Văn bản pháp luật: Thông tư 194/2011/TT-BTC

Trương Chí Trung
Toàn quốc
Công báo số 85+86, năm 2012
Thông tư 194/2011/TT-BTC
Thông tư
15/02/2012
26/12/2011

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với Hạn mức tín dụng lần 4 của Ngân hàng Đầu tư Bắc âu

Thứ trưởng
2.011
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với Hạn mức tín dụng lần 4 của Ngân hàng Đầu tư Bắc âu

___________________________

 

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Hiệp định vay số PIL 5229 ký ngày 21 tháng 07 năm 2010 giữa Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng đầu tư Bắc Âu (NIB) về việc cung cấp Hạn mức tín dụng 40 triệu USD (sau đây gọi là Hạn mức tín dụng);

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giải ngân và cơ chế tài chính đối với Hạn mức tín dụng lần 4 của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu như sau:

Điều 1. Các quy định chung

1. Hạn mức tín dụng của NIB là khoản vay nước ngoài của Chính phủ, toàn bộ tiền vay, trả nợ được hạch toán vào Ngân sách nhà nước.

2. Các dự án sử dụng vốn vay từ Hạn mức tín dụng (sau đây gọi là Dự án) thuộc danh mục dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với các tiêu chí của Hiệp định Tín dụng, được NIB phê duyệt.

3. Cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với Dự án là cơ chế cho vay lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 1029/TTg-QHQT ngày 17/6/2010 và theo các điều kiện cụ thể quy định tại phần II của công văn này.

4. Ngân hàng Phát triển Việt Nam là Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại vốn vay từ Hạn mức tín dụng theo Hợp đồng ủy quyền số 04/2011/UQ/BTC-QLN ngày 29/03/2011 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi là Hợp đồng ủy quyền).

5. Các Chủ dự án có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện qui định của Hiệp định và thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng qui định tại Hợp đồng tín dụng ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi là Hợp đồng tín dụng).

Điều 2. Các quy định cụ thể

1. Các điều kiện vay chính theo Hiệp định

- Đồng tiền vay là đồng Đôla Mỹ (USD) hoặc đồng Euro (EUR) tùy theo đề xuất của từng Dự án cụ thể và được NIB phê duyệt.

- Tổng trị giá Hạn mức tín dụng tương đương 40 triệu USD, trong đó trị giá mỗi khoản vay thuộc Hạn mức tín dụng (sau đây gọi là Khoản vay phụ - Sub Loan) tối thiểu tương đương 1 triệu USD và tối đa tương đương 20 triệu USD, nhưng không vượt quá 50% tổng mức đầu tư Dự án.

- Lãi suất vay: Lãi suất cho vay lại bằng LIBOR (nếu Khoản vay được giải ngân bằng đồng USD)/EURIBOR (nếu Khoản vay được giải ngân bằng đồng EUR) + Lãi lề (Margin). Lãi suất lề cụ thể cho từng Khoản vay phụ sẽ do NIB xác định và thông báo cho Bộ Tài chính tại Bản chào các điều kiện vay khi phê duyệt Khoản vay phụ đó.

- Đối với những Khoản vay phụ có trị giá từ 2 triệu USD hoặc tương đương trở lên, sau khi đã giải ngân toàn bộ Khoản vay phụ, Bộ Tài chính và NIB có thể thỏa thuận chuyển sang áp dụng lãi suất cố định cho toàn bộ Khoản vay phụ nếu Chủ dự án có đề nghị bằng văn bản gửi cho Bộ Tài chính không muộn hơn 30 ngày dương lịch trước bất kỳ Ngày thanh toán nào.

- Kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi) và thời gian trả nợ gốc của mỗi Khoản vay phụ sẽ được quy định tại Bản chào các điều kiện vay tương ứng của mỗi Khoản vay phụ theo nguyên tắc thời gian vay tối đa của Khoản vay phụ là 17 năm, trong đó thời gian ân hạn tối đa là 5 năm kể từ ngày quy định tại Bản chào các điều kiện vay tương ứng của mỗi Khoản vay phụ.

- Hạn rút vốn của toàn bộ Hạn mức tín dụng là ngày 21/07/2013 và có thể được gia hạn theo thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và NIB.

- Phí thu xếp (front-end fee): 5.000 USD tính một lần cho toàn bộ Hạn mức tín dụng, được Bộ Tài chính ứng trả trước cho NIB trước đợt giải ngân đầu tiên theo Hiệp định này. Phí thu xếp cho mỗi Khoản vay phụ được tính theo tỷ lệ vốn sử dụng của dự án so với tổng số tiền thực sử dụng của Hạn mức trên tổng phí thu xếp cho toàn bộ Hạn mức được Bộ Tài chính ứng trả trước cho NIB. Trong trường hợp tổng số tiền thực sử dụng của Hạn mức có sự thay đổi, Bộ Tài chính thông báo cho Chủ dự án để thu bổ sung phí thu xếp đối với các Khoản vay phụ.

- Phí cam kết (commitment fee): 0,25%/năm trên cơ sở trên số tiền chưa giải ngân hàng ngày của mỗi Khoản vay phụ từ ngày Bộ Tài chính chấp nhận bản chào lãi suất tương ứng với Khoản vay phụ đó nhưng trừ ngày thực tế mà số tiền đã giải ngân hết hoặc bị huỷ bỏ. Phí cam kết được trả bán niên theo ngày trả nợ áp dụng cho Khoản vay phụ đó.

- Lãi suất chậm trả là mức lãi suất cao hơn trong hai mức sau:

• 150% lãi suất cho vay lại quy định tại thỏa thuận cho vay lại tính trên số nợ quá hạn, hoặc

• Mức lãi suất chậm trả quy định tại Hiệp định tính trên số nợ quá hạn (bằng LIBOR (nếu Khoản vay được giải ngân bằng đồng USD)/EURIBOR (nếu Khoản vay được giải ngân bằng đồng EUR) + Lãi lề (Margin) + 2%).

Lãi chậm trả được tính từ ngày đến hạn mà không trả nợ cho đến ngày trả nợ thực tế. Mức lãi suất chậm trả sẽ được Bộ Tài chính thông báo tới Cơ quan cho vay lại khi Bộ Tài chính nhận được thông báo từ NIB.

2. Điều kiện cho vay lại

- Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ cho Chủ dự án vay lại vốn vay từ Hạn mức tín dụng theo đúng các điều kiện vay của NIB nêu tại điểm 1 trên đây. Ngoài ra, Chủ Dự án phải trả phí cho vay lại bằng 0,25%/năm tính trên dư nợ gốc.

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam là Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại Hạn mức tín dụng đối với Chủ dự án và được hưởng phí cho vay lại theo quy định của Hợp đồng ủy quyền.

- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tài chính về các điều kiện cụ thể của Khoản vay phụ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm ký Hợp đồng tín dụng với Chủ dự án quy định cụ thể các điều kiện cho vay lại của Khoản vay phụ cho Dự án.

- Chủ dự án có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản trả nợ gốc, nợ lãi và các khoản phí cho NIB và Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của Hiệp định và Hợp đồng tín dụng.

- Căn cứ Hợp đồng tín dụng, thông báo rút vốn của NIB và chứng từ ghi thu ghi chi các khoản rút vốn vay nước ngoài qua Ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm thông báo và ký khế ước nhận nợ vốn vay từng lần với Chủ dự án.

3. Thủ tục tài trợ của NIB

3.1 Nguyên tắc chung: Nguồn vốn vay của NIB là tín dụng có ràng buộc, chỉ sử dụng để tài trợ cho các hàng hóa, dịch vụ có xuất xứ từ các nước Bắc Âu (Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland) và các nước vùng Baltic (Estônia, Lítva, Látvia) hoặc đồng tài trợ cho các dự án có sự tham gia (về vốn, công nghệ kỹ thuật...) của các nước trên. Thông thường, mức tài trợ của NIB cho một dự án sẽ tùy thuộc vào tỷ lệ tham gia của các nước Bắc Âu và Baltic nói trên trong dự án đó nhưng không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Các tiêu chí tài trợ cụ thể của NIB nêu tại Phụ lục 1 của công văn này.

3.2 Thủ tục đề nghị tài trợ Dự án

a) Chủ dự án gửi Bộ Tài chính công văn đăng ký dự án và các tài liệu sau:

- Mô tả chi tiết dự án do Chủ dự án ký và bản dịch sang Tiếng Anh.

- Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (bản chính) và bản dịch sang Tiếng Anh.

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment) theo mẫu tại Phụ lục 3 của Thông tư này.

b) Bộ Tài chính gửi các tài liệu dự án như trên để xin ý kiến NIB về nguyên tắc tài trợ dự án. Trong trường hợp phía NIB chấp thuận về nguyên tắc tài trợ, Chủ dự án triển khai thủ tục đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị cho Dự án theo các quy định hiện hành của Nhà nước về đấu thầu, quản lý đầu tư và xây dựng. (Đồng tiền thanh toán trong các Hợp đồng thương mại cung cấp vật tư, thiết bị của Dự án (sau đây gọi là Hợp đồng thương mại) là đồng USD hoặc đồng EUR để phù hợp với đồng tiền vay theo Hiệp định và tránh rủi ro hối đoái (nếu có)).

c) Sau khi Chủ dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư Dự án theo quy định và đã có kết quả đấu thầu trong trường hợp nhà thầu Bắc Âu trúng thầu loại hàng hoá đáp ứng các tiêu chí tài trợ của NIB, Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án. Để phục vụ việc thẩm định Dự án, Chủ dự án gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam 02 (hai) bộ các tài liệu theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 19 Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

d) Chủ dự án gửi Bộ Tài chính các tài liệu sau để hoàn thiện hồ sơ gửi NIB và thực hiện các thủ tục trình duyệt:

- Đề nghị Phê duyệt Dự án (Form of Sub Project Request) theo mẫu tại Phụ lục 2 của công văn này, có dấu của Chủ Dự án.

- Kế hoạch rút vốn của Dự án (tối đa là 5 đợt) do Chủ dự án ký và bản dịch sang Tiếng Anh.

- Quyết định phê duyệt Hợp đồng thương mại (bản chính) và bản dịch sang Tiếng Anh.

- 02 bản Hợp đồng thương mại (bản chính hoặc bản sao có xác nhận sao y bản chính).

- Thông báo tên, chức vụ, mẫu dấu và chữ ký của những người có thẩm quyền đại diện Chủ dự án ký xác nhận hồ sơ rút vốn của Dự án.

đ) Sau khi NIB có phê duyệt chính thức Dự án, trong vòng 15 ngày Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho Chủ dự án và Ngân hàng Phát triển Việt Nam về quyết định tài trợ Dự án của NIB và các điều kiện cụ thể của Khoản vay phụ để làm căn cứ ký kết Hợp đồng tín dụng quy định cụ thể các điều kiện cho vay lại Khoản vay đối với Dự án.

4. Hướng dẫn giải ngân Hạn mức tín dụng

4.1 Nguyên tắc chung

Theo quy định của Hiệp định, NIB chỉ thực hiện giải ngân trên cơ sở Đơn đề nghị rút vốn của Bộ Tài chính gửi kèm các chứng từ thanh toán có liên quan. Hồ sơ rút vốn phải được chuyển cho phía NIB chậm nhất là 15 ngày trước ngày đề nghị rút vốn. Theo đề nghị của Bộ Tài chính, NIB sẽ chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho Người Bán/ Nhà Cung cấp trong Hợp đồng thương mại hoặc có thể xem xét áp dụng các hình thức rút vốn khác (tạm ứng, hoàn vốn) phù hợp với yêu cầu thanh toán của Dự án nhưng phải được sự chấp thuận trước của NIB.

Mỗi Khoản vay thuộc Hạn mức tín dụng chỉ được giải ngân tối đa là 5 đợt (Tranche) phù hợp với kế hoạch rút vốn của Dự án.

4.2 Thủ tục rút vốn cụ thể

a) Thanh toán trực tiếp

Căn cứ vào kế hoạch rút vốn của Dự án và tiến độ thực hiện Hợp đồng thương mại, khi có yêu cầu thanh toán, Chủ dự án gửi cho Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị rút vốn gồm các tài liệu sau:

- Công văn đề nghị rút vốn, trong đó nêu rõ các căn cứ pháp lý để rút vốn, kèm theo các chỉ dẫn thanh toán cần thiết (tên, số tài khoản và ngân hàng của Người Bán/Nhà Cung cấp).

- Hóa đơn hoặc Yêu cầu thanh toán của Người Bán/Nhà Cung cấp đã được Chủ dự án kiểm tra và (ký, đóng dấu) xác nhận đồng ý thanh toán theo các điều kiện của Hợp đồng thương mại đã ký kết.

- Các tài liệu khác được xác định trong Hợp đồng thương mại (Bảo lãnh đặt cọc, Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, Biên bản nghiệm thu, bàn giao vận hành máy móc thiết bị...) hoặc tài liệu giải trình bổ sung nếu Bộ Tài chính và NIB có yêu cầu.

Trong vòng tối đa là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ xem xét và ký Đơn rút vốn gửi NIB.

Trong vòng tối đa là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị rút vốn của Bộ Tài chính, NIB sẽ xem xét, chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của Người Bán/Nhà cung cấp nếu chấp nhận thanh toán (hoặc sẽ có thư gửi Bộ Tài chính thông báo lý do nếu không chấp nhận thanh toán).

b) Thanh toán tạm ứng

Trong một số trường hợp đặc biệt, NIB có thể xem xét thanh toán theo hình thức tạm ứng cho Chủ dự án một khoản tiền vào tài khoản tạm ứng mở tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam để Chủ dự án có thể chủ động và thuận lợi trong việc thanh toán các chi phí nhỏ lẻ hoặc các hạng mục trong nước của Dự án, giảm bớt số lần rút vốn từ NIB.

Hạn mức tài khoản tạm ứng tùy thuộc vào quy mô, đặc điểm và nhu cầu chi tiêu của Dự án và sẽ do NIB quyết định đối với từng Dự án cụ thể.

- Rút vốn lần đầu về tài khoản tạm ứng:

Căn cứ vào hạn mức tài khoản tạm ứng và kế hoạch sử dụng vốn đã thoả thuận với phía NIB, Chủ dự án gửi cho Bộ Tài chính các tài liệu sau:

• Công văn đề nghị rút vốn tạm ứng, trong đó nêu rõ các căn cứ pháp lý để xin tạm ứng vốn, kèm theo các chỉ dẫn thanh toán cần thiết (số tiền đề nghị tạm ứng tối đa bằng hạn mức của tài khoản tạm ứng, số tài khoản tạm ứng).

• Kế hoạch giải ngân từ tài khoản tạm ứng của Dự án.

• Các tài liệu giải trình bổ sung nếu NIB có yêu cầu.

Trong vòng tối đa là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ xem xét và ký Đơn rút vốn gửi NIB.

Trong vòng tối đa là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị rút vốn của Bộ Tài chính, NIB sẽ xem xét, chuyển tiền vào tài khoản tạm ứng của Dự án nếu chấp nhận thanh toán tạm ứng (hoặc sẽ có thư gửi Bộ Tài chính thông báo rõ lý do nếu không chấp nhận thanh toán).

- Rút vốn bổ sung tài khoản tạm ứng:

Để rút vốn bổ sung trên cơ sở chi tiêu thực tế từ tài khoản tạm ứng, Chủ dự án gửi cho Bộ Tài chính các tài liệu sau :

• Công văn đề nghị rút vốn bổ sung tài khoản tạm ứng, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý để xin rút vốn và các chỉ dẫn thanh toán cần thiết (số tiền đề nghị bổ sung tài khoản tạm ứng có thể thấp hơn hoặc bằng số tiền đã tạm ứng).

• Sao kê chi tiêu từ tài khoản tạm ứng do Chủ dự án lập, thể hiện rõ từng khoản chi (ngày thanh toán, số tiền nguyên tệ, tỷ giá và số tiền quy đổi ra USD/EUR, nội dung thanh toán, đối tưọng thụ hưởng) có xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

• Sao kê tài khoản tạm ứng của Dự án, có xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

• Khế ước nhận nợ đã ký giữa Chủ dự án và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có dấu sao y bản chính của Chủ Dự án.

Trong vòng tối đa là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ xem xét và ký Đơn rút vốn gửi NIB.

Trong vòng tối đa là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị rút vốn của Bộ Tài chính, NIB sẽ xem xét, chuyển tiền vào tài khoản tạm ứng của Dự án nếu chấp nhận thanh toán bổ sung tạm ứng (hoặc sẽ có thư gửi Bộ Tài chính thông báo rõ lý do nếu không chấp nhận thanh toán).

5. Chế độ báo cáo

5.1 Trong quá trình thực hiện Dự án, Chủ dự án có trách nhiệm gửi cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Phát triển Việt Nam các báo cáo sau :

- Báo cáo Dự án không muộn hơn 06 tháng kể từ Ngày kết thúc giải ngân.

- Báo cáo kiểm toán hàng năm và cung cấp mọi thông tin khác về tình hình tài chính của Chủ dự án nếu Bộ Tài chính và NIB có yêu cầu.

Các báo cáo trên cần được dịch sang tiếng Anh để gửi đồng thời cho phía NIB theo quy định của Hiệp định.

5.2 Hàng quý, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính đánh giá thực hiện các dự án sử dụng vốn vay lại và kế hoạch trả nợ vốn vay lại trong quý tiếp theo.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2012.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Dự án và triển khai Hạn mức tín dụng, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27228&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận