THôNG TưTHÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Hướng dẫn về chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 của Chính phủ
Thi hành Nghị định số 28/CP ngày 7 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ về chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần;
Sau khi trao đổi ý kiến với ban chỉ đạo Trung ương cổ phần hoá và các Bộ, Ngành liên quan, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chính sách đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước được quyết định cổ phần hoá theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 của Chính phủ, cụ thể như sau:
I. LAO ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP TRƯỚC KHI CỔ PHẦN HOÁ.
Khi tiến hành xây dựng phương án cổ phần hoá, Ban cổ phần hoá tại doanh nghiệp phối hợp với giám đốc doanh nghiệp lập phương án về lao động và giải quyết chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án được lập theo nội dung sau:
1. Lập danh sách số lao động hiện có trong doanh nghiệp.
Giám đốc doanh nghiệp lập danh sách số lao động hiện có trong doanh nghiệp tại thời điểm có quyết định tiến hành cổ phần hoá (kể cả số lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm; hợp đồng lao động theo thời vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm).
2. Phân loại số lao động theo danh sách trên thành các nhóm sau:
a. Số lao động thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bao gồm:
Số lao động thuộc diện nghỉ hưu theo chế độ hưu chí,
Số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp).
b. Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm cổ phần hoá;
c. Số lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần, bao gồm:
Số lao động còn hạn hợp đồng lao động,
Số lao động đang nghỉ ba chế độ bảo hiểm xã hội mà hợp đồng lao động còn thời hạn,
Số lao động đang trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
3. Giải quyết quyền lợi đối với người lao động:
a. Đối với lao động thuộc diện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (theo điểm 2.a mục I) thì giám đốc doanh nghiệp và cơ quan Bảo hiểm xã hội, nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ và Thông tư số 6/LĐTBXH - TT ngày 04/04/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b. Đối với các trường hợp thôi việc theo điểm 2,b mục I thì:
Giám đốc doanh nghiệp làm đầy đủ thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ và Thông tư số 06/LĐTBXH-TT ngày 04/04/1995 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Giám đốc doanh nghiệp giải quyết trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động và Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.
Trường hợp, tại thời điểm cổ phần hoá hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm hết hạn mà người lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc và doanh nghiệp có nhu cầu thì ký hợp đồng lao động mới theo quy định tại chương IV của Bộ luật lao động và Nghị định số 198/CP ngày 31/12/994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.
c. Đối với người lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo điểm 2.c mục I thì giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm theo quy định và chuyển sang danh sách và hồ sơ của người lao động mà doanh nghiệp đang quản lý cho Hội đồng quản trị hoặc giám đốc Công ty cổ phần.
d. Người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm 1 mục I của Thông tư này được hưởng các ưu đãi về quỹ phúc lợi, về tài chính theo quy định tại khoản 5 Điều 10, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ. Doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ về bảo hiểm xã hội (kể cả phần người lao động phải đóng) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
e. Giám đốc doanh nghiệp và người lao động thanh toán các khỏn nợ trước khi chuyển sang công ty cổ phần (trừ số nợ do vay để mua cổ phiếu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/CP ngày 07/05/1996 của Chính phủ).
II. LAO ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI DOANH NGHIỆP ĐÃ CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN.
1. Khi doanh nghiệp có quyết định chuyển thành công ty cổ phần thì Hội đồng quản trị hoặc giám đốc công ty cổ phần có trách nhiệm:
a. Tiếp nhận bàn giao số lao động theo quy định tại điểm 2.c mục I;
b. Trên cơ sở công ty cổ phần và người lao động tiếp tục đóng BHXH theo quy định của pháp luật thì công ty tiếp tục được cơ quan Bảo hiểm xã hội uỷ quyền thực hiện 3 chế độ bảo hiểm xã hội cho đối tượng quy định tại điểm 2.a mục I đang còn thời hạn hợp đồng lao động; c- Tiếp tục thực hiện những cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể đã được ký kết trước đó cho đến khi hết hạn hoặc thương lượng để thay đổi, bổ sung nội dung của hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc ký hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể mới;
d. Tiếp tục thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ và Thông tư số 06/LĐTBXH-TT ngày 04/04/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
đ. Đối với lao động mà công ty cổ phần tuyển dụng mới thì thực hiện theo quy định chung của pháp luật.
2. Trường hợp mất việc làm sau 12 tháng kể từ khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/CP ngày 07/05/1996 của Chính phủ, được giải quyết như sau:
Người lao động được trả trợ cấp mất việc làm do thay đổi cơ cấu công nghệ quy định tại khoản 1 điều 17 của Bộ luật lao động và các Điều 23, 24, 25 và 26 Nghị định số 72/CP ngày 31/10/1995 của Chính phủ.
Đối với thời gian mà người lao động đã làm việc trước đó thuộc khu vực Nhà nước nhưng chưa được nhận trợ cấp mất việc, trợ cấp thôi việc thì thời giam đó được tình để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động và Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.
Trường hợp, nếu người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 28/CP của Chính phủ thì công ty cổ phần thông báo cho doanh nghiệp cũ (doanh nghiệp được tách một bộ phận để cổ phần hoá) chuyển khoản tiền trợ cấp thôi việc cho công ty cổ phần trả cho người lao động; nếu người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/CP thì công ty cổ phần trả cho người lao động; nếu người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 9, Nghị định số 28/CP của Chính phủ thì do ngân sách Nhà nước chi trả (đối với doanh nghiệp do Bộ thành lập thì ngân sách Trung ương chi trả, đối với doanh nghiệp do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập thì ngân sách địa phương chi trả).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban cổ phần hoá tại doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp; Công đoàn ngành; cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội về việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần để phối hợp xem xét giải quyết quyền lợi cho người lao động.
2. Giám đốc doanh nghiệp chỉ đạo các bộ phận chức năng làm đầy đủ thủ tục, hồ sơ và giải quyết quyền lợi cho người lao động.
3. Đối với 3 chức danh: giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng doanh nghiệp khi chuyển sang công ty cổ phần nếu không tiếp tục đảm nhiệm các chức danh đó tại công ty cổ phần thì cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm 3 chức danh này có trách nhiệm giải quyết việc làm và quyền lợi cho họ theo quy định của Nhà nước.
4. Công ty cổ phần có trách nhiệm nhận lao động, hồ sơ, hợp đồng lao động, thảo ước lao động tập thể do doanh nghiệp Nhà nước bàn giao, thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ đã được cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy định của pháp luật.
5. Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động trước và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp Công đoàn ngành theo dõi, giám sát và kiểm tra việc giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bãi bỏ Thông tư số 09/LĐTBXH - TT ngày 22/07/1992 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về lao động và chính sách đối với người lao động trong thí điểm chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần theo Quyết định số 202/CT ngày 08/06/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao dộng - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, giải quyết.