Văn bản pháp luật: Thông tư 21/2011/TT-BTP

Đinh Trung Tụng
Toàn quốc
Công báo số 619+620, năm 2011
Thông tư 21/2011/TT-BTP
Thông tư
05/01/2012
21/11/2011

Tóm tắt nội dung

Về việc quản lý văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam

Tư pháp
Thứ trưởng
2.011
Bộ Tư pháp

Toàn văn

THÔNG TƯ

Về việc quản lý văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam

______________________

 

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Bộ Tư pháp ban hành Thông tư về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chi tiết thi hành một số quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (sau đây gọi là Nghị định số 19/2011/NĐ-CP) về thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam của tổ chức con nuôi nước ngoài; quyền, nghĩa vụ của Văn phòng con nuôi nước ngoài; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

1. Theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, căn cứ vào số lượng và nhu cầu của trẻ em Việt Nam cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài, điều kiện và năng lực của tổ chức con nuôi nước ngoài có nhu cầu hoạt động tại Việt Nam, sau khi trao đổi với Cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế của nước ngoài hữu quan, hằng năm Cục Con nuôi phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an xem xét, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định số lượng tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức con nuôi nước ngoài).

2. Tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức Văn phòng con nuôi nước ngoài.

Văn phòng con nuôi nước ngoài có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức con nuôi nước ngoài chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3. Tham gia thực hiện thủ tục giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài

Văn phòng con nuôi nước ngoài được tham gia vào việc thực hiện các thủ tục giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và Thông tư này.

Chương II

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, SỬA ĐỔI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG NUÔI CON NUÔI NƯỚC NGOÀI

Điều 4. Về hồ sơ xin cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động

1. Hồ sơ của tổ chức con nuôi nước ngoài xin cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo quy định tại các Điều 31, 34, 35 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

a) Bản sao giấy phép của tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP phải là bản sao chứng thực, trong đó thể hiện rõ tổ chức đó được hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam hoặc lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

b) Trường hợp tổ chức con nuôi nước ngoài đã hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, thì văn bản báo cáo về tình hình hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 và khoản 2 Điều 34 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP phải do người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài ký tên và đóng dấu.

2. Hồ sơ của tổ chức con nuôi nước ngoài xin cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam phải được lập thành 02 bộ, dịch ra tiếng Việt; bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam trước khi nộp cho Cục Con nuôi.

Điều 5. Trình tự cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động

1. Trình tự cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam của tổ chức con nuôi nước ngoài được thực hiện theo quy định tại các Điều 33, 34, 35 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

a) Sau khi nhận được văn bản trả lời của Bộ Công an hoặc hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 33, khoản 4 Điều 34 và khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, Cục Con nuôi có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét quyết định.

b) Trường hợp tổ chức con nuôi nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động tại Việt Nam với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối đa quy định tại khoản 4 Điều 33 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, thì chỉ cấp, gia hạn Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam bằng thời hạn của giấy phép do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hữu quan cấp cho tổ chức con nuôi nước ngoài.

2. Tổ chức con nuôi nước ngoài có những hoạt động tích cực hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì được ưu tiên xem xét cấp Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Chương III

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA VĂN PHÒNG CON NUÔI NƯỚC NGOÀI

Điều 6. Thay mặt người nhận con nuôi thực hiện các thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi ở Việt Nam

1. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi, Văn phòng con nuôi nước ngoài được thay mặt người nhận con nuôi tiến hành các hoạt động sau đây nhằm thực hiện các thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi ở Việt Nam:

a) Hoàn thiện hồ sơ của người nhận con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Nộp hồ sơ của người nhận con nuôi cho Cục Con nuôi và nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định;

c) Bổ sung tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ của người nhận con nuôi theo yêu cầu của Cục Con nuôi;

d) Gửi ảnh và thông tin về trẻ em cho người nhận con nuôi sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đồng ý giới thiệu trẻ em làm con nuôi;

đ) Đưa trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đi kiểm tra hoặc khám sức khỏe bổ sung sau khi có sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó;

e) Gửi Cục Con nuôi văn bản đồng ý của người nhận con nuôi về trẻ em được giới thiệu và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hữu quan cho tiếp tục hoàn thiện thủ tục nuôi con nuôi;

g) Nộp chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định;

h) Hỗ trợ người nhận con nuôi trong các thủ tục về xuất nhập cảnh, đi lại, cư trú, phiên dịch khi họ đến Việt Nam để hoàn tất các thủ tục xin nhận trẻ em làm con nuôi;

i) Phối hợp với cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tổ chức cho người nhận con nuôi làm quen, tiếp xúc với trẻ em đã được giới thiệu làm con nuôi;

k) Hỗ trợ người nhận con nuôi trong lễ giao nhận con nuôi;

l) Hỗ trợ người nhận con nuôi trong các thủ tục về hộ chiếu, thị thực cho trẻ em xuất cảnh Việt Nam, nhập cảnh và định cư tại nước ngoài hữu quan.

2. Văn phòng con nuôi nước ngoài không được đại diện về mặt pháp lý cho cha mẹ nuôi nước ngoài.

Điều 7. Hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác.

1. Văn phòng con nuôi nước ngoài có chương trình hỗ trợ đặc biệt để tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV hoặc trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác thì phải gửi văn bản chi tiết của chương trình đó cho Cục Con nuôi, trong đó mô tả rõ về năng lực của nhân viên phụ trách, các công việc chuẩn bị cho cha mẹ nuôi và những biện pháp giám sát sau khi nhận con nuôi.

2. Trong việc hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV hoặc trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi, Văn phòng con nuôi nước ngoài được tiến hành các hoạt động quy định từ điểm a đến điểm e và từ điểm h đến điểm l của khoản 1 Điều 6 của Thông tư này và các hoạt động sau đây:

a) Chủ động lựa chọn và thông báo cho Cục Con nuôi danh sách người nhận con nuôi có nguyện vọng và đủ điều kiện để nhận trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV hoặc trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;

b) Hỗ trợ việc kiểm tra sức khỏe, khám bệnh, xét nghiệm hoặc giám định bổ sung để hoàn thiện hồ sơ sức khỏe của trẻ em và hỗ trợ chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV hoặc trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác theo đề nghị của Cục Con nuôi;

c) Thông tin đầy đủ và chi tiết về hồ sơ sức khỏe của trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV hoặc trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác cho người nhận con nuôi để họ xem xét khả năng trẻ em làm con nuôi sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Con nuôi.

Điều 8. Thuê trụ sở, sử dụng lao động Việt Nam

Tổ chức con nuôi nước ngoài được thuê trụ sở và sử dụng lao động Việt Nam làm việc tại Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi và hướng dẫn sau đây:

1. Tổ chức con nuôi nước ngoài phải gửi cho Cục Con nuôi văn bản thông báo về địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số FAX, địa chỉ thư tín của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và 01 bản hợp đồng thuê trụ sở (nếu có).

2. Trường hợp sử dụng lao động Việt Nam làm việc tại Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức con nuôi nước ngoài phải ký hợp đồng sử dụng lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam và gửi cho Cục Con nuôi văn bản thông báo về danh sách nhân viên làm việc tại Văn phòng, địa chỉ liên hệ và 01 bản hợp đồng sử dụng lao động. Nhân viên làm việc tại Văn phòng con nuôi nước ngoài phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm làm việc và đạo đức tốt.

Điều 9. Nghĩa vụ báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em

1. Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm đôn đốc cha mẹ nuôi nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ báo cáo đúng hạn về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài trong vòng 3 năm kể từ khi trẻ em được nhận làm con nuôi. Hạn báo cáo được tính như sau:

a) Báo cáo 6 tháng đầu năm được tính kể từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 của năm hiện tại;

b) Báo cáo 6 tháng cuối năm được tính kể từ ngày 01 tháng 4 đến hết ngày 30 tháng 9 của năm đó.

2. Trên cơ sở báo cáo của cha mẹ nuôi, Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm gửi Cục Con nuôi Tổng hợp báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi và hướng dẫn sau đây:

a) Trước ngày 31 tháng 10 hằng năm, Văn phòng con nuôi nước ngoài gửi cho Cục Con nuôi Tổng hợp báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được Văn phòng con nuôi nước ngoài đó hỗ trợ nhận làm con nuôi ở nước ngoài. Tổng hợp báo cáo phải theo đúng Mẫu số 1 kèm Thông tư này, trong đó phải tổng hợp đầy đủ, trung thực các thông tin về tình hình phát triển của trẻ em.

b) Tổng hợp báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam phải do người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài ký tên, đóng dấu và dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam trước khi gửi cho Cục Con nuôi.

3. Ngoài việc gửi Tổng hợp báo cáo định kỳ hằng năm theo quy định tại khoản 2 Điều này, Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm gửi báo cáo đột xuất về trường hợp trẻ em Việt Nam cụ thể được nhận làm con nuôi ở nước ngoài theo yêu cầu của Cục Con nuôi.

4. Việc nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài được coi là một trong các căn cứ để Cục Con nuôi tiếp nhận hồ sơ xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thông qua tổ chức con nuôi nước ngoài.

Điều 10. Nghĩa vụ báo cáo về tình hình hoạt động

1. Trước ngày 15 tháng 4 và 15 tháng 10 hằng năm, Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm gửi cho Cục Con nuôi báo cáo 6 tháng và cả năm về tình hình hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo đúng Mẫu số 2 kèm Thông tư này; cách tính hạn báo cáo được thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 9 của Thông tư này; báo cáo phải được người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài ký tên, đóng dấu trước khi gửi cho Cục Con nuôi.

2. Việc nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ báo cáo về tình hình hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài được coi là một trong các căn cứ để xem xét cho phép gia hạn giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Chương IV

KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI VĂN PHÒNG CON NUÔI NƯỚC NGOÀI

Điều 11. Cơ quan kiểm tra

1. Cục Con nuôi thực hiện quản lý, kiểm tra đối với các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; định kỳ hằng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình hình hoạt động của các Văn phòng con nuôi nước ngoài.

2. Trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của Bộ, ngành hữu quan, Bộ Tư pháp thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 12. Nội dung kiểm tra

1. Kiểm tra hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm:

a) Việc chấp hành nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận của Văn phòng con nuôi nước ngoài: tình hình thu, chi tài chính và chế độ lập sổ sách theo dõi việc thu, chi tài chính của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;

b) Việc chấp hành Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tư pháp cấp;

c) Kết quả giải quyết cho trẻ em làm con nuôi thông qua hỗ trợ của Văn phòng con nuôi nước ngoài;

d) Việc chấp hành quy định, hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài;

đ) Việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này;

e) Việc thực hiện nghĩa vụ khác của Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan.

2. Kiểm tra nhân sự của Văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm:

a) Việc đáp ứng tiêu chuẩn của người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 19/2011/NĐ-CP;

b) Việc ký kết, thực hiện hợp đồng sử dụng lao động và việc đáp ứng tiêu chuẩn của nhân viên Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này;

c) Các vấn đề khác liên quan đến tổ chức nhân sự của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

3. Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan về thuê trụ sở (nếu có).

Điều 13. Trình tự tiến hành kiểm tra

1. Việc kiểm tra Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam được tiến hành định kỳ hằng năm hoặc đột xuất.

2. Đối với việc kiểm tra định kỳ hằng năm, Cục Con nuôi thông báo cho Văn phòng con nuôi nước ngoài biết trước ít nhất 05 ngày làm việc về thời gian, thành phần, nội dung, kế hoạch và địa điểm kiểm tra; trường hợp kiểm tra đột xuất thì thông báo trước ít nhất 01 ngày làm việc.

3. Khi tiến hành kiểm tra phải lập biên bản về các nội dung kiểm tra; biên bản phải có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài. Trong trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy có hành vi vi phạm của Văn phòng con nuôi nước ngoài cần được xử lý kịp thời, trưởng đoàn kiểm tra đề xuất ngay với cấp có thẩm quyền để áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời, nhằm khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm và đề xuất hướng xử lý đối với Văn phòng con nuôi nước ngoài.

4. Chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Cục Con nuôi có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời thông báo cho Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và tổ chức con nuôi nước ngoài hữu quan về kết luận kiểm tra.

Điều 14. Thanh tra hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài

1. Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra đối với tất cả các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục thanh tra hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Văn phòng con nuôi nước ngoài nghiêm chỉnh chấp hành Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan khác, có thành tích xuất sắc trong hoạt động hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc giúp đỡ trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo tại Việt Nam thì được khen thưởng.

Cục trưởng Cục Con nuôi thực hiện chế độ khen thưởng đối với Văn phòng con nuôi nước ngoài hoặc trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng theo quy định.

2. Văn phòng con nuôi nước ngoài, người đứng đầu, nhân viên của Văn phòng con nuôi nước ngoài có hành vi vi phạm Thông tư này và các quy định pháp luật khác của Việt Nam trong lĩnh vực nuôi con nuôi, thì tùy tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật liên quan

Bãi bỏ Quyết định số 09/2006/QĐ-BTP ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2012.

Điều 18. Tổ chức thực hiện Thông tư

1. Cục Con nuôi tổ chức thực hiện Thông tư này và phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các Sở Tư pháp thực hiện quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những việc mới, Cục Con nuôi có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để kịp thời hướng dẫn.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27099&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận