Văn bản pháp luật: Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL

Hoàng Anh Tuấn
Toàn quốc
Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL
Thông tư
01/03/2011
22/12/2010

Tóm tắt nội dung

Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã

Bộ trưởng
2.010
 

Toàn văn

 

THÔNG TƯ
Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã
_____________________________

 

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Căn cứ Quyết định 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020";
Sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này Quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của các Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.
Trung tâm Văn hóa-Thể thao thuộc các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang, các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, các khu vui chơi giải trí chuyên biệt trên địa bàn xã không thuộc đối tượng của Thông tư này.
Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn 
1. Chức năng:
Tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân tộc; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia mọi hoạt động văn hóa, thể thao; phục vụ các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương.
2. Nhiệm vụ:
a) Xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm, trình UBND xã phê duyệt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;
b) Đề xuất, tham mưu cho UBND xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã; thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa-thể thao trong phạm vi xã;
c) Phối hợp với các ngành, đoàn thể ở xã để tổ chức các hoạt động văn hóa-thể thao trên địa bàn; hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao ở các khu dân cư ở xã; xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ chuyên môn, cộng tác viên; quản lý tài sản, tài chính được giao theo chế độ hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc;
d) Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em;
đ) Tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao do cấp huyện tổ chức;
3. Quyền hạn:
a) Kiến nghị với UBND xã và cơ quan quản lý văn hóa cấp trên về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã;
b) Được ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; trợ cấp cán bộ, cộng tác viên và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Được cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn do cơ quan chuyên ngành cấp trên tổ chức;
d) Được mời những người có chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực văn hóa-thể thao để chỉ đạo, hướng dẫn hoặc dàn dựng các chương trình hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã theo quy định của pháp luật;
đ) Được liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu, tổ chức 
1. Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ sở hiện có như: Nhà văn hóa, sân vận động, nhà tập luyện thể dục thể thao, câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ thể dục thể thao hoặc đài truyền thanh, trung tâm học tập công đồng ở xã;
2. Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã chịu sự lãnh đạo của UBND xã, sự chỉ đạo hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện và chịu sự quản lý nhà nước của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện;
3. Tổ chức, cán bộ:
a) Chủ nhiệm:
Là công chức xã phụ trách về văn hóa-xã hội, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND xã về toàn bộ hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã;
Chủ nhiệm phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp về chuyên ngành văn hóa-xã hội hoặc thể dục thể thao trở lên.
b) Phó Chủ nhiệm: Do Chủ tịch UBND xã bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.
c) Cán bộ, chuyên môn, nghiệp vụ không chuyên trách là những người đã qua đào tạo, tập huấn về: văn nghệ quần chúng; hướng dẫn viên thể dục thể thao; biên tập viên tuyên truyền; kẻ vẽ; thư viện, bảo tàng; kỹ thuật viên (âm thanh, ánh sáng, truyền thanh); phương pháp viên, công tác câu lạc bộ, công tác đội...
d) Cộng tác viên là trưởng các ngành, đoàn thể ở địa phương và những người tự nguyện, nhiệt tình, có khả năng tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.
Điều 4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí
1. Cơ sở vật chất:
a) Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã được Nhà nước giao đất sử dụng thuộc quỹ đất dành cho phúc lợi văn hóa-xã hội với diện tích theo quy hoạch đã được phê duyệt;
b) Quy mô Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, theo quy hoạch tập trung, tại Trung tâm xã, gồm các thành phần, chức năng chính:
Hội trường Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã: là hội trường đa năng, dùng để tổ chức các hoạt động học tập cộng đồng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, triển lãm; phòng đọc sách báo, đài truyền thanh xã, nhóm sinh hoạt câu lạc bộ sở thích và sân khấu ngoài trời;
Cụm các công trình thể dục thể thao: Có ít nhất một công trình thể dục thể thao như sân tập thể thao; nhà tập luyện thể thao; bể bơi hoặc hồ bơi và các công trình thể thao khác.
2. Trang thiết bị:
a) Trang thiết bị nhà văn hóa xã: Bàn, ghế hội trường; phông màn; thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, đạo cụ, phục trang chuyên dùng hoạt động văn nghệ; thiết bị truyền thanh, tủ giá sách, báo, tạp chí...
b) Trang thiết bị thể dục thể thao: Các dụng cụ thể dục thể thao chuyên dùng đảm bảo theo từng môn thể thao.
3. Kinh phí:
a) Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã là đơn vị sự nghiệp, được ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) đầu tư 100% kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị và đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
b) Công chức xã về văn hóa-xã hội là Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao; các cán bộ cấp xã kiêm nhiệm nhiệm vụ của Trung tâm Văn hóa-Thể thao, cán bộ không chuyên trách hoạt động tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã được hưởng chế độ, chính sách và phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
c) Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã chủ động tạo nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ văn hóa-thể thao, hội phí sinh hoạt các câu lạc bộ, nhóm sở thích;
d) Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa-thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn xã. 
Điều 5. Nội dung, phương thức hoạt động
1. Hoạt động tuyên truyền cổ động: Tổ chức các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bằng văn nghệ cổ động tại trung tâm và lưu động ở các khu dân cư trên địa bàn, phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của địa phương;
2. Hoạt động văn nghệ quần chúng: Xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; các tổ, đội văn nghệ; bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào; tổ chức biểu diễn văn nghệ, các cuộc liên hoan, giao lưu hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm; tổ chức đón các đoàn văn công chuyên nghiệp về biểu diễn tại địa phương; khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian… truyền thống ở địa phương;
3. Hoạt động thể dục thể thao: Xây dựng và phát triển phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", tăng số lượng người, gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian ở địa phương, đưa vào hoạt động của các lễ hội truyền thống, ngày Hội văn hoá thể thao ở các cấp; tổ chức các giải và đại hội thể dục thể thao định kỳ;
4. Hoạt động câu lạc bộ: Xây dựng và phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên;
5. Hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngày giỗ, ngày tết và các hình thức sinh hoạt văn hóa-xã hội ở địa phương; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng; bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội;
6. Hoạt động triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Giúp Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" xã chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá", "Khu dân cư tiên tiến", "Làng văn hóa”, "Tổ dân phố văn hóa";
7. Các hoạt động văn hóa-thể thao khác: Tổ chức các hoạt động dịch vụ về văn hóa-thể thao; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa-thể thao, điểm hoạt động thể dục thể thao ở các làng (thôn, bản, ấp…); xây dựng thư viện, tủ sách, phong trào đọc và làm theo sách báo; tham gia các hội thi, hội diễn, thi đấu thể dục thể thao… do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp trên tổ chức; phối hợp với các ngành, đoàn thể xã tổ chức các hoạt động văn hóa-thể thao, vui chơi giải trí phục vụ trẻ em và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. 
Điều 6. Tiêu chí của Trung tâm-Văn hóa thể thao xã 
(Tham khảo thiết kế điển hình khu Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BXD ngày 30 tháng 10 năm 2008 của Bộ Xây dựng).
TT
TIÊU CHÍ
NỘI DUNG
CỤ THỂ THEO VÙNG
Đô thị, đồng bằng
Miền núi, hải đảo
1
Diện tích đất được sử dụng
Diện tích đất qui hoạch khu Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã (không tính diện tích sân vận động)
Tối thiểu 2.500m2
Tối thiểu 1.500m2
2
Quy mô xây dựng
2.1. Hội trường Văn hóa đa năng
Tối thiểu 250 chỗ ngồi
Tối thiểu 200 chỗ ngồi
2.2. Phòng chức năng nhà văn hoá đa năng (hành chính; đọc sách, báo, thư viện; thông tin truyền thanh; câu lạc bộ; hoặc tập các môn thể thao đơn giản)
5 phòng
4 phòng trở lên
 
 
2.3. Sân bóng đá tối thiểu 90m x 120m (không tính diện tích các sân khác)
Sân bóng đá tối thiểu 90m x 120m (không tính diện tích các sân khác)
Sân bóng đá tối thiểu 90m x 120m (không tính diện tích các sân khác)
2.4. Công trình phụ trợ Trung tâm Văn hoá, Thể thao (nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa)
Có đủ
Đạt 80%
3
Trang thiết bị
3.1. Hội trường Văn hoá đa năng có đủ: Bàn, ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh
Có đủ
Đạt 80%
 
 
3.2.Dụng cụ thể dục thể thao đảm bảo theo công trình thể dục thể thao và các môn thể thao của từng xã
Có đủ
Đạt 80%
4
Cán bộ
4.1. Cán bộ quản lý: có trình độ trung cấp về văn hóa, thể dục thể thao trở lên; được hưởng phụ cấp chuyên trách và bán chuyên trách
Đạt
Đạt
4.2. Cán bộ nhiệp vụ có chuyên môn về văn hóa, thể thao; được hợp đồng và hưởng thù lao bán chuyên trách
Đạt
Có cộng tác viên thường xuyên
5
Kinh phí hoạt động
5.1 Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, ổn định hàng năm.
5.2 Thù lao cho cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách được quy định tại Thông tư liên tịch 03/2010/TTTL-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 12 tháng 5 năm 2010
Đảm bảo
Đảm bảo
6
Hoạt động văn hóa văn nghệ
6.1. Tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị
12 cuộc/năm
Tối thiểu 4 cuộc/ năm
6.2. Liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng
4 cuộc/năm
Tối thiểu 2 cuộc/năm
6.3. Duy trì hoạt động thường xuyên các câu lạc bộ
5 câu lạc bộ trở lên
3 câu lạc bộ trở lên
6.4. Thư viện, phòng đọc sách, báo
Hoạt động tốt
ơCó hoạt động
6.5. Hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc
Hoạt động tốt
Có hoạt động
6.6. Thu hút nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hóa
Tối thiểu 30% trở lên/tổng số dân
Tối thiểu 20% trở lên/tổng số dân
7
Hoạt động thể dục thể thao
7.1. Thi đấu thể thao
6 cuộc/năm
4 cuộc/năm
7.2. Thu hút nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
Tối thiểu 25%/tổng số dân
Tối thiểu 20 %/tổng số dân
8
Hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em
Thu hút trẻ em trên địa bàn dân cư tham gia hoạt động văn hóa, thể thao
Đạt 30% thời gian hoạt động
Đạt 20% thời gian hoạt động
9
Chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ
Chỉ đạo, hướng dẫn Nhà văn hóa, khu thể thao thôn (làng, ấp, bản) hiện có
Đạt 100%
Đạt 100%
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành văn bản chỉ đạo về: quy hoạch sử dụng đất; chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; quy định cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động; số lượng cán bộ, cộng tác viên và chế độ thù lao; cơ chế, biện pháp thực hiện xã hội hóa văn hóa đối với Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.
2. UBND cấp xã cần thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất cho Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã được phê duyệt; cân đối ngân sách, đảm bảo chi thường xuyên và chỉ đạo toàn diện về tổ chức, hoạt động theo tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.
3. Các cơ quan, đơn vị Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Nhà nước ở Trung ương và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cho Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.
4. Các phường, thị trấn tùy điều kiện cụ thể căn cứ vào Thông tư này để vận dụng, tổ chức, triển khai thực hiện.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2011. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT/BVHTT-UBTDTT ngày 24 tháng 7 năm 2007 của Bộ Văn hóa-Thông tin và Ủy ban Thể dục thể thao hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, phường, thị trấn và Quyết định số 2448/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 7 năm 2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Quy chuẩn Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung và chỉnh sửa cho phù hợp./.

Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=30306&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận