Văn bản pháp luật: Thông tư 21/2012/TT-BLĐTBXH

Nguyễn Trọng Đàm
Toàn quốc
Công báo số 613+614, năm 2012
Thông tư 21/2012/TT-BLĐTBXH
Thông tư
20/11/2012
05/09/2012

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm

Bộ trưởng
2.012
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thông tư này hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm từ cơ sở (thôn/bản, tổ dân cư; xã/phường/ thị trấn) làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm của các địa phương và cả nước.

Điều 2. Tiêu chí, đối tượng, phạm vi, phương pháp và yêu cầu điều tra, rà soát

1. Tiêu chí: thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.

2. Đối tượng, phạm vi: toàn bộ hộ gia đình trên phạm vi cả nước.

3. Phương pháp: kết hợp các phương pháp nhận dạng nhanh, điều tra định lượng, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân.

4. Yêu cầu: bảo đảm tính chính xác, dân chủ, công khai, công bằng, có sự tham gia của người dân.

Chương II

QUY TRÌNH ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO Ở CẤP XÃ

Điều 3. Công tác chuẩn bị điều tra, rà soát

1. Tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên các phương tiện truyền thông.

2. Xây dựng phương án, kế hoạch, lực lượng, kinh phí tổ chức điều tra, rà soát.

3. Tập huấn quy trình, công cụ cho các điều tra viên.

Điều 4. Chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo

1. Xác định, lập danh sách các hộ thuộc diện điều tra, rà soát:

a) Xác định các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, cận nghèo:

- Ban chỉ đạo cấp xã: tổ chức họp với các chi hội đoàn thể, trưởng thôn/bản, tổ dân cư, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong năm để phát hiện những hộ kinh tế suy giảm hoặc gặp những biến cố có khả năng rơi xuống hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới di chuyển đến trong năm để đưa vào diện điều tra, rà soát;

- Sử dụng công cụ nhận dạng nhanh về tình trạng tài sản (sản xuất và sinh hoạt) của hộ gia đình để xác định hộ chắc chắn không nghèo, cận nghèo (Phụ lục 1):

+ Cho điểm hộ gia đình theo số lượng tài sản và các mức điểm cho từng loại tài sản (Phụ lục 3);

+ Nếu hộ gia đình có số điểm lớn hơn hoặc bằng số điểm quy định (Phụ lục 4 - mục 1), xác định hộ này thuộc diện hộ không nghèo, không cần điều tra tiếp;

+ Nếu hộ gia đình có số điểm nhỏ hơn số điểm quy định (Phụ lục 4 - mục 1), đưa hộ gia đình này vào danh sách hộ có khả năng rơi xuống cận nghèo, nghèo.

Kết quả: xác định và lập được danh sách sơ bộ các hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo.

b) Xác định các hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo:

Điều tra viên hướng dẫn hộ gia đình đánh giá về khả năng thoát nghèo, cận nghèo căn cứ vào các yếu tố có nguy cơ nghèo (Phụ lục 2).

- Trường hợp hộ gia đình có số yếu tố lớn hơn hoặc bằng số yếu tố quy định (Phụ lục 4 - mục 2) là hộ chắc chắn chưa thoát nghèo, không cần điều tra tiếp;

- Trường hợp hộ có số yếu tố nhỏ hơn số yếu tố quy định (Phụ lục 4 - mục 2) đưa vào danh sách hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo.

Kết quả: xác định, lập được danh sách sơ bộ các hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo.

c) Tổng hợp toàn bộ danh sách hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo và danh sách hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo thành danh sách hộ thuộc diện điều tra, rà soát thu nhập trên địa bàn.

2. Tổ chức điều tra thu nhập hộ gia đình (Phụ lục 5 - Phiếu B):

a) Những điểm cần lưu ý:

- Chỉ tính thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng qua;

- Không tính khoản trợ cấp an sinh xã hội từ ngân sách Nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình (như trợ cấp xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp tiền điện; trợ cấp khó khăn đột xuất …).

b) Kết quả điều tra, rà soát sơ bộ thu nhập hộ gia đình:

- Những hộ trong danh sách có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo (1a) nếu có thu nhập nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chí quy định đưa vào danh sách sơ bộ để tổ chức bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Những hộ trong danh sách hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo (1b) nếu có thu nhập lớn hơn tiêu chí quy định đưa vào danh sách sơ bộ để tổ chức bình xét hộ thoát nghèo, cận nghèo.

c) Niêm yết công khai danh sách hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo; hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo theo tiêu chí hiện hành tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản, ấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 5 ngày. Trường hợp hộ gia đình khiếu nại do không được điều tra, rà soát thu nhập, Ban chỉ đạo cấp xã cần tiến hành điều tra, rà soát bổ sung (Phiếu B), nếu thu nhập của hộ gia đình dưới mức tiêu chí quy định được tổng hợp vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo sơ bộ để tổ chức bình xét.

3. Tổ chức bình xét ở thôn/bản, tổ dân cư

a) Chủ trì Hội nghị là Trưởng thôn/bản, tổ dân cư; tham dự hội nghị gồm đại diện Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp xã, cán bộ giảm nghèo, bí thư chi bộ, chi hội trường các chi hội đoàn thể thôn/bản, tổ dân cư; các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét; đại diện các hộ gia đình trong thôn/bản, tổ dân cư (hội nghị phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự);

b) Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín); kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách đề nghị: hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới;

c) Kết quả bình xét phải được ghi vào biên bản; biên bản và danh sách hộ nghèo, cận nghèo qua bình xét được lập thành 02 bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký cuộc họp: 01 bản lưu ở thôn/bản, tổ dân cư; 01 bản gửi Ban chỉ đạo cấp xã (Phụ lục 6).

4. Tổ chức thu thập đặc điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo (Phụ lục 7- Phiếu C).

5. Phân loại hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội (Phụ lục 9, Phụ lục 10).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm của các cấp địa phương

1. Cấp xã: Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã trực tiếp chỉ đạo thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn với nhiệm vụ cụ thể như sau:

a) Phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo;

b) Tổ chức lực lượng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và tổ chức bình xét dân chủ, công khai tại cộng đồng dân cư (thôn/bản, tổ dân cư);

c) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận hộ nghèo, cận nghèo mới;

d) Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm.

2. Cấp huyện (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội):

a) Xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kế hoạch điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn;

b) Tổ chức tập huấn cho những người trực tiếp tham gia điều tra, rà soát (tổ chức tập trung theo đơn vị hành chính với huyện có ít xã, hoặc theo cụm xã nếu huyện có nhiều xã);

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn;

d) Tổ chức thẩm định kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã gửi lên; trường hợp thấy kết quả rà soát chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tổ chức phúc tra lại trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả rà soát;

đ) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới trên địa bàn huyện; thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để công nhận và báo cáo Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh;

e) Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm.

3. Cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội):

a) Xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch tổ chức điều tra, rà soát; thông nhất mẫu biểu thực hiện trên địa bàn;

b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cho cấp huyện;

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn;

d) Kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát;

đ) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn; báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, công nhận;

e) Cập nhật kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm.

Điều 6. Việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo phải được thực hiện vào thời điểm 01 tháng 10 hàng năm. Chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

Điều 7. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương có thể vận dụng các tiêu chí đánh giá về tài sản cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể trên địa bàn.

Điều 8. Kinh phí tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm và cập nhật cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn do ngân sách địa phương bố trí theo chế độ tài chính hiện hành.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2012, thay thế cho Thông tư số 04/2007/TT-LĐTBXH ngày 28 tháng 02 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=30416&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận