Văn bản pháp luật: Thông tư 12/2011/TT-BNNPTNT

Cao Đức Phát
Toàn quốc
Công báo số 161+162
Thông tư 12/2011/TT-BNNPTNT
Thông tư
29/04/2011
15/03/2011

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản nhà nước hàng năm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng
2.011
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý

tài sản nhà nước hàng năm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ

 và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 _______________________________________

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ các Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ Về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung thực hiện Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản cố định hàng năm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản cố định tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, các chương trình dự án, các Ban quản lý dự án (gọi chung là đơn vị) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thực hiện việc đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản cố định hàng năm áp dụng theo Thông tư này.

2. Các Ban quản lý dự án được sử dụng kinh phí chi cho quản lý dự án từ nguồn đầu tư để cải tạo mở rộng, nâng cấp các cơ sở vật chất hiện có, mua sắm, xử lý tài sản cố định hàng năm được áp dụng theo Thông tư này.

Điều 3. Nguyên tắc, điều kiện đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, mua sắm tài sản cố định

1. Việc đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản cố định phải căn cứ theo tiêu chuẩn, định mức đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bảo đảm thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Khi thực hiện việc đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản cố định, thủ trưởng đơn vị phải căn cứ kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí đã được Bộ phê duyệt.

Điều 4. Nguyên tắc sử dụng nguồn vốn

1. Nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư chỉ được sử dụng cho đầu tư cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất hiện có (bao gồm cả việc xây dựng mới các hạng mục công trình nhỏ trong các cơ sở đã có của đơn vị theo mặt bằng qui hoạch đã được phê duyệt). Không sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư cho các dự án đầu tư mới.

2. Không được sử dụng nguồn vốn mua sắm tài sản để: Sửa chữa, cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc, nhà xưởng, phòng thí nghiệm; và mua sắm các loại vật tư, trang thiết bị gắn với dự án đầu tư xây dựng cơ bản;

Chương II

LẬP KẾ HOẠCH VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

Điều 5. Lập và thẩm định kế hoạch sử dụng kinh phí

1. Căn cứ dự toán ngân sách giao và các nguồn vốn khác, đơn vị lập kế hoạch sử dụng kinh phí (bao gồm cả nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm tài sản cố định) trình Bộ phê duyệt, thời hạn gửi về Bộ trước ngày 01/4 hàng năm.

2. Cơ quan phê duyệt kế hoạch sử dụng các nguồn kinh phí.

a) Tổng cục trưởng các Tổng cục phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

b) Vụ trưởng Vụ Tài chính phê duyệt kế hoạch sử dụng tất cả các nguồn kinh phí (trừ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo).

c) Vụ Khoa học công nghệ và môi trường phê duyệt nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học.

d) Vụ Tổ chức cán bộ phê duyệt nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo.

Điều 6. Nguồn vốn để đầu tư, mua sắm tài sản nhà nước gồm:

1. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được sử dụng các nguồn vốn để cải tạo mở rộng, nâng cấp các cơ sở vật chất hiện có và mua sắm tài sản. Bao gồm:

a) Nguồn ngân sách nhà nước cấp và coi như ngân sách;

b) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ phúc lợi;

c) Nguồn viện trợ, tài trợ, biếu, tặng, cho và của dự án đơn vị được tiếp nhận theo quy định của pháp luật;

d) Nguồn thu từ bán, chuyển nhượng tài sản của đơn vị được phép sử dụng theo quy định của pháp luật;

đ) Các nguồn thu khác từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị được phép sử dụng;

e) Các nguồn vốn huy động, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các cơ quan hành chính (trừ 3 cơ quan hành chính là Cục bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản đang thực hiện theo Nghị định 43): sử dụng nguồn kinh phí quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này.

Chương III

QUY TRÌNH THỰC HIỆN NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP

CÓ TÍNH CHẤT ĐẦU TƯ

Điều 7. Thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương, thủ tục đầu tư công trình cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất hiện có (bao gồm cả việc xây dựng mới các hạng mục công trình nhỏ trong các cơ sở đã có của đơn vị) có tổng mức đầu tư từ 2 tỷ đồng trở lên, Bộ trưởng ủy quyền:

a) Tổng cục trưởng các Tổng cục phê duyệt chủ trương, thủ tục đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư cho các đơn vị thuộc Tổng cục trong kế hoạch được duyệt.

b) Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư cho tất cả các nguồn vốn đầu tư (trừ nguồn vốn sự nghiệp khoa học);

c) Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường phê duyệt chủ trương đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học;

2. Bộ trưởng ủy quyền cho Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ căn cứ kế hoạch sử dụng kinh phí hàng năm được duyệt, thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình (không bao gồm: làm thay đổi kết cấu chịu lực chính của công trình, mở rộng cơ sở vật chất hiện có của đơn vị làm thay đổi mặt bằng quy hoạch được phê duyệt) có tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư

1. Tờ trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư.

2. Bản thuyết minh nêu rõ sự cần thiết phải đầu tư.

3. Kế hoạch sử dụng kinh phí được cấp thẩm quyền phê duyệt

Điều 9. Phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng

1. Căn cứ kế hoạch sử dụng kinh phí được giao trong dự toán ngân sách hàng năm và căn cứ Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, các đơn vị lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng (Nội dung của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Luật Xây dựng và Điều 13 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ Về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình) trình Bộ trưởng phê duyệt.

2. Đối với các nguồn vốn quy định tại điểm a, c và d của khoản 1, Điều 6 Thông tư này, Bộ trưởng ủy quyền:

a) Tổng cục trưởng phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

b) Cục Quản lý xây dựng công trình phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng có tổng mức đầu tư từ 2 tỷ đồng trở lên cho các cơ quan, đơn vị do Bộ trực tiếp quản lý.

c) Thủ trưởng các đơn vị phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình đầu tư cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình (không bao gồm: làm thay đổi kết cấu chịu lực chính của công trình, mở rộng cơ sở vật chất hiện có của đơn vị làm thay đổi mặt bằng quy hoạch được phê duyệt) có tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng.

3. Đối với các nguồn vốn quy định tại điểm b, đ và e của khoản 1, Điều 6 Thông tư này, thủ trưởng đơn vị căn cứ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng theo quy định.

Điều 10. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu

1. Kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đồng thời với phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng.

2. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm Phê duyệt hồ sơ mời thầu; Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu theo quy định.

3. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Bộ (Tổng cục, Cục, Vụ liên quan) sau 5 ngày làm việc khi có kết quả.

Điều 11. Điều chỉnh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng

1. Thời gian điều chỉnh: Thực hiện trong năm tài chính.

2. Khi việc điều chỉnh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình xây dựng làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án, vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư tại khoản 2 và 3, Điều 9 quyết định; trường hợp điều chỉnh báo cáo KT-KT không làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án, không vượt tổng mức đầu tư thì thủ trưởng đơn vị (chủ đầu tư) được tự quyết định. Những nội dung điều chỉnh dự án phải được thẩm định trước khi quyết định.

Điều 12. Quản lý chất lượng công trình xây dựng và nghiệm thu

1. Thủ trưởng đơn vị thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng và tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo quy định hiện hành.

2. Các Tổng cục, Vụ, Cục được Bộ trưởng giao phê duyệt chủ trương đầu tư có trách nhiệm kiểm tra việc nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng để báo cáo Bộ theo quy định.

Điều 13. Quyết toán vốn đầu tư

1. Khi công trình, hạng mục công trình nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, thủ trưởng đơn vị phải lập báo cáo quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian thực hiện nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng phải hoàn thành trong năm ngân sách.

Thời gian tối đa để lập báo cáo quyết toán nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư kể từ ngày bàn giao đưa vào sử dụng là 3 tháng. Thời gian thẩm tra phê duyệt quyết toán tối đa là 3 tháng.

2. Báo cáo quyết toán công trình hoàn thành thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

3. Bộ trưởng ủy quyền phê duyệt quyết toán.

a) Tổng cục trưởng các Tổng cục thẩm tra, phê duyệt quyết toán cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

b) Vụ trưởng Vụ Tài chính thẩm tra, phê duyệt quyết toán cho tất cả các đơn vị (trừ các đơn vị trực thuộc 3 Tổng cục).

Chương IV

QUY TRÌNH ĐẦU TƯ MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 14. Phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản nhà nước và thực hiện đấu thầu

1. Việc đầu tư mua sắm tài sản cố định từ các nguồn vốn quy định tại điểm a, c và d của khoản 1, Điều 6 Thông tư này thẩm quyền quyết định như sau:

1.1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản nhà nước có tổng giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên và các tài sản là: nhà, đất, phương tiện vận chuyển, vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc, các tài sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, Bộ trưởng ủy quyền:

a) Tổng cục trưởng các Tổng cục phê duyệt kế hoạch mua sắm tài sản cố định cho các đơn vị thuộc Tổng cục theo quy định trong kế hoạch được Bộ duyệt;

b) Vụ trưởng Vụ Tài chính phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản nhà nước cho tất cả các nguồn vốn đầu tư (trừ vốn sự nghiệp khoa học và chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo);

c) Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản nhà nước từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học;

d) Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản nhà nước từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo.

1.2. Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp căn cứ kế hoạch sử dụng kinh phí được duyệt, thực hiện phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản nhà nước có tổng giá trị dưới 1 tỷ đồng (không bao gồm các tài sản là: nhà, đất, phương tiện vận chuyển, vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc, các tài sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia).

2. Việc đầu tư mua sắm tài sản cố định từ các nguồn vốn quy định tại điểm b, đ và e của khoản 1, Điều 6 Thông tư này để phục vụ các hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh dịch vụ của đơn vị, thủ trưởng đơn vị căn cứ vào kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở quy chế hoạt động của đơn vị quyết định việc mua sắm tài sản cố định cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả (không bao gồm các tài sản là: nhà, đất, phương tiện vận chuyển, vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc).

3. Thực hiện đấu thầu

a) Người quyết định đầu tư là người phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đồng thời với phê duyệt danh mục và giá trị mua sắm tài sản cố định.

b) Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm Phê duyệt hồ sơ mời thầu; Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu theo quy định.

c) Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Bộ (Tổng cục, các Vụ liên quan) sau 5 ngày làm việc khi có kết quả.

Điều 15. Điều chỉnh danh mục và giá trị mua sắm tài sản cố định

1. Khi bổ sung hoặc thay đổi danh mục tài sản mua sắm, hoặc giá trị mua sắm tài sản thay đổi tổng dự toán được duyệt thủ trưởng đơn vị báo cáo người quyết định đầu tư (Bộ, Tổng cục) phê duyệt điều chỉnh.

2. Kinh phí còn dư sau đấu thầu: căn cứ nhu cầu đầu tư và danh mục thiết bị được phê duyệt, đơn vị được phép mua bổ sung các tài sản có trong danh mục thiết bị đã được phê duyệt.

Nghiêm cấm sử dụng kinh phí còn dư của dự án (hoặc kinh phí còn dư sau đấu thầu) để thực hiện đầu tư mua sắm mới tài sản không được người quyết định đầu tư phê duyệt danh mục.

3. Thời gian điều chỉnh: Trước 31/10 hàng năm.

Điều 16. Nghiệm thu, Quyết toán

Việc thực hiện nghiệm thu và quyết toán theo quy định hiện hành.

Chương V

XỬ LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 17. Thẩm quyền quyết định xử lý tài sản nhà nước

1. Thu hồi, bán tài sản nhà nước.

a) Bộ trưởng quyết định thu hồi, bán tất cả các tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trừ tài sản là trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất).

b) Việc thu hồi, bán tài sản là trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ Tài chính quyết định.

2. Điều chuyển tài sản nhà nước.

2.1. Bộ trưởng quyết định điều chuyển tài sản nhà nước là nhà, đất, phương tiện vận chuyển, vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc, các tài sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia.

2.2. Đối với các tài sản còn lại, Bộ trưởng ủy quyền cho:

a) Tổng cục trưởng các Tổng cục quyết định điều chuyển tài sản cho các đơn vị thuộc Tổng cục.

b) Vụ trưởng Vụ Tài chính quyết định điều chuyển tài sản cho tất cả các đơn vị (trừ các đơn vị thuộc 3 Tổng cục);

3. Thanh lý tài sản nhà nước.

3.1. Bộ trưởng quyết định thanh lý tài sản nhà nước là nhà, phương tiện vận chuyển, vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc.

3.2. Bộ trưởng ủy quyền quyết định thanh lý các tài sản còn lại (không bao gồm nhà, phương tiện vận chuyển, vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản trở lên cho:

a) Tổng cục trưởng các Tổng cục quyết định thanh lý tài sản cho các đơn vị thuộc Tổng cục.

b) Vụ trưởng Vụ Tài chính quyết định thanh lý tài sản cho các đơn vị (trừ các đơn vị thuộc 3 Tổng cục);

3.3. Đối với các tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản (không bao gồm nhà, đất, phương tiện vận chuyển, vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc), thủ trưởng đơn vị quyết định thanh lý tài sản theo quy định.

4. Việc xử lý tài sản của dự án khi kết thúc thực hiện theo quy định tại Thông tư 87/2010/TT-BTC ngày 15/6/2010 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước khi dự án kết thúc và các văn bản thay thế bổ sung.

5. Số tiền thu được từ việc bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan (nếu có) được xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 18. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản nhà nước

Thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 17, Điều 21 và Điều 28 của Nghị định 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này:

Tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị được xử lý theo nguyên tắc cấp nào quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa thì cấp đó quyết định việc xử lý tài sản. Trình tự, thủ tục thực hiện như sau:

1. Đối với các tài sản thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, đơn vị phải lập hồ sơ đề nghị xử lý tài sản nhà nước. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị xử lý tài sản nhà nước;

b) Công văn đề nghị được tiếp nhận tài sản của cơ quan, đơn vị nhận tài sản và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan (đối với trường hợp điều chuyển và bán tài sản nhà nước);

c) Danh mục tài sản nhà nước đề nghị xử lý (đối với trường hợp điều chuyển, bán, thanh lý) thực hiện theo Điều 11 mục 5 quy định tại Thông tư 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009. 

d) Các quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc xử lý tài sản nhà nước;

đ) Ý kiến bằng văn bản xác nhận chất lượng tài sản của cơ quan chuyên môn của tài sản nhà nước cần xử lý.

2. Đối với các tài sản thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị xử lý tài sản, Vụ Tài chính ra quyết định hoặc trình Bộ ra quyết định xử lý tài sản nhà nước. Nội dung chủ yếu của quyết định xử lý tài sản nhà nước gồm:

a) Cơ quan, đơn vị có tài sản xử lý;

b) Cơ quan, đơn vị được nhận tài sản (đối với trường hợp điều chuyển và bán tài sản nhà nước);

c) Danh mục tài sản xử lý;

d) Phương thức xử lý tài sản;

d) Quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử lý tài sản;

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

Điều 19. Thời hạn thẩm tra hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư

1. Thời hạn thẩm tra hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư, dự thảo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư không quá 05 ngày làm việc theo dấu công văn đến (hồ sơ đầy đủ theo quy định tại Điều 8).

2. Trường hợp hồ sơ trình duyệt chưa đúng hoặc thiếu so với quy định, cơ quan thẩm tra có trách nhiệm thông báo cho đơn vị bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày hồ sơ đến văn thư).

Điều 20. Xử lý sau quyết toán

Sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán của cấp có thẩm quyền, thủ trưởng đơn vị (chủ đầu tư) có trách nhiệm thu hồi công nợ (nếu có), thanh toán các khoản phải trả và tất toán tài khoản sau 6 tháng được phê duyệt quyết toán.

Điều 21. Hạch toán tài sản cố định

Các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm mở sổ kế toán theo dõi, hạch toán ghi tăng hoặc giảm giá trị tài sản cố định và vốn hình thành tài sản cố định theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị

Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, gây chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí, bị xử phạt theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại kinh tế thì phải bồi thường. Thủ trưởng đơn vị (Chủ đầu tư) phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để các nhà thầu, đơn vị tư vấn, chuyên gia vi phạm các quy định của pháp luật.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư này và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong lập dự toán sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ tài sản cố định từ vốn kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm tài sản cố định hàng năm.

b) Chỉ đạo xây dựng quy chế thực hiện việc đầu tư sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước tại đơn vị theo quy định hiện hành và quy định về phân cấp tại Thông tư này.

c) Tổ chức quản lý, sử dụng tài sản tiết kiệm, có hiệu quả.

d) Định kỳ hàng năm báo cáo về Bộ (Vụ Tài chính) tình hình quản lý, sử dụng tài sản và kết quả thực hiện quy định phân cấp, uỷ quyền này cùng với báo cáo quyết toán ngân sách năm, làm căn cứ kiểm tra, giám sát và tổng hợp việc đầu tư, mua sắm tài sản của các cơ quan, đơn vị.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất về Bộ (Vụ Tài chính) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau bốn mươi lăm ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư 27/2010/TT-BNNPTNT ngày 04/5/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu tư sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ tài sản cố định hàng năm từ vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26307&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận