Văn bản pháp luật: Thông tư 17/2004/TT-BTC

Lê Thị Băng Tâm
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 17/2004/TT-BTC
Thông tư
Hết hiệu lực toàn bộ
08/04/2004
12/03/2004

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 97/2000/TT-BTC ngày 12/10/2000 hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với các Quĩ tín dụng nhân dân cở sở

Thứ trưởng
2.004
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 97/2000/TT-BTC ngày 12/10/2000 hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

 

Căn cứ Nghị định số 166/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về chế độ Tài chính đối với các Tổ chức tín dụng;

Căn cứ Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

Để đảm bảo việc hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động, xu hướng và qui mô phát triển của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 97/2000/TT-BTC ngày 12/10/2000 hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với các Quĩ tín dụng nhân dân cơ sở như sau:

 

1. Mục 1 Chương I sửa lại như sau: “Đối tượng áp dụng Thông tư này là các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được thành lập, tổ chức và hoạt động theo qui định của Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan”.

2. Mục 1 phần II Chương II sửa lại như sau:

“1/Quản lý doanh thu:

1.1/Doanh thu của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, bao gồm các khoản sau:

a) Thu từ hoạt động nghiệp vụ: Thu lãi cho vay khách hàng; thu lãi tiền gửi; thu dịch vụ thanh toán; thu phí dịch vụ ngân quỹ; thu các dịch vụ khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

b) Thu từ hoạt động khác: Thu lãi góp vốn, mua cổ phần, nghiệp vụ uỷ thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thu về dịch vụ cầm cố (nếu có), thu từ các dịch vụ khác.

c) Thu hoàn nhập các khoản dự phòng đã trích từ chi phí theo qui định hiện hành; thu về các khoản vốn đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.

d) Thu khác, bao gồm cả thu về nhượng bán, thanh lý tài sản.

1.2/Nguyên tắc xác định doanh thu:

a) Doanh thu từ hoạt động cho vay, thu lãi tiền gửi là số phải thu trong kỳ được xác định theo nguyên tắc sau:

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở hạch toán số lãi phải thu đối với các khoản nợ trong hạn vào doanh thu. Đối với số lãi phải thu của các khoản nợ quá hạn không phải hạch toán doanh thu, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ.

Số lãi phải thu của các khoản cho vay trong hạn đã hạch toán vào doanh thu nhưng khách hàng không thanh toán được đúng hạn, sau 90 ngày khách hàng chưa thanh toán hoặc chưa đến 90 ngày nhưng khoản vay chuyển sang nợ quá hạn Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được hạch toán giảm doanh thu và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ.

b) Đối với các khoản thu từ các hoạt động góp vốn liên doanh, liên kết, mua cổ phần doanh thu phát sinh là số thu được trong năm.

c) Đối với doanh thu từ các hoạt động còn lại: Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được hưởng sau khi đã trừ ( - ) các khoản giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại (nếu có chứng từ hợp lệ) được khách hàng chấp nhận thanh toán, không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.

1.3. Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được quyền miễn, giảm lãi tiền vay cho khách hàng theo qui định của Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

1.4. Các khoản thu của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phát sinh trong kỳ phải có hoá đơn, chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

3. Mục 2 Phần II Chương II sửa lại như sau:

Chi phí của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bao gồm:

2.1. Chi cho hoạt động nghiệp vụ:

Chi phí phải trả lãi tiền gửi, lãi tiền vay.

Chi phí phải trả lãi cho nguồn vốn nhận uỷ thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Chi phí phải trả khác cho hoạt động nghiệp vụ.

2.2. Chi phí cho cán bộ, nhân viên làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở:

Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương cho cán bộ làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Hàng năm, Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội thành viên xem xét, quyết định mức lương, phụ cấp và thù lao công vụ cho cán bộ, nhân viên phù hợp với kết quả kinh doanh của Quỹ.

Tiền lương và các khoản phụ cấp trả cho cán bộ nhân viên của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở căn cứ theo hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể.

Hàng năm, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phải đăng ký với cơ quan thuế (nơi đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) về tổng quỹ lương phải trả trong năm, căn cứ và phương thức trả lương.

Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn cho cán bộ làm việc trực tiếp tại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mà người sử dụng lao động phải đóng góp theo các qui định hiện hành của Nhà nước.

Chi trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm theo qui định của pháp luật hiện hành.

Chi bảo hộ lao động đối với những đối tượng cần trang bị bảo hộ lao động trong khi làm việc.

Chi phí tiền ăn giữa ca cho người lao động do Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở qui định phù hợp với hiệu quả kinh doanh, mức chi cho mỗi người không vượt quá mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định đối với công chức Nhà nước.

2.3. Chi phí về tài sản.

Chi phí khấu hao tài sản cố định cho hoạt động kinh doanh, chi phí sửa chữa tài sản cố định thực hiện theo chế độ hiện hành về quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định do Bộ Tài chính qui định đối với các doanh nghiệp.

Chi phí tiền thuê tài sản được hạch toán vào chi phí kinh doanh theo số tiền phải trả trong năm căn cứ vào hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản.

Chi phí tiền mua bảo hiểm tài sản.

Chi phí nhượng bán, thanh lý tài sản cố định (bao gồm cả giá trị còn lại của tài sản cố định khi thanh lý và nhượng bán).

2.4. Chi phí dịch vụ mua ngoài:

Là các khoản chi phí vận chuyển, điện, nước, điện thoại, vật liệu, giấy tờ in, văn phòng phẩm, công cụ lao động, phòng cháy chữa cháy và các dịch vụ khác.

Các khoản chi trên phải có đầy đủ chứng từ hoặc hoá đơn hợp lệ theo qui định của Bộ Tài chính.

2.5. Các khoản chi phí bảo đảm an toàn cho hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở:

a) Chi trích lập dự phòng trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở theo qui định tại điểm 5 mục I Chương II Thông tư số 97/2000/TT-BTC ngày 12/10/2000 của Bộ Tài chính.

b) Chi phí tham gia Bảo hiểm tiền gửi hoặc tổ chức bảo đảm an toàn hệ thống theo qui định của pháp luật.

c) Đóng phí tham gia hiệp hội ngành nghề trong nước theo qui định của phát luật.

2.6/Các khoản chi phí khác:

Chi phí đào tạo cán bộ nhân viên làm việc trong Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bao gồm chi phí tổ chức các lớp đào tạo tại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và chi phí cử cán bộ đi đào tạo tại các trường đào tạo theo chế độ Nhà nước qui định.

Chi phí cho Tổ chức Đảng, đoàn thể tại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được lấy từ nguồn kinh phí của tổ chức này, nếu nguồn kinh phí của tổ chức này không đủ thì phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào chi phí của Quỹ.

Chi phí về nghiệp vụ kho quĩ.

Chi bảo vệ cơ quan.

Chi cho việc thu hồi các khoản nợ quá hạn khó đòi.

Qũy tín dụng nhân dân cơ sở được chi cho các tổ chức có tư cách pháp nhân đã có đóng góp trong việc thu hồi các khoản nợ quá hạn khó đòi trên cơ sở công sức đóng góp và kết quả thu nợ do các tổ chức này đóng góp đem lại.

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở xây dựng quy chế chi cho việc thu hồi các khoản nợ quá hạn khó đòi trình Hội đồng quản trị phê duyệt và công bố công khai các quy chế này. Giám đốc Qũy tín dụng nhân dân cơ sở chịu trách nhiệm về các khoản chi này.

Mức chi cho các tổ chức có tư cách pháp nhân có đóng góp trong việc thu hồi các khoản nợ quá hạn khó đòi trong năm của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở không được vượt quá 2% số nợ thu hồi. Mức chi thu hồi nợ tối đa đối với một món nợ không vượt quá 10 triệu đồng.

Chi phí cho khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã bù đắp bằng các nguồn theo qui định tại điểm 6 mục I chương II Thông tư số 97/2000/TT-BTC ngày 12/10/2000 của Bộ Tài chính.

2.7. Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết, giao dịch, đối ngoại, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị và các loại chi phí khác theo số thực chi và phải có hoá đơn hoặc chứng từ theo qui định của Bộ Tài chính, gắn với kết quả kinh doanh. Mức chi tối đa không vượt quá 10% tổng số các khoản chi phí hợp lý từ khoản 2.1 đến khoản 2.6 của mục này.

2.8/Chi phí nộp thuế, phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động kinh doanh (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp) bao gồm: thuế môn bài, thuế sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, thuế tài nguyên, lệ phí cầu phà, lệ phí sân bay, các loại thuế và lệ phí khác.

4. Mục 2 Phần III Chương II: bỏ qui định “trích quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm cho số cán bộ làm việc tại Quỹ 5%, số dư quỹ này không vượt quá 6 tháng lương thực hiện trong năm của Qũy tín dụng nhân dân cơ sở”. 

5/Thay thế cụm từ “Quỹ tín dụng nhân dân” tại thông tư số 97/2000/TT-BTC ngày 12/10/2000 thành “Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở”.

6. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Những nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 97/2000/TT-BTC ngày 12/10/2000 không trái với qui định tại Thông tư này vẫn có hiệu lực thi hành./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=19961&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận