệu đồng
+ Số nộp ngân sách
"
- Doanh nghiệp tư nhân
+ Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp
+ Số doanh nghiệp thực tế quản lý theo thuế
Doanh nghiệp
+ Số nộp ngân sách
Triệu đồng
2. Kinh tế tập thể, cá thể
- Số hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh
Hộ
- Số hộ quản lý thu thuế môn bài
"
- Số hộ quản lý thu cố định
"
- Số thuế VAT và TNDN nộp NS bình quân tháng
1.000 tr.đ
B. Về chi:
1. Các chỉ tiêu liên quan đến chi NS kinh tế
- Số Km đường giao thông địa phương quản lý
Hộ
Trong đó: + Đường bê tông nhựa
"
+ Đường đá dăm, cấp phối
"
+ Đường đất
"
- Số Km đường đê địa phương quản lý
km
- Số Km cầu
km
- Số m2 vỉa hè
m2
- Số đèn đường chiếu sáng
chiếc
- Khối lượng rác thải v/chuyển hàng năm
m3
2. Quản lý hành chính
Người
a. Biên chế cấp tỉnh và tương đương
-
- Biên chế quản lý nhà nước
-
- Biên chế Đảng
-
- Biên chế hội đoàn thể
-
b. Biên chế cấp huyện và tương đương
-
- Biên chế quản lý nhà nước
-
- Biên chế Đảng
-
- Biên chế hội đoàn thể
-
c. Định biên cấp xã và tương đương
-
- Cán bộ xã đương chức
-
- Cán bộ hưu xã
-
- Giáo viên mẫu giáo xã
-
- Cán bộ y tế xã
-
3. Số giường bệnh
Giường
- Giường bệnh cấp tỉnh
-
- Giường bệnh cấp huyện
-
- Giường, phòng khám KV
-
- Giường y tế xã phường
-
4. Số học sinh phổ thông
Học sinh
- Nhà trẻ
-
- Mẫu giáo
-
- Tiểu học (Cấp I)
-
- Phổ thông cơ sở (Cấp II)
-
- Phổ thông Trung học (Cấp III)
-
- Trường năng khiếu
-
+ Trường năng khiếu cấp I
-
+ Trường năng khiếu cấp II
-
+ Trường năng khiếu cấp III
-
- Trung tâm giáo dục KT thực hành
-
- Trung tâm giáo dục thường xuyên
-
- Trường dân tộc nội trú
-
+ Trường cấp I + II
-
+ Trường cấp III
-
5. Số học sinh đào tạo
Người
- Đại học, cao đẳng
-
(chi tiết theo ngành đào tạo)
-
- Trung học chuyên nghiệp
-
(chi tiết theo ngành đào tạo)
-
- Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề
(chi tiết theo ngành đào tạo)
- Công nhân, kỹ thuật dạy nghề
Suất đào tạo
- Đào tạo lại
-
- Đào tạo tại chức
-
(Số học viên đã quy đổi)
Người
- Nghiên cứu sinh
- Cao học
6. Chỉ tiêu đảm bảo xã hội
Người
- Trại xã hội
Cơ sở
- Số trại viên trại xã hội
Người
- Đối tượng cứu trợ xã hội không tập trung
Người
- Số gia đình thương binh, liệt sỹ
Số gia đình
- Số thương binh
Người
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng
-
Ngày... tháng... năm...
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 2
CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
(Dùng cho Sở Tài chính - Vật giá)
Đơn vị: Triệu đồng
Thu
Số tiền
Chi
Số tiền
A. Tổng số thu
A. Tổng số chi
1. Tổng thu cân đối ngân sách địa phương
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương
Trong đó: 1. Các khoản thu NSĐP hưởng 100%
1. Chi đầu tư phát triển
- Nguồn thu được để lại đầu tư theo quy định
- Chi đầu tư XDCB
2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ (%)
Trong đó: Chi từ nguồn vốn vay
3. Thu bổ sung từ NSTW
- Chi bằng các nguồn thu được để lại đầu tư theo quy định
2. Chi trả nợ gốc tiền vay đầu tư cơ sở hạ tầng
3. Chi thường xuyên
4. Chi lập hoặc bổ sung quỹ dự trữ tài chính
5. Dự phòng
2. Thu tiền vay đầu tư XDCS hạ tầng
B. Các khoản thu được để lại chi, quản lý qua NSNN
B. Các khoản chi bằng nguồn thu để lại quản lý qua NSNN
1. Các khoản phí, lệ phí được để lại
1. Chi đầu tư XDCB
2. Các khoản huy động đóng góp XDCS hạ tầng
2. Chi sự nghiệp kinh tế
3. Các khoản phụ thu
3. Chi quản lý hành chính
4. Khác
4. Chi sự nghiệp khác
Ngày... tháng... năm......
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 3
CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH CẤP TỈNH
(Dùng cho Sở Tài chính - Vật giá)
Đơn vị: Triệu đồng
Thu
Số tiền
Chi
Số tiền
A. Tổng số thu
A. Tổng số chi
1. Tổng thu cân đối ngân sách cấp tỉnh
Tổng chi cân đối ngân sách cấp tỉnh
Trong đó: 1. Các khoản thu cấp tỉnh hưởng 100%
1. Chi đầu tư phát triển
2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ (%)
- Chi đầu tư XDCB
3. Thu bổ sung từ ngân sách TW
Trong đó: Chi từ nguồn vốn vay
- Chi bằng các nguồn thu được để lại đầu tư theo quy định
2. Chi trả nợ gốc tiền vay đầu tư cơ sở hạ tầng
3. Chi thường xuyên
2. Thu tiền vay đầu tư XDCS hạ tầng
4. Chi lập hoặc bổ sung quỹ dự trữ tài chính
5. Dự phòng
6. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới
B. Các khoản thu được để lại chi, quản lý qua NSNN
B. Các khoản chi bằng nguồn thu để lại quản lý qua NSNN
1. Các khoản phí, lệ phí được để lại
1. Chi đầu tư XDCB
2. Các khoản huy động đóng góp XDCS hạ tầng
2. Chi sự nghiệp kinh tế
3. Khác
3. Chi quản lý hành chính
4. Chi sự nghiệp khác
Ngày... tháng... năm......
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 4
CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH CẤP HUYỆN
(Dùng cho Phòng Tài chính)
Đơn vị: Triệu đồng
Thu
Số tiền
Chi
Số tiền
A. Tổng số thu
A. Tổng số chi
Tổng thu cân đối ngân sách cấp huyện
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương
Trong đó: 1. Các khoản thu cấp huyện hưởng 100%
1. Chi đầu tư phát triển
2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ (%)
Trong đó: - Chi đầu tư XDCB
3. Thu bổ sung từ ngân sách tỉnh
- Chi bằng các nguồn thu được để lại đầu tư theo quy định
2. Chi thường xuyên
3. Dự phòng
4. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới
B. Các khoản thu được để lại chi, quản lý qua NSNN
B. Các khoản chi bằng nguồn thu để lại quản lý qua NSNN
1. Các khoản phí, lệ phí được để lại
1. Chi đầu tư XDCB
2. Các khoản huy động đóng góp XDCS hạ tầng
2. Chi sự nghiệp kinh tế
3. Khác
3. Chi quản lý hành chính
4. Chi sự nghiệp khác
Ngày... tháng... năm......
Trưởng phòng Tài chính
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 5 KH/ĐP
BIỂU TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU NSNN NĂM......
Tỉnh, thành phố:
Đơn vị: Triệu đồng
Nội dung
Năm.....
Dự toán
Dự toán
Ước TH
năm
1
2
3
4
I. Tổng thu NSNN trên địa bàn
A. Tổng các khoản thu cân đối NSNN
I. Thu từ sản xuất kinh doanh trong nước
1. Thu từ xí nghiệp quốc doanh Trung ương
- Thuế VAT
Trong đó: Thu về quảng cáo truyền hình
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
Trong đó:
+ Thuế TNDN các đơn vị hạch toán
toàn ngành
+ Thu về quảng cáo truyền hình
- Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nội địa
Trong đó: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy Giắc pốt (Jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thu sử dụng vốn ngân sách
- Thuế tài nguyên
Trong đó: + Tài nguyên rừng
+ Tài nguyên nước thuỷ điện
- Thuế môn bài
- Thu hồi vốn và thu khác
2. Thu từ các xí nghiệp quốc doanh địa phương
- Thuế VAT
Trong đó: Thu về quảng cáo truyền hình
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
Trong đó: Thu về quảng cáo truyền hình
- Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nội địa
Trong đó: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy Giắc pốt (Jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thu sử dụng vốn ngân sách
- Thuế tài nguyên
Trong đó: Tài nguyên rừng
- Thuế môn bài
- Thu hồi vốn và thu khác
3. Thu từ xí nghiệp liên doanh với nước ngoài
- Thuế VAT
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nội địa
Trong đó: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy Giắc pốt (Jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thuế tài nguyên
Trong đó: Tài nguyên rừng
- Tiền thuê mặt đất, mặt nước
Trong đó: Từ hoạt động dầu khí
- Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Trong đó: Từ hoạt động dầu khí
- Các khoản thu về dầu khí
- Thuế môn bài
- Các khoản thu khác
4. Thuế ngoài quốc doanh
- Thuế VAT
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nội địa
Trong đó: Thuế TTĐB các mặt hàng bài lá, vàng mã, hàng mã và các dịch vụ kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, kinh doanh gôn (golf), kinh doanh casino, trò chơi bằng máy Giắc pốt (Jackpot), kinh doanh vé đặt cược: đua ngựa, đua xe.
- Thuế tài nguyên
Trong đó: Tài nguyên rừng
- Thuế môn bài
- Thuế sát sinh
- Thu khác ngoài quốc doanh
5. Lệ phí trước bạ
6. Thuế sử dụng đất nông nghiệp
Trong đó: Thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa
7. Thuế nhà đất
8. Thuế thu nhập cá nhân
9. Thu xổ số kiến thiết
10. Thu phí giao thông
11. Thu phí và lệ phí
- Phí và lệ phí Trung ương
- Phí và lệ phí tỉnh
- Phí và lệ phí huyện
- Phí và lệ phí xã
12. Thuế chuyển quyền sử dụng đất
13. Thu sự nghiệp
- Thu hoạt động sự nghiệp do TW quản lý
- Thu hoạt động sự nghiệp do tỉnh quản lý
- Thu hoạt động sự nghiệp do huyện quản lý
- Thu hoạt động sự nghiệp do xã quản lý
14. Tiền sử dụng đất
15. Thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước
16. Thu tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
17. Thu tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
- Đơn vị thuộc TW nộp
- Đơn vị thuộc ĐP nộp
18. Thu từ hoa lợi công sản
19. Các khoản huy động đóng góp theo quy định
20. Thu phạt an toàn giao thông
21. Thu từ HĐ chống buôn lậu, KD trái pháp luật
22. Thu tiền bán cây đứng
23. Thu khác
II. Thuế XK, thuế NK, thuế TTĐB,
thuế VAT hàng nhập khẩu do Hải quan thu
Trong đó: + Thuế XK, NK, TTĐB qua BGĐL
+ Thuế VAT hàng nhập khẩu
III. Thu viện trợ
IV. Thu vay để đầu tư XD cơ sở hạ tầng
B. Các khoản thu được để lại chi quản lý
qua NSNN
- Các khoản phí, lệ phí
Trong đó:
+ Học phí
+ Viện phí
- Các khoản huy động đóng góp XD cơ sở hạ tầng
- Các khoản phụ thu
- Khác
II. Tổng thu NSĐP
A. Các khoản thu cân đối NSĐP
- Các khoản thu 100%
- Thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%)
- Thu bổ sung từ NSTW
- Thu kết dư
- Thu tiền vay
B. Các khoản thu được để lại chi và
quản lý qua NSNN
Ngày... tháng... năm......
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 6 KH/ĐP
BIỂU TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI NSNN NĂM......
Tỉnh, thành phố:
Đơn vị: Triệu đồng
Nội dung các khoản chi
Dự toán
năm.....
Ước TH
năm.....
Dự toán
năm.....
1
2
3
4
Tổng chi NSĐP
A. Các khoản chi trong cân đối NSĐP
I. Chi đầu tư phát triển:
1. Chi xây dựng cơ bản tập trung
a. Vốn trong nước
b. Vốn ngoài nước
2. Chi từ các nguồn thu được để lại theo
quy định
Gồm:
- Từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
- Từ nguồn thu tiền bán nhà ở thuộc SHNN
- Từ nguồn thu xổ số kiến thiết
- Từ nguồn thuế SD đất NN trồng lúa
- Thuế tài nguyên rừng và tiền bán cây đứng
- Từ nguồn thu phí quảng cáo truyền hình
3. Chi đầu tư XD CSHT bằng nguồn vốn vay
4. Chi đầu tư và hỗ trợ các DNNN
II. Chi trả nợ gốc vay đầu tư cơ sở hạ tầng
III. Chi thường xuyên:
1. Chi trợ giá các mặt hàng chính sách
2. Chi sự nghiệp kinh tế
Tr. đó: - Chi SN nông - lâm - thuỷ lợi
- Chi SN giao thông
- Chi SN kiến thiết thị chính
- Chi sự nghiệp khác
3. Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo
- Chi sự nghiệp giáo dục
- Chi sự nghiệp đào tạo
Tr.đó: Đào tạo lại cán bộ khu vực Nhà nước
4. Chi sự nghiệp y tế
5. Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ
6. Chi sự nghiệp văn hoá - thông tin
7. Chi sự nghiệp phát thanh - truyền hình
8. Chi sự nghiệp Thể dục - thể thao
9. Chi đảm bảo xã hội
10. Chi quản lý hành chính
- Chi quản lý Nhà nước
- Hỗ trợ ngân sách Đảng
- Chi hỗ trợ hội, đoàn thể
11. Chi an ninh quốc phòng địa phương
- Chi giữ gìn an ninh và trật tự an toàn XH
- Chi quốc phòng địa phương
12. Chi khác ngân sách
IV. Chi lập hoặc bổ sung quỹ dự trữ tài chính
V. Dự phòng
B. Các khoản chi bằng nguồn thu được để lại
quản lý qua NSNN
1. Chi đầu tư XDCB
2. Chi sự nghiệp kinh tế
3. Chi quản lý hành chính
4. Chi sự nghiệp khác
Ngày... tháng... năm......
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 7 KH/ĐP
TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU CÂN ĐỐI NSNN NĂM...... THEO SẮC THUẾ
(Dùng cho Sở Tài chính - Vật giá)
Đơn vị: Triệu đồng
S
Ước thực hiện năm.....
Dự toán năm......
So
T
Chỉ tiêu
Tổng
Trong đó
Tổng
Trong đó
sánhh
T
số
DNNN
Dầu
XN
NQD
XS
Khác
số
DNNN
Dầu
XN
NQD
XS
Khác
TW
ĐP
thoio
ĐT
KT
TW
ĐP
thô
ĐT
KT
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18=9:1
I
1
Tổng số thu NSNN
Thu thường xuyên
Thuế thu nhập cá nhân và TNDN
Trong đó:
- Thuế thu nhập cá nhân
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài
2
Thuế sử dụng tài sản nhà nước
Trong đó:
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Thuế chuyển quyền sử dụng đất
- Thu tiền sử dụng đất
- Thuế nhà đất
- Thuế tài nguyên
3
Thuế đối với hàng hoá dịch vụ
Trong đó:
- Thuế VAT
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế môn bài
- Thuế sát sinh
4
Thuế đối với hoạt động ngoại thương
Trong đó:
- Thuế xuất khẩu
- Thuế nhập khẩu
- Thuế xuất khẩu qua B.giới đất liền
- Thuế nhập khẩu qua B.giới đất liền
- Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng N.khẩu
- Thuế VAT hàng nhập khẩu
5
Các khoản thu từ sở hữu TS ngoài thuế (không kể mục 026 - tiểu mục 02)
Trong đó:
- Thu sử dụng vốn ngân sách
- Tiền cho thuê mặt đất mặt nước
6
Thu phí và lệ phí
Trong đó:
- Phí giao thông
- Lệ phí trước bạ
7
Thu tiền phạt và tịch thu
8
Các khoản thu khác
Trong đó:
- Thu kết dư năm trước
II
Thu về chuyển nhượng và bán tài sản NN
Trong đó:
- Tiền bán nhà thuộc sở hữu NN
- Thu tiền bán cây đứng
III
Thu viện trợ
Trong đó:
- Viện trợ cho XDCB
- Viện trợ cho chi thường xuyên
IV
Thu bán cổ phần của NN
Ngày... tháng... năm......
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
Biểu số 8 KH/ĐP
DỰ TOÁN ĐẦU TƯ XDCB NĂM......
Tỉnh, thành phố
(Nguồn vốn NSNN và huy động đóng góp)
Đơn vị: Triệu đồng
S TT
Thời gian KC-HT
Tổng dự toán được duyệt
Giá trị khối lượng thực hiện từ khởi công đến 31/12/...
Đã thanh toán từ khởi công đến 31/12/...
Dự toán năm.....
Tên công trình
Tổng
Trong đó
Tổng
Trong đó
Tổng
Trong đó
Tổng
Trong đó
Chia theo cơ cấu đầu tư
Chia theo nguồn vốn
số
Xây dựng
Thiết bị
số
Xây lắp
Thiết bị
số
Xây lắp
Thiết bị
số
thanh toán KL các năm trước chuyển sang...
Xây lắp
Thiết bị
XDCB khác
Vốn tr.nước
Vốn ng.nước
Vốn hàng nguồn để lại
Vốn từ nguồn đóng góp
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
Tổng số
A/Do NS cấp tỉnh chi
I
Công trình chuyển tiếp
1
.................
2
................
3
............
II
Công trình khởi công mới
1
.............
2
............
3
...........
B/Do NS cấp huyện chi
(Các chỉ tiêu như mục A)
C/ Do NS cấp xã chi
(Các chỉ tiêu như mục A)
Ngày... tháng... năm......
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
BIỂU SỐ 9 KH/ĐP
TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI TRỢ GIÁ, TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN CÁC MẶT HÀNG CHÍNH SÁCH MIỀN NÚI NĂM....... TỈNH, THÀNH PHỐ:................
STT
Mặt hàng trợ giá, trợ cước
Ư
ớc thực hiện năm.......
Dự toán năm......
Khối lượng vận chuyển
Cước V/C, mức tr.giá bình quân (Tr.đồng/tấn)
Số tiền trợ cước, trợ giá (Tr.đồng)
Khối lượng vận chuyển
Cước V/C, mức tr.giá bình quân (Tr.đồng/tấn)
Số tiền trợ cước, trợ giá (Tr.đồng)
1
2
3
4
5
6
7
8
Tổng cộng
1
Dầu hoả (từ kho hàng cấp I đến cụm xã)
2
Giấy viết học sinh (từ kho hàng cấp I đến cụm xã)
3
Thuốc chữa bệnh (từ kho hàng cấp I đến cụm xã)
4
Phân bón (từ kho hàng cấp I đến trung tâm huyện)
5
Thuốc trừ sâu (từ kho hàng cấp I đến trung tâm huyện)
6
Than (từ kho hàng cấp I đến trung tâm huyện)
7
Giống cây trồng (từ trạm sản xuất giống cây đến cụm xã)
Gồm: - Trợ giá
- Trợ cước
Ghi chú:
- Dân số hưởng chính sách miền núi:
Trong đó: + Dân số hưởng trợ cước dầu hoả
- Số học sinh hưởng chính sách miền núi:
- Diện tích gieo trồng (ha):
Trong đó: + Diện tích sử dụng phân bón:
+ Diện tích gieo trồng giống mới:
- Về định lượng tính theo Thông tư ..............................
- Mức trợ giá, trợ cước tính theo Văn bản số.....................của Ban Vật giá Chính phủ.
Ngày... tháng... năm....
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá
PHỤ LỤC SỐ 6
BIỂU SỐ 9A KH/ĐP
DỰ TOÁN CHI TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN DẦU HOẢ NĂM...... TỈNH, THÀNH PHỐ:............
Chỉ tiêu
Ư
ớc thực hiện năm...
Dự toán năm...
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
1
2
3
4
5
6
7
Tổng cộng
........
........
1. Từ kho hàng của doanh nghiệp Trung ương về tỉnh
2. Từ tỉnh về huyện:
- Huyện A
- ....
3. Từ huyện đến cụm xã
PHỤ LỤC SỐ 6
BIỂU SỐ 9B KH/ĐP
DỰ TOÁN CHI TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN GIẤY VIẾT HỌC SINH NĂM.....
TỈNH, THÀNH PHỐ:............
Chỉ tiêu
Ư
ớc thực hiện năm...
Dự toán năm...
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
1
2
3
4
5
6
7
Tổng cộng
........
........
1. Từ kho hàng của doanh nghiệp Trung ương về tỉnh
2. Từ tỉnh về huyện:
- Huyện A
- ....
3. Từ huyện đến cụm xã
PHỤ LỤC SỐ 6
BIỂU SỐ 9C KH/ĐP
DỰ TOÁN CHI TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN THUỐC CHỮA BỆNH NĂM....
TỈNH, THÀNH PHỐ:............
Chỉ tiêu
Ư
ớc thực hiện năm...
Dự toán năm...
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
1
2
3
4
5
6
7
Tổng cộng
........
........
1. Từ kho hàng của doanh nghiệp Trung ương về tỉnh
2. Từ tỉnh về huyện:
- Huyện A
- ....
3. Từ huyện đến cụm xã
PHỤ LỤC SỐ 6
BIỂU SỐ 9D KH/ĐP
DỰ TOÁN CHI TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN PHÂN BÓN, THUỐC TRỪ SÂU....
TỈNH, THÀNH PHỐ:............
Chỉ tiêu
Ư
ớc thực hiện năm...
Dự toán năm...
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
1
2
3
4
5
6
7
Tổng cộng
........
........
1. Phân bón
- Đạm
- Ka li
- Lân Văn Điển
- ........
- ........
2. Thuốc trừ sâu
PHỤ LỤC SỐ 6
BIỂU SỐ 9E KH/ĐP
DỰ TOÁN CHI TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN THAN NĂM................
TỈNH, THÀNH PHỐ:............
Chỉ tiêu
Ư
ớc thực hiện năm...
Dự toán năm...
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
Số lượng (tấn)
Mức T.cước bình quân (Tr.đồng/tấn
Thành tiền (Tr.đồng)
1
2
3
4
5
6
7
Tổng cộng
........
........
1. Từ kho hàng của doanh nghiệp Trung ương về tỉnh