Văn bản pháp luật: Thông tư 121/TCCP-TC

Phan Ngọc Tường
Công báo điện tử;
Thông tư 121/TCCP-TC
Thông tư
14/06/1995
14/06/1995

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về hệ thống làm công tác tổ chức Nhà nước ở các cơ quan Trung ương và địa phương

Bộ trưởng (Trưởng ban)
1.995
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Toàn văn

THôNG Tư

THÔNG TƯ

CỦA BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ

Hướng dẫn về hệ thống làm công tác tổ chức nhà nước ở các cơ trung ương và địa phương

Ngày 9/11/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 181/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Khoản 11 của Điều 2 Nghị định này đã quy định trách nhiệm của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ "hướng dẫn và chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

Điều 4 của Nghị định cũng đã xác định rõ hệ thống tổ chức ở các cơ quan Trung ương và địa phương, cụ thể là:

- Vụ hoặc Phòng Tổ chức - Cán bộ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- Ban Tổ chức chính quyền ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Phòng hoặc bộ phận tổ chức ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Để thực hiện Nghị định số 181/CP và bảo đảm sự thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực công tác tổ chức hệ thống hành chính Nhà nước, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn một số điểm như sau về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức - Cán bộ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) và Phòng hoặc bộ phận tổ chức huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện).

I- Về Vụ Tổ chức - Cán bộ:

1/ Chức năng:

Vụ Tổ chức - Cán bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chác năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, đào tạo.

2/ Nhiệm vụ, quyền hạn:

Vụ Tổ chức - Cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

2.1 - Đề xuất với Bộ trưởng về chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách nền hành chính Nhà nước trong phạm vi trách nhiệm của Bộ.

2.2 - Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các quy định về lĩnh vực công tác tổ chức - cán bộ, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các quy định đó.

2.3 - Xây dựng đề án để Bộ trình Chính phủ quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ; hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện sau khi được Chính phủ quyết định.

2.4 - Thẩm định và trình Bộ trưởng quyết định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ máy cơ quan Bộ, các đơn vị sự nghiệp do Bộ trực tiếp quản lý.

2.5 - Chủ trì hoặc tham gia xây dựng đề án để Bộ trình Chính phủ quyết định phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung quản lý ngành, lĩnh vực công tác.

Giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức bộ máy của ngành ở địa phương và bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với Giám đốc Sở ở địa phương.

2.6 - Giúp Bộ trưởng quyết định thành lập, giải thể các doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước.

2.7 - Xây dựng kế hoạch biên chế và quỹ tiền lương hành chính, sự nghiệp của Bộ để Bộ trình Chính phủ quyết định; trình Bộ trưởng quyết định biên chế, quỹ tiền lương hành chính, sự nghiệp cho các tổ chức, đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ và kiểm tra việc thực hiện.

2.8 - Giúp Bộ trưởng quản lý đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước thuộc thẩm quyền của Bộ:

- Xây dựng cơ cấu ngạch công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ và trên cơ sở đó xây dựng các định mức, chỉ tiêu biên chế hành năm.

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực để Bộ duyệt; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đó.

- Nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với công chức, viên chức của ngành để Bộ trình Chính phủ.

- Hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trong toàn ngành thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với công chức, viên chức thuộc ngành.

- Xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức Nhà nước thuộc ngành trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; xây dựng nội dung thi tuyển, thi chuyển ngạch đối với các ngành chuyên môn do Bộ phụ trách.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chức danh tiêu chuẩn công chức, viên chức trong phạm vi ngành; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thi tuyển, thi chuyển ngạch, đánh giá công chức, viên chức theo quy định của Nhà nước.

- Thống kê, kiểm kê công chức, viên chức thuộc Bộ quản lý.

- Giúp Bộ trưởng quyết định việc bố trí, điều động, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với công chức, viên chức thuộc diên Bộ quản lý.

- Quản lý hồ sơ công chức, viên chức theo quy định.

2.9 - Giúp Bộ trưởng thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

2.10 - Giúp Bộ trưởng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tào tạo điều kiện để các Hội, tổ chức phi Chính phủ thuộc ngành, lĩnh vực hoạt động tuân theo pháp luật.

2.11 - Hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ.

2.12 - Chịu sự hướng dẫn và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Gủi báo cáo công tác định kỳ hàng quý, nửa năm, hàng năm và báo cáo đột xuất, chuyên đề lên Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Cung cấp thông tin, tư liệu cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ theo quy định của Ban.

2.13 - Quản lý đội ngũ công chức, viên chức thuộc Vụ theo quy định của Nhà nước.

2.14 - Thực hiện các nhiệm vụ công tác khác do Bộ trưởng giao.

3/ Cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức - Cán bộ:

Vụ Tổ chức - Cán bộ do một Vụ trưởng lãnh đạo. Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc thực hiện các nhiệm vụ của Vụ. Giúp việc Vụ trưởng có một số Phó Vụ trưởng. Phó Vụ trưởng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Vụ trưởng.

Biên chế của Vụ Tổ chức - Cán bộ do Bộ trưởng quyết định trong tổng số biên chế hành chính của Bộ được giao.

ở các cơ quan không có Vụ Tổ chức - Cán bộ thì Phòng Tổ chức - Cán bộ được vận dụng nhiệm vụ, quyền hạn như quy định đối với Vụ Tổ chức - Cán bộ. Phòng Tổ chức - Cán bộ có thể đặt trực thuộc thủ trưởng cơ quan hoặc Văn phòng cơ quan.

II- Về Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1/ Vị trí, chức năng:

Ban Tổ chức chính quyền tỉnh là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, có trách nhiệm giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy, công chức và viên chức Nhà nước, lập Hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ.

Ban chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự hướng dẫn và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Ban có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

2/ Nhiệm vụ và quyền hạn:

Ban Tổ chức chính quyền tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

2.1- Đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân về chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách nền hành chính Nhà nước trong phạm vi tỉnh.

2.2- Xây dựng trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hoặc tự mình ban hành theo phân cấp hoặc uỷ quyền của Uỷ ban Nhân dân các quy định về lĩnh vực công tác được giao, hướng dẫn và chỉ đạo việc thực hiện các quy định đó.

2.3- Xây dựng trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh đề án tổng thể về tổ chức các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước khác và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban Nhân dân.

2.4- Thẩm định trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy, Quy chế làm việc các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản Nhà nước khác và các tổ chức sự nghiệp thuộc Uỷ ban Nhân dân, đề án tổ chức các Phòng, Ban chuyên môn trực thuộc Uỷ ban Nhân dân các huyện và cấp tương đương.

Nghiên cứu trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định những vấn đề về phân công, phân cấp quản lý giữa các ngành và giữa ngành với huyện trong phạm vị quản lý của địa phương.

2.5- Chủ trì hoặc tham gia về việc thành lập, giải thể các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước.

2.6- Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh quản lý biên chế khu vực hành chính sự nghiệp thuộc tỉnh:

- Xây dựng kế hoạch biên chế và quỹ tiền lương hành chính, sự nghiệp hàng năm trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

- Sau khi kế hoạch được thông qua, dự thảo kế hoạch phân bổ biên chế, quỹ tiền lương cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp, Uỷ ban Nhân dân huyện và cấp tương đương trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định.

- Thông báo kế hoạch biên chế quỹ tiền lương hành chính sự nghiệp sau khi được Uỷ ban Nhân dân tỉnh duyệt và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.

2.7- Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh quản lý đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước thuộc thẩm quyền của tỉnh:

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng công chức, viên chức đại biểu Hội đồng Nhân dân, thành viên Uỷ ban Nhân dân các cấp thuộc tỉnh; phối hợp và hướng dẫn các ngành, các cấp trong việc thực hiện kế hoạch đó sau khi được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định việc bố trí, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với công chức, viên chức thuộc diện Uỷ ban Nhân dân tỉnh quản lý.

- Quyết định việc tuyển dụng bố trí, điều động, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với công chức, viên chức được Uỷ ban Nhân dân tỉnh uỷ quyền quản lý.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chức danh, tiêu chuẩn công chức, viên chức trong phạm vị tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thi tuyển, thi chuyển ngạch, đánh giá công chức, viên chức theo quy định của Nhà nước.

- Xây dựng cơ cấu công chức trong các đơn vị thuộc tỉnh.

- Thống kê, kiểm kê công chức, viên chức thuộc tỉnh.

- Quản lý hồ sơ công chức, viên chức theo quy định.

2.8- Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện công tác xây dựng chính quyền địa phương:

- Nghiên cứu, hướng dẫn theo dõi thực hiện về tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

- Tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp theo Luật định; giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử; làm báo cáo kết quả bầu cử Hội đồng Nhân dân và bầu Uỷ ban Nhân dân; làm các thủ tục để Uỷ ban Nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê chuẩn các chức danh bầu cử của chính quyền theo quy định của pháp luật.

- Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh theo dõi, quản lý địa giới hành chính trong tỉnh; chuẩn bị các thủ tục đề nghị việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính theo quy định; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quyết định của Trung ương về thay đổi địa giới hành chính ở địa phương.

2.9- Thẩm định và trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định cho phép lập Hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc lập Hội và hoạt động của Hội quần chúng, tổ chức phi Chính phủ.

2.10- Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vị lĩnh vực công tác được giao đối với các tổ chức của các ngành Trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn tỉnh.

2.11- Hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ quan làm công tác tổ chức - cán bộ của các Sở, Ban, ngành trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Phòng hoặc bộ phận tổ chức trực thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện và cấp tương đương.

2.12- Chịu sự hướng dẫn và chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Gửi báo cáo công tác định kỳ hàng quý, nửa năm, hàng năm và báo cáo đột xuất, chuyên đề lên Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Cung cấp thông tin tài liệu cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ theo quy định của Ban.

2.13- Quản lý kinh phí, tài sản và đội ngũ công chức, viên chức của Ban theo quy định của Nhà nước.

2.14- Thực hiện nhiệm vụ công tác khác do Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao.

3/ Cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh:

Ban Tổ chức chính quyền tỉnh do một Trưởng ban lãnh đạo. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng ban Tổ chức chính quyền do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định sau khi thoả thuận với Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Giúp Trưởng ban có 1 đến 2 Phó trưởng ban. Phó trưởng ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban. Tuỳ theo khối lượng, tính chất công tác và đặc điểm của địa phương có thể bố trí một Phó trưởng ban phụ trách công tác tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và biện chế, một Phó trưởng ban phụ trách công tác xây dựng chính quyền.

Cơ cấu tổ chức của Ban bao gồm Phòng hoặc Tổ, cụ thể là:

- Phòng (Tổ) tổ chức - công chức (tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương,

quản lý công chức, viên chức, đào tạo...);

- Phòng (Tổ) xây dựng chính quyền địa phương (địa giới, bầu cử chính quyền các cấp);

- Phòng Hành chính - Tổng hợp.

Biên chế của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định trong tổng số biên chế hành chính của tỉnh được giao.

III- Về Phòng hoặc bộ phận tổ chức huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định việc thành lập Phòng hoặc bộ phận tổ chức huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Phòng hoặc bộ phận tổ chức huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ban Tổ chức chính quyền tỉnh hướng dẫn.

* *

*

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung, đề nghị các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh phản ánh cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ xem xét, giải quyết ./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=9869&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận