Văn bản pháp luật: Thông tư 13/2009/TT-BLĐTBXH

Nguyễn Thanh Hoà
Toàn quốc
Công báo số 257 & 258/2009;
Thông tư 13/2009/TT-BLĐTBXH
Thông tư
20/06/2009
06/05/2009

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao

Thứ trưởng
2.009
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động các khu

công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao

_______________________

Căn cứ Bộ luật Lao động được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23/6/1994; và các Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động các năm 2002, 2006, 2007;

Căn cứ Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu công nghệ cao;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là khu công nghiệp).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội);

- Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Ban quản lý khu công nghiệp);

- Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp.

Điều 3. Quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp

1. Một số nội dung chủ yếu của quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp:

a) Nắm cung cầu và sự biến động cung cầu lao động trong khu công nghiệp làm cơ sở để quy hoạch, xây dựng kế hoạch về phân bố và sử dụng lao động trong khu công nghiệp;

b) Thống kê, thông tin về: người lao động; mức sống, thu nhập, nhà ở của người lao động trong khu công nghiệp.

c) Nắm chắc thông tin về người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn cơ sở của từng doanh nghiệp.

d) Tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trong khu công nghiệp;

đ) Hướng dẫn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp;

e) Hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động áp dụng đúng các quy định pháp luật về: hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; tiền lương; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; an toàn, vệ sinh lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; công đoàn; tranh chấp lao động; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp.

f) Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm xã hội và xử lý các vi phạm pháp luật lao động;

g) Giải quyết các tranh chấp lao động theo quy định pháp luật.

2. Trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về lao động theo sự phân cấp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp theo ủy quyền của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 4. Ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp

Ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp được hướng dẫn như sau:

1. Nguyên tắc ủy quyền

a) Đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp.

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

c) Căn cứ vào bộ máy biên chế quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp để thống nhất nội dung ủy quyền cho phù hợp.

d) Ban quản lý khu công nghiệp phải trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đã được ủy quyền, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan ủy quyền và pháp luật.

2. Hình thức ủy quyền

Ủy quyền phải được làm bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này; và được lập thành ba (03) bản, mỗi bên giữ một (01) bản, một (01) bản gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Nội dung ủy quyền

Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương và bộ máy của Ban quản lý khu công nghiệp, các bên trao đổi để thống nhất việc ủy quyền tất cả hoặc một số nội dung công việc sau:

a) Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp; nội dung công việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

b) Cấp sổ lao động cho người lao động Việt Nam làm việc trong khu công nghiệp; nội dung công việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Thông tư số 18/LĐTBXH-TT ngày 31/5/1994 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc cấp, quản lý và sử dụng sổ lao động.

- Thông tư số 10/LĐTBXH-TT ngày 22/5/1996 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung việc cấp, quản lý và sử dụng sổ lao động.

c) Đăng ký nội quy lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; nội dung công việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Nghị định số 41/CP ngày 06/7/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

- Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP ngày 06/7/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

- Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định số 33/2003/NĐ-CP về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

d) Đăng ký thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; nội dung công việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

Nghị định số 93/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 196/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thỏa ước lao động tập thể.

đ) Đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; nội dung công việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

- Thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ về tiền lương đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước.

- Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ về tiền lương đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp.

- Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 114/2002/NĐ-CP về tiền lương đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ quan tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam.

- Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 5/12/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ về tiền lương.

e) Đăng ký kế hoạch đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp; nội dung công việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

- Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 8/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

f) Nhận báo cáo về tình hình ký kết, sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; nội dung công việc này được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về hợp đồng lao động.

- Thông tư số 20/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm.

- Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động.

4. Trách nhiệm của các cơ quan

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, giám sát và kiểm tra các bên thực hiện ủy quyền.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý khu công nghiệp ngoài việc thực hiện đúng theo quy định tại khoản 3 Điều này còn có trách nhiệm sau:

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp.

- Định kỳ sáu (06) tháng, một (01) năm, Ban quản lý khu công nghiệp có báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ ủy quyền gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trường hợp khu công nghiệp nằm trên địa bàn nhiều tỉnh thì Ban quản lý khu công nghiệp sao gửi báo cáo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh để theo dõi, phối hợp.

- Ban quản lý khu công nghiệp phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện để giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền xảy ra trong các doanh nghiệp nằm trong địa bàn khu công nghiệp.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Bãi bỏ Quyết định số 1414/1997/QĐ-BLĐTB&XH ngày 17 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý lao động cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

3. Trường hợp khu công nghiệp nằm trên địa bàn của nhiều tỉnh, thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở của Ban quản lý khu công nghiệp có văn bản ủy quyền.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12123&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận