THÔNG TƯ
Hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu toàn phần và điều chế các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg ngày 07/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện;
Căn cứ Quyết định số 198/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình An toàn truyền máu;
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tại Công văn số 15322/BTC-HCSN ngày 29/10/2009 về việc tham gia ý kiến vào các văn bản liên quan đến giá máu toàn phần và chế phẩm máu, Bộ Y tế hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu toàn phần và các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn như sau:
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở y tế có chức năng tuyển chọn người hiến máu, tiếp nhận máu, thành phần máu, điều chế các chế phẩm máu, lưu trữ bảo quản phân phối máu và chế phẩm máu (sau đây gọi tắt là cơ sở tiếp nhận máu) theo quy định của Bộ Y tế; Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp; các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia tuyên truyền, vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện và người hiến máu.
Điều 2. Quy định về đơn vị máu, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.
1. Đơn vị máu, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn được lấy và bảo quản trong túi chất dẻo chứa máu có sẵn chất chống đông sau khi đã được làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc bắt buộc để bảo đảm an toàn truyền máu theo quy định của Quy chế truyền máu ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-BYT ngày 19/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Quy chế truyền máu).
2. Đối với các xét nghiệm bổ sung quy định tại Điều 19 của Quy chế truyền máu gồm:
a) Xét nghiệm sàng lọc các kháng thể bất thường;
b) Xét nghiệm men gan Alanin Aminotransferase;
c) Xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu: xét nghiệm Nucleic Acid Test (NAT) sàng lọc HBV, HCV, HIV; kháng thể HBc IgM, kháng thể CMV IgM, kháng thể HTLV-I và HTLV-II, Parvovirus B19.
Các cơ sở truyền máu chỉ thực hiện các xét nghiệm nêu trên khi đáp ứng các quy định của Quy chế truyền máu. Chi phí của các xét nghiệm này không tính trong giá của các đơn vị máu, chế phẩm máu; cơ sở truyền máu thu trực tiếp của người bệnh hoặc thanh toán với quỹ Bảo hiểm y tế (theo quy định hiện hành của pháp luật về Bảo hiểm y tế) theo giá viện phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với từng loại xét nghiệm.
Điều 3. Nội dung và mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc, điều chế máu và các chế phẩm máu:
1. Chi hỗ trợ cho các đơn vị, cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện: Mức chi tối đa là 30.000 đồng/người hiến máu.
Nội dung chi hỗ trợ, mức chi hỗ trợ cụ thể và sử dụng khoản kinh phí này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư số 182/2009/TT-BTC ngày 14/9/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện.
2. Chi ăn uống nhẹ tại chỗ cho người hiến máu (cả người hiến máu tình nguyện và hiến máu chuyên nghiệp): Mức chi tối đa là 20.000 đồng/người/lần hiến máu. Các cơ sở tiếp nhận máu có trách nhiệm tổ chức chu đáo, công khai để người hiến máu được ăn uống tại chỗ trước hoặc sau khi hiến máu.
3. Chi bồi dưỡng trực tiếp cho người hiến máu chuyên nghiệp:
a) Đối với người hiến máu toàn phần:
- 140.000 đồng tính cho một đơn vịmáu có thể tích 250 ml.
- 200.000 đồng tính cho một đơn vị máu có thể tích 350 ml.
- 260.000 đồng tính cho một đơn vị máu có thể tích450 ml.
Trường hợp thể tích máu tăng thêm hoặc giảm đi so với các đơn vị thể tích trên thì được cộng thêm hoặc giảm đi tương ứng 600 đồng/01 ml.
b) Đối với người hiến để gạn tách các thành phần máu (khối tiểu cầu, khối bạch cầu hạt, tế bào gốc máu ngoại vi...):
+ 300.000 đồng tính cho thể tích chế phẩm từ 250 đến dưới 400 ml.
+ 450.000 đồng tính cho thể tích chế phẩm từ 400 đến 500 ml.
4. Chi phí đối với người hiến máu tình nguyện:
a) Chi quà tặng bằng hiện vật nhằm động viên khuyến khích, bồi dưỡng sức khỏe đối với người hiến máu tình nguyện: Mức chi tối đa là 80.000 đồng/người/lần hiến máu (áp dụng cho tất cả các loại thể tích máu).
b) Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện: Mức chi tối đa là 30.000 đồng/người/lần hiến máu.
Các cơ sở tiếp nhận máu căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định mức hỗ trợtrong phạm vi mức chi tối đa nêu trên và hình thức hỗ trợ, đảm bảo khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia hiến máu tình nguyện.
5. Chi phí dụng cụ lấy máu, túi chứa máu bằng chất dẻo, vật tư, văn phòng phẩm, điện, nước phục vụ công tác lấy máu, xét nghiệm và sàng lọc máu, chế phẩm máu.
6. Chi phí thuê xe, mua xăng, dầu khi đi lấy máu tại các điểm lấy máu lưu động theo hoá đơn, hợp đồng thực tế.
7. Chi phí khám lâm sàng; chi phí mua vật tư, hóa chất, test, kit để làm các xét nghiệm bắt buộc quy định tại Điều 17 của Quy chế truyền máu.
8.Chi phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận, sàng lọc và lưu trữ máu, chế phẩm máu.
9. Chi phí hủy những đơn vị máu không đạt tiêu chuẩn (máu bị nhiễm các bệnh lây lan qua đường truyền máu hoặc do lấy máu không đủ số lượng).
10. Chi hỗ trợ công tác tổ chức tư vấn cho người hiến máu tình nguyện tại các cơ sở y tế công lập được giao nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc máu.
11. Các khoản chi phí hợp lý và hợp pháp khác phục vụ cho công tác tiếp nhận, sàng lọc, sản xuất, lưu trữ và phân phối máu, chế phẩm máu.
Điều 4. Công tác quản lý
1. Các cơ sở y tế có chức năng tiếp nhận máu phải mở sổ theo dõi tình hình tiếp nhận, sử dụng kinh phí tiếp nhận, sàng lọc, điều chế và lưu trữ máu, chế phẩm máu theo quy định của pháp luật.
2. Công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Điều 5. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2010.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.