Văn bản pháp luật: Thông tư 144/1998/TT-BTC

 
Công báo điện tử;
Thông tư 144/1998/TT-BTC
Thông tư
18/11/1998
03/11/1998

Tóm tắt nội dung

Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng và quản lý tài chính vốn tài trợ của Chính phủ Pháp năm 1997

 
1.998
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 144/1998-TT-BTC NGÀY 3 THÁNG 11 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
VỐN TÀI TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ PHÁP NĂM 1997

Căn cứ Nghị định số 58/CP ngày 30-8-1993 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài và thông tư số 18/TC-TCĐN ngày 5-3-1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định 87/CP ngày 5-8-1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 16-7-1996 và Nghị định 92/CP ngày 23-8-1997 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 43/CP ngày 16-7-1996 và Nghị định 93/CP ngày 23-8-1997 của Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu;

Căn cứ Thông tư 81/1998/TTLT-BTC-NHNN hướng dẫn quy trình, thủ tục và quản lý việc rút vốn đối với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 17-6-1998;

Căn cứ Thông tư 06/1998/TTLT-BKH-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành ngày 14-8-1998.

Căn cứ công văn số 1047/CP-QHQT ngày 3-9-1998 của Chính phủ về cơ chế tài chính đối với các dự án sử dụng vốn tài trợ của Chính phủ Pháp thuộc Nghị định thư năm 1997;

Căn cứ theo Thoả ước áp dụng cho khoản vay Kho bạc Pháp và Thoả ước mở tín dụng tư nhân có bảo lãnh tài trợ cho Nghị định thư Việt Pháp năm 1997 đã ký ngày 9-9-1998 giữa Bộ Tài chính Việt Nam và các cơ quan được uỷ quyền của Chính phủ Pháp;

Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế sử dụng và quản lý tài chính vốn tài trợ theo Nghị định tư tài chính năm 1997 ký ngày 12-11-1997 giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ CHXHCN Việt Nam như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Nguồn tài trợ theo Nghị định thư năm 1997 của Chính phủ Pháp cho Chính phủ Việt Nam (vay tín dụng hỗn hợp giữa một phần từ nguồn vay Kho bạc Pháp và phần còn lại từ nguồn vay ngân hàng thương mại có bảo lãnh) là nguồn thu của Ngân sách Nhà nước, được hạch toán vào Ngân sách Nhà nước và quản lý theo đúng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi cho Chính phủ Pháp khi đến hạn đối với các khoản vay.

2. Căn cứ vào mục tiêu, tính chất sử dụng vốn cũng như khả năng hoàn trả, các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ thuộc Nghị định thư 1997 được phân loại như sau:

- Các dự án được Ngân sách Nhà nước cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn vay tín dụng hỗn hợp theo danh mục tại Phụ lục I đính kèm.

- Các dự án thực hiện chế độ vay lại từ nguồn vay tín dụng hỗn hợp theo danh mục cụ thể tại Phụ lục II đính kèm.

3. Các chủ đầu tư tiến hành các thủ tục để triển khai thực hiện dự án sử dụng vốn tài trợ của Nghị định thư tài chính Việt - Pháp 1997 theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 6229-BKH/KTĐN ngày 9-9-1998 về việc thực hiện Nghị định thư Việt - Pháp 1997.

4. Việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi phải thực hiện theo đúng những quy định tại Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16-7-1996 và Nghị định số 92/CP ngày 23-8-1997 của Chính phủ.

5. Trên cơ sở dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ dự án có trách nhiệm thực hiện các thủ tục đấu thầu và ký kết Hợp đồng thương mại mua hàng hoá và cung cấp dịch vụ với các công ty của Pháp theo đúng những quy định tại Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16-7-1996 và Nghị định số 93/CP ngày 23-8-1997 của Chính phủ. Các hợp đồng thương mại phải được ký kết trước ngày 30-6-1999 (trừ trường hợp được Chính phủ Pháp đồng ý gia hạn thêm sau này).

6. Cơ quan cấp phát và cho vay lại vốn vay:

* Đối với các dự án thuộc diện cấp phát, Bộ Tài chính giao cho hệ thống Tổng cục Đầu tư Phát triển quản lý và cấp phát vốn.

* Đối với các dự án thực hiện chế độ vay lại từ Ngân sách Nhà nước: Bộ Tài chính uỷ nhiệm cho hệ thống Tổng cục Đầu tư Phát triển trực tiếp quản lý và cho vay lại.

7. Bộ Tài chính uỷ quyền cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện các dịch vụ thanh toán đối ngoại với các Ngân hàng Pháp để thực hiện rút vốn vay tín dụng tư nhân có bảo lãnh và được hưởng phí theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Ngay sau khi rút vốn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính bản kê rút vốn để làm thủ tục hạch toán Ngân sách. Mỗi kỳ đến hạn trả nợ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam gửi cho Bộ Tài chính bản sao thông báo nợ đến hạn của khoản vay để Bộ Tài chính chuyển tiền trả nợ đúng hạn cho các Ngân hàng Pháp.

8. Các tổ chức và cá nhân Pháp thực hiện các dự án trong khuôn khổ của Nghị định thư Việt - Pháp 1997 được miễn thuế lợi tức công ty, thuế thu nhập cá nhân và các thuế trực thu khác. Miễn các loại thuế và phí đánh vào việc thanh toán tiền gốc và lãi của Nghị định thư Việt - Pháp 1997. Hàng hoá, trang thiết bị và dịch vụ của các dự án nhập khẩu bằng nguồn ODA của Pháp thuộc Nghị định thư 1997 để phục vụ cho cho dự án được miễn thuế nhập khẩu theo công văn số 852/CP-QHQT ngày 25-7-1998 của Chính phủ và hướng dẫn thực hiện của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính.

9. Việc xây dựng kế hoạch, bố trí cấp phát và cho vay vốn đối ứng của các dự án được thực hiện theo Thông tư số 81/1998/TTLT-BTC-NHNN hướng dẫn quy trình, thủ tục và quản lý việc rút vốn đối với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 17-6-1998 và Thông tư 06/1998/TTLT-BKH-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành ngày 14-8-1998.

10. Các chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng vốn đúng mục đích theo các cam kết, quy định trong các Thoả ước đã ký, Hợp đồng thương mại đã được duyệt, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, kế toán thống kê và hạch toán kế toán theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Trình tự và thủ tục rút vốn vay

a) Các chủ dự án cần gửi Báo cáo Nghiên cứu khả thi kèm theo Quyết định đầu tư, Hợp đồng thương mại đã được ký kết cùng văn bản phê duyệt danh mục hàng hoá nhập khẩu cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) để thực hiện các thủ tục rút vốn vay nước ngoài.

b) Các chủ dự án được sử dụng nguồn vốn tài trợ có trách nhiệm lập kế hoạch rút vốn nước ngoài và kế hoạch vốn đối ứng trong nước hàng năm cho dự án gửi cho các cơ quan chủ quản cấp trên, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại và Tổng cục Đầu tư Phát triển) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

c) Căn cứ để Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục rút vốn cho các Chủ dự án là công văn đề nghị rút vốn tài trợ để thực hiện các hợp đồng thương mại của chủ dự án, thông báo phê duyệt hợp đồng thương mại của Chính phủ Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Cơ quan Thương mại Pháp tại Hà Nội.

- Đối với các dự án được Ngân sách Nhà nước cấp phát (nêu tại phụ lục I của Thông tư này): Bộ Tài chính sẽ làm thủ tục uỷ quyền cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm các thủ tục rút vốn khoản vay ngân hàng tư nhân Pháp có bảo lãnh ngay sau khi nhận được các tài liệu nói trên. Đồng thời Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) sẽ làm thủ tục uỷ quyền rút vốn trực tiếp cho Cơ quan phát triển Pháp (AFD) để rút phần vốn vay Kho bạc Pháp.

- Đối với các dự án thuộc diện vay lại vốn ODA (nêu tại phụ lục II của Thông tư này); Bộ Tài chính sẽ làm thủ tục uỷ quyền cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm các thủ tục rút vốn khoản vay ngân hàng tư nhân Pháp có bảo lãnh sau khi Chủ dự án đã ký Hợp đồng tín dụng với Cục Đầu tư Phát triển địa phương theo các điều kiện cho vay lại nêu tại điểm 2 dưới đây. Đồng thời Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) sẽ làm thủ tục uỷ quyền rút vốn trực tiếp cho Cơ quan phát triển Pháp (AFD) để rút phần vốn vay Kho bạc Pháp.

d) Bộ Tài chính ký và xác nhận văn bản hợp đồng thương mại gốc và các hoá đơn chứng từ rút vốn có liên quan khi được Cơ quan Thương mại Pháp tại Hà Nội gửi tới để rút vốn vay thanh toán cho Nhà cung cấp Pháp.

e) Trường hợp việc thực hiện dự án không thể tiến hành hoặc thực hiện chậm trễ do chưa hoàn tất các thủ tục hồ sơ, muốn rút hoặc chuyển đổi dự án vì bất kỳ lý do nào, chủ dự án phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

f) Thời hạn rút vốn cuối cùng cho các dự án là 31-12-2001 (trừ trường hợp được Chính phủ Pháp đồng ý gia hạn thêm sau này).

2. Thực hiện việc cấp phát và cho vay lại

a) Đối với các dự án được Ngân sách cấp phát vốn (Phụ lục I)

* Bộ Tài chính thực hiện ghi thu Ngân sách Nhà nước và cấp phát cho các dự án ghi tại Phụ lục I đính kèm theo chế độ hiện hành về cấp phát và quản lý vốn xây dựng cơ bản từ Ngân sách Nhà nước:

- ghi chi cấp phát vốn cho dự án qua Tổng cục Đầu tư Phát triển đối với những dự án thuộc danh mục Ia (các dự án thuộc Trung ương quản lý);

- ghi chi cấp phát vốn cho dự án qua các Sở Tài chính - Vật giá đối với những dự án thuộc danh mục Ib (các dự án thuộc địa phương quản lý). Sở Tài chính - Vật giá thông báo cho Cục Đầu tư Phát triển địa phương để theo dõi quản lý cấp phát.

* Chứng từ để Bộ Tài chính ghi thu, ghi chi qua Ngân sách Nhà nước là:

- Giấy báo nợ của Cơ quan Phát triển Pháp thay mặt Kho bạc Pháp và/hoặc

- Giấy báo nợ của ngân hàng Pháp cung cấp

* Đối với các dự án được Ngân sách cấp phát vốn nói trên, các khoản chi phí ngoài nước và phí giao dịch đối ngoại sẽ do Ngân sách Nhà nước thanh toán. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại và Tổng cục Đầu tư Phát triển) về các khoản phí phải trả nói trên để Bộ Tài chính chuyển trả cho phía Pháp đúng hạn.

b) Đối với các dự án vay lại (Phụ lục II)

* Sau khi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hợp đồng thương mại ký giữa chủ dự án (hoặc đơn vị được cơ quan chủ quản dự án uỷ quyền nhập hàng) và công ty Pháp, chủ dự án phải tiến hành ký Hợp đồng tín dụng với Cục Đầu tư Phát triển địa phương theo uỷ nhiệm của Tổng cục Đầu tư Phát triển về việc vay lại nguồn vốn tài trợ từ Ngân sách Nhà nước.

Hợp đồng tín dụng sẽ là cơ sở để chủ dự án chính thức nhận nợ với Ngân sách Nhà nước và thực hiện các nghĩa vụ của mình theo đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng này.

Căn cứ để ký Khế ước nhận nợ giữa Chủ dự án và cơ quan Đầu tư Phát triển là các chứng từ ghi thu, ghi chi các khoản rút vốn nước ngoài qua Ngân sách Nhà nước (Thông tri duyệt y dự toán của Vụ Tài chính đối ngoại, Lệnh chi của Ngân sách Nhà nước và Giấy báo có của Kho bạc Nhà nước) để Tổng cục Đầu tư Phát triển cho vay lại cho các dự án.

Thời điểm chủ dự án nhận nợ với Ngân sách Nhà nước là thời điểm phía Pháp ghi nợ cho Chính phủ Việt Nam.

* Các điều kiện cho vay lại đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tín dụng hỗn hợp (Phụ lục II):

+ Nguồn Kho bạc Pháp (chiếm 80% tổng số vốn vay của dự án):

- Thời gian vay lại: 15 năm có 4 năm ân hạn

- Lãi suất vay lại: 1%/năm

- Đồng tiền cho vay: đồng Phrăng Pháp

- Lãi phạt chậm trả: theo quy định tại Hợp đồng tín dụng ký với Cục Đầu tư phát triển (không thấp hơn mức lãi phạt của Pháp là 5%/năm)

+ Nguồn tín dụng tư nhân (chiếm 20% tổng số vốn vay của dự án):

- Thời gian vay lại: 10 năm không có ân hạn

- Lãi suất vay lại: theo lãi suất tín dụng xuất khẩu hiện hành tại Pháp vào ngày ký Hợp đồng, được ghi cụ thể trong mỗi Phiếu xin chấp thuận tín dụng và sẽ được cố định trong suốt thời gian vay.

- Đồng tiền cho vay: đồng Phrăng Pháp

- Lãi phạt chậm trả: theo quy định tại Hợp đồng tín dụng ký với Cục Đầu tư phát triển (không thấp hơn mức lãi phạt của Pháp là PIBOR + 2,5%/năm).

* Các khoản phí: Ngoài lãi suất vay lại nói trên, các chủ dự án còn phải chịu các khoản phí sau:

Phí nước ngoài:

Các chủ dự án phải chịu những khoản phí sau đối với phần vay tín dụng tư nhân có bảo lãnh:

+ Phí cam kết: 0,5%/năm trên số vốn chưa rút của mỗi phiếu xin chấp thuận tín dụng.

+ Phí quản lý: 0,8% trả một lần trên tổng số vốn vay theo mỗi Phiếu xin chấp thuận tín dụng.

+ Phí bảo hiểm tín dụng của COFACE: trả theo tỷ lệ phí do Pháp thông báo tính trên số tiền vay từ nguồn tín dụng tư nhân có bảo lãnh.

+ Phí khác do ngân hàng nước ngoài thu trong quá trình rút vốn (nếu có).

Phí trong nước: Phí dịch vụ cho vay lại vốn vay của Chính phủ 0,2%/năm trên số dư nợ gốc do hệ thống Tổng cục Đầu tư Phát triển thu.

Cách thanh toán các khoản phí:

- Phí giao dịch đối ngoại của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ do Bộ Tài chính chuyển trả cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

- Tổng cục Đầu tư Phát triển trực tiếp thu phí trong nước theo mức 0,2%/năm từ chủ dự án cùng với lịch thu hồi gốc và lãi. Sau khi thu từ chủ dự án, Tổng cục Đầu tư có trách nhiệm chuyển trả 25% số phí nêu trên cho Ngân sách Nhà nước theo công văn số 2983-TC/TCĐN ngày 8-8-1998 của Bộ Tài chính để Bộ Tài chính có nguồn chi trả phí thanh toán đối ngoại cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

- Chủ dự án sẽ trực tiếp trả các phí ngoài nước của phần tín dụng tư nhân có bảo lãnh gồm phí cam kết, phí quản lý và các khoản phí khác (nếu có) cho phía Pháp thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khi nhận được thông báo của Ngân hàng.

Chủ dự án nhận nợ với Tổng cục Đầu tư Phát triển phần phí bảo hiểm tín dụng được Pháp tài trợ bổ sung và được cộng thêm vào số vốn vay tín dụng tư nhân có bảo lãnh.

 

III. CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, BÁO CÁO VÀ QUYẾT TOÁN

a) Định kỳ 6 tháng 1 lần các chủ dự án có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại, Tổng cục Đầu tư Phát triển), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ quản về tình hình tiếp nhận, sử dụng và hoàn trả vốn vay.

b) Khi hoàn thành dự án, các chủ dự án có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư gửi cơ quan chủ quản dự án và Bộ Tài chính. Việc quyết toán vốn đầu tư nói trên thực hiện theo đúng những hướng dẫn tại Thông tư số 66-TC/ĐTPT ngày 2-11-1996 của Bộ Tài chính.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các cơ quan chủ quản của dự án có trách nhiệm hướng dẫn các chủ dự án thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, chủ dự án và các cơ quan chủ quản cần phản ảnh kịp thời để Bộ Tài chính xem xét giải quyết.

PHỤ LỤC I

DANH MỤC DỰ ÁN ĐƯỢC SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG
HỖN HỢP CỦA PHÁP TÀI KHOÁ 1997 THEO
CHẾ ĐỘ NHÀ NƯỚC CẤP PHÁT VỐN
(Kèm theo Thông tư số 144/1998/TT/BTC, ngày 3-11-1998 của Bộ Tài chính)

Ia. Các dự án thuộc Trung ương quản lý:

TT

Tên dự án

Cơ quan chủ quản

Vốn tài trợ (triệu FF)

1

Phục hồi hầm đường sắt

Bộ GTVT

52

2

Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội - Vinh


Bộ GTVT


58

3

Trạm phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh


Đài truyền hình VN


35

Ib. Các dự án thuộc địa phương quản lý:

TT

Tên dự án

Cơ quan chủ quản

Vốn tài trợ (triệu FF)

1

Mở rộng cầu Sài Gòn gđ2

UBND TP Hồ Chí Minh

23

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC DỰ ÁN ĐƯỢC SỬ DỤNG KHOẢN VAY TÍN DỤNG
HỖN HỢP TÀI KHOÁ 1997 THEO CHẾ ĐỘ NHÀ NƯỚC
CHO VAY LẠI VỐN
(Kèm theo Thông tư số 144/1998/TT/BTC, ngày 3-11-1998 của Bộ Tài chính)

TT

Tên dự án

Cơ quan chủ quản

Vốn tài trợ (triệu FF)

1

Hiện đại hoá hệ thống cấp nước Hà Giang

UBND Hà Giang

20

2

Hiện đại hoá hệ thống cấp nước Sơn la

UBND Sơn la

25

3

Hiện đại hoá hệ thống cấp nước Kon tum

UBND Kon tum

20

4

Hiện đại hoá hệ thống cấp nước Bình Phước

UBND Bình Phước

10

5

Hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn cuối

UBND Đà Nẵng

27

6

Xử lý nước thải công nghiệp cho Nhà máy dệt Phước Long


Bộ Công nghiệp


5,5

7

Đào tạo phi công

Cục HKDD VN

12

8

Tổng đài điện thoại

Tổng cục Bưu điện

7,5

9

Trung tâm điều độ lưới điện Hà Nội

Bộ Công nghiệp

15

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=7387&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận