THÔNG TUTHÔNG TƯ
Hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển
ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1. Phạm vi lĩnh vực ngành nghề nông thôn quy định trong Thông tư này, gồm:
a) Chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản.
b) Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ.
c) Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
d) Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
đ) Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh.
e) Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
f) Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước:
a) Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn theo quy định tại Điểm 1, Mục I Thông tư này (sau đây gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn) được thực hiện trên địa bàn nông thôn, bao gồm:
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được xác định cụ thể tại Điều 3, Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
- Hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.
b) Các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung và tiêu chuẩn công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
II. NỘI DUNG VÀ NGUỒN KINH PHÍ HỖ TRỢ
TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1. Nội dung hoạt động được hỗ trợ:
a) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.
b) Hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn, bao gồm: thực hiện các đề tài nghiên cứu độc lập hoặc phối hợp với cơ quan nghiên cứu khoa học để tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hoá thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
c) Hoạt động thông tin, tuyên truyền; xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ; bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo; tư vấn và dịch vụ.
d) Hoạt động đào tạo của các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề và chi phí đào tạo cho lao động nông thôn khi tham gia học lớp truyền nghề.
2. Căn cứ và nguồn kinh phí hỗ trợ:
2.1. Hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn:
Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn của cả nước và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện (nếu được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp) quyết định dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn; trong đó xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án bao gồm: từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ việc đầu tư dự án và nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương tối đa là 60% tổng mức vốn đầu tư dự án, nguồn huy động đóng góp của tổ chức cá nhân được hưởng lợi và nguồn huy động hợp pháp khác tối thiểu là 40% tổng mức đầu tư dự án. Đối với những tỉnh khó khăn về ngân sách, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện, mức hỗ trợ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2.2. Hỗ trợ một phần kinh phí đối với cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Căn cứ đề tài nghiên cứu khoa học (do cơ sở ngành nghề nghiên cứu độc lập hoặc phối hợp với cơ quan nghiên cứu khoa học) để tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hoá thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định: Đối với đề tài nghiên cứu do địa phương quản lý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học công nghệ, các Sở liên quan phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương (nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ) để thực hiện đề tài nghiên cứu; Đối với đề tài nghiên cứu do trung ương quản lý, Bộ trưởng Bộ quản lý lĩnh vực quyết định mức kinh phí hỗ trợ cho cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện trong phạm vi dự toán kinh phí nghiên cứu khoa học giao cho Bộ quản lý. Nội dung chi và mức chi cho từng nội dung hoạt động của đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện theo Thông tư liên tịch số 45/2001/TTLT/BTC-BKHCNMT ngày 18/6/2001 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc hướng dẫn một số chế độ chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 4/10/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước và văn bản quy phạm pháp luật khác quy định chế độ chi thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học.
2.3. Hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn:
Ngân sách trung ương hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công do trung ương quản lý; ngân sách địa phương hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công do địa phương quản lý; mức chi và nội dung chi cụ thể được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06/04/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư; Thông tư liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/5/2005 của Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp về hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công.
2.4. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
a) Hỗ trợ một phần chi phí lớp học cho các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề.
Căn cứ vào quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về công nhận làng nghề, cơ sở ngành nghề theo nội dung và tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định; Căn cứ vào khả năng phát triển các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề truyền thống và nhu cầu học nghề của địa phương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã hướng dẫn các cơ sở kinh tế, làng nghề nông thôn tổ chức lớp học truyền nghề, đồng thời phối hợp với cơ sở kinh tế, làng nghề xây dựng dự toán chi cho lớp học (bao gồm: tiền thuê địa điểm truyền nghề, các chi phí về vật tư phục vụ hoạt động truyền nghề (không bao gồm chi phí đối với các loại sản phẩm của lớp học truyền nghề có khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận) và xác định mức hỗ trợ chi phí cho lớp học truyền nghề. Căn cứ nhu cầu hỗ trợ kinh phí cho các lớp truyền nghề, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ các lớp học truyền nghề trên địa bàn huyện báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định gửi Sở Tài chính thẩm tra trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ một phần chi phí từ nguồn kinh phí đào tạo và dạy nghề của địa phương; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức theo dõi lớp học và quyết toán kinh phí hỗ trợ lớp học truyền nghề.
b) Lao động nông thôn khi tham gia học nghề ở các cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó: ngân sách địa phương bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo và dạy nghề phân cấp cho địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn kinh phí của dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và có số lượng lớn lao động nông thôn.
III. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI KHÁC
Ngoài những ưu đãi về hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Mục I và II của Thông tư này, các cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các cơ chế ưu đãi sau:
1. Khi di dời ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch, cơ sở ngành nghề nông thôn được ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí để di dời theo quy định tại Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 06/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy hoạch và Thông tư số 66/2005/TT-BTC ngày 18/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 6/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các cơ sở ngành nghề nông thôn được nhà nước hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo Quyết định số 279/2005/QĐ-TTg ngày 03/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế xây dựng thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006 - 2010.
3. Đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được: hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư; được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm theo quy định tại Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm; được Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo quy định tại Quyết định số 115/2004/QĐ-TTg ngày 25/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; được hưởng chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Việc xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phát triển ngành nghề nông thôn được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hương dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn khác.
2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.