Văn bản pháp luật: Thông tư 21/2011/TT-BTC

Trương Chí Trung
Toàn quốc
Công báo số 119+120/2011
Thông tư 21/2011/TT-BTC
Thông tư
10/04/2011
18/02/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi

Thứ trưởng
2.011
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi

tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi

____________________________

Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi quy định tại Điều 13, Điều 21 và Điều 24 Luật Người cao tuổi như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi:

Thông tư này quy định nguồn kinh phí thực hiện; nội dung, mức chi; lập, chấp hành và quyết toán kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện các chính sách chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.

b) Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú và kinh phí chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi.

2. Kinh phí biểu dương, khen thưởng người cao tuổi có thành tích xuất sắc thực hiện theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

3. Nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nội dung và mức chi

1. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú:

Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là trạm y tế xã) có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, được ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí để chi cho các hoạt động sau:

a) Chi tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khoẻ; hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khoẻ:

- Chi mua tài liệu, sách, báo liên quan đến chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chi tổ chức các buổi tuyên truyền tại trạm y tế xã, tổ chức tuyên truyền lưu động đến các thôn, bản đối với xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo:

+ Bồi dưỡng báo cáo viên: 200.000 đồng/người/buổi.

+ Chi nước uống cho người tham dự. Mức chi theo quy định hiện hành về chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Chi thuê hội trường, phông, bạt, bàn ghế, thiết bị loa đài,... (nếu có). Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hoá đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ).

+ Truyền thông trên phương tiện truyền thanh của xã: Chi biên tập 75.000 đồng/trang 350 từ; bồi dưỡng phát thanh viên 15.000 đồng/lần.

+ Chi công tác phí cho cán bộ trạm y tế xã đi tuyên truyền lưu động theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Chi lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khoẻ người cao tuổi:

Chi văn phòng phẩm, in hồ sơ, mua sổ sách, trang thiết bị phục vụ việc theo dõi, quản lý hồ sơ sức khoẻ người cao tuổi. Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Chi tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi:

- Trạm y tế xã lập kế hoạch, phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi tại địa phương theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Kinh phí thực hiện các đợt kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi do ngân sách địa phương đảm bảo trong dự toán hàng năm của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra sức khoẻ cho người cao tuổi theo phân cấp về chuyên môn y tế và phân cấp ngân sách của địa phương.

- Căn cứ vào hướng dẫn kiểm tra sức khoẻ định kỳ của Bộ Y tế, mức thu viện phí theo quy định hiện hành của địa phương và quy mô đợt kiểm tra sức khoẻ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi lập danh sách đối tượng gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ lập dự toán trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện.

d) Trạm y tế xã cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú cho người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng và có trách nhiệm:

- Hỗ trợ chi phí đi lại từ trạm y tế xã đến nơi ở của người cao tuổi (đi và về) cho cán bộ y tế xã để đến khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mức hỗ trợ tối đa 3.000 đồng/km đối với vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo; tối đa 2.000 đồng/km đối với các vùng còn lại.

- Hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú cho người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Mức hỗ trợ tối đa bằng mức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã.

đ) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ y tế và người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của trạm y tế xã. Mức hỗ trợ theo giá vé phương tiện vận tải hành khách công cộng hoặc giá thuê thực tế phương tiện vận chuyển (trường hợp không có phương tiện vận tải hành khách công cộng).

2. Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi:

a) Mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi:

- Người cao tuổi 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà gồm 5 mét vải lụa và 500.000 đồng tiền mặt.

- Người cao tuổi 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà gồm hiện vật trị giá trị 100.000 đồng và 300.000 đồng tiền mặt.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương quy định mức quà tặng người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 tuổi và trên 100 tuổi.

Kinh phí chúc thọ và tặng quà người cao tuổi 90 tuổi và 100 tuổi được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực của Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh). Kinh phí tặng quà người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

b) Nội dung và mức chi tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi:

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương và gia đình của người cao tuổi tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hoá, phong tục, tập quán của địa phương; bảo đảm kinh phí để chi cho các hoạt động sau:

- Chi in ấn hoặc mua “Giấy mừng thọ”.

- Chi nước uống, hoa quả, bánh kẹo. Mức chi bình quân 10.000 đồng/người tham dự.

- Chi thuê hội trường, phông, bạt, bàn ghế, thiết bị loa đài... (nếu có). Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hoá đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ).

3. Chi biểu dương, khen thưởng người cao tuổi có thành tích xuất sắc: Hình thức khen thưởng và mức khen thưởng thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn Luật.

Điều 4. Trách nhiệm của Hội Người cao tuổi các cấp

1. Hội Người cao tuổi các cấp giám sát việc thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi thuộc địa phương mình quản lý; có trách nhiệm cung cấp thông tin về người cao tuổi và phối hợp với trạm y tế xã, phường, thị trấn trong việc triển khai thực hiện.

2. Hội Người cao tuổi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm lập danh sách người cao tuổi 90 tuổi và 100 tuổi gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để lập dự toán chi chúc thọ, mừng thọ đảm bảo đúng đối tượng và định mức quy định; phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chúc thọ, mừng thọ theo quy định.

3. Hội Người cao tuổi tại địa phương phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và gia đình người cao tuổi tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày: ngày người cao tuổi Việt Nam, ngày quốc tế người cao tuổi, Tết nguyên đán, sinh nhật người cao tuổi.

Điều 5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ, khen thưởng người cao tuổi

Công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ, khen thưởng người cao tuổi được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2011.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để bổ sung, sửa đổi./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26172&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận