Văn bản pháp luật: Thông tư 12/2011/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA

Toàn quốc
Công báo số 157+158, năm 2012
Thông tư 12/2011/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA
Thông tư
01/02/2012
15/12/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng

Phó Tổng Thanh tra
2.011
Thanh tra Chính phủ

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng

_________________________

 

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007);

Căn cứ Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng;

Để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng; xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả Hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng, Liên ngành: Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng giữa các cơ quan như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng giữa Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng.

Điều 3. Nguyên tắc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu

1. Tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và pháp luật về bí mật nhà nước; đảm bảo tính chính xác, khách quan, đầy đủ và kịp thời.

2. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả, tính thống nhất và đồng bộ trong trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin

1. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Hệ thống dữ liệu chung) phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Chủ trì việc tổ chức đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng.

2. Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cung cấp cho Hệ thống dữ liệu chung thông tin về kết quả hoạt động phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

3. Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm bố trí cán bộ, điều kiện vật chất, kỹ thuật để đảm bảo cho việc trao đổi, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng các quy định về trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng; kịp thời phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.

Điều 5. Nội dung cung cấp thông tin, dữ liệu

1. Thanh tra Chính phủ cung cấp cho Hệ thống dữ liệu chung thông tin, tài liệu sau: Báo cáo tổng hợp của ngành Thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng; kết quả các cuộc thanh tra đã phát hiện có dấu hiệu tham nhũng; số tiền, tài sản tham nhũng do các cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi; kết quả phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giải quyết tố cáo; kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học và tài liệu khác liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Danh mục nội dung thông tin thể hiện tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.

2. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp cho Hệ thống dữ liệu chung thông tin về kết quả xử lý tội phạm tham nhũng, thông tin về số tiền, tài sản tham nhũng được Viện kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị thu hồi, tạm giữ, phong tỏa. Danh mục nội dung thông tin được thể hiện tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.

3. Tòa án nhân dân tối cao cung cấp cho Hệ thống dữ liệu chung thông tin về việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án nhân dân các cấp đối với các tội phạm về tham nhũng, thông tin về số tiền, tài sản tham nhũng được Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước. Danh mục nội dung thông tin được thể hiện tại Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này.

4. Kiểm toán Nhà nước cung cấp cho Hệ thống dữ liệu chung thông tin về: Số cuộc kiểm toán đã thực hiện; số vụ, việc chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý; số tiền, tài sản bị quản lý và sử dụng sai được cơ quan Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị thu hồi; các văn bản quy phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung; kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Danh mục nội dung thông tin được thể hiện tại Phụ lục số 4 kèm theo Thông tư này.

5. Bộ Quốc phòng cung cấp cho Hệ thống dữ liệu chung thông tin về số vụ án, số bị can bị khởi tố, điều tra, bị đề nghị truy tố về các tội phạm về tham nhũng do các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thực hiện, thông tin về số tiền, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân đề nghị thu hồi, tạm giữ, phong tỏa. Danh mục nội dung thông tin được thể hiện tại Phụ lục số 5 kèm theo Thông tư này.

6. Bộ Công an cung cấp cho Hệ thống dữ liệu chung thông tin về số vụ án, số bị can bị khởi tố, điều tra, bị đề nghị truy tố về các tội phạm về tham nhũng do các cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân thực hiện, thông tin về số tiền, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đề nghị thu hồi, tạm giữ, phong tỏa. Danh mục nội dung thông tin được thể hiện tại Phụ lục số 6 kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Hình thức trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu

Việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu thực hiện dưới hình thức văn bản hành chính hoặc thông điệp dữ liệu điện tử (có giá trị pháp lý như nhau). Thanh tra Chính phủ là đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin do các bộ, ngành cung cấp phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng và Hệ thống dữ liệu chung.

Điều 7. Kỳ thống kê thông tin và thời hạn thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu

1. Thông tin hàng tháng: Thống kê thông tin, số liệu tính từ ngày đầu tháng đến ngày cuối tháng, cung cấp chậm nhất vào ngày 20 tháng sau.

2. Thông tin cả năm: Thống kê thông tin, số liệu tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12, cung cấp chậm nhất vào ngày 20/01 năm sau.

3. Thông tin đột xuất: Trong trường hợp Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hoặc các cơ quan khác có thẩm quyền yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin thuộc danh mục chỉ tiêu thông tin quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc các thông tin khác có liên quan nhưng theo kỳ thống kê và thời hạn khác với các quy định tại khoản 1 của điều này thì các bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ động cung cấp theo yêu cầu của các cơ quan đó, đồng thời cung cấp cho hệ thống dữ liệu chung và các cơ quan chức năng. Trường hợp yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin được gửi đến Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị các cơ quan liên quan cung cấp thông tin.

Điều 8. Quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu

1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cần thiết để bảo mật Hệ thống dữ liệu chung, bảo đảm sự chia sẻ thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời, hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được quy định tại Thông tư này.

2. Thanh tra Chính phủ cung cấp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mã số truy cập và mật khẩu để khai thác thông tin từ Hệ thống dữ liệu chung thông qua mạng điện tử. Các cơ quan có trách nhiệm bảo mật mã số, mật khẩu được cung cấp.

3. Ngoài các cơ quan ban hành Thông tư Liên tịch này, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chia sẻ thông tin cho các cơ quan, người có thẩm quyền sau để sử dụng, khai thác thông tin từ Hệ thống dữ liệu chung:

a) Các cơ quan Trung ương của Đảng;

b) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội;

c) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước;

d) Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ;

đ) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

4. Trong trường hợp Thanh tra Chính phủ sử dụng các thông tin, dữ liệu từ Hệ thống dữ liệu chung để xây dựng các báo cáo về phòng, chống tham nhũng gửi cơ quan có thẩm quyền thì đồng gửi cho các cơ quan tham gia Thông tư này.

Điều 9. Đơn vị đầu mối thực hiện viên cung cấp, trao đổi thông tin

1. Các cơ quan chức năng phân công đơn vị trực thuộc làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin theo quy định của Thông tư này như sau:

a) Thanh tra Chính phủ: Cục Chống tham nhũng.

b) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Vụ Thống kê Tội phạm.

c) Tòa án nhân dân tối cao: Vụ Thống kê Tổng hợp.

d) Kiểm toán Nhà nước: Vụ Tổng hợp.

đ) Bộ Quốc phòng: Thanh tra Bộ Quốc phòng.

e) Bộ Công an: Thanh tra Bộ Công an.

2. Các đơn vị, tổ chức là đầu mối quy định tại Khoản 1 điều này có trách nhiệm phân công cụ thể lãnh đạo đơn vị và bộ phận chức năng thực hiện các nhiệm vụ về trao đổi, cung cấp, quản lý thông tin, dữ liệu; mở và đăng ký với Thanh tra Chính phủ hộp thư điện tử, số fax, số điện thoại được sử dụng cho việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư Liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2012 và thay thế Thông tư Liên tịch số 2462/2007/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA ngày 19/11/2007 của Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan phản ánh về Thanh tra Chính phủ để phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27301&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận