Thông tư THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ BƯU ĐIỆN
Hướng dẫn việc nhận gửi, chuyển và phát bưu kiện, bưu phẩm có hàng hoá
gửi trong nước qua đường bưu điện
Để thực hiện Điều 24 của Điều lệ Bưu chính và viễn thông ban hành kèm theo Nghị định 121/HĐBT ngày 15 tháng 8 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng; thực hiện Chỉ thị 388/CT ngày 9 tháng 11 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương và biện pháp tăng cường chống buôn lậu và Công văn số 32/TB ngày 18 tháng 4 năm 1991 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng thông báo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường quản lý thị trường. Sau khi thoả thuận với Bộ Thương nghiệp và Ban Quản lý thị trường Trung ương; Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện hướng dẫn việc nhận gửi, chuyển và phát bưu kiện, bưu phẩm có hàng hoá gửi trong nước như sau:
I- QUY ĐỊNH VỀ MẶT HÀNG VÀ ĐIỀU KIỆN GỬI BƯU KIỆN, BƯU PHẨM CÓ HÀNG HOÁ
1- Không được phép gửi qua đường bưu điện các loại hàng Nhà nước cấm lưu thông (do Hội đồng Bộ trưởng quy định trong phụ lục I kèm theo).
2- Hàng hoá gửi trong bưu phẩm, bưu kiện, phải tuân theo Điều 6 của Điều lệ bưu chính và viễn thông (xem phụ lục 2).
3- Đối với những bưu phẩm, bưu kiện có chứa những loại hàng phải chịu thuế thì số hàng hoá đó phải có chứng từ đã nộp thuế theo pháp luật của Nhà nước.
II- THỦ TỤC NHẬN GỬI, CHUYỂN PHÁT VÀ XỬ LÝ HÀNG HOÁ GỬI TRONG BƯU PHẨM,
BƯU KIỆN
1- Việc nhận gửi.
1.1- Trách nhiệm của người gửi:
Chấp hành đầy đủ những thủ tục quy định của ngành Bưu điện.
Tuân theo những quy định về việc gửi các loại hàng hoá đã nêu trong phần I Thông tư này.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai các loại hàng gửi trong bưu phẩm, bưu kiện và các giấy tờ chứng minh kèm theo.
1.2- Trách nhiệm của nhân viên bưu điện:
a) Nhân viên bưu điện không chấp nhận những bưu phẩm, bưu kiện có vật phẩm hàng hoá do Nhà nước cấm lưu thông (theo điểm 1, phần I của Thông tư).
b) Nhân viên bưu điện báo khẩn cấp cho công an địa phương để xử lý theo pháp luật hiện hành những bưu phẩm, bưu kiện có chứa hàng Nhà nước cấm lưu thông có liên quan đến an ninh quốc gia như vũ khí, chất nổ, thuốc phiện.
2- Trên đường vận chuyển.
Các trạm kiểm soát, các ngành hữu quan không được mở để khám xét các túi gói thư trên đường vận chuyển.
Đối với các trường hợp có nghi vấn là hàng cấm lưu thông, hàng trốn lậu thuế, các cơ quan chức năng Nhà nước chỉ được xử lý tại Bưu cục trả bưu phẩm, bưu kiện đó; trừ trường hợp đặc biệt khẩn cấp về an ninh quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện quy định trong một văn bản riêng.
3- Trả bưu phẩm, bưu kiện có hoặc nghi là có hàng cấm lưu thông hoặc trốn thuế, lậu thuế.
3.1- Bưu cục trả báo cho cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan hữu quan, đồng thời mời người nhận đến nhận theo đúng giờ hẹn.
Bưu điện trả bưu phẩm, bưu kiện cho người nhận theo thủ tục quy định của ngành Bưu điện. Sau đó cơ quan hữu quan xử lý trực tiếp với người nhận theo pháp luật hiện hành.
3.2- Trường hợp người nhận từ chối không nhận hoặc Bưu cục trả đã mời đủ 3 lần mà người nhận vẫn không đến nhận, hết thời hạn lưu giữ quy định thì xử lý như sau:
a) Bưu phẩm, bưu kiện nghi là có hàng cấm lưu thông.
Bưu điện mời cơ quan có chức năng đến để xử lý. Trong trường hợp này, Bưu điện cùng cơ quan chức năng lập biên bản cho từng bưu phẩm, bưu kiện. Nếu bưu phẩm, bưu kiện có hàng cấm lưu thông, cơ quan kiểm tra lập biên bản thu giữ phải làm đầy đủ thủ tục theo luật định. Trường hợp sau khi xem xét không có hàng hoá cấm lưu thông, Bưu cục trả làm thủ tục chuyển hoàn người gửi kèm theo biên bản xử lý.
b) Bưu phẩm, bưu kiện nghi có đựng hàng hoá trốn thuế, lậu thuế được Bưu cục trả làm thủ tục chuyển hoàn về Bưu cục gốc để trả lại người gửi. Người gửi phải chịu cước phí chuyển hoàn theo thể lệ Bưu điện.
-
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm gửi cho Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện và Tổng công ty Bưu chính và viễn thông Việt Nam các văn bản pháp quy về chính sách lưu thông hàng hoá trong nước và chính sách quản lý thị trường, kể cả mỗi khi có sự thay đổi Tổng công ty Bưu chính và viễn thông Việt Nam thông báo và hướng dẫn các Bưu cục trực thuộc thực hiện.
2- Ngành Bưu điện có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận tiện và phối hợp với các cơ quan hữu quan (quản lý thị trường, công an, thuế vụ...), phát hiện xử lý theo đúng pháp luật hiện hành đối với những trường hợp lợi dụng đường Bưu điện để gửi hàng cấm lưu thông và trốn lậu thuế.
3- Trách nhiệm của cán bộ, nhân viên các ngành.
3.1- Nếu cán bộ nhân viên ngành bưu điện có hành vi bao che các trường hợp lợi dụng đường bưu điện gửi hàng cấm lưu thông, trốn, lậu thuế sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
3.2- Nếu cán bộ, nhân viên các ngành hữu quan có hành vi vi phạm pháp luật về Bưu điện và luật pháp khác của Nhà nước cơ sở bưu điện được quyền giữ bưu phẩm, bưu kiện lại và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên biết để có biện pháp xử lý.
4- Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư 02/TTPC ngày 17 tháng 8 năm 1984 của Tổng cục Bưu điện. Các quy định khác trước đây trái với Thông tư này đều được bãi bỏ.
5- Ngành bưu điện và các ngành hữu quan cùng với Uỷ ban nhân dân địa phương hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các cơ sở trực thuộc thực hiện đầy đủ nội dung thông tư này.
Quá trình thực hiện có điểm nào chưa rõ hoặc thấy cần phải bổ sung cho đầy đủ cần phản ảnh về Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Bộ Thương nghiệp, Ban Quản lý thị trường Trung ương để có hướng dẫn giải thích và nghiên cứu giải quyết.
-
PHỤ LỤC 1
CÁC MẶT HÀNG CẤM KINH DOANH
(Cấm lưu thông)
(Trích trong Điều 1 của Quyết định 193/HĐBT ngày 23/12/1988
của Hội đồng Bộ trưởng)1. Thuốc phiện và các hợp chất từ thuốc phiện (trường hợp sử dụng trong chế biến dược phẩm thì theo quy định riêng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
2. Vũ khí, một số quân trang, quân dụng theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ nội vụ.
3. Hiện vật thuộc di tích văn hoá, lịch sử và các sản phẩm văn hoá phản động, đồi truỵ theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin./.