Kính gửi : - Các Uỷ ban hành chính thành phố Hà-Nội, Hải-Phòng, Khu tự
trị Việt-Bắc, Khu Hồng-Quảng và các tỉnh Nghệ-An Nam-Định.
Đồng gửi : - Các cơ quan Lao động thuộc các địa phương trên.
Công tác bổ túc nghề nghiệp và đào tạo thợ mới là một công tác rất quan trọng và cấp thiết hiện nay. Nó không những chỉ nhằm xây dựng một lực lượng công nhân lành nghề và giác ngộ về chính trị, để sử dụng tốt các thiết bị máy móc mới nâng cao năng suất lao động, mà còn chuẩn bị một lực cần thiết cho công cuộc phát triển nền công nghiệp sau này.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/TTg ngày 6-1-1958 quy định rõ trách nhiệm cho các ngành, các Bộ như sau:
- Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo thợ mới hiện nay căn bản là do các Bộ, các ngành sử dụng công nhân chịu trách nhiệm chính. Các Bộ, các ngành, các ông Giám đốc các xí nghiệp công trường phải coi trọng công tác bổ túc và đào tạo cho công nhân và sẽ tuỳ tình hình sản xuất, tuỳ yêu cầu khối lượng công tác mà tổ chức bộ máy hoặc cử cán bộ có năng lực phụ trách.
Nhiệm vụ của các bộ phận chuyên trách công tác bổ túc và đào tạo là: Nghiên cứu chương trình kế hoạch, biện pháp biện soạn tài liệu, quy định thì giờ, lập dự trù kinh phí, tổ chức các trường, lớp học cho công nhân v.v...
- Riêng Bộ Lao động làm nhiệm vụ tổng hợp có trách nhiệm cùng Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và các Bộ nghiên cứu xây dựng kế hoạch bổ túc và đào tạo công nhân, xây dựng các chính sách, quy định các chế độ phụ cấp, góp ý kiến hướng dẫn trong việc chiêu sinh, tham góp ý kiến về chương trình, nội dung, thì giờ giảng dạy; theo dõi kiểm tra đôn đốc, giúp đỡ các ngành thực hiện đúng chủ chương, đường lối của Chính phủ, tổ chức trao đổi kinh nghiệm về bổ túc và đào tạo công nhân; cùng với Tổng liên đoàn Lao động Việt-nam và các đoàn thể quần chúng, động viên phong trào học tập nghề nghiệp trong công nhân.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Bộ quy định trách nhiệm cho các Uỷ ban hành chính giúp Bộ làm những nhiệm vụ dưới đây:
1. Tham gia ý kiến với các xí nghiệp, công trường và các ngành thuộc địa phương xây dựng kế hoạch bổ túc và đào tạo thợ.
2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, góp ý kiến với các nhà máy, công trường, xí nghiệp, hầm mỏ và các trường lớp đào tạo công nhân tại địa phương, thực hiện công tác bổ túc nghề nghiệp vào đào tạo thợ mới theo đúng đường lối, chủ chương chính sách, chỉ tiêu kế hoạch và các chế độ của Chính phủ đã ban hành.
3. Tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm, và rút kinh nghiệm giữa các xí nghiệp, công trường với nhau về chương trình và phương pháp giảng dạy, về kế hoạch kèm cặp, dìu dắt thợ kém, về kế hoạch tổ chức và lãnh đạo các lớp bổ túc nghề nghiệp tại chức và các trường lớp của các Bộ, các ngành mở tại địa phương.
4. Phối hợp với Công đoàn các cấp và các đoàn thể quần chúng ở địa phương như thanh niên, phụ nữ để động viên công nhân tham gia học tập bổ túc nghề nghiệp.
5. Tham gia vào các Hội đồng tuyển sinh và Hội đồng chấm thi tốt nghiệp của các trường lớp đào tạo thợ trong địa phương.
6. Góp ý kiến với các xí nghiệp, công trường giải quyết những khó khăn trở ngại trong khi tiến hành thực hiện công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo thợ mới.
Về tổ chức và bộ máy, các Uỷ ban sẽ sử dụng cơ quan Lao động địa phương đảm nhiệm. Song để cơ quan Lao động giúp Uỷ ban thực hiện được những nhiệm vụ trên, các Uỷ ban cần bố trí cán bộ cho các cơ quan Lao động để có người chuyên trách, nhất là ở những địa phương có nhiều xí nghiệp, công trường hoặc tập trung đông công nhân như Hà Nội, Hải phòng, Hồng Quảng thì tối thiểu cần phải có một cán bộ ; đối với các tỉnh khác thì hiện nay có thể bố trí cán bộ bán chuyên trách.
Riêng đối với Khu Tự trị Việt-Bắc, do tính chất nhiệm vụ của Khu, và để chuẩn bị lực lượng dự trữ sau này, nên cũng cần thiết phải có một cán bộ chuyên trách.
Đối với những cán bộ chuyên trách công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo thợ mới, Bộ lưu ý các Uỷ ban cần cử cán bộ có am hiểu phần nào về kỹ thuật công nghiệp, tốt nhất là những cán bộ đã từng ở xí nghiệp có nghề chuyên môn.
Tiếp được Thông tư này, Bộ yêu cầu các Uỷ ban phổ biến cho các ngành chung quanh liên quan biết và hướng dẫn cơ quan Lao động địa phương tiến hành gấp, nhất là việc cử người chuyên trách để kịp tham dự cuộc họp sắp tới bàn về kế hoạch tiến hành cụ thể chủ trương đào tạo thợ, đồng thời để bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác bổ túc và đào tạo thợ của các địa phương.
Sau cùng, Bộ lưu ý các Uỷ ban hàng tháng, hàng quý báo cáo cho Bộ biết tình hình và kết quả công tác bổ túc và đào tạo thợ để Bộ kịp thời uốn nắn những thiếu sót và lệch lạc.