Văn bản pháp luật: Thông tư 183/2009/TT-BTC

Trần Xuân Hà
Toàn quốc
Công báo số 457+458, năm 2009
Thông tư 183/2009/TT-BTC
Thông tư
15/09/2009
15/09/2009

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ

Thứ trưởng
2.009
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ

các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ

_________________________________

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (trong Thông tư này gọi chung là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP);

Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, quy trình cấp bù lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội, các Ngân hàng thương mại nhà nước do thực hiện chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, quy trình cấp bù lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội, các Ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

2. Đối tượng áp dụng:

a. Ngân hàng chính sách xã hội cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được hướng dẫn chi tiết tại Điều 3 Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 09/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước.

b. Ngân hàng thương mại nhà nước cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được hướng dẫn chi tiết tại Điều 2 Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 09/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước.

Các ngân hàng thương mại nhà nước, theo quy định tại Thông tư này, bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Điều 2. Điều kiện được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất

1. Ngân hàng chính sách xã hội, các Ngân hàng thương mại Nhà nước tổ chức thực hiện cho vay theo đúng quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, đúng đối tượng và mục tiêu quy định theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

2. Các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP theo lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn cùng đối tượng, cùng kỳ hạn, trên cùng địa bàn tại cùng thời điểm.

3. Các khoản vay được cấp bù lãi suất là các khoản vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất trong hạn, trường hợp các khoản vay không trả trợ gốc đúng hạn bị chuyển sang nợ quá hạn thì số dư nợ gốc không trả nợ đúng hạn không được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày quá hạn.

Điều 3. Thủ tục cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội

1. Chênh lệch lãi suất cấp bù cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện theo quy định chung áp dụng đối với Ngân hàng chính sách xã hội khi cho vay các chương trình hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách của Nhà nước. Ngân hàng chính sách xã hội có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch cấp bù lãi suất năm.

- Xác định chênh lệch lãi suất thực tế phát sinh.

- Đề nghị tạm cấp hàng quý.

- Quyết toán năm.

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Khi thực hiện các nội dung trên, Ngân hàng chính sách xã hội tổng hợp một mục riêng về chương trình hỗ trợ huyện nghèo.

Riêng việc xây dựng dự toán hàng năm để cho vay chương trình này, Ngân hàng chính sách xã hội xây dựng dự toán riêng báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chịu trách nhiệm về tính hợp lệ và chính xác của các báo cáo, số liệu đề nghị ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.

Điều 4. Thủ tục cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng thương mại nhà nước

1. Lập kế hoạch cấp bù lãi suất:

a. Các ngân hàng thương mại Nhà nước lập kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất năm theo công thức sau:

Số cấp bù trong năm kế hoạch

=

Dư nợ cho vay bình quân năm được cấp bù

x

Mức chênh lệch lãi suất cấp bù bình quân

Trong đó:

+ Mức chênh lệch lãi suất cấp bù bình quân bằng 50% lãi suất cho vay chương trình hỗ trợ các huyện nghèo bình quân của các ngân hàng.

+ Dư nợ cho vay bình quân năm được cấp bù được tính theo công thức bình quân số học giữa dư nợ đầu năm và dư nợ cuối năm.

b. Hàng năm, chậm nhất vào tháng 8 các ngân hàng thương mại nhà nước căn cứ nhiệm vụ được giao, dự kiến dư nợ cho vay các huyện nghèo của năm tiếp theo xây dựng kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất cho năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (có chia ra từng quý) vào thời gian xây dựng dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước của năm kế tiếp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn (theo công thức trên).

2. Tạm cấp bù hàng quý

Tối đa sau 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thực hiện quý của các ngân hàng thương mại nhà nước, Bộ Tài chính sẽ tạm cấp bù lãi suất tối đa bằng 90% mức thực hiện quý trước nhưng không vượt quá dự toán được giao đầu năm.

3. Xác định chênh lệch lãi suất thực tế trong kỳ đề nghị Ngân sách Nhà nước cấp bù:

a. Số tiền cấp bù cho một khoản vay được tính theo phương pháp tích số giữa mức chênh lệch lãi suất cấp bù với dư nợ cho vay và thời gian vay vốn được hỗ trợ lãi suất theo công thức sau:

Trong đó:

+ Mức chênh lệch lãi suất cấp bù bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 2 khoản 2 Thông tư này.

+ n là số ngày dư nợ trong kỳ được hỗ trợ lãi suất.

b. Số tiền cấp bù lãi suất của Ngân hàng thương mại Nhà nước là tổng số lãi cấp bù thực tế của tất cả các khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

c. Ngân hàng thương mại nhà nước sử dụng công thức trên để tính toán số lãi giảm trừ cho khách hàng và để xác định số tiền ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng.

4. Quyết toán cấp bù lãi suất:

a. Kết thúc năm tài chính, các ngân hàng thương mại nhà nước tổng hợp số chênh lệch lãi suất thực tế đề nghị cấp bù và báo cáo Bộ Tài chính.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại Nhà nước chịu trách nhiệm về tính hợp lệ và chính xác của các số liệu đề nghị ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất.

b. Hồ sơ đề nghị quyết toán cấp bù lãi suất bao gồm:

+ Báo cáo tổng hợp toàn hệ thống về chênh lệch lãi suất cấp bù đã được kiểm toán bởi Kiểm toán độc lập hoặc Kiểm toán nhà nước (Biểu 1 đính kèm).

+ Báo cáo theo từng tỉnh về chênh lệch lãi suất cấp bù, trong đó chi tiết theo từng huyện (Biểu 2 đính kèm).

c. Trên cơ sở báo cáo năm của các ngân hàng thương mại nhà nước, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cấp quyết toán năm cho các ngân hàng.

d. Các ngân hàng thương mại nhà nước tổ chức sao, lưu chứng từ, các báo cáo chi tiết theo tứng khoản hỗ trợ lãi suất đảm bảo tính chính xác, minh bạch rõ ràng để tạo điều kiện cho công tác thẩm tra số liệu quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Thẩm tra số liệu quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất

a. Kết thúc năm tài chính, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thẩm tra số liệu đề nghị cấp bù.

b. Các ngân hàng có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ chi tiết theo từng khoản vay, được tổng hợp theo từng huyện nghèo như sau:

+ Hợp đồng tín dụng, khế ước hoặc các giấy tờ tương đương để xác định đối tượng khách hàng vay vốn, tình hình thực hiện cho vay, dư nợ, thu nợ, chuyển nợ quá hạn (nếu có).

+ Bảng kê của ngân hàng xác định số tiền hỗ trợ lãi suất.

+ Xác nhận của khách hàng về việc đã được hỗ trợ lãi suất, số tiền đã được hỗ trợ lãi suất theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 09/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước.

Các tài liệu nêu trên là bản phôtô có đóng dấu sao y bản chính của ngân hàng và được người có trách nhiệm ký, ghi rõ họ tên. Đối với các tài liệu, chứng từ in từ chương trình máy tính phải có chữ ký của người có trách nhiệm và đóng dấu của ngân hàng.

c. Xử lý chênh lệch số liệu quyết toán và số thẩm tra quyết toán chênh lệch lãi suất.

+ Trường hợp có sự chênh lệch giữa số báo cáo quyết toán chênh lệch lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước và số thẩm tra quyết toán của Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại nhà nước có trách nhiệm điều chỉnh trên sổ sách kế toán để phản ánh chính xác số quyết toán chênh lệch lãi suất, đồng thời điều chỉnh số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

+ Trường hợp số tạm cấp chênh lệch lãi suất đã được ngân sách nhà nước chuyển tiền cao hơn số thẩm tra quyết toán thì số chênh lệch sẽ được Bộ Tài chính thu hồi hoặc chuyển thành số tạm cấp của năm sau.

d. Thời hạn thực hiện thẩm tra quyết toán

- Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán của các ngân hàng thương mại nhà nước, Bộ Tài chính phải thông báo bằng văn bản chi nhánh ngân hàng thương mại được lựa chọn để thực hiện thẩm tra quyết toán.

- Việc thực hiện thẩm tra quyết toán sẽ được thực hiện trong 30 ngày tiếp theo và chỉ được kéo dài trong một số trường hợp đặc biệt.

- Việc xử lý chênh lệch giữa số liệu quyết toán và số thẩm tra quyết toán chênh lệch lãi suất phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày có Biên bản thẩm tra quyết toán.

Điều  5. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hàng tháng, Ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại nhà nước gửi báo cáo về kết quả thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ huyện nghèo cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 06/2009/TT-NHNN, đồng gửi Bộ Tài chính. Vào tháng cuối cùng của quý, Ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại Nhà nước tổng hợp số liệu hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo của toàn hệ thống và gửi Bộ Tài chính. Thời hạn gửi báo cáo quý chậm nhất trong tháng tiếp theo của quý.

2. Chậm nhất trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm, Ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại nhà nước gửi báo cáo thực hiện năm cho Bộ Tài chính, gồm:

+ Số tiền chênh lệch lãi suất đã được tạm cấp trong năm.

+ Số tiền chênh lệch lãi suất phát sinh thực tế đề nghị được cấp bù cả năm.

+ Hồ sơ đề nghị quyết toán theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=23658&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận