Văn bản pháp luật: Thông tư 195/2010/TT-BTC

Nguyễn Hữu Chí
Toàn quốc
Công báo số 725+726
Thông tư 195/2010/TT-BTC
Thông tư
20/01/2011
06/12/2010

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn việc xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan

Thứ trưởng
2.010
Bộ Tài chính

Toàn văn

 THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan

_______________________________

Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, gồm:

1. Hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quá thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan mà chủ hàng không ký hợp đồng gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan;

2. Hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quá thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan mà chủ hàng không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan;

3. Hàng hoá trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ hàng có văn bản từ bỏ hàng hoá gửi kho ngoại quan.

4. Đối với hàng hoá còn trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ kho ngoại quan phát hiện hàng hoá đó bị hư hỏng gây ô nhiễm môi trường, hàng hoá hết hạn sử dụng thì chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ hàng hoá biết để xử lý theo quy định và hợp đồng thuê kho ngoại quan. Trường hợp quá hạn xử lý theo thông báo mà chủ hàng không xử lý thì hàng hoá đó được xử lý theo quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng thực hiện

1. Chủ kho ngoại quan.

2. Cục Hải quan, Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.

3. Hội đồng xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan.

4. Chủ hàng hoá gửi trong kho ngoại quan.

5. Các đối tượng khác có liên quan đến xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan.

Chương II

XỬ LÝ HÀNG HOÁ TỒN ĐỌNG TRONG KHO NGOẠI QUAN

Điều 3. Thông báo về hàng hoá gửi trong kho ngoại quan

1. Chậm nhất là 15 ngày, trước ngày hợp đồng thuê kho ngoại quan hoặc hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan hết hạn, chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ hàng và Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan biết về hợp đồng thuê kho hoặc hợp đồng gia hạn thuê kho sắp hết hạn.

2. Định kỳ hàng quý (vào 15 ngày cuối quý), chủ kho ngoại quan có trách nhiệm báo cáo Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan về tình hình hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan theo Biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp có hàng hoá tồn đọng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này, chủ kho ngoại quan có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan gửi Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan để xử lý.

Trường hợp chưa đến thời hạn báo cáo định kỳ nhưng có hàng hoá tồn đọng phải xử lý là hàng hoá hư hỏng gây ô nhiễm môi trường, hàng hoá hết hạn sử dụng hoặc hạn sử dụng còn dưới 45 ngày thì chủ kho ngoại quan có trách nhiệm lập hồ sơ để xử lý ngay trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan

1. Hồ sơ đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan được lập thành hai (02) bộ; một (01) bộ gửi Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan, một (01) bộ lưu tại kho ngoại quan.

2. Hồ sơ đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan bao gồm:

a) Công văn đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan của chủ kho ngoại quan gửi Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan: bản chính;

b) Hợp đồng thuê kho ngoại quan; Hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan (nếu có): bản sao;

c) Các thông báo của chủ kho ngoại quan cho chủ hàng (nếu có): bản sao;

d) Văn bản của chủ hàng về việc từ bỏ hàng hoá gửi trong kho ngoại quan (nếu có): bản sao;

đ) Bảng kê số lượng, chủng loại, quy cách hàng hoá còn tồn đọng trong kho ngoại quan, số hợp đồng thuê kho, số/ngày tờ khai nhập, xuất kho ngoại quan: bản chính;

e) Các hồ sơ, chứng từ khác liên quan đến hàng hoá gửi kho ngoại quan: bản sao.

3. Các bản sao quy định tại các điểm b, c, d và e khoản 2 Điều này phải được ký xác nhận và đóng dấu của chủ kho ngoại quan.

Điều 5. Hội đồng xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan

1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này của chủ kho ngoại quan, Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có kho ngoại quan) quyết định thành lập Hội đồng xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan (gọi chung là Hội đồng xử lý), với thành phần gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục Hải quan;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan;

c) Các thành viên:

- Chủ kho ngoại quan hoặc người đại diện được chủ kho ngoại quan uỷ quyền;

- Đại diện Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi có kho ngoại quan);

- Đại diện đơn vị có liên quan (nếu cần).

2. Số lượng các thành viên Hội đồng do Cục trưởng Cục Hải quan quyết định theo đề nghị của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan căn cứ vào khối lượng, tính chất hàng hoá tồn đọng, nhiệm vụ phải xử lý. Trong quá trình hoạt động, Hội đồng xử lý được sử dụng con dấu của Cục Hải quan để thực hiện nhiệm vụ.

3. Hội đồng xử lý tự động giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ được quy định tại quyết định thành lập Hội đồng.

Trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tế xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan, Cục trưởng Cục Hải quan thành lập Hội đồng xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan cho từng năm để xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan thuộc phạm vi quản lý phát sinh trong năm đó.

Điều 6. Trình tự xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan

1. Kiểm kê, phân loại, lập phương án xử lý đối với hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định thành lập, Hội đồng xử lý hoàn thành thủ tục mở niêm phong kho, niêm phong hàng hoá hoặc niêm phong container (nếu có), thực hiện kiểm đếm số lượng hàng hoá tồn đọng thực tế tại kho ngoại quan, phân loại hàng hoá, xác định giá trị của hàng hoá (nếu xử lý theo hình thức bán) để lập phương án xử lý theo quy định sau đây:

a) Đối với hàng hoá không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng) hoặc thuộc diện cấm lưu hành theo quy định của pháp luật Việt Nam thì thực hiện tiêu huỷ.

b) Đối với hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật thì Hội đồng xử lý chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Đối với hàng hoá không thuộc phạm vi quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì xử lý bán.

Trường hợp hàng hoá quy định tại điểm này thuộc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện thì Hội đồng xử lý đề nghị Cục Hải quan báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu.

Việc định giá để làm căn cứ xây dựng phương án xử lý quy định tại khoản này được căn cứ vào chất lượng còn lại của hàng hóa và giá bán của hàng hoá mới cùng loại. Phương pháp định giá thực hiện theo Quy chế tính giá hàng hoá, dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản này, nếu thấy cần thiết, Hội đồng xử lý được thuê tổ chức giám định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để giám định chất lượng, làm cơ sở xây dựng phương án xử lý tài sản và xác định giá trị tài sản.

2. Việc bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan được thực hiện thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây được phép bán trực tiếp (không thông qua đấu giá):

a) Hàng hoá thuộc diện dễ bị hư hỏng hoặc thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác hàng hoá hoặc hồ sơ kèm theo hàng hoá còn dưới 30 ngày;

b) Giá trị hàng hoá theo kết quả định giá của Hội đồng xử lý dưới 50 triệu đồng/lô hàng hóa.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành các công việc quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng xử lý có trách nhiệm tổ chức xử lý tài sản như sau:

a) Đối với hàng hoá phải tiêu huỷ: Việc tổ chức tiêu huỷ phải được Hội đồng xử lý lập Biên bản tiêu huỷ và giao Chủ kho ngoại quan thực hiện tiêu huỷ số hàng hoá này có sự chứng kiến của Hội đồng xử lý. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng xử lý mời cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chứng kiến việc tiêu huỷ.

Đối với loại hàng hoá mà việc tiêu huỷ làm ảnh hưởng đến môi trường thì phải được sự chấp thuận và hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường sở tại trước khi tổ chức tiêu huỷ.

Nội dung chủ yếu của Biên bản tiêu huỷ gồm: căn cứ và lý do thực hiện tiêu huỷ; thời gian, địa điểm tiêu huỷ; thành phần tham gia tiêu huỷ; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá tại thời điểm tiêu huỷ; hình thức tiêu huỷ và các nội dung khác có liên quan.

b) Đối với hàng hoá bán trực tiếp: Trên cơ sở giá trị hàng hoá được xác định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng xử lý tổ chức bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua.

Việc bán hàng hoá phải được lập biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ thực hiện bán; thời gian, địa điểm bán; người bán; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá tại thời điểm bán; đơn giá bán, giá trị thanh toán; người mua và các nội dung khác có liên quan.

c) Đối với hàng hoá bán đấu giá: Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá là giá do Hội đồng xử lý xác định theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Trình tự, thủ tục bán đấu giá hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Hội đồng xử lý có thể trực tiếp tổ chức bán đấu giá hoặc thuê các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) thực hiện việc bán đấu giá đối với số hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan.

d) Giá bán trực tiếp cho người mua và giá trúng đấu giá quy định tại điểm b, điểm c khoản này đã bao gồm các loại thuế người mua phải nộp theo quy định của pháp luật.

4. Khi bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều này, Hội đồng xử lý có trách nhiệm:

a) Trích từ số tiền thu được do bán hàng hoá để nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật. Thuế suất được áp dụng theo các quy định tại thời điểm người mua đăng ký Tờ khai hải quan với cơ quan Hải quan. Số thuế phải nộp được xác định trên cơ sở giá bán thực tế hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan cho người mua. Phương pháp tính thuế, loại thuế áp dụng (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…) thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

b) Hướng dẫn người mua được hàng hoá làm thủ tục đưa hàng từ kho ngoại quan vào nội địa và cung cấp bộ chứng từ để người mua làm thủ tục (lập hồ sơ) hải quan nhập khẩu hàng vào nội địa, gồm:

- Biên bản bán hàng hoá (trong trường hợp bán trực tiếp) hoặc Biên bản bán đấu giá tài sản (trong trường hợp bán đấu giá): bản chính;

- Hợp đồng mua bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan ký giữa Hội đồng xử lý và người mua hàng hoá: bản chính;

- Hoá đơn bán hàng: bản chính;

- Phiếu xuất kho: bản chính;

- Văn bản xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế của Hội đồng xử lý: bản chính;

- Tờ khai hàng hoá nhập, xuất kho ngoại quan: bản sao;

- Vận đơn: bản sao.

Các bản sao phải có ký xác nhận và đóng dấu của Hội đồng xử lý.

Chương III

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI XỬ LÝ HÀNG HOÁ

TỒN ĐỌNG TRONG KHO NGOẠI QUAN

Điều 7. Quản lý số tiền thu từ bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan

Toàn bộ tiền thu về bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan được nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi có kho ngoại quan) mở tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 8. Nội dung chi liên quan đến xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan

1. Nộp thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

2. Chi thuê các dịch vụ liên quan đến xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan bao gồm: chi thuê giám định chất lượng, chi thông tin quảng cáo, chi in ấn tài liệu hồ sơ bán đấu giá, phí bán đấu giá (trong trường hợp thuê các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện).

3. Chi phí dịch vụ kho ngoại quan (nếu có).

4. Chi bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng xử lý trong quá trình xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan (kiểm kê, phân loại, giám định, định giá, lập phương án xử lý, tổ chức xử lý hàng hoá) theo mức tối đa không quá 70.000 đồng/ngày/người. Ngày thanh toán là số ngày thực tế các thành viên thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.

Điều 9. Thanh toán

1. Cục Hải quan căn cứ vào tính hợp lý, hợp lệ của các khoản chi phí liên quan đến xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan do Hội đồng xử lý đề nghị, kiểm soát các hồ sơ, chứng từ có liên quan và đề nghị Kho bạc Nhà nước thực hiện chi trả. Việc chi trả được thực hiện đúng theo thứ tự ưu tiên tuần tự từ khoản 1 đến khoản 4 của Điều 8 Thông tư này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cuối năm ngân sách, số tiền thu được từ việc bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan trên tài khoản tạm giữ của Cục Hải quan (nơi có kho ngoại quan) mở tại Kho bạc Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này, sau khi trừ đi các chi phí quy định tại Điều 8 Thông tư này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Trường hợp tiền thu từ bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan của một lần xử lý không đủ chi trả toàn bộ các khoản chi phí thì việc chi trả được thực hiện theo thứ tự ưu tiên tuần tự từ khoản 1 đến khoản 4 nêu tại Điều 8 Thông tư này.

Trường hợp tiền thu từ bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan sau khi nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật (nếu có) không đủ chi trả các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này thì Hội đồng xử lý báo cáo Cục Hải quan quyết định việc sử dụng số tiền còn tồn trên tài khoản tạm giữ để chi trả các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này; trường hợp tài khoản tạm giữ không còn tiền thì số tiền còn thiếu do Cục Hải quan sắp xếp trong phạm vi dự toán được giao để chi trả.

2. Đối với hàng hoá tồn đọng kho ngoại quan phải tiêu huỷ, chủ kho ngoại quan ứng trước kinh phí để thực hiện tiêu huỷ. Sau khi hoàn thành việc tiêu huỷ, chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng để chủ hàng hoàn trả cho chủ kho ngoại quan toàn bộ các chi phí liên quan đến việc tổ chức tiêu huỷ; trường hợp chủ hàng từ bỏ, từ chối hoặc không chi trả thì chủ kho ngoại quan được hạch toán số kinh phí đã ứng trước nhưng không thu hồi được vào chi phí của chủ kho ngoại quan.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2011.

2. Bãi bỏ Thông tư số 36/2003/TT-BTC ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25914&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận