THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại Quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp
ban hành kèm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN ngày 25 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
___________________________________
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
Căn cứ Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công thương;
Bộ trưởng Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Điều 8 Quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN ngày 25 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 Quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN
1. Doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 41/2006/QĐ-BCN ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp sửa đổi Điều 6, khoản d Điều 8 của Quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN ngày 25 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) được Bộ trưởng Bộ Công thương cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu gửi Cục Hóa chất gồm:
a) Đơn đề nghị nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này;
b) Hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu hoặc các chứng từ như hợp đồng nguyên tắc, thoả thuận bán hàng, mua hàng. Trường hợp hồ sơ nộp qua đường bưu điện thì doanh nghiệp nộp bản sao hợp đồng có chứng thực; trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì doanh nghiệp nộp bản sao hợp đồng kèm theo bản chính để đối chiếu, so sánh.
3. Thời gian cấp Giấy phép
a) Trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Cục Hóa chất thông báo cho tổ chức, cá nhân nội dung chưa đầy đủ, chưa hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ 01 lần duy nhất;
b) Trong thời gian không quá 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn và hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, Cục Hóa chất kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp giấy phép hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do chưa cấp hoặc không cấp.
4. Thời hạn của Giấy phép
Giấy phép được cấp theo hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu và có giá trị trong thời hạn ghi tại Giấy phép.
5. Gia hạn Giấy phép
a) Trường hợp hết thời hạn ghi trong Giấy phép nhưng việc nhập khẩu, xuất khẩu chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong thì doanh nghiệp phải có công văn đề nghị kèm theo bản sao Giấy phép đã được cấp và bản sao trừ lùi của cơ quan hải quan để Bộ Công Thương xem xét gia hạn thêm.
Bản sao Giấy phép và bản sao trừ lùi của cơ quan hải quan theo một trong các hình thức sau:
- Bản sao có chứng thực: đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
- Bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu: đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;
- Bản scan từ bản gốc: đối với hồ sơ nộp qua mạng điện tử.
b) Trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép, Cục Hóa chất thông báo cho tổ chức, cá nhân nội dung chưa đầy đủ, chưa hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ 01 lần duy nhất.
Thời hạn cấp Giấy phép gia hạn chậm nhất là 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn và hồ sơ quy định tại điểm a khoản này. Giấy phép chỉ gia hạn một lần trong năm kế hoạch, thời gian gia hạn không quá 03 (ba) tháng.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2011./.