Văn bản pháp luật: Thông tư 178/2013/TT-BTC

Nguyễn Hữu Chí
Toàn quốc
Thông tư 178/2013/TT-BTC
Thông tư
01/02/2014
02/12/2013

Tóm tắt nội dung

Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Thứ trưởng
2.013
Bộ Tài chính

Toàn văn

 

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điu

của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013

của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác

tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

_____________________

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 10/2013/NĐ-CP), gồm:

1. Tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là tài sản hạ tầng đường bộ) quy định tại Điều 19 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP.

2. Giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng và thanh quyết toán kinh phí bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Điều 23, 24 và Điều 25 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP.

3. Báo cáo tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Điều 31, 32 và Điều 33 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP.

4. Xác lập sở hữu nhà nước, điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ và hạch toán các khoản thu chi từ quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ quy định tại Điều 28, 29, 30, 41, 42, 43, 47 và Điều 48 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP.

5. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng và tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án quy định tại Điều 35, 36, 37, 38, 39 và Điều 40 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ; gồm: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ, cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ; gồm: Khu quản lý đường bộ; Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.

4. Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TÍNH HAO MÒN TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 3. Cơ quan, đơn vị thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ

1. Khu quản lý đường bộ hoặc cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan trung ương giao trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý (bao gồm cả tài sản hạ tầng đường bộ do Bộ Giao thông vận tải uỷ thác cho các địa phương quản lý).

2. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý (bao gồm cả tài sản hạ tầng đường bộ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị khác quản lý).

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

Điều 4. Tính hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ

1. Nguyên tắc tính hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ

a) Tất cả các tài sản hạ tầng đường bộ hiện có của cơ quan, đơn vị đều phải tính hao mòn, trừ những tài sản hạ tầng đường bộ sau đây:

- Tài sản hạ tầng đường bộ mà cơ quan, đơn vị đang thuê sử dụng;

- Tài sản hạ tầng đường bộ mà cơ quan, đơn vị đang bảo quản hộ, giữ hộ;

- Tài sản hạ tầng đường bộ đã tính hết hao mòn nhưng vẫn còn sử dụng được;

- Tài sản hạ tầng đường bộ chưa tính hết hao mòn nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.

b) Việc tính hao mòn thực hiện mỗi năm 1 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán. Trường hợp bàn giao, chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc tổng kiểm kê đánh giá lại theo chủ trương của Nhà nước thì hao mòn tài sản được tính tại thời điểm có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Quy định về thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ áp dụng để hạch toán

a) Thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ

Danh mục

Thời gian sử dụng (năm)

Tỷ lệ hao mòn (%/năm)

Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường (bao gồm cả cầu đường bộ dài dưới 25m, cống)

30

3

Cầu đường bộ dài từ 25m trở lên và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ

30

3

Hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ

30

3

Bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ

20

5

Trạm kiểm tra tải trọng xe

15

6,5

Trạm thu phí đường bộ

15

6,5

Bến xe

25

4

Bãi đỗ xe

25

4

Nhà hạt quản lý đường bộ

25

4

Trạm dừng nghỉ

25

4

Các công trình khác phục vụ giao thông đường bộ

10

10

b) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn để hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý, ngoài những tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Điểm a Khoản này.

3. Phương pháp tính hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ

a) Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản hạ tầng đường bộ được tính theo công thức:

Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản hạ tầng đường bộ

=

Nguyên giá của tài sản hạ tầng đường bộ

x

Tỷ lệ hao mòn (%/năm)

Hàng năm, trên cơ sở xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm, cơ quan, đơn vị tính tổng số hao mòn của tất cả tài sản hạ tầng đường bộ tại cơ quan, đơn vị cho năm đó theo công thức:

Số hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ tính đến năm (n)

 

Số hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ đã tính đến năm (n-1)

 

Số hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ tăng trong năm (n)

 

Số hao mòn tài sản hạ tầng đường bộ giảm trong năm (n)

=

+

-

 

 

 

b) Trường hợp thời gian sử dụng, nguyên giá của tài sản hạ tầng đường bộ thay đổi quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP thì cơ quan, đơn vị xác định lại mức tính hao mòn trung bình năm của tài sản hạ tầng đường bộ bằng cách lấy giá trị còn lại trên sổ kế toán chia (:) cho thời gian sử dụng xác định lại hoặc thời gian sử dụng còn lại (được xác định là chênh lệch giữa thời gian sử dụng đã quy định trừ thời gian đã sử dụng) của tài sản hạ tầng đường bộ.

c) Mức tính hao mòn cho năm cuối cùng thuộc thời gian sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ và số hao mòn lũy kế đã thực hiện của tài sản hạ tầng đường bộ đó.

Mục 2. BẢO TRÌ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 5. Giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng

1. Giao việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng

a) Nhà thầu thi công dự án đầu tư xây dựng mới được cấp có thẩm quyền giao thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ do nhà thầu thi công nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Có văn bản đề nghị được giao bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ;

- Được chủ đầu tư xác nhận bằng văn bản đã thực hiện đúng Hợp đồng xây dựng và không vi phạm trong quá trình thực hiện Hợp đồng xây dựng;

- Có chức năng kinh doanh phù hợp với việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ;

- Đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật để thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ.

b) Việc giao cho nhà thầu thi công xây dựng bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện bằng Hợp đồng kinh tế theo phương thức chất lượng thực hiện.

c) Trình tự, thủ tục giao việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng:

- Trước 90 ngày, kể từ ngày bàn giao tài sản hạ tầng đường bộ đưa vào sử dụng theo Hợp đồng xây dựng đã ký kết, nhà thầu thi công xây dựng lập 03 bộ hồ sơ quy định tại Điểm a Khoản này, kèm theo bản sao các giấy tờ có liên quan: gửi 02 bộ hồ sơ đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý); lưu trữ 01 bộ hồ sơ.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện thực hiện bảo dưỡng thường xuyên và xác định tổng mức kinh phí phục vụ bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ trong một thời gian nhất định; trình người quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới tài sản hạ tầng đường bộ.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý), người quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới tài sản hạ tầng đường bộ ban hành quyết định giao việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ nhà thầu thi công xây dựng;

+ Thời hạn giao bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ;

+ Tổng mức kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ;

+ Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tài sản hạ tầng đường bộ được bàn giao đưa vào sử dụng; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ và nhà thầu thi công xây dựng ký Hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ.

- Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng theo Hợp đồng đã ký kết.

2. Giao việc sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng

a) Trong thời hạn thực hiện Hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ, nếu có phát sinh hoạt động sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất thì nhà thầu thi công dự án đầu tư xây dựng mới được ưu tiên thực hiện khi:

- Chất lượng bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ đã thực hiện theo đúng Hợp đồng đã ký kết;

- Đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật khi lựa chọn tổ chức, cá nhân để thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.

b) Trình tự, thủ tục lựa chọn và giao việc sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất cho nhà thầu thi công xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.

Điều 6. Quy định về thanh toán, quyết toán kinh phí bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ

1. Việc thanh toán, quyết toán kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện

a) Căn cứ nguồn kinh phí và kết quả thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ đã được nghiệm thu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi Kho bạc nhà nước. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị thanh toán;

- Quyết định giao việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ của cấp có thẩm quyền;

- Hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ đã ký kết;

- Biên bản nghiệm thu kết quả thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện;

- Ủy nhiệm chi của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.

b) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Kho bạc nhà nước kiểm soát và thực hiện thanh toán theo đề nghị của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về những nội dung tại hồ sơ đề nghị thanh toán quy định tại Điểm a Khoản này.

d) Việc quyết toán kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Việc thanh toán, quyết toán kinh phí sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ

Việc thanh toán, quyết toán kinh phí sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định về chế độ quản lý, sử dụng, thanh quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ và quy định của pháp luật có liên quan.

Mục 3. BÁO CÁO TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 7. Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ

1. Quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ

a) Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ là một bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, được xây dựng và quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước.

b) Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ có giá trị pháp lý như hồ sơ dạng giấy.

c) Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ được sử dụng làm cơ sở cho việc lập dự toán, xét duyệt quyết toán, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng tài sản hạ tầng đường bộ và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo chế độ quy định.

d) Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ là tài sản của Nhà nước, phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ.

đ) Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ phải thực hiện theo đúng quy định; không được tự ý khai thác, sử dụng thông tin khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

e) Nội dung, phương thức nhập dữ liệu và khai thác Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Trách nhiệm xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ.

b) Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) chỉ đạo báo cáo kê khai, thực hiện cập nhật dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Việc nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

Điều 8. Báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ

1. Hình thức báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ

a) Báo cáo kê khai lần đầu được áp dụng đối với những tài sản hạ tầng đường bộ đang quản lý tại thời điểm Nghị định số 10/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

b) Báo cáo kê khai bổ sung được áp dụng đối với các trường hợp có thay đổi về tài sản hạ tầng đường bộ do đầu tư xây dựng, tiếp nhận về sử dụng; thanh lý, điều chuyển, chuyển nhượng; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thay đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập, giải thể theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Nội dung báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ

Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập báo cáo kê khai theo các Mẫu quy định ban hành kèm theo Thông tư này; mỗi tài sản hạ tầng đường bộ lập riêng một báo cáo kê khai. Mẫu báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ cụ thể như sau:

a) Báo cáo kê khai lần đầu theo Mẫu số 01-BC/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Báo cáo kê khai bổ sung gồm:

- Tài sản hạ tầng đường bộ được đầu tư xây dựng mới hoặc tiếp nhận về cơ quan, đơn vị theo Mẫu số 01-BC/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

- Thay đổi thông tin về cơ quan, đơn vị quản lý theo Mẫu số 02-BC/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

- Thay đổi thông tin về tài sản hạ tầng đường bộ theo Mẫu số 03-BC/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

- Xoá thông tin trong Cơ sở dữ liệu theo Mẫu số 04-BC/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ

a) Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập 03 bộ hồ sơ theo Mẫu quy định tại Khoản 2 Điều này, kèm theo bản sao các giấy tờ có liên quan: gửi 02 bộ hồ sơ đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý); lưu trữ 01 bộ hồ sơ tại cơ quan, đơn vị.

b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của báo cáo và thực hiện xác nhận vào báo cáo; gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan tài chính của Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Tài chính (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý); lưu trữ 01 bộ hồ sơ tại cơ quan.

c) Căn cứ báo cáo do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) xác nhận; cơ quan tài chính của Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Tài chính (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) thực hiện nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Thời hạn báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP.

Điều 9. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ

1. Nội dung báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ

Hàng năm các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng của năm trước và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nội dung sau đây:

a) Tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ.

b) Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

c) Kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ.

d) Báo cáo tổng hợp tình hình tăng, giảm tài sản hạ tầng đường bộ theo Mẫu số 05-BC/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thời hạn báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP.

Mục 4. XỬ LÝ, KHAI THÁC TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 10. Xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP lập hồ sơ đề nghị xác lập sở hữu nhà nước, gửi Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý). Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị xác lập sở hữu nhà nước;

b) Tài liệu liên quan đến tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị xác lập sở hữu nhà nước.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định giá trị, hiện trạng thực tế và phương án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; gửi Bộ Tài chính (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) kèm theo hồ sơ có liên quan.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ; Bộ Tài chính (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) xem xét, ban hành quyết định xác lập sở hữu nhà nước và phương án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tài sản hạ tầng đường bộ xác lập sở hữu nhà nước;

b) Năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng;

c) Giá trị tài sản hạ tầng đường bộ;

d) Phương án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ;

đ) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xác lập sở hữu nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có tài sản hạ tầng đường bộ xác lập sở hữu nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ tổ chức bàn giao, tiếp nhận; thực hiện hạch toán tăng, giảm; báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

5. Việc bàn giao tài sản hạ tầng đường bộ phải lập thành Biên bản theo Mẫu số 01 BB/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc xác lập sở hữu nhà nước do cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ chi trả theo quy định.

Điều 11. Điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ

1. Khi có tài sản hạ tầng đường bộ cần điều chuyển, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập hồ sơ đề nghị điều chuyển gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị điều chuyển của cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Văn bản đề nghị được tiếp nhận của cơ quan, đơn vị nhận tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP;

d) Danh mục tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị điều chuyển (theo Mẫu số 01-DM/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này);

đ) Tài liệu liên quan đến tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị điều chuyển.

Trường hợp đặc biệt phải thực hiện điều chuyển ngoài các cơ quan, đơn vị quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP thì Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) có văn bản kèm hồ sơ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ điều chuyển;

b) Cơ quan, đơn vị nhận tài sản hạ tầng đường bộ điều chuyển;

c) Danh mục tài sản hạ tầng đường bộ điều chuyển;

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ điều chuyển chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị nhận tài sản hạ tầng đường bộ điều chuyển tổ chức bàn giao, tiếp nhận; thực hiện hạch toán tăng, giảm; báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

4. Việc bàn giao tài sản hạ tầng đường bộ phải lập thành Biên bản theo Mẫu số 01 BB/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận do cơ quan, đơn vị nhận tài sản hạ tầng đường bộ chi trả theo quy định.

Điều 12. Thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP lập hồ sơ đề nghị thanh lý, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị thanh lý;

b) Danh mục tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị thanh lý (theo Mẫu số 01-DM/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Tài liệu liên quan đến tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị thanh lý.

Trường hợp đặc biệt phải thực hiện thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ theo hình thức chỉ định thì Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) có văn bản kèm hồ sơ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ thanh lý;

b) Danh mục tài sản hạ tầng đường bộ thanh lý;

c) Phương thức thanh lý;

d) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý;

đ) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định thanh lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ thanh lý tổ chức thanh lý như sau:

a) Tổ chức thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ theo phương thức bán:

- Cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ thanh lý thuê Tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc thành lập Hội đồng định giá để xác định giá khởi điểm bán đấu giá (trong trường hợp bán thanh lý bằng hình thức đấu giá), xác định giá bán chỉ định (trong trường hợp bán thanh lý bằng hình thức chỉ định).

- Căn cứ kết quả xác định giá do Tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc Hội đồng định giá xác định; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) hoặc người được ủy quyền quyết định giá khởi điểm để bán đấu giá hoặc giá bán chỉ định tài sản hạ tầng đường bộ.

- Căn cứ giá khởi điểm để bán đấu giá hoặc giá bán chỉ định do cấp có thẩm quyền quyết định; cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ thanh lý thuê Tổ chức có chức năng bán đấu giá hoặc thành lập Hội đồng để bán đấu giá (trong trường hợp bán thanh lý bằng hình thức đấu giá), thực hiện bán cho người mua theo quy định của pháp luật về dân sự (trong trường hợp bán thanh lý bằng hình thức chỉ định).

b) Tổ chức thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ theo phương thức phá dỡ, huỷ bỏ:

- Cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ thanh lý tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc phá dỡ, huỷ bỏ theo quy định của pháp luật.

- Tài sản thu hồi từ việc phá dỡ được xử lý bán theo quy định tại Điểm a Khoản này.

4. Sau khi hoàn thành việc thanh lý, cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ thanh lý thực hiện hạch toán giảm, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

5. Số tiền thu được từ thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ, sau khi trừ các chi phí có liên quan (gồm: chi phí kiểm kê, phá dỡ, hủy bỏ, xác định giá, bán đấu giá và chi phí khác có liên quan) được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 13. Bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ

1. Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) lập hồ sơ đề nghị bán quyền thu phí, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 5 Điều 41 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị bán quyền thu phí;

b) Danh mục tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị bán quyền thu phí (theo Mẫu số 01-DM/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Phương án bán quyền thu phí;

d) Tài liệu liên quan đến tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị bán quyền thu phí.

Trường hợp đặc biệt phải thực hiện bán quyền thu phí bằng hình thức chỉ định thì Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) có văn bản kèm hồ sơ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ; cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tài sản hạ tầng đường bộ bán quyền thu phí;

b) Phương thức bán quyền thu phí;

c) Thời hạn bán quyền thu phí;

d) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán quyền thu phí;

đ) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định bán quyền thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) thuê Tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc thành lập Hội đồng định giá để xác định giá khởi điểm bán đấu giá (trong trường hợp bán quyền thu phí bằng hình thức đấu giá), xác định giá bán chỉ định (trong trường hợp bán quyền thu phí bằng hình thức chỉ định).

4. Căn cứ kết quả xác định giá do Tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc Hội đồng định giá xác định; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý) quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) quyết định giá khởi điểm để bán đấu giá hoặc giá bán chỉ định tài sản hạ tầng đường bộ.

5. Căn cứ giá khởi điểm để bán đấu giá hoặc giá bán chỉ định do cấp có thẩm quyền quyết định; Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) thuê Tổ chức có chức năng bán đấu giá hoặc thành lập Hội đồng để bán đấu giá (trong trường hợp bán quyền thu phí bằng hình thức đấu giá), thực hiện bán cho người mua theo quy định của pháp luật về dân sự (trong trường hợp bán quyền thu phí bằng hình thức chỉ định).

6. Sau khi hoàn thành việc bán quyền thu phí, cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ bán quyền thu phí thực hiện hạch toán giảm, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

7. Số tiền thu được từ bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ sau khi trừ các chi phí có liên quan (gồm: chi phí kiểm kê, xác định giá, bán đấu giá và chi phí khác có liên quan) được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 14. Cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập hồ sơ đề nghị cho thuê quyền khai thác, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 5 Điều 42 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị cho thuê quyền khai thác;

b) Danh mục tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị cho thuê quyền khai thác (theo Mẫu số 01-DM/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Phương án cho thuê quyền khai thác;

d) Tài liệu liên quan đến tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị cho thuê quyền khai thác.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ; cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tài sản hạ tầng đường bộ cho thuê quyền khai thác;

b) Phương thức cho thuê quyền khai thác;

c) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác;

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định cho thuê quyền khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ tổ chức việc cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.

4. Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ sau khi trừ các chi phí có liên quan (gồm: chi phí kiểm kê, xác định giá, tổ chức cho thuê và chi phí khác có liên quan) được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 15. Chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ

1. Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Sở Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) lập hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 5 Điều 43 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị chuyển nhượng có thời hạn;

b) Danh mục tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị chuyển nhượng (theo Mẫu số 01-DM/TSHTĐB ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Phương án chuyển nhượng có thời hạn;

d) Tài liệu liên quan đến tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị chuyển nhượng có thời hạn.

Trường hợp đặc biệt phải thực hiện chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ bằng hình thức chỉ định thì Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) có văn bản kèm hồ sơ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tài sản hạ tầng đường bộ chuyển nhượng có thời hạn;

b) Phương thức chuyển nhượng có thời hạn;

c) Thời hạn chuyển nhượng;

d) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ chuyển nhượng có thời hạn;

đ) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định chuyển nhượng có thời hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) thuê Tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc thành lập Hội đồng định giá để xác định giá khởi điểm bán đấu giá (trong trường hợp chuyển nhượng có thời hạn bằng hình thức đấu giá), xác định giá bán chỉ định (trong trường hợp chuyển nhượng có thời hạn bằng hình thức chỉ định).

4. Căn cứ kết quả xác định giá do Tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc Hội đồng định giá xác định; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý) quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) quyết định giá khởi điểm để bán đấu giá, giá bán chỉ định tài sản hạ tầng đường bộ.

5. Căn cứ giá khởi điểm để bán đấu giá hoặc giá bán chỉ định do cấp có thẩm quyền quyết định; Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý) thuê Tổ chức có chức năng bán đấu giá hoặc thành lập Hội đồng để bán đấu giá (trong trường hợp chuyển nhượng có thời hạn bằng hình thức đấu giá), thực hiện bán cho người mua theo quy định của pháp luật về dân sự (trong trường hợp chuyển nhượng có thời hạn bằng hình thức chỉ định).

6. Sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng, cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ chuyển nhượng thực hiện hạch toán giảm, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

7. Số tiền thu được từ chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ sau khi trừ các chi phí có liên quan (gồm: chi phí kiểm kê, xác định giá, bán đấu giá và chi phí khác có liên quan) được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 16. Hội đồng định giá và Hội đồng bán đấu giá tài sản hạ tầng đường bộ

1. Thành phần Hội đồng định giá và Hội đồng bán đấu giá tài sản hạ tầng đường bộ

a) Hội đồng định giá tài sản hạ tầng đường bộ được thành lập trong trường hợp xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, giá bán chỉ định tài sản hạ tầng đường bộ.

- Hội đồng định giá tài sản hạ tầng đường bộ của Bộ Giao thông vận tải:

Hội đồng định giá tài sản hạ tầng đường bộ của Bộ Giao thông vận tải do Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch; các thành viên khác gồm:

+ Đại diện các Bộ: Tài chính, Tư pháp;

+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ;

+ Các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản hạ tầng đường bộ.

- Hội đồng định giá tài sản hạ tầng đường bộ của địa phương:

Hội đồng định giá tài sản hạ tầng đường bộ của địa phương do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch; các thành viên khác gồm:

+ Đại diện các Sở: Tài chính, Giao thông vận tải, Tư pháp;

+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ;

+ Các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản hạ tầng đường bộ.

- Hội đồng định giá tài sản hạ tầng đường bộ của cơ quan, đơn vị:

Hội đồng định giá tài sản hạ tầng đường bộ của cơ quan, đơn vị do Lãnh đạo cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch; các thành viên khác gồm:

+ Đại diện bộ phận tài chính - kế toán của cơ quan, đơn vị có tài sản hạ tầng đường bộ;

+ Đại diện đơn vị chuyên môn về tài chính của cơ quan cấp trên;

+ Các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản hạ tầng đường bộ.

b) Hội đồng bán đấu giá tài sản hạ tầng đường bộ được thành lập trong trường hợp thực hiện bán đấu giá theo thành phần quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Số lượng thành viên Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Điểm a, b Khoản này tối thiểu là ba (03) người.

2. Nguyên tắc hoạt động, cơ chế tài chính của Hội đồng định giá và Hội đồng bán đấu giá tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 17. Hạch toán các khoản thu chi từ quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ

1. Cơ quan tài chính của địa phương hạch toán các khoản thu từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê (trong trường hợp cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn do Nhà nước thực hiện), các khoản thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (trong trường hợp cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn do tổ chức, cá nhân thực hiện) đối với quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ vào mục thu tiền từ đất của mục lục ngân sách nhà nước.

2. Việc thanh toán, quyết toán các khoản chi quy định tại Khoản 7 Điều 47 và Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều 48 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Mục 5. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ CHUYÊN DÙNG VÀ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRONG THỜI HẠN THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DỰ ÁN

Điều 18. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng

1. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng do tổ chức, đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng phục vụ cho hoạt động giao thông đường bộ đặc thù của một hoặc một số tổ chức, đơn vị, cá nhân được thực hiện theo tiêu chuẩn của quốc gia và tiêu chuẩn riêng của ngành quy định; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện bảo trì, khai thác, bảo vệ theo quy định và chịu trách nhiệm về nguồn tài chính phục vụ bảo trì, bảo vệ đối với tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo kê khai; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại các Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 31, 32, 33 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP và Điều 8, 9 Thông tư này.

Điều 19. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án

1. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao; Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh; Xây dựng - Chuyển giao, Đối tác Công - Tư và các hình thức khác theo quy định của pháp luật) được thực hiện theo quy định tại Hợp đồng ký kết; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao thực hiện các Hợp đồng dự án thực hiện bảo trì, khai thác, bảo vệ theo quy định và chịu trách nhiệm về nguồn tài chính phục vụ bảo trì đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao; Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Xử lý chuyển tiếp

1. Đối với việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ đã ký kết Hợp đồng theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật có liên quan; không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định tại Thông tư này.

2. Đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ khác (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này) đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được quyết định và quy định của pháp luật có liên quan; không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=33522&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận